Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

CẠM BẪY NGUY HIỂM NHẤT DƯỚI THỜI CỦA QUYỀN LỰC TỐI TĂM |  Chuỗi suy tư về Giáo Hội

TMĐP- Thế giới hôm nay, và cả Giáo Hội đều có rất nhiều, nhưng thiếu rất nhiều lòng thương xót, trong khi tương lai của thế giới cũng như của Giáo Hội tùy thuộc vào khả năng thương xót.

Thời của quyền lực tối tăm là một thực tại không thể chối cãi, vì chính Đức Giêsu đã khẳng định khi Giuđa cùng “các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Ngài.. : “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22, 53), như trước đó Ngài đã cảnh báo các môn đệ về những  gian truân thử thách sắp tới và trấn an các ông: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa .., anh em hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục” (Lc 12,4.5).

Nói như thế, Đức Giêsu không có ý bảo chúng ta chẳng cần đề phòng cạm bẫy của quyền lực tối tăm, cũng chẳng phải nỗ lực vận dụng mọi khả năng, khả thể để vượt qua mưu hèn kế bẩn giăng mắc khắp nơi của thế lực bóng tối; trái lại, Ngài nhắc nhở chúng ta phải thận trọng, khôn ngoan để khỏi sa chước cám dỗ.

Tất nhiên, quyền lực tối tăm có vô số cám dỗ nguy hiểm chết người, vì hoả ngục là sào huyệt của những tay lừa đảo khét tiếng, nơi tập trung những chiêu trò ma mãnh, gian xảo, chốn thu thập những mánh lới “thần sầu qủy khốc” để hãm hại, truy diệt con người.

Tuy hằng hà sa số những chiêu trò, mánh lới, cám dỗ đủ loại, nhưng quyền lực tối tăm chỉ nhắm vào một thứ cạm bẫy độc hại, nguy hiểm nhất, có sức tàn phá khủng khiếp công trình cứu chuộc, và hủy diệt lòng tin của người môn đệ Đức Giêsu, đó là giật sập nhịp cầu của Lòng Thương Xót giữa những người thuộc về Đức Giêsu.

Khi xử dụng mọi chiêu trò, mánh lới, cám dỗ để gài bẫy đánh sập nhịp cầu, làm bật tung hòn đá tảng Lòng Thương Xót, quyền lực tối tăm tìm tiêu diệt lòng tin của chúng ta vào một Thiên Chúa là Cha nhân hậu, “Đấng giầu lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”, “Đấng hiền lành và khiêm nhường” đến nỗi “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Mt 11, 29; Is 42,3), đồng thời làm đổ vỡ niềm tin giữa những người con cùng một Cha trên trời, khi chính những người này không nhận ra nhau là anh em của nhau, vì không còn yêu mến, thương xót nhau như giới răn Chúa truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau: anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), và bên cạnh những đổ vỡ của niềm tin vào Thiên Chúa là Cha và giữa anh em trong nhà là không người nào còn nhận ra họ là môn đệ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu hay chạnh lòng thương xót, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Vì thế, chỉ cần đánh sập Lòng Thương Xót, quyền lực tối tăm sẽ dành toàn phần chiến thắng khi lòng tin bị sụp đổ, vì đức tin của chúng ta được xây trên Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, được lớn lên khi chúng ta yêu thương  nhau như giới răn Chúa truyền, và được loan truyền, mở rộng cho mọi người ở mọi nơi, mọi thời khi chúng ta  sống đức ái đích thực để trở nên những chứng nhân đích danh của Thiên Chúa là Tình Yêu và Giáo Hội là Bí Tích của Lòng Thương Xót.

Để thực hiện mục tiêu phá hủy lòng thương xót trong Giáo Hội, quyền lực tối tăm tận dụng một số chiêu trò khá quen thuộc, nghe qua tưởng cũ và không mấy hiệu qủa, nhưng thực ra ngày càng tinh vi, hiệu lực.

1/ Gây chia rẽ nội bộ bằng xét nét, chỉ trích, phê bình:

Quyền lực tối tăm là cha đẻ của chia rẽ, và để đánh phá sự hiệp nhất, vũ khí được dùng nhiều hơn cả là “bới lông tìm vết”, xét nét, chỉ trích, phê bình để tạo tổn thương, hiềm khích, hận thù khi nhân phẩm, quá khứ, và đời sống riêng tư của người khác không được tôn trọng, nhưng bị tung hê, bôi bác, chà đạp.

Đức Giêsu cảnh báo chúng ta: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra’ trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?” (Lc 6, 41-42).

2/Đấu tố bằng dựa vào sức mạnh của đám đông và ác tâm quy chụp, ác ý suy diễn:

Nếu bước đầu của tiến trình đánh phá lòng thương xót là “kín tiếng” gây chia rẽ, nhẹ nhàng, khôn khéo gieo ngờ vực, và bí mật tạo hiềm khích, thì bước thứ hai là công khai tố cáo, cay nghiệt tố khổ, và tàn nhẫn đấu tố.

Ở giai đọan này, quyền lực tối tăm thúc đẩy lòng người đi đến tận cùng của gian ác để có thể xử dụng mọi mưu hèn kế bẩn như quy chụp, vu khống người khác một cách hồ đồ, vô cớ, và suy diễn một cách chủ quan với ác tâm ác ý dẫn đến hành động ồn ào vùi giập đối tượng mà không chút xót thương.

Đức Giêsu đã liên tục bị các thượng tế, luật sĩ và nhóm Pharisêu suy diễn, quy chụp: Họ quy chụp Ngài nói phạm thượng khi Ngài bảo người bại liệt: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” và cho anh “đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà” (Lc 5,20.24); với ác ý và tà tâm, họ suy diễn: Ngài dựa thế qủy vương Bêendêbun mà trừ quỷ (x. Lc 11,15); họ đoán già đoán non khi thấy người phụ nữ vốn mang tiếng tội lỗi trong thành “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Ngài, lại lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,38). Và với sức mạnh vũ bão của đám đông a dua, nhẹ dạ, trước mặt quan tổng trấn Philatô, đại diện chính quyền đế quốc Rôma, họ đã tố cáo Ngài là tên sách động “ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda” (Lc 23,2) và đấu tố Ngài là kẻ phản loạn đã  lôi kéo quần chúng tham gia lật đổ chính quyền khi “xưng mình là Vua” (Lc 23,2). Do áp lực dữ dội, và nặng nề  của quần chúng, Philatô, dù biết rõ Đức Giêsu vô tội cũng đành nhượng bộ do hèn nhát, sợ mất chức mất quyền, khi  tha bổng Baraba, tù nhân can tội bạo động, giết người, và trao nộp Đức Giêsu  cho họ đem đi đóng đinh “theo ý họ muốn” (Lc 23,25).

3/ Luận tội bằng những công thức “nghiêm trọng, trầm trọng”:

Tung tin thất thiệt, bôi bác đời tư, vu khống, hạ nhục để chia rẽ và cô lập đối tượng cần đốn hạ là bước đầu, được tiếp nối bằng tố cáo công khai, đấu tố kịch liệt, nhưng để đánh qụy, tiêu diệt vĩnh viễn đối thủ, người ta cần đến giai đọan luận tội bằng những công thức luôn gắn liền cụm từ “nghiêm trọng, trầm trọng”.

Tại sao họ cần “bé xé ra to, nhẹ biến thành nặng, đơn giản làm cho nhiêu khê,  phức tạp” dưới vỏ bọc “nghiêm trọng, trầm trọng” như thế?

Thưa vì không ai muốn tay mình dính máu người khác, dù chính mình cầm dao giết chết nạn nhân; không người nào muốn mang tiếng “kẻ sát nhân”, dù chính mình là hung thủ, đồ tể. Nhưng ai nấy đều muốn giữ “bàn tay sạch” như Philatô sau khi giao nộp Đức Giêsu cho các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng đem đi đóng đinh vào thập giá đã “lấy nước rửa tay trước đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy!” (Mt 27,24).

Ông quan tổng trấn này khéo diễn, và diễn rất sâu nhưng rất tiếc quá lố bịch, vì mọi người đều biết: chỉ một mình ông có quyền xử án, bởi duy nhất vị đại diện chính quyền đế quốc mới có quyền tha bổng hay buộc tội, khoan hồng hay kết án phạm nhân của đất nước bị thống trị; nếu không, các thượng tế, kỳ mục và dân chúng Do Thái đã chẳng cần đến ông để thực hiện kế hoạch giết Đức Giêsu.

Như Philatô phải đóng kịch người vô can, vô tội, với màn trình diễn rửa tay  trước mặt đám đông, dưới thời của quyền lực tối tăm, chúng ta cũng dễ  giả hình, diễn sâu như Philatô để “tránh tiếng là kẻ gian ác”, nhất là để tự lừa dối lương tâm mình bằng ngụy tạo một thứ bình an giả hiệu được Xatan đề nghị.

Để đạt mục tiêu trên, chúng ta dựa vào những khoản luật, những giá trị được truyền thống và nhu cầu của cộng đoàn bọc kín, với một chủ đích duy nhất là  khai thác tối đa tính nghiêm trọng, trầm trọng để luận tội, kết tội đối tượng bị lọt vào tầm ngắm.

Và để thực hiện tốt công việc khai thác tính trầm trọng, nghiêm trọng đó, tất cả những gì liên quan đến lòng thương xót đều bị gạt bỏ, loại hẳn ra ngoài, không được bàn tới vì họ sợ giảm thiểu mức nghiêm trọng, sợ làm nhẹ đi độ trầm trọng, như tiền đề cần thiết  dẫn đến kết luận buộc tội.

Làm cho tất cả trở nên trầm trọng, nghiêm trọng để cáo trạng được công nhận cách “đích đáng”, và bản án được mọi người thông qua vì “chính đáng, công bằng và hữu ích” cho tập thể, cộng đoàn. Nhưng đó chỉ là bề nổi cố che tảng băng khổng lồ chìm sâu là âm mưu hại người, giết người nhưng vẫn được thiên hạ gọi là chính nhân, người đạo đức; vẫn được trọng vọng, kính nể vì cả thủ phạm, đồng phạm, đồng lõa vẫn khoe được sự công chính của mình trrước đám đông, vì giữa họ, không ai trách cứ  ai, vì chẳng ai phải làm dơ bẩn bàn tay mình  trước bàn dân thiên hạ, dù tất cả đã tiếp tay làm đổ máu người vô tội, hoặc nhuốm máu người có tội nhưng tội chưa đáng xếp vào hàng “trầm trọng”, và còn rất xa mức độ, làn ranh “nghiêm trọng”.

Thực vậy, để giăng bẫy đánh sập Lòng Thương Xót, quyền lực tối tăm có vô số mưu hèn kế bẩn, mà người viết chỉ tóm tắt và nêu ra một số chiêu trò quen thuộc. Vấn đề quan trọng chúng ta cần quan tâm, chính là giữ sao cho trái tim mình  không bao giờ rơi vào tình trạng cạn kiệt lòng thương xót, bởi chỉ những trái tim không còn lòng thương xót mới có thể thực hiện kế họach của quyền lực tối tăm; chỉ những tâm hồn chai đá, vô cảm, không còn biết chạnh lòng thương cảm mới có thể làm tổn thương, nhuốm máu, đổ máu anh em mình; chỉ những cõi lòng chai lỳ, cằn cỗi mới có thể nhẫn tâm sát phạt, hãm hại, tiêu diệt người thân cận, cộng sự của mình; và chỉ những con người hoàn toàn đánh mất giá trị cứu rỗi của Lòng Thương Xót mới có thể  đầu quân phục vụ Xatan, làm việc cho quyền lực tối tăm đánh phá Giáo Hội của Đức Giêsu là Bí Tích Lòng Thương Xót.

Vâng, chúng ta phải đề phòng một số cám dỗ mà quyền lực tối tăm thường xuyên mồi chài:

a. Cám dỗ xem lòng thương xót chỉ là cảm xúc và không có giá trị:

Với cám dỗ này, Xatan làm chúng ta hạ thấp giá trị của Lòng Thương Xót, để rồi không quan tâm học biết thương xót, không nhạy bén chạnh lòng, vì cho rằng cảm xúc thì chóng qua, và không mấy khi dẫn đến hành động cụ thể, thiết thực.

Chúng ta cần nhớ: Lòng Thương Xót là một dấn thân đòi nhiều hy sinh, quên mình, quảng đại trao ban, và chấp nhận nhiều mất mát, thiệt thòi, như người Samari nhân hậu chạnh lòng thương xót người đi đường bị cướp trấn lột và đánh trọng thương, bỏ mặc nửa sống nửa chết bên đường đã “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về qúan trọ mà săn sóc. Hôm sau, ôn lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ qúan và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,34-35).

Người Samari có lòng thương xót đã không chỉ mất thời giờ, tốn kém tiền bạc, lỡ công lỡ việc, mà còn mang vào mình nhiều rủi ro, nguy hiểm “không tên tuổi khác”. Với trái tim thương xót, ông đã không vô cảm, ích kỷ như hai thầy tư tế và Lêvi đã dửng dưng, lạnh lùng “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10, 32), vì không muốn mất thời giờ, lỡ làng công việc, tốn kém tiền bạc vì người bị nạn đang nửa sống nửa chết, bởi thấy trước nạn nhân không đem lại  bất cứ mối lợi nào cho mình, trái lại chỉ gây liên lụy, phiền toái.

Và Đức Giêsu đã bảo chúng ta “hãy làm như vậy” (Lc 10, 37), nghĩa là hãy thương xót như người Samari từ tâm, nhân hậu, bởi lòng thương xót không là cảm xúc chóng qua, nhất thời, và không dẫn đến hành động đức ái cụ thể, thiết thực như Xatan thường to nhỏ cám dỗ, trái lại, lòng thương xót là  bảo đảm chắc chắn của ơn cứu độ, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

b. Cám dỗ đặt lòng thương xót xuống hàng thứ yếu:

Xatan muốn chúng ta đặt tất cả các giá trị khác như lề luật, truyền thống, tổ chức cơ chế, phẩm trật, thành qủa mục vụ, công trình truyền giáo lơn lao, hoành tráng  trên lòng thương xót, vì Xatan biết rất rõ: lòng thương xót là Muối để làm cho tất cả không trở nên ươn thối, hư hao nhờ vị mặn, nên chỉ cần làm cho muối nhạt đi, thì tất cả sẽ tự động mất hết gía trị, và vô nghiã  như  cơ chế phẩm trật mà không thương xót thì Thiên Chúa của lòng xót thương làm sao được loan báo và làm chứng?Mục vụ mà không thương xót thì Giáo Hội như Bí Tích Lòng Thương Xót làm sao sinh ơn cứu rỗi cho loài người? Lề Luật, truyền thống mà không thương xót thì  tương quan Cha Con với Thiên Chúa làm sao khăng khít, bền vững?

Trong Tin Mừng Luca, liền ngay trước các dụ ngôn về lòng thương xót (x. Lc 15), Đức Giêsu đã nói về Muối: “Muối qủa là một cái gì tốt”, vì muối làm mặn các thức ăn. “Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại? Dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp, nên người ta quăng nó ra ngoài” (Lc 14, 34). Ngài muốn nói đến trái tim biết chạnh lòng thương xót như Muối  làm mặn cuộc đời.

c. Cám dỗ coi thường lòng thương xót:

Thấy ai không cứng rắn, nhưng  hay tỏ lòng thương xót, ta bảo họ yếu đuối, nhu nhược; thấy người hay mủi lòng mà không quá khích, cực đoan, ta cho là hèn nhát, thoả hiệp; gặp người chỉ mong tìm phương án giải quyết mọi khúc mắc, khó khăn trong tương quan bằng tình yêu  thương xót, ta bảo họ thua cuộc, ngụy hoà, và Xatan hài lòng khi chúng ta hạ thấp giá trị của lòng thương xót như thế.

Thực ra, người có lòng thương xót là người trưởng thành, vững mạnh, và kiên cường, bởi không trưởng thành trong đức tin làm sao có thể “yêu thương và cầu nguyện” cho những kẻ ngược đãi mình (x. Mt 5,44); không vững mạnh trong đức ái làm sao có thể tha thứ cho người làm tổn thương mình “không chỉ bẩy lần nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18,22); không kiên cường trong lòng thương xót làm sao có thể noi gương Đức Giêsu trên Thánh Giá để xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã làm khổ, làm nhục và đóng đinh mình, với một lý do chỉ có thể đứng vững trong trái tim được làm đầy bằng lòng xót thương của Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu: “vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

d. Cám dỗ không thương xót những người bị coi là không đáng thương xót:

Đây là cám dỗ tinh vi và có độ hủy diệt cao, vì một khi rơi vào cám dỗ này, chúng ta nghiễm nhiên vừa là quan tòa vừa là lý hình của những người chúng ta cho là không đáng nhận lòng thương xót của Chúa, và tất nhiên chúng ta không cần phải thương xót những người đã  bị Thiên Chúa loại bỏ theo đánh giá chủ quan và thiếu lòng thương xót của chúng ta.

Khi đặt câu hỏi với các môn đệ Đức Giêsu: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” (Mt 9,11), những người Pharisêu đã tự mình xếp lọai  ai là người đáng nhận lòng thương xót của Chúa, và ai là người không đáng nhận. Họ ngang nhiên làm công việc hoàn toàn không phải của họ, vì tuyệt nhiên không ai có quyền này, bởi quyền phán xét và quyền  thương xót là quyền thuộc  một mình Thiên Chúa, và không ai, không định chế, thế lực nào có quyền kiểm soát, hạn chế, cấm vận lòng thương xót ấy, như Đức Giêsu đã qủa quyết: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền định đọat về những gì là của tôi sao? hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15) trong dụ ngôn thợ làm vườn nho khi nhiều người tỵ nạnh vì vào làm sớm mà cũng chỉ nhận cùng tiền lương như người được nhận vào làm sau chót; cũng như khi trả lời những người Pharisêu đã trách cứ Ngài giao du với phường tội lỗi: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghiã của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 12-13).

Tóm lại, chúng ta đang ở thời của quyền lực tối tăm, và vũ khí chúng ta cần để chống lại sẽ không là quyền lực chính trị, kinh tế, quân sự, cũng chẳng là thần quyền với thành quách kiên cố, pháo đài cơ chế vững chắc đủ loại, nhưng là lòng thương xót, trái tim biết chạnh lòng thương, tâm hồn hiền lành, khiêm nhường để có thể khóc với ai sầu khổ, xót thương những thân phận đáng thương, và chia sẻ, ủi an những người anh em bị hiểu lầm, vu oan, bị tẩy chay, cô lập, bị truy lùng, triệt hạ không còn đường sống.

Thế giới hôm nay, và cả Giáo Hội đều có rất nhiều, nhưng thiếu rất nhiều lòng thương xót, trong khi tương lai của thế giới cũng như của Giáo Hội tùy thuộc vào khả năng thương xót.

Thực vậy, chỉ đến khi nào tất cả chúng ta, dù ở bất cứ vị thế, phẩm trật nào trong Giáo Hội đều  ý thức và chân nhận rằng: đỉnh cao của quyền năng Thiên Chúa là Lòng Thương Xót và sức mạnh vô song của quyền bính là khả năng xót thương, như Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa siêu tôn và nắm mọi quyền bính trên trời dưới đất (x. Pl 2,9 -11) vẫn luôn “hiền lành, khiêm nhường”, giàu lòng thương xót  quyết “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất” (Lc 15, 4), và kiên trì ngày ngày ra đầu ngõ ngóng bóng con hoang đàng trở về (x. Lc 15,20-24).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...