Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

BÌNH AN CỦA  LÒNG THƯƠNG XÓT | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa – CN II Mùa Phục Sinh, Năm A

TMĐP- Như các môn đệ đã được gặp Đức Giêsu phục sinh với thân xác còn nguyên vẹn thương tích của Lòng Thương Xót, chúng ta cũng được “Đấng chịu đóng đinh”  thương xót tha tội và ban ơn Bình An của Ngài.

Hơn lúc nào hết, thế  giới sống trong bất an trước những đe dọa mang tính tận diệt của chiến tranh hạt nhân, của khủng hoảng kinh tế, của môi trường, khí hậu, của con người ngày càng bạo lực, đổi trắng thay đen, và người ta không biết phải làm gì để được bình an, chạy đi đâu để  an toàn mạng sống, và làm thế nào để gia đình,  người thân được sống môt đời an bình.

Quả thực, cuộc sống con người xem ra càng văn minh càng rắc rối, càng tân tiến càng phức tạp, càng tiện nghi càng lệ thuộc, phiền phức đưa đến tình trạng xã hội dễ xáo trộn và tâm trạng con người  bất ổn vì  nhiều áp lực.

Ngoài những áp lực do xã hội thường xuyên xáo trộn mang lại, mỗi người còn chịu nhiều áp lực khác như áp lực gia đình, áp lực nội tâm … Và tất cả đều chung tay góp sức tạo nên tình trạng bất an, khi lấy đi bình an khỏi cuộc sống con người.

Tin Mừng Gioan của chúa nhật Lòng Thương Xót ngay từ dòng đầu đã đặt chúng ta trong bối cảnh không bình an của các môn đệ: “Vào chiều hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20, 19).

Sợ là kẻ thù của bình an, như ông  bà nguyên tổ sau khi phạm tội đã sợ hãi khi nghe thấy tiếng Đức Chúa gọi ông bà trong vườn (x. St 3,10), điều mà trước đây ông bà không hề nghĩ tới, khi còn ân nghĩa với Thiên Chúa; tâm trạng mà ông bà chưa hề cảm nghiệm trước đây, khi sống thân tình với Ngài, và chỉ từ khi  bất tuân lệnh Thiên Chúa, ông bà mới cảm thấy bất an, vì sợ hãi Thiên Chúa. Chính vì sợ hãi, nghĩa là mất bình an như người ta bị lột trần truồng, mà ông bà đã lẩn trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi giáp mặt Thiên Chúa (x. St 3, 7-8. 10).

Chúng ta nhận thấy ở đây một điểm rất quan trọng, đó là bình an như tấm áo không chỉ  bảo đảm an toàn, mà còn gìn giữ phẩm cách, giá trị của bản thân. Nhờ đó, con người tin vào mình để sống xứng đáng, mà không vì bất an, áp lực, sợ hãi, mặc cảm, mà làm những điều xằng bậy, hạ thấp nhân vị, bởi thường khi mất bình an, chúng ta dễ rơi vào khủng hoảng là nguyên nhân của nhiều hành động vượt rào nguy hiểm.

Hôm ấy, các môn đệ đang sợ, nếu không muốn nói là rất sợ. Các ông sợ chính quyền và giáo quyền Do Thái tiếp tục truy lùng, bắt bớ và gán cho các ông tội đồng phạm âm mưu lật đổ chính quyền, cố ý chống lại luật Môsê, vì các ông là môn đệ thân tín của Đức Giêsu, người vừa bị công khai hành hình đóng đinh vào thập giá; các ông sợ đám đông Do Thái, tai mắt của chính quyền và giáo quyền không buông tha các ông, nhưng theo dõi, rình rập  tìm cớ tố cáo các ông nối gót tội phạm Giêsu xách động quần chúng, gieo rắc tà thuyết, quảng bá giáo lý sai lạc; các ông sợ ngày mai đen tối, như đã sợ từ mấy hôm nay hiện tại đổ nát phũ phàng; các ông sợ tương quan xã hội không còn có thể hàn gắn, vì thất bại qúa ê chề, sau cái chết ô nhục của Thầy ; các ông sợ tình nghĩa  gia đình không còn nguyên vẹn, vì cơ đồ vất vả xây dựng mấy năm nay khi đi theo Đức Giêsu  phút chốc tan thành mây khói; và các ông sợ chính mình, khi nhận ra không ai dại dột, ngu xuẩn và liều lĩnh  đầu quân theo một người tự xưng là Đấng Thiên Chúa sai đến để bị kết án tử  hình đóng đinh như tội phạm nguy hiểm.

Đúng lúc các ông đang hoang mang, sợ hãi thì “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19), và Tin Mừng ghi rõ: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20).

Sở dĩ các môn đệ hôm đó vui mừng, cũng như môn đệ Tôma tám ngày sau đã  xúc động quỳ sụp xuống trước mặt Đức Giêsu và thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28), là vì Đức Giêsu ngay sau khi ban Bình An đã  “cho các ông xem tay và cạnh sườn Người, và đã bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,20.27).

Cho các môn đệ xem và đặt tay vào những vết thương do đinh sắt và lưỡi đòng  của hình phạt Thánh Giá  trên thân thể mình, ngay sau khi ban Bình An, Đức Giêsu muốn tỏ cho các ông biết: Bình An Ngài ban cho các ông là Bình An của Lòng Thương Xót; Bình An Ngài đổ  xuống trên các ông là  hoa thơm trái ngot của cây Thánh Giá trên đó Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã hiến mình làm Của Lễ đền  tội nhân loại. Vì thế, Bình An Ngài ban là Bình An của Ngài, không phải bình an vay mượn, hay mua bán, như lời Ngài nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, bình an mà thế gian không ban được.” (Ga 14,27), bởi Bình An ấy chính là Máu từ trái tim thương xót của Ngài đã đổ ra trên Thánh Giá cứu chuộc.

Thực vậy, các môn đệ đã vui mừng đón nhận ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh, vì các ông nhận ra mình được thương xót. Chính lòng thương xót của Đức Giêsu làm cho các ông không còn sợ hãi, mặc cảm, không còn ray rứt, lo âu,  nhưng thư thái, bình an, vì ngoài những nỗi  lo gây ra bởi  người khác,  không kể những nỗi sợ đến từ bên ngoài, còn một nỗi lo không nhỏ liên lỷ có mặt trong tâm hồn và cắn rứt lương tâm người có tội; còn một nỗi sợ rất khủng khiếp không bao giờ chịu buông tha tội nhân, đó là nỗi lo bị Thiên Chúa trừng phạt, nỗi sợ bị xua đuổi khỏi Thánh Nhan trong ngày chung thẩm (x. Mt 25,31-46), nên niềm vui  đích thực của các môn đệ khi được xem tận mắt, sờ tận tay  dấu đinh trên tay chân và thương tích lưỡi đòng ở cạnh sườn Đức Giêsu chính là hạnh phúc được Thầy thương xót thứ tha tội đã chối Thầy, đã bỏ rơi Thầy, đã không nhớ lời Thầy hứa: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” (Mt 17, 22-23).

Như các môn đệ đã không còn sợ hãi, nhưng bình an sau khi được gặp Đức Giêsu phục sinh với thân xác còn nguyên vẹn thương tích của Lòng Thương Xót, chúng ta cũng được “Đấng chịu đóng đinh”  thương xót tha tội và ban ơn Bình An của Ngài, với điều kiện chúng ta không ở lì trong cái tôi  ích kỷ, nghi nan, thất vọng,  không  đóng chặt cửa lòng, không khép kín trái tim trước Lòng Thương Xót bao la vô bờ bến của Đấng đã chết và sống lại khi Ngài đến ban Bình An cho chúng ta, bằng sống lòng thương xót đối với mọi người (x.Mt 18,23-35).

Jorathe Nắng Tím       

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...