Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

BÍ QUYẾT HIỆP HÀNH Chuỗi Suy Tư Về “HIỆP HÀNH” – Bài 8

TMĐP- Ước gì suốt con đường Hiệp Hành, người Kitô hữu cùng nhau “nhìn lại, nhìn vào, nhìn tới” mọi sự, mọi việc, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh trước sau, trong ngoài, gần xa, hôm qua, hôm nay và ngày mai với đôi mắt của trái tim yêu thương, tôn trọng  anh em…

Chúng ta hiểu mục đích khi Giáo Hội mở ra công trình Hiệp Hành chính là để nhìn lại hiện trạng hầu canh tân, làm cho Giáo Hội trở nên xinh đẹp nhờ “thánh thiện, tinh tuyền”, hầu xứng đáng hơn với tình yêu của Đức Giêsu, Đấng “nuôi nấng, chăm sóc Hội Thánh” (Ep 6,29), và “hiến mình vì Hội Thánh”(x. Ep 5,27).

Và để canh tân, đổi mới như mục tiêu được đề ra, chúng ta luôn cần nhìn lại những gì đã xẩy ra trong qúa khứ, nhìn vào những gì đang diễn ra ở hiện tại, và nhìn về những gì sắp đến, sẽ đến trong tương lai để rút kinh nghiệm, sửa chữa, và tiên liệu hầu tránh những  bước chân cũ, vết đổ xưa.

Khi nhìn lại, nhìn vào, nhìn về như thế, chúng ta sẽ nhìn với con mắt tìm kiếm : tìm những sai trái, lầm lỗi, khuyết điểm, sơ sót; kiếm những “thái qúa bất cập” là nguyên nhân đã làm cho công việc không thành, khiến cho tình trạng  bất ổn, rối rắm, phức tạp, nghiêm trọng, kể cả nguy hiểm.

Nhưng khi tìm kiếm “nguyên nhân”, người ta cũng kiếm tìm “tác nhân” đã gây nên thất bại, làm gẫy nát, sụp đổ công trình, kế hoạch. Thế là chuyện đi tìm nguyên nhân của những chuyện không vui, không tốt của quá khứ, cũng như hiện tại đã vô tình trở thành cuộc săn lùng, đấu tố tác nhân là chính anh em, mà giữa cao trào “xem xét, sửa sai” thường đã phải mang số phận tội đồ, mặc áo tội nhân, vì đám đông cần chứng cớ có sức mạnh áp đảo, và cộng đoàn cần bằng chứng có độ thuyết phục cao.

Quả thực, ai trong chúng ta ít nhiều cũng đã có những kinh nghiệm “không mấy vui”, khi  mạnh miệng phê phán tiền nhân bằng  phán xét một sự việc đã xảy ra trong qúa khứ với  cái nhìn và tư duy của một người ở trong hiện tại, một hiện tại cách  qúa khứ một khoảng thời gian rất xa, rất dài, như cháu chắt ở thời đại  “@- a còng” lại say sưa  phê bình lối sống và nếp nghĩ của tổ tiên hằng trăm năm trước; đã mạnh tay đả phá, vùi dập các tiền bối, tiền nhiệm bằng triệt tiêu tận nền, tận gốc công khó của các vị, mà không chút biết ơn, thương cảm. Kể cả  khi nhìn vào những việc xảy ra ở hiện tại, chúng ta cũng dễ bị cám dỗ  lên án, chỉ trích những bạn đường cùng đồng hành, cộng tác và tìm cho ra thủ phạm đã đem đến thất bại, truy lùng cho kỳ được tội nhân đã khiến công trình đổ vỡ… và tất  nhiên chúng ta không bỏ quên màn quy trách, buộc tội, đấu tố anh em mình, nhân danh sự thật “xây dựng”.

Viết những dòng này mà nghe lòng quặn thắt, vì tình trạng nhân danh “đổi mới, canh tân”, viện cớ lên đường Hiệp Hành để mặc sức bôi bác, bôi nhọ, “bôi tro trét trấu” lên mặt nhau là một sự thật đau lòng đang làm nhức  nhối con tim Giáo Hội. Đó cũng là lý do chúng ta cần suy nghĩ và tìm ra những bí quyết hầu tránh  cảnh tượng đáng buồn làm ngăn trở hành trình Hiệp Hành:

1/ Bí quyết: “Sự Thật trong Đức Ái”:

Đức Giêsu là Sự Thật (x. Ga 14,6), nhưng trên Sự Thật, Ngài là Tình Yêu như thánh Gioan qủa quyết: “Thiên Chúa là Tình Yêu …. Tình Yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1 Ga 4, 7.8) và chính Đức Giêsu đã cắt nghiã yếu tính Tình Yêu này: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy và ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,9-10), mà điều răn của Thầy là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đàng khác, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16).

Như thế, Thiên Chúa không chỉ là Tình Yêu, mà toàn thể những ai, những gì thuộc về Ngài, và công trình Ngài thực hiện đều xuất phát từ Tình Yêu, được nuôi dưỡng bằng Tình Yêu, và bao bọc bởi Tình Yêu là Ngài. Do đó, sự thật sẽ chỉ là sự thật trong tình yêu, sự thật chỉ là sự thật khi ở trong Thiên Chúa là Tình Yêu, nên ở ngoài tình yêu, chống lại tình yêu, trệch đường tình yêu sẽ không có sự thật “thật”, vì sự thật chỉ “thật”, nếu “ở lại và lớn lên” trong trái tim Thiên Chúa là nguồn tình yêu, nguồn của mọi tình yêu và sự thật.

Tại sao vậy? Thưa vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên ở ngoài Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ  không sự gì, cũng không một ai có thể đứng vững, có ý nghĩa, giá trị.

Vì thế, lấy sự thật ra khỏi tình yêu thì sự thật không còn là sự thật trước mặt Thiên Chúa, vì “sự” mà người ta cho là “thật” ấy đã thuộc về ma qủy là cha đẻ của mọi gian dối, nên  dù có thật  duới mắt con người, thì “sự thật” ấy cũng dẫn đến gian dối bạo lực, gian dối hủy diệt, vì một lý do đơn giản: khi Thiên Chúa không ghé mắt nhìn xem những gì không mang dấu ấn tình yêu là hình ảnh của Ngài thì không gì có thể tồn tại, sinh hoa kết trái, và những gì được con người  gọi là sự thật ấy sẽ trơ trụi, trần truồng rồi tức tưởi khô héo, tàn rụi, vì không được Tình Yêu bao phủ, ủ ấp, không được Thiên Chúa là nguồn sống nuôi dưỡng, ban sinh lực, như “trái cấm” trong vườn địa đàng mà Thiên Chúa căn dặn ông bà nguyên tổ không được phép ăn là một sự thật, nhưng khi ông bà tự nguyện rời bỏ tình thương của Thiên Chúa, tự ý không để sự thật “trái cấm” được gìn giữ, bảo vệ bởi tình yêu phụ tử của Đức Chúa bằng vâng lời Ngài, nhưng đem đặt vào tay Rắn Độc Xatan, thì lập tức sự thật ấy bị Thần Dữ  dẫn dắt, lèo lái để sự thật biến thái thành cạm bẫy nguy hiểm, nọc độc khủng khiếp, tai ương định mệnh cho ông bà và con cháu là tất cả chúng ta, toàn thể nhân loại.

Từ chân lý và nguyên tắc này, chúng ta sẽ dành cho Đức Ái ưu tiên “ một ” trong tất cả mọi lựa chọn, và đặt Đức Yêu Thương ở vị thế thứ nhất, hàng đầu trên thang gía trị ưu tiên khi quyết định, vì “cao trọng hơn cả là đức ái ” (1 Cr 13,13), như thánh Phaolô đã khuyên dạy.

2/ Bí quyết: “ghét bỏ tội lỗi, nhưng thương xót  tội nhân”:

Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu bộc lộ sự giận dữ trước tội lỗi, điển hình và ấn tượng hơn cả là khi Ngài nặng lời lên án tình trạng “nói mà không làm”, lại “bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, còn mình thì không buồn động ngón tay”, thái độ kiêu căng, quan liêu, trịch thượng, khoe khoang “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường”, thích được mọi người khúm núm gọi là “thầy”, hoặc tâm địa gian tham lập mưu “nuốt hết tài sản của các bà góa, lại làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”, kể cả lối sống bất chính, “ăn chơi vô độ”, và thái độ giả hình như “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết, và đủ mọi thứ ô uế” của các kinh sư và Pharisêu (x. Mt 23, 1-28), hoặc lần Ngài nóng giận xua đuổi  những người buôn bán trong Đền Thờ và la rầy họ: “Đã có lời chép rằng:  Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,13).

Quả thực, Đức Giêsu luôn tỏ ra nóng nảy “không đội trời chung” với tội lỗi, không chấp nhận Thiên Chúa bị xúc phạm, không nhượng bộ khi con người bị tổn thương, nên  không ngại nặng lời lên án hành vi tội lỗi, không sợ vạch trần những bất công, bóc lột, đàn áp, sa đọa, nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ Ngài làm mất danh dự, hạ uy tín, chà đạp nhân phẩm hay cắt đường sống, chặn đường về của bất cứ người nào. Bằng chứng là khi lên án các kinh sư và Pharisêu giả hình, bất chính, Đức Giêsu đã không nói tên một người nào, không chỉ mặt một ai, không xối xả giập vùi dù là một nhân vật tiêu biểu.  Trái lại, Ngài chỉ nêu ra những sai trái của một tập thể, tội ác của một đám người, vì thực sự trong đám người này, ở trong tập thể này tội ác đã phát sinh và tiếp tục được dung dưỡng.

Khi xác định tập thể, ở đó tội ác đang hoành hành, nhận diện thành phần, từ đó bất công phát xuất và tràn lan, Đức Giêsu đã làm công việc của người tôn trọng và bảo  vệ sự thật khi thực hiện “đúng mức” nguyên tắc của sự thật là phải chính xác: chính xác khi gọi đúng tên tội ác, chỉ đúng địa điểm tội ác cư ngụ, lộng hành và nhận đúng mặt nạn nhân đáng thương của tội ác, như Ngài đã điểm danh các tội giả hình, ăn chơi vô độ, kiêu căng, gian tham, háo danh … ; đã cho biết nơi tội lỗi phát sinh và bành trướng là giai cấp nắm giữ cơ chế tôn giáo, và nạn nhân của hàng ngũ lãnh đạo “thoái hóa” này là đám dân thấp cổ bé họng, không tiếng nói, không ô dù, không số má, và những bà goá nghèo kiết xác, bị thiên hạ khinh thường, lợi dụng …

Sở dĩ thực hiện đúng mức nguyên tắc của sự thật mà không làm tổn thương người mang sự thật, khi sự thật ấy là sự thật tội lỗi đáng nguyền rủa, vì Đức Giêsu không để sự thật chiếm đóng vị thế ưu tiên số một, là vị thế của Tình Yêu; không  tự cho phép nhân danh sự thật mà chà đạp, giập vùi, nghiền nát con người, dù  con người ấy là người có tội, là tội nhân, dù tội nhân ấy gây nên tội, dù người có tội ấy mang trên mình đầy tội như  thói quen thường làm của biết bao  người, trong đó có chúng ta.

Tóm lại, trang bị cho mình bí quyết của Tin Mừng trên đường Hiệp Hành, khi  “cùng nhau nhìn lại, nhìn vào, nhìn tới” để xem xét, rút ưu khuyết điểm, tìm hiểu ngọn ngành những khó khăn, cản trở, thất bại đã làm suy yếu, ù lì Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Giáo Hội, chúng ta sẽ tránh được những  cám dỗ bới móc, bôi bác, tra khảo, lên án, đấu tố, ném đá, đóng đinh nhau cách này cách khác; sẽ cùng nhau nhìn vào những khó khăn, mà không vạch mặt, lột trần người anh em đã gây nên khó khăn, vì cái khó nhất trên đường Hiệp Hành chính là “khó” yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương; sẽ cùng nhau vượt qua những thăng trầm, thử thách, kể cả  những thất bại ê chề mà không quy tội, kết tội, buộc tội, xử tội nhau, vì trên đường Hiệp Hành kẻ thù chung nguy hiểm hàng đầu của đoàn  lữ hành là Dân Chúa chính là lòng Ganh Ghét, Hận Thù, Bạo Lực, mà cạm bẫy được Xatan đưa ra mồi chài là thúc đẩy các “bạn đường” gán cho nhau nhãn hiệu Tội Nhân, chụp cho nhau chiếc mũ Tội Đồ, đeo cho nhau số hiệu “Tội Phạm” với hy vọng làm nhẹ tội mình, và tránh  cho bản thân rủi ro bị trừng phạt, vì chính mình cũng đứng chung hàng ngũ tội nhân, thuộc thành phần “bất toàn, bất hảo, bất chính” như mọi người.

Ước gì suốt con đường Hiệp Hành, người Kitô hữu sẽ cùng nhau “nhìn lại, nhìn vào, nhìn tới” mọi sự, mọi việc, mọi biến cố, mọi hoàn cảnh trước sau, trong ngoài, gần xa, hôm qua, hôm nay và ngày mai với đôi mắt của trái tim yêu thương, tôn trọng  anh em, mà sau đó  không hậm hực, tức tối nhìn nhau nếu có những thất bại, sai sót của công việc, cơ đồ;  sẽ cùng nhau hiệp lực  ngăn cản sức bành trướng của tội lỗi, nhưng không ngăn đường sống, cản lối về của người anh em đã trót sa lầy vì yếu đuối; cùng hiệp lòng  xin Chúa xóa bỏ lỗi lầm, tha thứ tội lỗi của nhau, mà không nhẫn tâm đổ tội, trút tội, quy tội cho anh em, nhất là những anh em cô thân, cô thế, đơn sơ đến ngây ngô, hiền lành đến khờ dại  để suốt đời bị thiên hạ ăn hiếp, “đè đầu cưỡi cổ”  bắt làm “chiên gánh tội”, “dê tế thần” đáng thương, tội nghiệp. Và chỉ như thế, chỉ với tình yêu ôm ấp sự thật, chúng ta mới thực sự là anh em của nhau và đồng hành hạnh phúc trên cùng một tuyến đường đi theo Đức Giêsu làm môn đệ Ngài.

Xin Chúa đổ tràn Thánh Thần Tình Yêu để đường Hiệp Hành của toàn thể Giáo Hội hôm nay ngày càng tươi mầu Hy Vọng, thắm màu Tin Yêu, tha thiết tình Huynh Đệ,  và chan chứa nghiã Bạn Đường trong Đức Giêsu là Tình Yêu – Sự Thật, là Sự Thật trong Tình Yêu.

Jorathe Nắng Tím              

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...