TMĐP- Xin Chúa Giêsu phục sinh ban cho chúng ta trái tim của Maria Mácđala: một trái tim luôn thao thức, khát khao Chúa.
Tin Mừng Luca được công bố trong lễ vọng phục sinh kể lại sự việc: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, có mấy bà đi ra mộ mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi …, thì hai người kia nói : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi”. Các bà trở về gặp Nhóm Mười Hai, nhưng không người nào đã tin lời các bà, và “cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (x. Lc 24,1-12).
Chúng ta nhận thấy điểm nổi bật trong trình thuật trên là tâm trạng phân vân, sợ hãi, buồn rầu của các bà, cùng với thái độ xem thường, dửng dưng, và dứt khoát không tin của các ông trước lời chứng bị coi là nhảm nhí, mê tín, hoang đường. Kết quả là không ông Tông Đồ, hay bà đạo đức nào đã tin Chúa sống lại, vì không ai trong họ đã nhớ lời Đức Giêsu đã nói với họ “hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,6-7).
Nhưng trong thánh lễ sáng chúa nhật Phục Sinh, Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy có rất nhiều thay đổi tích cực ở tâm trạng và thái độ của những người đã đến mộ Đức Giêsu, đặc biệt bà Maria Mácđala và hai tông đồ Phêrô, Gioan được nêu đích danh trong trình thuật.
Tâm trạng phấn chấn, hy vọng và thái độ tích cực của cả ba người cùng được biểu lộ qua việc họ “chạy” mà không “đi” như trong trình thuật của Tin Mừng Luca được công bố trong lễ Vọng Phục Sinh: “Bà Mácđala đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô, và người môn đệ Đức Giêsu thương mến …. Ông Phêrô và môn đệ kia đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô, và đã tới mộ trước” (Ga 20, 3-4). Và lạ lùng thay, tất cả đều đã tin Chúa đã sống lại (x. Ga 20,8).
Sở dĩ họ tin, vì đã dám mở lòng trước lời chứng của người khác, như hai ông Phêrô và Gioan khi nghe Maria Mácđala nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” đã tức tốc chạy đến mộ, mà không bàn ra, nghi ngại, do dự, chần chờ. Và thái độ mở lòng lắng nghe lời chứng của người khác ở hai ông đã trở thành khởi điểm quan trọng cho hành trình tìm gặp Chúa Giêsu phục sinh.
Nếu “mở lòng lắng nghe lời chứng của người khác” cần thiết như khởi điểm, thì nhớ lại Lời Hứa của Chúa là lý do và động lực thúc đẩy những người lữ hành của Hy Vọng chạy nhanh, và rất nhanh trên hành trình tìm gặp Chúa Giêsu sống lại. Tin Mừng Gioan khẳng định điều này khi viết: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9), nên mới không tin, nhưng nay “đã thấy và đã tin”, vì nhớ lại lời Chúa đã căn dặn: “Con Người phải chịu đau khổ, chịu đóng đinh, và ngày thứ ba sẽ sống lại”, khi mọi chuyện đang xảy ra đúng như những gì Chúa đã báo trước.
Quả thật, trên hành trình đức tin, tức con đường tìm gặp Đức Giêsu phục sinh, chúng ta không thể nhắm mắt, bịt tai, khép chặt cửa lòng trước lời chứng của những người đã gặp Đức Giêsu trong cuộc đời họ, như tông đồ Tôma đã cứng lòng không muốn đón nhận lời chứng: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” của anh em Tông Đồ, nên ông đã không được thấy Chúa cho đến khi Chúa bảo ông đặt ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Người như ông đã thách thức và trách ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (x. Ga 20,24-29).
Hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau cũng thế. Cả hai đã đồng hành với Đức Giêsu phục sinh suốt con đường dài mười hai cây số, nhưng không ai đã nhận ra Thầy mình, vì người nào cũng quên khuấy Lời Hứa sống lại của Thầy, đến nỗi Đức Giêsu phải thốt lên: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,25-26). Và cả hai chỉ nhận ra Đức Giêsu vào giờ chót, khi Người đồng bàn với họ và “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ” (Lc 2430).
Xin Chúa Giêsu phục sinh ban cho chúng ta trái tim của Maria Mácđala: một trái tim luôn thao thức, khát khao Chúa, nên trời còn tối, bà đã vội vã đi đến mộ (x. Ga 20,1); một trái tim gắn bó thiết tha với Chúa, nên gặp ai, cũng nức nở hỏi: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! .. Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20,13.15); một trái tim cởi mở, huynh đệ và hăng say làm chứng: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18), khi “hớt hải chạy về báo tin vui Phục Sinh và kể lại cho Simôn Phêrô và các Tông Đồ những điều Đức Giêsu phục sinh đã nói với bà (x. Ga 20,19).
Ước gì Nước và Ánh Sáng phục sinh biến đổi trái tim xơ cứng, vô cảm, nguội lạnh của chúng ta thành trái tim của người môn đệ được Chúa thương mến đã có mặt cùng thân mẫu Người dưới chân Thánh Giá, cũng là trái tim của người Nữ Tỳ vì yêu nhiều nên được tha nhiều đã là người đầu tiên loan báo tin vui: “Chúa đã sống lại và tôi đã thấy Người” cho các Tông Đồ buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi trời chưa sáng.
Jorathe Nắng Tím
