TMĐP- “Tôi phải làm gì?” chính là câu hỏi chúng ta cần trả lời trong Mùa Chay.
Nếu muốn Mùa Chay thực sự là mùa Trở Về với Thiên Chúa, mùa Hòa Giải, Gặp Gỡ anh em, mùa Tìm Lại chính mình, như Thiên Chúa mời gọi.
Để trả lời chính xác câu hỏi: “Tôi phải làm gì?” thiết tưởng chúng ta cần trả lời trước câu hỏi: “Điều gì tôi không được làm?”.
1/ Điều tôi không được làm là vô ơn, vô cảm:
Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu đã không úp mở, nhưng rạch ròi cho chúng ta biết điều chúng ta không được làm, đó là vô ơn với Thiên Chúa và vô cảm với anh em, qua dụ ngôn “tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót” (x. Mt 18, 23-35): Có một tên đầy tớ mắc nợ vua kia mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả. Nhưng vì chạnh lòng thương, vua đã tha hết nợ cho y. Nhưng “vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy đi tìm người bạn mắc nợ y chỉ một trăm quan tiền ”, một món nợ nhỏ nhoi so với số nợ khổng lồ y vừa được vua tha cho, mà tống anh bạn túng thiếu này vào tù. Không may nhà vua biết chuyện, đã “đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi vua nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18,32-24).
Anh đầy tớ trong dụ ngôn đã may mắn phục vụ một đức vua vừa giàu có, hào sảng, vừa bao dung, thương xót. Bằng chứng là vua đã cho anh mượn một số vàng quá lớn, và dễ dàng “chạnh lòng thương” ngay lần đầu anh “sấp mình” xin ông hoãn lại lịch thanh toán nợ. Hơn thế nữa, thấy anh chẳng có gì để trả, vua quyết định tha hết cho anh, mà chẳng đòi anh bất cứ điều kiện nào.
Tuy không đòi điều kiện nào khi tha cho anh cách “nhưng không”, nhưng điều đó không có nghĩa anh có quyền làm ngược lại điều đức vua đã làm cho anh, khi thay vì tha cho người bạn mắc nợ mình món nợ nhỏ, anh đầy tớ ác độc ấy đã hành hạ, và đẩy người bạn cũng thiếu thốn xin được khất nợ như anh vào tù.
Việc làm của anh tự nó là một việc làm bất công, vì anh đã không cư xử với người bĩ cực, túng thiếu đang van xin lòng thương xót của anh, như đức vua đã đối xử rộng lượng, bao dung với anh; việc làm của anh tự nó là việc làm bất chính, vì điều chính đáng phải làm là “nhận nhưng không thì phải cho nhưng không”; việc làm của anh tự nó là việc làm bất nhân, bất nghĩa, vì tình người và nghiã bạn hữu không cho phép anh “túm lấy, bóp cổ và tống bạn vào tù, dù bạn đã sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh” (Mt 18, 29).
Sở dĩ anh đầy tớ trong một khoảnh khắc đã đóng hoàn hảo hai vai diễn: vai con nợ sấp mình nài xin chủ hoãn nợ và vai chủ nợ ác độc, tàn nhẫn, hung dữ trước con nợ; chỉ một thoáng đã nhanh chóng tráo đổi hai khuôn mặt hoàn toàn trái nghịch: mặt đầy tớ túng thiếu, khiêm hạ rất đáng thương và mặt “cường hào ác bá” rất đáng kinh tởm, vì trái tim anh vô ơn, vô cảm.
Anh vô ơn với chủ, khi làm cho người khác những điều trái ngược những gì chủ đã làm cho anh là lòng thương xót; anh vô ơn với chủ, vì không nhớ, nhưng quên rất nhanh những gì người ơn vừa làm cho mình là rộng lượng tha hết nợ. Vô ơn vì không nhớ ơn. Không nhớ ơn nên chẳng bao giờ biết ơn, đền ơn, trả ơn Đấng đã thi ơn cho mình.
Vì vô ơn với chủ, không nhớ ơn chủ, nên anh quên mình là kẻ thụ ơn, chịu ơn, và suốt đời mang ảo tưởng toàn năng, ảo tưởng sức mạnh, nghĩ mình không cần ai giúp đỡ, không cần ai xót thương, nên cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thương xót, chia sẻ, nâng đỡ ai, để rồi đến một lúc, anh mất hết khả năng “chạnh lòng thương” của lòng nhân ái, và trở nên vô cảm đến đáng sợ trước mọi người.
Quả thực, người đầy tớ không là người vừa sinh ra đã bất công, bất chính, không “bất nhân bất nghĩa” bẩm sinh, nhưng trở nên bất nhân, bất nghĩa, bất chính, bất công vì nhiễm thói vô ơn, vô cảm do buông thả theo bản năng ích kỷ, và chiều theo tính ganh ghét trong đời sống. Hậu quả là vô ơn với Thiên Chúa nên cũng vô ơn mọi người; không biết ơn Thiên Chúa nên vô cảm, không biết thương xót, chạnh lòng trước bất hạnh của anh em, mà hình phạt khó tránh của công bình chính là mất hết khả năng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
2/ Điều tôi phải làm là biết “chạnh lòng” và thể hiện tình yêu thương xót:
Trước hết, để có thể “chạnh lòng”, trái tim phải bằng thịt, bởi tim chai đá không biết cảm thương, rung động, và chỉ Thiên Chúa mới thay đổi được trái tim bằng đá thành qủa tim bằng thịt, như Ngài đã hứa: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim bằng thịt” (Ed 36,26).
Phải thay thế quả tim chai đá, vì tim chai đá thì vô cảm, lạnh lùng, không sự sống, không tin yêu, không hy vọng, mặc dù qủa tim bằng thịt ấy có những lúc yếu mềm, nhưng đó là những yếu mềm dễ thương, đáng thương hơn đáng trách, đáng luận phạt, như Đức Giêsu đã nói về người phụ nữ “có tiếng tội lỗi trong thành” được Ngài tha thứ: “Tội của chị ấy rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).
Biết chạnh lòng rất cần thiết, vì đánh động và thúc đẩy ta thực hành lòng thương xót, trái lại, chỉ chạnh lòng thôi, rồi bỏ đó, mà không hành động, thì chẳng khác nào ta nói với người đói ăn, thiếu mặc: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,16).
Như thầy thông luật trong Tin Mừng Luca đã hỏi Đức Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? và được Ngài cặn kẽ trả lời qua dụ ngôn người Samari tốt lành với lời cặn dặn: “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy” (Lc 10,25. 37).
“Cũng làm như vậy” là làm như người Samari ngoại đạo trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô khi thấy có người “dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” đã “chạnh lòng thương” (Lc 10, 30.33).
“Cũng làm như vậy” là làm như người Samari không có đạo đã không chỉ chạnh lòng thương “xuông”, hay thương cảm ở “đầu môi chót lưỡi”, nhưng “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10, 34).
“Cũng làm như vậy” là làm như người Samari không chức sắc, địa vị trong đạo không sợ tốn kém vừa đưa cho chủ quán hai quan tiền vừa nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 35).
“Cũng làm như vậy” nghĩa là làm như người Samari tốt lành, tuy là người ngoại đạo nhưng đã được Đức Giêsu chọn làm gương mẫu của người có đạo, vì ông đã “thực thi lòng thương xót” (Lc 10, 37) đối với người anh em bị đánh trọng thương, nửa sống nửa chết bên lề đường, trong khi hai thầy Lêvi và tư tế là những chức sắc vị vọng trong đạo “cùng đi xuống trên con đường ấy”. Nhưng trông thấy người này, cả hai đều “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10, 31).
Tóm lại, con đường đi theo Đức Giêsu là con đường tình yêu, đường của trái tim biết chạnh lòng và thực thi lòng thương xót, bởi ở cuối đường, Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta về bất cứ điều gì, mà chỉ hỏi về những gì chúng ta đã “làm cho những anh em bé nhỏ nhất của Ngài” vì lòng thương xót (x. Mt 25, 31-46).
Vâng, Mùa Chay là mùa trở về với Chúa để biết Chúa muốn chúng ta phải làm gì. Nhưng để có thể trở về với Chúa, trước hết chúng ta phải trở về với chính mình để biết mình là ai, đang ở tình trạng nào? Và cách nhận ra mình dễ dàng nhất chính là khiêm tốn và can đảm đặt cho mình những câu hỏi “khó nói” sau:
a. Có khi nào ngôn từ và hành động của chúng ta vô cảm, bạo lực đến độ không ai còn nhận ra chúng ta là người có đạo?
Đó là những khi chúng ta đặt điều vu khống, xỉ vả, nguyền rủa, quy chụp, xua đuổi, đánh đập, hãm hại người khác và quên lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), đồng thời từ chối căn tính người Kitô hữu là “mang Đức Giêsu, có Đức Giêsu, loan báo, làm chứng Đức Giêsu”, Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, giầu lòng thương xót, Đấng đến “để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), để rồi “Thánh Giá của lòng thương xót” không còn là huy hiệu sống động của đời sống Kitô hữu, nên không ai còn nhận ra chúng ta là người có đạo, như Đức Giêsu khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Bởi một khi không còn lòng yêu thương anh em, dù dưới bất cứ hình thức nào, kể cả thái độ “hèn nhát tránh mặt, không dám lên tiếng can ngăn, hay vấy máu người vô tội nhưng “đóng kịch” rửa tay “thật lâu, thật sạch” trước bàn dân thiên hạ kiểu Philatô” thì bất luận chúng ta là ai, ở bất cứ vị thế nào, mang bất kỳ chức tước, danh hiệu nào cũng đều tự làm xứt mẻ, và vô tình đánh mất bản chất “Kitô hữu, người thuộc về Đức Kitô” của mình.
Và tất nhiên, chúng ta không còn “giống Đức Giêsu”, Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, nên không còn có thể làm chứng, vì không ai dám tin chúng ta là môn đệ của Thiên Chúa giầu lòng thương xót, và dám nghĩ chúng ta là “con Thiên Chúa”, vì chúng ta trật đường, ra khỏi quỹ đạo “Hiến Chương Nước Trời” là “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”, “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 7.9).
b. Có khi nào chúng ta ác độc hơn cả những người độc ác mà chúng ta đã lên án?
Chắc chắn mỗi lần đọc dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng Luca, chúng ta ít nhiều đã nặng lời lên án tên cướp vô danh nào đó đã nhẫn tâm trấn lột người đi đường, lại còn “đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Lc 10,30).
Nhưng có thực chúng ta đã không đánh lén ai? Không thọc gậy bánh xe, xúi bậy người khác gây chia rẽ, phá họai cộng đoàn? Không dùng “mưu hèn kế bẩn” đánh gục, chặn đường sống của người không cùng quan điểm, chính kiến, đường lối với mình? Không chỉ “ngẫu nhiên” trấn lột, đánh nhừ tử một người đi đường như tên cướp vô danh, nhưng có kế hoạch hẳn hoi, và tính toán cẩn thận để đánh nhiều người, đánh cả đoàn thể, để bảo vệ chỗ đứng và lợi ích cá nhân? Không giả hình để lừa bịp, lợi dụng thiên hạ và trở nên nguy hiểm, đáng sợ hơn cả những người Pharisêu giả hình đã bị Đức Giêsu nặng lời trách mắng trong Tin Mừng Mátthêu? (x. Mt 23,1-36).
Ngoài tên cướp bị chúng ta đồng thanh lên án “độc ác”, còn hai chức sắc trong đạo khác: một thầy Lêvi, một thầy tư tế. Cả hai khi trông thấy người bị cướp đánh trọng thương nằm bên lề đường đều “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,31.32).
Nhưng có chắc chúng ta ít vô cảm hơn hai thầy Lêvi và tư tế ấy, khi ngay giữa nhà thờ, Nhà Chúa, giữa lòng Giáo Hội, chúng ta vẫn nuôi hận thù và ngang nhiên bôi bác, thiã bãi, lên án, dập vùi người khác?
Như thế, chúng ta sẽ tránh sao khỏi thái độ và hành động “phản chứng, phản Kitô”, nghĩa là trên lý thuyết thì chúng ta theo Đức Giêsu, theo danh hiệu thì chúng ta là “công giáo, người có đạo”, nhưng đời sống thì chúng ta không ủng hộ nhưng công khai chống Ngài.
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và giúp chúng ta xác tín việc phải làm, và việc không được làm, để đời Kitô hữu của chúng ta không nhạt nhẽo, vô vị, vô nghiã vì không có Chúa là Tình Yêu Thương Xót, nhưng là đường Thánh Giá có Đức Giêsu từng bước dẫn chúng ta đến vinh quang phục sinh của Ngài.
Jorathe Nắng Tím