Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

TRONG CƠN THỬ THÁCH COVID CAM GO | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 04

TMĐP- Trong mọi thử thách dù cam go đến đâu, chúng ta không bỏ Chúa, không rời xa nhau  trong Kinh Nguyện hiệp thông và Hy Lễ hiệp nhất.

Một sự thật làm bàng hoàng, sợ hãi mọi người là một đất nước được thế giới ngưỡng mộ, khâm phục vì đã không để giặc Covid lọt vào lãnh thổ trong đợt đầu tấn công lại đang vất vả chống trả, và chịu nhiều tổn thất trong đợt phản công của đám giặc, bằng chứng là số người bị lây nhiễm, tử vong đã vượt ngưỡng báo động đỏ, và biện pháp “giãn cách triệt để: ai ở đâu ở yên đó, án binh bất động toàn thành phố” đã được chính thức công bố  thi hành.

Đây là cơn thử thách lớn như dân Do Thái xưa “đã lên đường từ Khôrếp và đi qua sa mạc mênh mông khủng khiếp …”  (Đnl 1,19), chúng ta đang đi giữa “những thành phố sa mạc” không người, không hàng quán, không xe cộ; đi qua những “thôn xóm sa mạc” không rộn rã tiếng chào thăm của người lớn, không rộn ràng  tiếng hát líu lo của trẻ thơ; và đi bên những thánh đường cửa đóng kín, những trung tâm hành hương hiu quạnh, những nhà dòng bị cách ly, những tu viện bị giăng giây phong toả …

Sau lưng, trước mặt là Sa Mạc, chúng ta đang sống thử thách của tình trạng cô đơn, cô độc không chỉ của riêng mình, mà còn sống nỗi khổ bị bỏ rơi, bị lãng quên, không được ai quan tâm chăm  sóc, nâng đỡ của rất nhiều người thân yêu, quen biết cùng cảnh ngộ.

Giữa sa mạc không người, không chợ búa, chúng ta đang ở vào tình cảnh không mấy khác tình cảnh thiếu thốn của người con hoang đàng những ngày trong vùng  xảy ra “một nạn đói khủng khiếp” (Lc 15,14), ở đó, anh phải đi ở đợ để khỏi chết đói.

Cũng giữa sa mạc nắng cháy như thiêu đốt, chúng ta còn phải chiến đấu với bệnh tật và sự chết, thử thách mà ngay cả người công chính cũng sợ, và không được buông tha, miễn trừ  (x. Kn 18,20).

Đức Giêsu  khi xuống thế làm người như con người,  Ngài “đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội ” (Dt 4,15). Ngài chịu thử thách khi  vào Sa Mạc,  ở đó ma quỷ đã cám dỗ Ngài (x. Mc 1,13); chịu thử thách khi “bi nộp vào tay những kẻ tội lỗi” (Mt 26,45). “Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.” (Dt 2,18).

Thánh Tông Đồ Phaolô cũng khẳng định những thử thách người môn đệ Đức Giêsu phải chịu, khi viết về những đau khổ, gian truân của chính mình trên đường truyền giáo, khi hằng giờ phải liều mình đương đầu với hiểm họa (x. 1 Cr 15,30 ), và phục vụ Dân Chúa giữa “bao thử thách do âm mưu của người Do Thái” (Cv 20,19).

Đối với chúng ta, tuy biết Đức Giêsu, các Tông Đồ và những ai đi theo làm môn đệ Ngài đều không thoát khỏi thử thách, kể cả thử thách phải đổ máu, mất mạng, vì điều kiện được đặt ra ngay buổi đầu, ở khởi điểm của hành trình đi theo Ngài là “bỏ mình, vác Thánh Giá”, nhưng ta vẫn không khỏi lo lắng, bồn chồn, nghi ngại trước thử thách; vẫn chao đảo, xao xuyến, nản lòng trước khó khăn của thời thế, thời cuộc; vẫn ngao ngán, chán nản, muốn buông xuôi, đào ngũ, bỏ cuộc khi chung quanh, trước sau toàn những đe doạ, cạm bẫy.

Thực vậy, giữa thử thách cam go, lời khuyên nhủ của người thân, bạn hữu xem ra không khả năng thuyết phục; lý lẽ,  lý giải, lý sự của con người cũng nhẹ tênh, vô tác dụng, vì ở ngoài, ở trên, ở xa, người ta không thể cảm được mức kinh hoàng  tàn nhẫn của sợ hãi, không thể cảm nghiệm độ dằn vặt khủng khiếp dã man  của cơn đói, không thể cảm thông nỗi đau khổ nhục nhằn của người không còn gì để hy vọng, không còn ai để bám víu hầu tồn tại, không ánh sáng cuối đường hầm tăm tối, dù chỉ là ánh lửa run rẩy, leo lét của que diêm bé nhỏ để  còn dám liều lĩnh lê bước đi tìm đường sống.

Có ở vào những bế tắc, đường cùng, tử lộ khi bị thử thách cam go, người ta mới thấy không dễ bình tĩnh để  hy vọng, không dễ bình tâm để chịu đựng, và không dễ bình an để vượt qua.

Đó là lý do chúng ta cần tìm về Chúa và lắng nghe Lời Ngài đã hứa với dân Ngài trong thử thách từ bao đời và suốt mọi thời cho đến ngày tận thế mà thánh Gioan Tông Đồ đã thị kiến: “Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa – ở – cùng – họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,3-4).

Sở dĩ Lời Hứa của Thiên Chúa đáng  chúng ta tin cậy, vì  đó là những lời của “Đấng là khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 21,6). Chính Ngài là chủ thời gian và nắm giữ vận mang của mỗi người, và toàn quyền  “đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Cũng chính Ngài nâng đỡ và giải thoát chúng ta khỏi mọi thử thách, như thánh Phaolô khuyên nhủ giáo đoàn Côrinthô: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt qúa sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách qúa sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13), nên “phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã đuợc tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,12), bởi Thiên Chúa dùng những thử thách để tinh luyện đức tin của chúng ta. “Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1P 1,7) cho chúng ta trước mặt Thiên  Chúa .

Thánh Giacôbê còn đi xa hơn, khi Ngài viết: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo… ” (Gc 1,2-3).

Đàng khác, Lời  Thiên Chúa là lời của “Đấng Thánh, Đấng Chân Thật, Đấng giữ chìa khóa vua Đavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người  đóng lại thì không ai mở ra được” (Kh 3,7); Lời của Đấng đã phán: “Vì ngươi đã giữ lời Ta dạy phải kiên nhẫn chịu đựng, nên Ta cũng giữ gìn ngươi cho khỏi giờ thử thách sắp xảy đến trên toàn cõi địa cầu, để thử thách những người sống trên mặt đất” (Kh 3, 10), và lời ấy chính là lời  Thiên Chúa  đang nói hôm nay  với  con cái Ngài là chúng ta, những người đang chịu thử thách nặng nề giữa tâm dịch Covid nguy hiểm.

Ước gì trong mọi thử thách dù cam go đến đâu, chúng ta không bỏ Chúa, không rời xa nhau  trong Kinh Nguyện hiệp thông và Hy Lễ hiệp nhất, để không một  giây phút chúng ta bỏ lỡ niềm vui của  lòng  kiên nhẫn, không một lý do nào khiến chúng ta đánh mất lòng trung tín, hy vọng của tình yêu, và không một  hoàn cảnh nào khiến chúng ta quên mình là người hạnh phúc, vì được Thiên Chúa mời gọi  thông phần vào đau khổ của Đức Giêsu chịu đóng đinh, “vì lợi ích cho thân thể Người là Giáo Hội” ( Cl 1,24).

Jorathe Nắng Tím  

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...