TMĐP- Khi bước vào tuổi già, ta mới hiểu được giá trị vô cùng cao quý của lòng nhân hậu ở người làm cha mẹ.
Cũng dụ ngôn người cha nhân hậu của Đức Giêsu, nhưng khi còn trẻ, con đã đánh giá người cha một cách khác, hoàn toàn không giống khi con đã già, bởi lúc còn trẻ, con chưa thấm thiá tâm trạng của người già, chưa hiểu được những nỗi ray rứt, khắc khoải của tuổi già, nhất là chưa biết trái tim người cha già đập lạc điệu thế nào, lỗi nhịp làm sao ….
Lúc trẻ, con cứ nghĩ hiền lành, nhân hậu đồng nghiã với nhu nhược, yếu đuối; bao dung, thương xót “có bà con gần” với buông xuôi, bất lực, nên không ủng hộ thái độ của người cha già chiều chiều ra tận đầu ngõ ngóng tin con, rồi bỗng một ngày, chợt thấy con từ đàng xa, “thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. Nhưng người cha liền bảo các đày tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy’ (Lc 15,20-24). Cũng như với người con lớn ích kỷ, tị nạnh đã giận dỗi không chịu vào nhà, khi nghe cha già giết bê béo ăn mừng nó trở về, sau khi đã “nuốt hết của cải của cha với bọn điếm” (Lc 15,30), người cha già nhân hậu đã hạ mình, xuống nước nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,31-32).
Nhưng nay về già, tâm tư của ngày trẻ không còn nữa, nhưng thay thế bằng đồng cảm với người cha đã từng bị coi là hèn yếu, nhu nhược, vì chỉ bước vào tuổi già, con mới hiểu được giá trị vô cùng cao quý của lòng nhân hậu ở người làm cha mẹ.
Thực vậy, lúc con trẻ, vì lo làm lụng để có tiền nuôi con, nên chẳng mấy khi người cha có thời giờ nghe lòng mình mách bảo điều này, điều nọ liên quan đến tình cha, nhưng khi về già, tình phụ tử mới có giờ thổ lộ, kể lể, hàn huyên, để tâm hồn người cha già vừa vui vừa buồn, vừa hãnh diện vừa mắc cở, vừa hạnh phúc vừa tiếc nuối, vừa mãn nguyện vừa xót xa. Vui vì đã hy sinh, nhưng buồn vì nhiều thiếu sót; hãnh diện vì đạt một số thành quả, nhưng tủi hổ vì vô số sai phạm không chỉ với đời, mà với cả người thân, con cái; hạnh phúc, toại nguyện vì những đóng góp, nhưng tiếc nuối, xót xa vì đã xúc phạm, làm tổn thương những người mình có trách nhiệm sinh thành, dưỡng dục, nên khi về già, người cha biết mình phải nhân hậu, tình cha biết mình phải bao dung, ơn cha biết mình phải quảng đại, và đời cha biết mình phải sẵn sàng được xóa đi.
Nhân hậu sẽ không còn đồng nghĩa với hèn nhát, nhưng phải rất quả cảm mới có thể sống nhân hậu; nhân hậu không còn đồng hạng với nhu nhược, nhưng phải anh hùng, và liều lĩnh mới có thể trở thành người cha dám chia gia sản cho con, và không chấp tội, kể lỗi con khi chúng “sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,13); nhân hậu không còn “đồng hình đồng dạng” với bất lưc, ngu xuẩn, dại dột, nhưng phải quyết tâm, và rất gan lì trong tình phụ tử mới có thể xóa sạch mọi vết tích lầm lỗi trên thân xác và tâm hồn con bằng mặc cho con áo mới tình yêu, nhẫn qúy tín nhiệm, dép đẹp của lòng tôn trọng. Người cha già nhân hậu ấy không hèn yếu, khiếp đảm, lụy con như nhiều người đã lên án; trái lại, không ai đã cao cả bằng ông, ít người đã cao thượng như ông, và hiếm người đã xóa mình sạch bằng ông.
Vâng, lạy Chúa, xin thương tẩy xóa con sạch những lỗi lầm đáng chịu hình phạt đời đời, và mở lòng trí con, để con nhận ra cơ hội thanh luyện Chúa ban cho con, khi cho con được sống tuổi già. Và như thế, dụ ngôn người cha nhân hậu của Chúa không chỉ nói lên hạnh phúc được thương xót và được trả lại quyền làm con của người con thứ hoang đàng, phung phá, nhưng còn là hạnh phúc của người cha nhân hậu đã bao dung xóa tội con mình.
Jorathe Nắng Tím