Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Vọng

VUI MỪNG VÀ CẦU NGUYỆN | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B

TMĐP- Là người Kitô hữu, chúng ta không thể không cầu nguyện, liên lỷ kết hiệp mật thiết với Đức Kitô.

Bất cứ ở đâu có hy vọng, ở đấy có niềm vui, bởi hy vọng xoá tan thất vọng,  xua đuổi nỗi  buồn và gieo  niềm vui trông đợi. Với người Kitô hữu, niềm vui của Mùa Vọng còn ngàn lần vui hơn, vì là niềm vui đến từ Thiên Chúa (x. Tv 42,4), niềm vui trong Đức Giêsu Kitô (x. 1Tx 5,16-18)

Trước hết, trông đợi của Mùa Vọng là niềm vui của Thiên Chúa, vì là niềm hy vọng của kẻ nghèo được loan báo tin mừng: Thiên Chúa yêu thương họ,  hy vọng  của những tấm lòng tan nát được Thiên Chúa băng bó,  hy vọng của những kẻ bị giam cầm được Thiên Chúa  ân xá, cho trở về nhà,  hy vọng của những kẻ khóc than được Thiên Chúa an ủi, hy vọng của nước mắt đau buồn tang chế được Thiên Chúa lau khô (x.Is 61, 1-3), bởi Ngài là nguồn vui như lời sấm của ngôn sứ Isaia:”Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ” (Is 61,11).

Quả thực, hồng ân cứu độ ban cho chúng ta niềm vui hy vọng, như niềm vui khôn tả của “những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần  được Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm” (Lc 1,78-79). Vầng Đông ấy là Ngôi Lời, và “Ngôi Lời là ánh s         áng thật, ánh sáng đến thế gian và chiều soi mọi người” (Ga 1,9).

Vì thế, Gioan Tẩy Giả đã loan báo trong niềm vui: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”  (Ga 1,23); đã tuyên bố với niềm vui: “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16); làm chứng Đức Giêsu  bằng niềm vui của Đấng sai ông đi làm phép rửa trong nước và bảo ông: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”, và ông tràn đầy niềm vui lên tiếng chứng thực Đức Giêsu là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”  (Ga 1,33-34).

Như Gioan Tẩy Giả, mỗi người Kitô hữu là một chứng nhân của Đức Giêsu: Nguồn Vui của Thiên Chúa cho thế gian, và  Hy Vọng  của  mọi tội nhân đang nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Ngài đến và cự ngụ giữa loài người để mọi người được nghe loan báo tin vui: Thiên Chúa yêu thương họ, và nhận ơn cứu sống từ Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót.

Đây chính là lý do của niềm vui Mùa Vọng, ở đó chúng ta trông đợi Thiên Chúa đến chia sẻ phận người với chúng ta, và làm cho gánh đời chúng ta  bớt nặng nề (x. Mt 11,28), để chúng ta được hưởng niềm vui của Thiên Chúa, và niềm vui của chúng ta  được nên trọn vẹn, như Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ Ngài (x. Ga 15,11).

Nhưng có thực là niềm vui Mùa Vọng tự nhiên, tự động đến với chúng ta dễ dàng đến nỗi chúng ta không cần phải cố gắng đi tìm?

Thánh Phaolô trả lời bằng một xác quyết rõ ràng và mạnh mẽ: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,16).

Như thế, cầu nguyện không ngừng là điều kiện của niềm vui luôn mãi, nên vui mừng và cầu nguyện phải luôn có mặt bên nhau và song hành với nhau, nghĩa là không cầu nguyện, niềm vui của Thiên Chúa sẽ khô héo, tàn lụi trong chúng ta; không cầu nguyện, niềm vui trong Chúa sẽ không thể tồn tại và lớn lên, vì chỉ với cầu nguyện là gặp gỡ, kết hợp với Thiên Chúa, niềm vui trong Thiên Chúa của ta mới rộn ràng sinh sôi nảy nở, và đơm hoa kết trái xum xuê.

Qua khẳng định dứt khoát trên, thánh Tông Đồ Dân Ngoại còn cho chúng ta thấy: Thiên Chúa muốn chúng ta luôn vui mừng, và không ngừng cầu nguyện, vì  “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kiô Giêsu” (1 Tx 5,18). Ngài muốn cả hai được thực hiện liên lỷ, liên tục, mà không đứt đọan, ngắt quãng bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh, tình huống nào, điều mà thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta khi nhấn mạnh: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5,18).

Tóm lại, là người Kitô hữu, chúng ta không thể không cầu nguyện, tức liên lỷ kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, vì lẽ sống của người có đạo là có  Đức Kitô, mang Đức Kitô; sự sống  của người đi đạo là sống Đức Kitô; sứ vụ của người theo đạo là loan báo và làm chứng Đức Kitô. Và như thế, người  Kitô hữu “vui mừng luôn mãi”, vì luôn mãi ở trong  Đức Kitô là Nguồn Vui bất tận của Thiên Chúa, để không chỉ trong Mùa Vọng, mà suốt cuộc  đời, người môn đệ luôn mãi hớn hở hoan ca: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con” (Tv 42,4).

Jorathe Nắng Tím       

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...