Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

BÓNG TỐI VÀ ÁNH SÁNG ĐỨC KITÔ |  Suy Niệm Tin Mừng Đêm Vọng Phục Sinh     

TMĐP- Các bài đọc được chọn trong lễ Vọng Phục Sinh xoay quanh Bóng Tối và Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Ánh Sáng xua tan tất cả mọi  bóng tối, từ bóng tối của buổi đầu tạo dựng muôn loài đến bóng tối trong tâm hồn mỗi người.

Bóng tối lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất, ở đó “đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, và bóng tối bao trùm vực thẳm …” (St 1,1-2).

Bóng tối tội lỗi bao trùm khắp vũ trụ, loài người khi ông bà nguyên tổ nghe lời Rắn độc Xatan ăn trái cây Thiên Chúa cấm (x. St 3).

Bóng tối nô lệ đè nặng trên Ítraen, dân riêng của Giavê Thiên Chúa bên Ai Cập (x. Xh 3,7).

Bóng tối ngăn cản dân ngoại nhận ra “ánh sáng soi đường là vinh quang của Ítraen, Dân Ngài” (Lc 2,32).

Bóng tối tiêu diệt “những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,79).

Bóng tối gieo nghi ngờ, thất vọng trong tâm hồn tội nhân, khi che khuất “Vầng Đông từ chốn cao vời” (Lc 1,78) là trái tim đầy xót thương, trắc ẩn của Thiên Chúa, bởi chính Ngài “sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên” ( Lc 1, 77).

Bóng tối không cho người mù từ thuở mới sinh được nhìn thấy bất cứ sự gì, hay người nào (x. Ga 9).

Sau cùng là Bóng Tối đức tin là bóng tối thách đố khủng khiếp, bóng đêm  thử thách kinh hoàng trong tâm hồn những người yêu mến, và đặt hết tin tưởng ở Thiên Chúa.

Thực vậy, không bóng tối nào đáng ngai hơn bóng tối đức tin, khi Thiên Chúa thử thách những kẻ yêu mến Ngài, như đã thử thách Ápraham, tổ phụ của  Dân Ngài khi thử lòng ông và nói với ông: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22, 2).

Thật không thể hiểu nổi khi chính Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông và hứa chắc với ông hôm nào: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Ngài cho vợ ông có thai ở tuổi già, vì ông bà không có con, lại truyền đặt tên cho con trai duy nhất là Ixaác (x. St 17,15-19; 18,1-15), và liên tục nhắc  ông nhớ lời Ngài hứa sẽ cho ông làm tổ phụ dân Ngài: “Hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”….  “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” (St 15, 5), bỗng nhiên hôm nay đổi ý, xóa bàn cờ khi quyết định hủy bỏ Giao Ước cho Ápraham trở thành tổ phụ một dân tộc lớn, một dòng dõi đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển, và  thay vào bằng kế hoạch mới, đó là ông phải đem con trai duy nhất, kẻ nối dòng, người sẽ cho ông trở thành tổ phụ lên núi sát tế làm của lễ toàn thiêu dâng tiến Ngài.

Nhận thiên lệnh vô cùng kinh sợ và phải lập tức thi hành, chắc chắn trí khôn Ápraham dầy đặc bóng tối, vì không con người nào có thể hiểu sự thay đổi cực kỳ khó hiểu, đường lối bất nhất, và tính khả tín đáng nghi ngờ của lời Thiên Chúa hứa, Lời Hứa mà ông hằng tin, vì Thiên Chúa Giavê của ông là Thiên Chúa  “không bao giờ lừa dối, nhưng luôn trung tín giữ lời”.

Trí khôn đã dầy đặc bóng tối “lý trí”, tâm can còn hụt hẫng, hoảng loạn gấp bội vì hoàn toàn mù lòa trong bóng tối “tình yêu”, khi chính ông phải đích thân đưa con trai duy nhất vô cùng yêu dấu đến nơi chịu sát tế.

Sách Sáng Thế cực tả nỗi đau khôn xiết trong lòng Ápraham khi “ông lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt trên vai Ixaác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi” (St 22,6).

Nỗi đau khôn xiết trong trái tim Ápraham đã không cho ông nói được lời nào với con trai Ixaác trên đường đến nơi sát tế, cho tới khi Ixaác phá tan cái yên lặng “nặng nề chết chóc” bằng tiếng gọi “Cha ơi!” (St 22,7), như đánh thức Ápraham ra khỏi “bóng tối ác mộng”, ra khỏi đêm đen thử thách.

Quả thực, Ápraham đã không nói được lời nào mà chỉ có thể đáp: “Cha đây con!” (St 22,7), vì không còn lời nào để nói, không thể nói lên lời vì nghẹn lời, khi trái tim đang tan vỡ thành từng mảnh vụn, vì biết  một lát nữa đây, chính ông sẽ phải giơ cao dao sắc nhọn đang mang trên tay để giết chết Ixaác, đứa con trai thơ ngây, vô tội, gần đến nơi và sắp đến giờ chịu sát tế làm của lễ toàn thiêu mà vẫn vui tươi, hồn nhiên hỏi cha: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” (S 22,8), câu hỏi sắc hơn dao một lần nữa đã đâm thấu lòng người cha già.

Trong bóng tối dầy đặc, giữa đêm đen mịt mùng của đức tin, người tôi trung Ápraham dường như không còn nhận ra mình. Không nhận ra mình  không chỉ trong tương quan với Ixaác, mà cả  trong tương quan với Thiên Chúa, khi nhớ lại mình đã từ bỏ tất cả, đánh đổi tất cả, mất tất cả từ “xứ sở, họ hàng, nhà cha mẹ “đến con trai duy nhất cho Lời Hứa được làm tổ phụ một dân riêng mà Thiên Chúa tự ý đặt ra, và bây giờ chính Lời Hứa ấy cũng bị lấy đi, sứ mệnh làm Tổ Phụ cũng bị thu hồi, ơn gọi làm Cha cũng bị hủy bỏ, qua chọn lựa vô cùng khó khăn, nghiệt ngã là tuyệt đối vâng phục lệnh truyền sát tế con của Giavê, và việc thi hành vô điều kiện  đòi hỏi vô cùng  đau đớn, tang thương của Giavê là  “đi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình” (St 22, 9-10).

Ôi thật khủng khiếp giây phút đức tin bị bóng tối bao phủ; thật đáng sợ bóng đêm đen kịt và dầy đặc thử thách tình yêu tín thác, mà bất cứ ai yêu mến và tin vào Thiên Chúa đều phải trải nghiệm, vì Thiên Chúa muốn những  người được  Ngài tuyển chọn  trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu trên Thánh Giá, mà cao điểm là khi bóng tối sụp xuống bao trùm và  thách đố tình yêu,  lòng tín thác, thì ngay cả Con Một của Ngài cũng phải  nghẹn ngào, nức nở, thống thiết kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Thực vậy, không thiếu những đoạn đường mù mịt vì thử thách trên hành trình làm người, làm con Chúa. Bằng chứng là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã trải qua, đặc biệt trong những ngày Thương Khó và Tử Nạn mà chúng ta đang cùng Giáo Hội sốt sắng cử hành.

Ước gì khi cử hành cuộc Thương Khó của Đức Giêsu chúng ta có cơ hội cùng tự vấn: Nếu phải rơi vào những khúc quanh tăm tối, như Ápraham khi nhận lệnh phải sát tế con, như các môn đệ Đức Giêsu đã sống đêm tối khủng khiếp của  đức tin từ chiều thứ sáu tuần thánh đến sáng chúa nhật phục sinh, khi xác Đức Giêsu được tháo xuống và chôn trong mồ, liệu chúng ta có trung tín như Ápraham để tiếp tục tin Thiên Chúa là Ánh Sáng dẫn chúng ta ra khỏi đêm đen,  cứu chúng ta thoát khỏi mọi bóng tối; có bền tâm vững chí tin Ngài là Ánh Sáng cứu độ “rực rỡ chiếu soi vũ trụ đang hân hoan vui mừng, vì được ơn thoát ly xa miền tăm tối; là cột lửa thiêng xóa tan mọi bóng tối trần gian; là Ánh Sáng rạng ngời như bình minh soi dẫn nhân trần; là ngọn lửa lung linh để Thiên Chúa được ngợi khen tôn vinh” ( Mừng Vui Lên – Exultet); là Ánh Sáng tự do đưa dân  ra khỏi đêm đen nô lệ  (x. Xh 13,21); và liệu tình yêu trong tim chúng ta còn đủ nồng nàn để cùng bà Maria Mácđala “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối..” đã đi viếng mộ Đức Giêsu (x. Ga 20,1); liệu đèn thiện chí của chúng ta còn đủ dầu để thắp sáng đường về với nhau “ở một nơi”, “dù các cửa đều đóng kín, vì sợ người Do Thái” (Ga 20,19)  như các Tông Đồ trong những ngày đen tối khi Thầy đã  chết thảm thương, ô nhục trên Thánh Giá để được thấy “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông” và ban Bình An Phục Sinh cho các ông (x. Ga 20,19); sau cùng, liệu tâm hồn chúng ta có luôn đủ khiêm tốn để như tông đồ Tôma sấp mình dưới chân Đức Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết mà tha thiết thân thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28) sau những lần chối từ Ánh Sáng phục sinh vì cứng lòng?

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...