Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

TÌNH TỰ DO, KHÔNG ÁP LỰC | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI Thường Niên, Năm B

TMĐP- Đi vào tương quan yêu thương với Thiên Chúa là đáp lại ân tình Chúa dành riêng cho mỗi người và mọi người.

Đức Giêsu trên đường truyền giáo đã gọi rất nhiều người, nhưng không phải ai được gọi cũng đi theo làm môn đệ Ngài, và ngay cả nhiều người đã đi theo làm môn đệ, đã ăn chung uống chung với Ngài, đã cùng Ngài chia sẻ buồn vui, vinh nhục, thất bại, thành công cũng đã “rút lui, không còn đi theo Người nữa”, như Tin Mừng Gioan kể lại: sau khi Đức Giêsu công bố trước những người có mặt: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, thì “người Do Thái liền xầm xì phản đối”, các kinh sư, luật sĩ, kỳ mục bực bội, căm tức tìm cách diệt khẩu Ngài, và ngay  các môn đệ thân tín của Đức Giêsu cũng khó chịu lên tiếng nói với Ngài: “Lời này chướng tai qúa! Ai mà nghe nổi?” và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui”, bỏ Ngài (Ga 6,51.60.66).

Các bài đọc phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy rõ tương quan giữa mỗi người với Thiên Chúa là tương quan hoàn toàn tự do:

Với Ítraen, dân riêng của Ngài, Thiên Chúa  đề nghị họ  đi theo và thờ phượng Ngài, nhưng không áp chế, ép buộc họ. Bằng chứng là tại đại hội Sikhem, sau khi kể lại cho toàn dân Ítraen  những  công trình  kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho họ từ  thời Ápraham, tổ phụ cho đến khi  đưa họ vào đất hứa,và kêu gọi  mọi người “hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người” (Gs 24,14), ông Giôsuê đã đề nghị dân tự do chọn lựa Thiên Chúa hay các thần khác, mà không bắt họ phải rập theo lời khuyên dạy của  ông khi thẳng thắn nói với họ: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc các thần của người Êmôri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa.” (Gs 24, 15).

Thật rõ ràng và dứt khoát quan điểm cũng như chọn lựa của Giôsuê, vị thủ lãnh của Ítraen: rõ ràng quan điểm tôn trọng tự do tin hay từ bỏ, phụng thờ hay thờ ơ với Đức Chúa của mỗi người; đồng thời dứt khoát quyết định: “Tôi và gia đình tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa”.

Nếu với dân riêng, Thiên Chúa đã  tuyệt đối tôn trọng tự do của họ trong tương quan với Ngài như thế, thì hôm nay, Đức Giêsu cũng không làm khác hơn khi đề nghị với mỗi người chúng ta một tương quan hoàn toàn tự do với Ngài, như Ngài đã không ngại hỏi  Nhóm Mười Hai là những môn đệ rất thân tín: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?” (Ga 6,67)  khi nhiều người Do Thái phản đối,  Pharisêu và kỳ mục tìm cách tiêu diệt, nhiều môn đệ trách móc, và  “rút lui, không còn đi theo Ngài nữa”.

Sở dĩ Đức Giêsu không tạo áp lực trên bất cứ người nào, không làm khó dễ bất cứ ai  để họ phải miễn cưỡng đi vào tương quan với Ngài, vì tương quan ấy là tương quan tình yêu, không phải tương quan quyền lực, tương quan buôn bán, tương quan  ảnh hưởng, hay bất cứ tương quan nào khác.

Là tương quan tình yêu giữa Đức Giêsu, Thiên Chúa là Tình Yêu với mỗi người, Đức Giêsu đặt tự do của mỗi người như điều kiện tất yếu, bởi tình yêu không thể bị cưỡng bức, ép buộc; tình yêu không chịu khống chế, đe dọa, nhưng hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự mình muốn, tự mình chọn và quyết định.

Thánh Phaolô dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để diễn tả tương quan giữa Đức Giêsu và Hội Thánh, tức tất cả mọi người, và mỗi người chúng ta, vì chính chúng ta là Hội Thánh của Ngài khi viết cho giáo đoàn Êphêxô: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25).

Sở dĩ hình ảnh tình yêu vợ chồng được dùng để cắt nghĩa tương quan giữa mỗi người chúng ta với Đức Giêsu, vì đây là tình yêu đòi tự do một cách triệt để, vì hai người phải tự nguyện đi theo nhau, ở với nhau,  nên một với nhau, yêu thương nhau,  phục vụ nhau, mà không là kẻ thống trị, hay nô lệ của nhau. Trái lại, họ được gắn bó, liên kết với nhau bằng một tình yêu tôn trọng, tình yêu ân cần quan tâm, và hy sinh  cho hạnh phúc của nhau.

Đi vào tương quan yêu thương với Thiên Chúa là đáp lại ân tình Chúa dành riêng cho mỗi người và mọi người, “vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19), và đã chọn chúng ta như Đức Giêsu đã nói với các  Tông Đồ: “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao?” (Ga 6,70). Ấy thế mà trong các vị  sẽ có người bán Đức Giêsu, có người bỏ Đức Giêsu, có người chối bỏ “không biết Đức Giêsu là ai”.

Thế mới biết Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã và vẫn mãi tôn trọng tự do của mỗi người chúng ta đến mức nào, mặc dù  khao khát mòn mỏi và ước mơ cháy bỏng của Ngài là  được nghe mỗi người chúng ta trả lời Ngài như tông đồ Phêrô  năm xưa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. (Ga 6,68-69), khi Ngài hỏi: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?” (Ga 6,67).

Jorathe Nắng Tím

 

Click to comment

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...