Mùa Thường Niên

VIỄN CẢNH NGÀY TẬN THẾ | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII Thường Niên, Năm B

TMĐP- Trong niềm tin vào ơn cứu rỗi và sự sống đời đời sẽ nhận được từ Thiên Chúa của lòng thương xót khi ngày trọng đại đến, chúng ta phó thác đời mình cho Chúa.

Khi nói đến ngày tận thế, thì dù là lời cảnh báo từ toà giảng, trong các tác phẩm văn chương, hoặc trên phim ảnh, chúng ta đều phải nghe những đe dọa kinh sợ, khủng khiếp, và phải thấy những cảnh đau thương rùng rợn, tuy chưa ai trong nhân loại đã chứng kiến, trải nghiệm ngày kinh hoàng  này.

Sở dĩ ngày tận thế là vấn nạn hằng ám ảnh tim óc con người, vì con người biết mình phải chết và cuộc sống trần gian của toàn thể nhân loại sẽ có tận cùng, bởi con người không vĩnh cửu, và thế giới loài người không bất diệt.

Các môn đệ của Đức Giêsu, cũng như chúng ta đã sống tâm trạng lo âu ấy khi thưa với Thầy mình: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13,4).

Trả lời các ông, Đức Giêsu không giấu diếm những cơn đau đớn sẽ xảy ra như bước khởi đầu: nào là người ta sẽ lừa gạt anh em khi mạo danh Thầy, “dân này sẽ  nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém”, sẽ có những cuộc bách hại đẫm máu (x. Mc 13, 5-12). Và sau những ngày khởi đầu đau đớn đó, thì “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mc 13, 24-25).

Sách Đanien của Cựu Ước  tóm tắt thời cùng tận ấy: “Đó là thời ngặt nghèo chưa từng thấy..” (Đn 12,1).

Tuy thế, ngày cùng tận, còn gọi là  tận thế ấy không phải là ngày tận diệt, ngày Thiên Chúa xóa sổ nhân loại, tàn sát con người mà Ngài đã dựng nên, cứu độ và hứa cho sống đời đời. Trái lại, đó là ngày Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, Đấng “đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế để phụng thờ Thiên Chúa” (Kh 59-10) sẽ nhận từ Thiên Chúa vận mệnh thế giới, khi Thiên Chúa trao cho Ngài cuốn sách  để mở ấn đã niêm phong (x. Kh 5,1-5).

Vì thế, ngày ấy là ngày của “trời mới đất mới”, ngày Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,1-2); ngày ấy cũng là ngày nhân loại tụ tập  thành “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, và  mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên mình măc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta ” (Kh7, 9-10).

Trong Tin Mừng Máccô, chính Đức Giêsu đã khẳng định ngày tận thế là ngày hồng ân cứu độ khi “thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13,26-27).

Nhưng ai là kẻ sẽ được Ngài tuyển chọn?

Thưa những người được tuyển chọn trước hết là những người nhận mình có tội, và biết mình cần đến lòng Chúa xót thương, bởi  Ngôi Lời là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót đã đến để cứu những người  tội lỗi, để tìm những con chiên đã lạc mất, để hồi sinh những linh hồn đã chết trong tội, để chữa lành, ủi an những tấm lòng tan nát, để ban sự sống đời đời cho nhân loại khát khao hạnh phúc vĩnh cửu là chính Ngài, như lời Ngài khẳng định: “Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Tóm lại, viễn cảnh ngày tận thế phải được nhìn dưới lăng kính của Tin Mừng, và từ góc nhìn của người có đức tin đặt trọn vẹn niềm tín thác nơi Chúa, mà không là cái nhìn của thế gian, góc nhìn của lòng dạ kiêu căng, ngạo mạn  khước từ tình yêu của Thiên Chúa là người cha nhân hậu chẳng bao giờ chấp tội, xử tội, nhớ tội con cái mình, trái lại luôn chạnh lòng thương xót, tìm cho kỳ được con chiên đi lạc, đồng xu đánh mất, đứa con hoang đàng và cùng triều thần thiên quốc  vui mừng khôn xiết khi tìm lại được, “vì con Ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24; x. Lc 15).

Trong niềm tin vào ơn cứu rỗi và sự sống đời đời sẽ nhận được từ Thiên Chúa của lòng thương xót khi ngày trọng đại đến, chúng ta phó thác đời mình cho Chúa như con thơ bên cha hiền, mà không cần biết ngày giờ tận cùng ấy,  nhưng  chỉ biết cùng nhau ca ngợi tình thương bao la của Thiên Chúa bằng  tuyên xưng niềm tin  của những người thuộc về Đức Kitô: “Con tuyên xưng Chúa đã chết đi, con tuyên xưng Ngài đã sống lại. Trong vinh quang, mai Ngài lại đến, đón chúng con lên trời về với Chúa Cha”.

Jorathe Nắng Tím  

 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

<iframe width="880" height="495" src="https://www.youtube.com/embed/IuTVKLrsCws" title="✝️ GẶP GỠ & NHẬN RA ☀️ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ HẰNG SỐNG || Suy niệm Tin Mừng CN III...

Giáo hội

<iframe width="896" height="504" src="https://www.youtube.com/embed/SuUZ9ewEQ0s" title="YouTube video player" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong,...

Cảm thức

<iframe width="853" height="480" src="https://www.youtube.com/embed/KUV-bc8UHPk" frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen></iframe>TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có...

©2021 Allrights reserveds

Exit mobile version