Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

  VÔ SỐ RỦI RO KHI SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 04

TMĐP- Tưởng niệm các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đã hy sinh mạng sống vì lòng thương xót không chỉ giữa tâm dịch Covid ở Việt Nam, nhưng mọi nơi, mọi thời, chúng ta cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa luôn ý thức lòng thương xót là căn tính của người môn đệ; là lẽ sống, sức sống của Giáo Hội.

Thêm một linh mục mất mạng bởi người mình đã đứng ra cưu mang, bảo lãnh vì chạnh lòng thương xót. Đó là cha Olivier Maire, Bề Trên Dòng Thừa Sai Montfort vừa bị sát hại vào ngày thứ hai, mùng  9 tháng 08 năm 2021 ngay tại nhà dòng ở St. Laurent-sur- Sèvre, vùng Vendée, nước Pháp. Ngài bị người đàn ông gốc Rwanda, 40 tuổi được ngài cho tá túc trong nhà dòng, đang khi chờ ngày ra toà vì tội đốt nhà thờ chính toà Nantes tháng 7 năm 2020 đã hành hung ngài cho đến chết.

Cha Olivier Maire là một trong nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ  ở khắp nơi trên thế giới đã hy sinh mạng sống khi thi hành sứ vụ của lòng thương xót như lời mời gọi của Thiên Chúa giàu lòng xót thương.

Như cha Olivier Mairet, các vị là bảy tu sĩ Pháp đã bỏ quê cha đất tổ chọn sống giữa những anh em Hồi Giáo để yêu thương, phục vụ và đã bị chính những anh em mình yêu thương, phục vụ sát hại tại Tibhirine, Algérie đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 năm 1996; là nữ tu bác sĩ dòng Đaminh Rosa Lima vừa nhiễm F0 sau nhiều tháng lăn xả ở tuyến đầu phục vụ bệnh nhân Covid ở bệnh viện dã chiến quận 12, Sài Gòn.

Nhưng không chỉ các linh mục, tu sĩ nam nữ mới dám hy sinh mạng sống  khi sống  lòng thương xót, mà vô số  giáo dân khắp nơi  đang âm thầm chiến đấu ở tuyến đầu và  lặng lẽ ra đi trong các giáo xứ vì lây nhiễm Covid sau những ngày “đầu tắt mặt tối” tận tụy phục vụ trong khu cách ly, và tất tả lo từng lạng thịt, bó rau cho người nghèo trong vùng bị phong toả.

Chiêm ngưỡng các vị, chúng ta nhận thấy các vị là những môn đệ của Đức Giêsu đã chọn sống lòng thương xót một cách triệt để, quyết liệt, khi chấp nhận vô số rủi ro, nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào, ở đâu, và cách nào cho mình, mà không do dự, ngần ngại, hối tiếc … và chúng ta học được ở các vị:

1/ Ý thức lòng thương xót đi đôi với liều lĩnh, quả cảm:

Bởi không có lòng thương xót “an toàn trăm phần trăm”, nghiã là phải liều lĩnh mới có thể “chạnh lòng thương” hoàn cảnh bất hạnh của người mình không quen biết, người không có gì bảo đảm, người không được  nhân vật hay tổ chức có  uy tín, thế lực giới thiệu,  bảo kê;  phải qủa cảm mới  dám xót xa cơn  đau thân xác, nỗi khổ tinh thần của  những người ở tận cùng thiếu thốn, bị đời bạc đãi, lạm dụng, bỏ rơi, nên sẽ không có lòng thương xót  căn cơ tính toán  đến độ không thể sai lầm, thiệt hại, thất thu; không có trái tim thương xót được hoạch định, lập trình tuyệt đối chắc chắn đến độ không xẩy một xu, không mất một cơ hội, dịp may cho bản thân; càng không có lòng thương xót “khôn ngoan” tuyệt vời đến độ không một rủi ro, tai nạn có thể  đột nhiên, bất ngờ ập tới. Trái lại, lòng thương xót là hành trình đầy mạo hiểm của trái tim, là sáng kiến không ngơi nghỉ được tình yêu  không ngừng thúc bách, là khao khát nóng bỏng lên đường đi tìm hạnh phúc cho người mình yêu thương, là ước muốn được hiến thân cho người khác, mà không cần giữ lại bất cứ sự gì cho mình, nên phải liều lĩnh mạo hiểm, qủa cảm dấn thân lao mình về phía trước.

Vì thế, người ích kỷ là người không biết thương xót, vì họ hoàn toàn xa lạ với liều lĩnh quên mình, và quả cảm xóa mình vì tha nhân; người tham lam cũng không  có khả năng thương xót, vì với họ, liều lĩnh “mất của” chính là mất mình, qủa cảm cho đi chính là thiệt thòi, thua lỗ; sau cùng người kiêu căng, tự mãn cũng giống như người ích kỷ, tham lam không bao giờ hiểu được thế nào là thương xót, bởi họ chẳng bao giờ cảm thấy  cần được Thiên Chúa và anh em xót thương.

Thực vậy, vì thương xót đòi liều lĩnh, quả cảm, nên chỉ những ai có tâm hồn nghèo khó, hiền lành mới dám liều mạng yêu thương, bởi  trái tim nghèo khó chẳng có gì phải giữ cho riêng mình, và tấm lòng khiêm nhu, hiền hậu chẳng tìm xây pháo đài, ngai báu thống trị ai. Họ cũng là  những người đã trải nghiệm nhiều khổ đau, sầu tủi,  từng bị sỉ vả, vu khống đủ điều và biết mình luôn cần đến lòng xót thương của người khác, nhờ thế họ biết và dám liều lĩnh xót thương anh em, chị em của họ đang ở vào hoàn cảnh bi thương như họ đã trải qua.

2/ Vui lòng chấp nhận vô số rủi ro để có thể sống trọn vẹn “lòng thương xót”:

Nhìn vào hoạt động thiện nguyện, bác ái ở thời Covid, chúng ta thấy: làm từ thiện không dễ, hoạt động bác ái không nhẹ nhõm, đơn giản, nhưng đòi một trái tim rộng mở và một tinh thần thép trước vô số rủi ro, mà phần lớn đã đến từ những thị phi, sân si, ganh ghét của người đời. Bằng chứng nhiều người đã không thể đi đến cùng, vì ngao ngán miệng đời, sợ hãi lòng người bởi có người chẳng bao giờ đóng góp cứu trợ, cộng tác vào việc công ích, nhưng ngày đêm làm “anh hùng bàn phím” để say sưa  phê bình, chỉ trích, “vạch lá tìm sâu” những tổ chức thiện nguyện, những tấm lòng hy sinh đang chết sống với  lý tưởng phục vụ.

Người môn đệ Đức Giêsu sống lòng thương xót cũng không được miễn trừ hay ở ngoài  những rủi ro, thách đố này, và các vị ít nhiều đều đã trải nghiệm những đau khổ khi bị người mình phục vụ “chơi xấu”, phản bội; bị người mình hết lòng cưu mang, xây dựng thêu dệt đủ chuyện xấu xa  chống lại mình, để xóa đi qúa khứ nhờ cậy, nương nhờ của họ; bị người mình hết tình yêu thương, hết lòng giúp đỡ vu khống, bôi nhọ, lên án tàn nhẫn, phũ phàng.

Bên cạnh những rủi ro do miệng người, lòng người, còn những rủi ro  do đòi hỏi của sứ vụ, như nữ tu bác sĩ dòng Đaminh đã không thể tránh khỏi lây nhiễm, khi lao mình vào tuyến đầu chống Covid, bên cạnh những bệnh nhân F0 trong bệnh viện dã chiến, cũng như những giáo dân liều lĩnh tìm đến những anh chị em đang đói trong vùng bị phong toả, cách ly để tiếp tế lương thực đã không thoát khỏi tai hoạ Covid.

Quả thực, như Đức Giêsu đã bị giáo quyền, thế quyền thời Ngài tẩy chay, khủng bố, tiêu diệt vì lòng thương xót; như Đức Giêsu đã bất chấp những thị phi, đàm tiếu, chống báng, khinh bỉ của các kinh sư, và người Pharisêu vì lòng thương xót; như Đức Giêsu đã liều lĩnh vượt rào lề luật Môsê (x. Mt 12,9-14), và truyền thống dân tộc  Do Thái vì lòng thương xót; như Đức Giêsu đã qủa cảm chấp nhận là bạn bè của bọn thu thuế và  quân tội lỗi vì lòng thương xót (x. Mt 9,10-13), người môn đệ của Ngài cũng không thể sống lòng thương xót là giới răn của Ngài (x. Ga 15,12), là dấu chỉ của người thuộc về Ngài (x. Ga 13, 35), mà không chấp nhận nhiều rủi ro, chịu đủ thiệt thòi, và nguy cơ mất cả tính mạng, vì tình yêu Đức Giêsu luôn thúc bách người môn đệ đạt đến tình yêu cao cả là “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Khi trình bày hình ảnh người Samari tốt lành, từ tâm, nhân hậu và truyền dạy chúng ta “hãy làm như vậy” (Lc 10,37), nghĩa là hãy thực hiện lòng thương xót một cách liều lĩnh, quả cảm, Đức Giêsu đã công khai cho chúng ta thấy lòng thương xót mang nhiều rủi ro, thiệt thòi cho người sống lòng thương xót.

Mang nhiều rủi ro, bởi khi “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ  lên vết thương và băng bó lại” cho người bị nạn không hề quen biết đang nửa sống nửa chết bên đường, người Samari có lòng thương xót có thể bị quy chụp là kẻ đã gây ra tai nạn, và nhiều hệ lụy sẽ phát sinh cho ông; mang nhiều rủi ro, khi “đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”, người Samari “hay chạnh lòng thương” có thể bị chủ quán nghi ngờ và đi báo công an để rồi vô số  phiền phức sẽ đổ trên ông ; chịu nhiều thiệt thòi, khi rộng rãi chi tiền bạc nhờ chủ quán chăm sóc, và  hứa sẽ trở lại thanh toán phần chi phí phát sinh, người Samari giầu lòng nhân ái có thể sẽ bị chính nạn nhân mà ông vừa mất giờ, vừa tốn tiền chăm sóc, cứu chữa tố cáo là kẻ đã trấn lột, tra khảo, đánh đấm anh ta nhừ tử, nửa sống nửa chết bên đường (x. Lc 10, 29-37).

Tưởng niệm các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đã hy sinh mạng sống vì lòng thương xót không chỉ giữa tâm dịch Covid ở Việt Nam, nhưng mọi nơi, mọi thời, chúng ta cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa luôn ý thức lòng thương xót là căn tính của người môn đệ; là lẽ sống, sức sống của Giáo Hội, vì một lý do không ai, và không gì có thể biện bác, phủ nhận: Thiên Chúa của Đức Giêsu là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, và Ngài là dung mạo đích thực của Chúa Cha giàu lòng thương xót, Đấng muốn mọi người thương xót để được xót thương  (x. Mt 5,7 ; 18,23-35).

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...