Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

CHẾT KHÁT | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm A

TMĐP- Quả thực, hành trình đức tin của chúng ta cũng không khác con đường đức tin của người phụ nữ Samari, vì như chị, mỗi người chúng ta đều đặt cho mình cùng một câu hỏi: Đức Giêsu, Đấng hứa ban nước hằng sống cho những ai tin vào Ngài là ai?

Không gì đáng sợ hơn chết khát, vì đói còn có thể cầm cự đôi ba ngày, nhưng khát thì chỉ dăm ba giờ là ngắc ngư, té xỉu.

Như nhiều người  trong chúng ta  đã có kinh nghiệm khát cháy cổ dưới cái nóng đổ lửa của mùa hè khi đi lạc, Ítraen, dân Chúa trên đường về Đất Hứa, sau khi rời bỏ đất nô lệ Ai Cập cũng đã trải qua những ngày không có nước cho dân và đoàn súc vật. Vì khát, “dân đã gây sự” và phẫn nộ “kêu trách ông Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,2.3).

Sách Xuất Hành ghi lại cảnh họ than thở, trách móc, giận dữ và chỉ một chút nữa là họ ném đá ông Môsê, người đã vâng lời Đức Chúa giải phóng họ khỏi gông cùm nô lệ Ai Cập để đưa họ về Đất Thiên Chúa hứa ban.

Ở bước đường cùng, giữa những bế tắc khó vượt qua, “Môsê đã kêu lên cùng Đức Chúa”, và Ngài đã sai ông cầm lấy cậy gậy đập vào tảng đá ở núi Khôrếp và nước đã chảy ra cho dân uống (x. Xh 17,5-6).

Qua trình thuật về thái độ gây sự của Ítraen khi khát nước trong sa mạc, với những lời thách thức Thiên Chúa: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17,7), chúng ta nhận ra tình trạng dễ dàng sa sút niềm tin của dân Chúa, cũng là của chúng ta khi gặp thử thách trong đời sống.  Niềm tin  khủng hoảng  khi không còn tin vào bàn tay dẫn dắt tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa; niềm tin cạn kiệt khi không còn hy vọng vào lòng thương xót của Đấng hằng trung tín với lời Ngài hứa. Và đó chính là thách đố của tất cả những ai đang trên đường Vượt Qua với Đức Giêsu.

Nếu bài đọc Cưu Ước cho thấy Ítraen đã khát, và Môsê đã xin Đức Chúa ban nước cho họ uống, thì Tin Mừng Gioan lại cho chúng ta thấy một Thiên Chúa  đang khát, vì đi đường mỏi mệt  lúc giữa trưa (x. Ga 4,6) đã xin con người nước uống, khi nói với người phụ nữ Samari đang kín nước ở giếng ông Giacóp: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7).

Tuy xin chút nước uống, nhưng Đức Giêsu đã đi vào đối thoại chân tình với người phụ nữ. Câu chuyện khởi đi từ mối bất hoà giữa hai miền khi người phụ nữ ngỡ ngàng hỏi Đức Giêsu: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông uống nước sao?”, và cứ thế, trao đổi giữa Đức Giêsu và chị ấy càng lúc càng sâu sắc đã dẫn người phụ nữ Samari đến niềm tin: Đức Giêsu, người đàn ông Do Thái đã được chị cho uống nước và đang nói với chị chính là Đấng Thiên Sai đã được loan báo và mọi người trông đợi (x.Ga 4,25-26).

Tin Mừng còn cẩn thận ghi lại: sau khi nhận ra “ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người đã nói với chị: Cho tôi xin chút nước uống”, “người phụ nữ đã để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? Họ ra khỏi thành và đến gặp Người” (Ga 4,10.28-30).

Quả thực, hành trình đức tin của chúng ta cũng không khác con đường đức tin của người phụ nữ Samari, vì như chị, mỗi người chúng ta  đều đặt cho mình cùng một câu hỏi: Đức Giêsu, Đấng đích thân đến gặp tôi là ai? Đức Giêsu, Đấng xin tôi nước uống trong cơn khát của Ngài là ai? Đức Giêsu, Đấng hứa ban nước hằng sống cho những ai tin vào Ngài là ai?

Ước gì hôm nay chúng ta không còn cứng lòng như Ítraen xưa kia trong sa mạc đã thử thách Thiên Chúa, dù đã thấy những việc Ngài làm, nhưng mở lòng và lắng nghe tiếng Ngài phán dạy (x. Tv 94,8) hầu được Thiên Chúa “mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Ngài …” (Rm 5,2) như người phụ nữ Samari đã không chỉ quảng đại mở rộng đôi tay lấy gầu, kéo nước từ giếng sâu lên cho Thiên Chúa làm người đang khát uống, nhưng  còn chân thành mở rộng con tim để lắng nghe, và  đón nhận lời Ngài là mạch nước được Ngài làm vọt lên, đem lại sự sống đời đời (x. Ga 4,14) nơi những người tin Ngài là Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu thế gian.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...