TMĐP- Xin Chúa cho chúng ta được trở nên giống các người chăn chiên đã chọn Khiêm Hạ làm trái tim mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.
Trái tim là biểu tượng của tình yêu, nên khi nói đến tình yêu, người ta không thể bỏ quên trái tim, mặc dù trong đời sống, không ít trái tim đã bỏ quên tình yêu.
Đó là trái tim của người chồng tưởng mang tình nghĩa phu thê, nhưng rất tiếc chỉ đầy ắp uy quyền thống trị, biến vợ mình thành nô tỳ bất hạnh; là trái tim của người cha vốn phải bao dung, độ lượng và tận tụy hy sinh vì đàn con, nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc che giấu một đời ích kỷ, thụ hưởng; là trái tim của mục tử được tuyển chọn để yêu thương, chăn dắt, bảo vệ đoàn chiên đến hy sinh cả mạng sống mình (x.Ga 10, 11), nhưng buồn thay, trái tim ấy có lúc đã cạn kiệt lòng thương xót để kẻ trộm và sói dữ xâm nhập chuồng chiên cướp bóc, giết hại, phá huỷ và làm cho chiên tán loạn, lạc đàn (x. Ga 10,10.12); là trái tim của người lãnh đạo quốc gia mà sứ mạng là thương dân và đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào, nhưng phũ phàng thay, có những trái tim lãnh đạo thoái hoá thành lãnh chúa ác độc, tàn bạo.
Nhưng nguyên nhân nào đã làm cho trái tim không còn khả năng cưu mang, nuôi lớn và trao ban tình yêu? Vi khuẩn độc hại, nguy hiểm nào đã càn quét tình yêu khỏi những trái tim “thống trị, ích kỷ, tàn bạo” vừa kể?
Đức Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời xác đáng, khi nhập thể “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tư” (Pl 2, 7-8).
Thực vậy, ngay từ giây phút đầu nhập thể trong lòng một người nữ do quyền phép Chúa Thánh Thần, Ngài đã chọn cho mình một người mẹ khiêm hạ luôn nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1,48) và sẵn sàng xin vâng trước Thiên Ý (x. Lc 1,38); đến giờ được sinh ra, Ngài chọn phận khiêm hạ của “trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, mà chỉ những người chăn chiên nghèo khó, bé nhỏ, không được xã hội quan tâm mới được báo tin vui và nhận ra Ngài là “Đấng Kitô Đức Chúa” qua dấu chỉ một trẻ thơ khiêm hạ.
Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu đã chọn người mẹ khiêm hạ, chọn sinh ra làm con trẻ khiêm hạ, chọn những người chăn chiên khiêm hạ là thành phần đầu tiên nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế, thì chắc chắn khiêm hạ phải giữ một vị thế, phải nắm một vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là thiết yếu trong tình yêu Thiên Chúa, bởi nếu khiêm hạ không quan trọng trong tình yêu nhập thể, thì một phụ nữ danh gia vọng tộc có thể đưọc chọn làm mẹ Ngài, và chuồng chiên lừa đã không có cửa trở thành mái nhà thứ nhất của Thiên Chúa làm người, cũng như máng cỏ đã chẳng dám mơ được là nôi cho Hài Nhi Giêsu, Con Một Thiên Chúa giáng sinh.
Quả thực, khiêm hạ không chỉ là một nhân đức nền tảng, nhưng khiêm hạ còn là trái tim của tình yêu, vì không khiêm hạ, cho dù trái tim có mỹ miều, ngọc ngà, vĩ đại đến đâu, nó cũng sẽ biến người mang nó thành kẻ thống trị vì kiêu căng, như nguời chồng vũ phu, vì kiêu căng mới đánh vợ; như người cha hung dữ, vì kiêu căng mới hành hạ con cái; như mục tử phách lối, hách dịch vì kiêu căng mới lợi dụng, đàn áp, làm khổ đoàn chiên; và như lãnh tụ cửa quyền, độc tài, vì kiêu căng mới đưa dân nước đến diệt vong.
Chiêm ngắm Đức Giêsu trong máng cỏ, trên Thánh Giá và trong Thánh Thể, chúng ta thấy Đức Giêsu là Tình Yêu, và Khiêm Hạ chính là trái tim của Tình Yêu vô cùng và đến cùng của Ngài, bởi không giây phút nào trong cuộc đời, khiêm hạ đã rời xa tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và với mọi người: Ngài yêu Chúa Cha bằng một tình yêu được biểu hiện trong khiêm hạ tận cùng của người tôi trung mà ngôn sứ Isaia đã nhiều lần mô tả trong Cựu Ước (x. Is 42,1-3 ; 49,1-5 ; 50,1-7); Ngài cũng yêu con người bằng tình yêu khiêm hạ của người phục vụ : “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28); yêu con người bằng khiêm hạ làm công việc thấp hèn nhất của một tôi tớ là rửa chân cho chủ, khi “rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,5); yêu con người tội lỗi bằng khiêm hạ chết trên Thánh Giá như một tội phạm; và mãi mãi yêu vô cùng và yêu đến cùng khi khiêm hạ trở thành tấm bánh bẻ ra cho muôn người được sống.
Chiêm ngắm Đức Giêsu yêu Thiên Chúa Cha và yêu con người bằng tình yêu khiêm hạ, chúng ta có lý do để khẳng định: không trái tim nào có thể cưu mang, nuôi lớn được tình yêu, cũng không con tim nào có thể chứa đựng và trao ban được tình yêu, nếu không khiêm hạ, vì chính Đức Giêsu, dung mạo đích thực của Thiên Chúa là nguồn tình yêu bất tận cũng đã khiêm hạ trong tình yêu, khi yêu Chúa Cha và yêu con người với lòng khiêm hạ thẳm sâu và liên lỷ.
Kinh nghiệm bản thân mỗi người trong tương quan yêu thương với người khác cũng minh chứng rằng người ta không thể yêu nhau với trái tim kiêu căng, vì kiêu căng không chỉ làm héo úa tình yêu, nhưng còn mau chóng hủy hoại, giết chết tình yêu, bởi người kiêu căng không chỉ mất khả năng yêu thương vì tham vọng thống trị, sở hữu, mà còn mất ơn nghĩa với Thiên Chúa và trở thành “kẻ thù của Ngài, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1P 5,5); Ngài “giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng; hạ bệ những ai quyền thế, và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52).
Xin Chúa cho chúng ta được trở nên giống các người chăn chiên khiêm hạ ở cánh đồng Bêlem năm xưa đã nhận ra Thiên Chúa làm người qua dấu chỉ một Hài Nhi khiêm hạ “bọc tã, nằm trong máng cỏ” và chọn Khiêm Hạ làm trái tim mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.
Jorathe Nắng Tím