Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

BÍ TÍCH TÌNH YÊU | Thứ Năm Tuần Thánh, Năm B

TMĐP- Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Tiệc Thánh Thể, có chức Linh Mục, vì Tiệc Thánh là bí tích tình yêu Đức Giêsu đã lập. Quanh bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta được cùng Đức Giêsu tạ ơn Chúa Cha, được nhớ lại Giao Ước bằng máu của Ngôi Lời nhập thể, được cùng Ngài hiến mình làm Hy Lễ đền tội, và được cùng Ngài chia sẻ, phục vụ mọi người.

Tất cả các bài đọc phụng vụ của thứ năm tuần thánh đều hướng về bữa tiệc thánh, tức Thánh Lễ, ở đó mọi người tín hữu được Đức Giêsu mời gọi cùng Ngài đi vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa làm người.

Bài đọc một với bữa ăn vượt qua của Ítraen, dân Chúa trước giờ rời bỏ đất nô lệ Ai Cập: mỗi nhà bắt một con chiên không qúa một tuổi, đem sát tế vào lúc xế chiều, máu nó bôi lên cửa, còn thịt sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. Nhờ vết máu trên cửa, “Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên đất Ai Cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa” (Xh 12,13-14).

Bài đọc hai là thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Côrinthô, được coi là trình thuật cổ nhất về “Bữa Tiệc của Chúa”, trong đó, thánh tông đồ dân ngoại nhắc lại những gì ngài đã lãnh nhận nơi Chúa: “Trong đêm bị nộp, Chúa Giêszu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11, 23-25).

Tin Mừng thánh Gioan tường thuật chi tiết bữa ăn sau cùng của Đức Giêsu với các môn đệ là những người Ngài yêu thương và yêu thương đến cùng (x. Ga 13, 1): Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5).  Cũng với bữa tiệc cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, ba Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật việc Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20 ; x. Mt 26,26-28; Mc 14, 22-24).

Bữa ăn là khoảnh khắc ấm cúng tình nghĩa nhất trong một ngày của gia đình, cộng đoàn bạn hữu, khi mọi người quây quần bên nhau, cùng chia sẻ của ăn, thức uống  được làm nên từ mồ hôi, nước mắt, công lao khó nhọc của nhiều người; bữa ăn còn là lúc thuận tiện để mọi người ngồi lại với nhau trao đổi, tâm sự, biểu hiện tình yêu thương, bởi không lúc nào người ta cảm thấy gần nhau, và cảm thông  nhau một cách thiết thực hơn khi  ngồi cùng bàn, cùng chia  sẻ chén cơm, ly rượu.

Qua bữa ăn Vượt Qua của dân Ítraen trong Cựu Ước, cũng như bữa ăn Thánh Thể của Đức Giêsu với các môn đệ trong Tân Ước, chúng ta thấy nhận được những điều Chúa muốn nói:

1. Bữa tiệc thánh là lễ Tưởng Niệm, Tạ Ơn Thiên Chúa:

Khi ăn mừng lễ Vượt Qua, dân Chúa được nhắc nhở “tưởng niệm” việc Giavê Thiên Chúa đã cứu họ khỏi tay người Ai Cập, và đưa họ ra khỏi vùng đất nô lệ, đi về đất chảy sữa và mật ong, như Chúa đã hứa. Tưởng niệm  giao ước để tạ ơn ; tưởng niệm lòng thương xót, để  dâng lời mừng chúc, cảm tạ Thiên Chúa qua mọi thế hệ, cho đến muôn đời.

Trong tiệc Thánh Thể, chính  Đức Giêsu  đã “ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng”, rồi “cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn” (Mt 26, 26.27). Ngài chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha vì bao điều kỳ diệu và tình thương Chúa Cha đã ban xuống trên Ngài và những người thuộc về Ngài. Đồng thời, Ngài bảo các môn đệ “hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Tưởng nhớ đến Ngài là tưởng niệm Giao Ước được lập bằng máu Ngài cho muôn dân được tha tội; tưởng nhớ đến Ngài là tưởng niệm sự chết và sống lại của Ngài là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại được sống; tưởng nhớ đến Ngài là tưởng niệm tình yêu lớn lao và cao cả nhất là hiến mạng sống cho người mình yêu mà Ngài đã thể hiện qua hy lễ Thánh Giá.

Vì thế, khi dự tiệc Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi đi vào Bí Tích Tình Yêu, ở đó, trái tim người Kitô hữu hướng về Đức Giêsu để tưởng nhớ Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và loài người đã được lập nên bằng chính máu Ngài, để thờ lậy, cảm tạ, tri ân Ngài.

2. Bữa tiệc thánh là Của Lễ hy sinh đền tội:

Con chiên không quá một tuổi bị sát tế mà máu được bôi lên cửa để làm dấu hiệu cho thiên sứ vượt qua, mà không dừng lại giết chết con trai đầu lòng, trong bữa ăn vượt qua của Ítraen là hình ảnh Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa gánh hết tội nhân loại, khi tự hiến mình làm Của Lễ trên Thánh Giá để đền tội, xóa tội cho mọi người. Chính Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Đây là máu Thầy đổ  ra vì anh em” (Lc 22,19.20). Quả thật, không còn gì lớn lao và cao qúy hơn mạng sống, và khi mạng sống ấy được trao tặng cho người mình yêu, được hy sinh vì người mình yêu, được đánh đổi để cứu sống người mình yêu thì không tình yêu nào có thể vượt qua tình yêu vĩ đại, cao vời này.

3. Bữa tiệc thánh là tình yêu chia sẻ, phục vụ:

Bữa ăn thể hiện sống động tình yêu, khi người ta ngồi chung bàn, cùng nhau ăn uống, chia sẻ với nhau lương thực để sống, trong khi người ích kỷ ăn riêng một mình, vì không muốn chia sớt, chung phần; không muốn hiệp thông, hiệp nhất với ai trong đời sống.

Chia sẻ trong bữa tiệc còn biểu hiện tình yêu phục vụ, vì không tình yêu nào không hướng đến mục đích đem lại hạnh phúc cho người mình yêu, nên không thể thiếu quan tâm phục vụ, thiếu chăm nom, săn sóc. Đức Giêsu trong bữa tiệc chia tay đã không chỉ căn dặn các môn đệ “yêu thương và phục vụ nhau”, bằng lời nói, nhưng bằng hành động qùy xuống rửa chân cho từng người. Việc làm của Ngài đề cao tinh thần phục vụ của người môn đệ, bởi  chính Ngài đã  “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Thực vậy, ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Tiệc Thánh Thể, có chức Linh Mục, vì Tiệc Thánh là bí tích tình yêu Đức Giêsu đã lập, và Linh Mục là thừa tác viên ban bí tích tình yêu ấy. Quanh bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta được cùng Đức Giêsu tạ ơn Chúa Cha, được nhớ lại Giao Ước bằng máu của Ngôi Lời nhập thể, được cùng Ngài hiến mình làm Hy Lễ đền tội, và được cùng Ngài  chia sẻ, phục vụ mọi người.

Jorathe Nắng Tím  

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...