Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

TRUYỀN GIÁO LÀ SỨ VỤ CỦA TÌNH YÊU

Screenshot

TMĐP- Truyền giáo chính là thực thi sứ vụ của tình yêu, khi giới thiệu với mọi người Thiên Chúa là Tình Yêu và làm chứng Thiên Chúa tình yêu ấy yêu thương họ vô cùng và đến cùng.

Môn đệ là người được sai đi như Đức Giêsu đã sai bảy mươi hai môn đệ đi vào các thành, và như lệnh Ngài truyền cho Nhóm Mười Hai Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp nơi,  đến với các dân tộc và làm cho họ trở thành môn đệ  của Thầy…” (Mt 28, 19). Vì thế, truyền giáo là căn tính của người môn đệ Đức Giêsu,và là sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội.

Trước hết, truyền giáo không là công cuộc xâm lăng, chiếm đóng lãnh thổ của đạo khác, và mở rộng bờ cõi đạo mình; không là kế sách thao túng tinh thần những người nhẹ dạ, dễ tin, thiếu hiểu biết; càng không là chủ trương cưỡng ép người khác phải từ bỏ đạo mình mà gia nhập đạo của chúng ta. Tất cả những điều trên đều không là truyền giáo, nhưng là “phản truyền giáo”, vì đi ngược ý muốn của ĐứcGiêsu khi sai các môn đệ đi truyền giáo.

Với Đức Giêsu, truyền giáo là loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài yêu nhân loại vô cùng và đến cùng. Ngài không lãng quên, chối bỏ một ai, miễn tin Ngài là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”.

Với Đức Giêsu, truyền giáo là làm chứng Thiên Chúa: người Cha từ bi nhân hậu, hằng thương xót con cái mình, và chẳng hề chấp tội ai.

Đức Giêsu muốn truyền giáo là kể lại cho mọi người công trình cao cả, nhiệm lạ Thiên Chúa đã làm, và kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của bản thân.

Ngài muốn truyền giáo là chia sẻ với mọi người hạnh phúc được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, và niềm vui không gì so sánh được của trái tim yêu mến, kết hiệp với Thiên Chúa.

Đức Giêsu muốn truyền giáo là khao khát và nỗ lực bắc nhịp cầu từ trái tim của những con người yếu đuối, tội lỗi cần được xót thương  đến trái tim  vô cùng thương xót của Ngài là Đấng Cứu Độ hay chạnh lòng thương xót tội nhân khốn cùng.

Đức Giêsu muốn truyền giáo là cộng tác vào ơn cứu rỗi  của anh em và của chính mình bằng  triệt để thực hiện giới luật yêu thương  của Ngài.

Đức Giêsu muốn truyền giáo là giống Ngài ở lòng thương xót để  trở nên Muối, Men, và Ánh Sáng cho đời.

Đức Giêsu muốn truyền giáo là mở toang cửa lòng để người nghèo khó, đau ốm, tật nguyền, di dân, tỵ nan, thất học, tù đầy, cơ nhỡ, oan uổng, bị bỏ rơi có được một chỗ hồi sinh, bồi dưỡng, một nơi săn sóc, chữa lành, một chốn an ủi, sẻ chia, một góc hồi tâm, nghỉ ngơi, và một bến bờ bình an, hy vọng.

 

Như thế, truyền giáo chính là thực thi sứ vụ của tình yêu, khi giới thiệu với mọi người Thiên Chúa là Tình Yêu và làm chứng Thiên Chúa tình yêu ấy yêu thương họ vô cùng và đến cùng, bằng chứng là Ngài đã chết cho mọi người “được sống và sống dồi dào”, đã chịu đóng đinh trên thập giá để xóa mọi tội con người đã phạm, và chuộc hết hình phạt con người phải chịu; truyền giáo là chia sẻ niềm vui được Thiên Chúa thương xót, và hạnh phúc của tội nhân được Thiên Chúa thứ tha với mọi người; truyền giáo còn là mang đến bình an nhận được từ Thiên Chúa cho hết mọi người trên đường của Lời Hứa.

Truyền giáo như Đức Giêsu muốn sẽ không là áp đặt, đẩy đưa, mua chuộc, dụ dỗ người khác  vào đạo của mình; không tạo áp lực dưới bất cứ hình thức nào để chiêu dụ nhiều người vào đạo; càng không dùng thủ đoạn ma mãnh lừa người khác vào đạo, bởi tiên vàn Thiên Chúa của Đức Kitô là Thiên Chúa tình yêu, mà tình yêu thì không áp chế, ép buộc, cũng không đe đọa, làm sợ hãi, nhưng  trong tình yêu, tự do luôn có mặt; ở đâu có tình yêu, ở đó không thể vắng bóng tự do. Đó là tự do của con cái Thiên Chúa, tự do của những đứa con mang hình ảnh  cha mình, tự do của những đứa con được quyền thừa kế hạnh phúc của cha mình là Thiên Chúa tình yêu  .

Tóm lại, không có môn đệ được miễn trừ sứ vụ truyền giáo, cũng không có truyền giáo cưỡng bức, ép buộc, và càng không có truyền giáo vắng bóng tự do của tình yêu. Vì thế cả người môn đệ truyền giáo và dân ngoại được loan báo Tin Mừng đều tự do trong tình yêu, vì cả hai đều đón nhận lời mời đi vào cung lòng yêu thương của Đấng là Thiên Chúa Tình Yêu; cả hai đều chung một ơn gọi trở nên “đồng hình đồng dạng” với  Đức Giêsu là Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót; cả hai đều tự nguyện trước lời đề nghị của một Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, bởi tự do là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu đã được ban cho mỗi người khi con người được Thiên Chúa dựng nên.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...