Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

CHÚA DẠY CON TRÊN ĐƯỜNG “TUẦN THÁNH” | Suy Niệm Mùa Phục Sinh

TMĐP- Cùng Giáo Hội, con vui sướng hân hoan cất cao lời Tạ Ơn Chúa Alléluia và xin Chúa giúp con thực hành những điều Chúa dy trên đường Tuần Thánh.

Con biết Chúa dạy con từng ngày, vì con không chỉ yếu đuối thâm niên mà còn ngu muội và cứng đầu có hạng, nên càng già con càng thâm tín và thông cảm với các thánh Tông Đồ năm xưa khi bị Chúa khiển trách: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? (Mc 4,40), “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9,19).

Thực vậy, có những bài học Chúa dậy đi dậy lại nhiều lần, nhưng con vẫn mau quên:  quên vì vô  tâm, vô tình cũng có, nhưng hầu hết quên vì “cố tình quên”  để tránh cho mình mặc cảm  tội lỗi trước những đòi hỏi của đam mê …

Tuần Thánh năm nay, Chúa vẫn một lòng xót thương ôn lại cho con nhiều bài học “nhớ đời” mà con đã cố tình quên bấy lâu nay:

Bài học 1 : Chúa dy con phải sẵn sàng và quảng đại khi Chúa cần đến:

Ngày vào Giêrusalem với tư cách Đấng Cứu Thế, Chúa “đã sai hai môn đệ và bảo: Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi giây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra?”, thì cứ nói: “Chúa có việc cần dùng!” (Lc 19,30-31). Và đúng như thế, “những người chủ nói với các ông” khi thấy các ông cởi dây lừa. Nhưng họ sẵn sàng và qủang đại để hai môn đệ dắt lừa của họ đi, vì “Chúa có việc cần dùng” (x. Lc 19, 32-34).

Chúa có thể cần đến của cải vật chất, khả năng tinh thần, thời giờ, sức khỏe của riêng con, nhưng cũng có thể Chúa cần con phải hy sinh cả những người thuộc về con như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, bạn hữu, nghĩa là con phải “bỏ họ”, vì ưu tiên cho Chúa, không còn lo được cho họ như ý con muốn, khi Chúa “có việc cần dùng con”, như các Tông Đồ Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan… đã bỏ tất cả mà đi theo Chúa, vì “Chúa có việc cần đến các ông” khi gọi các ông đi theo Ngài (x. Mt 4, 18-22).

Và Chúa cũng dậy con: Nếu con không sẵn sàng và qủang đại khi Chúa cần đến, thì con sẽ là người bất hạnh, vì mất cơ hội “được Chúa thương xót và tuyển dụng vào công cuộc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa”, bởi không phải vì Chúa cho bằng vì con, không phải cho vinh danh Chúa cho bằng hạnh phúc của con mà Chúa cần đến con, như Chúa đã thẳng thắn trả lời những người Pharisêu: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” khi họ nói với Chúa: “Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!”, vì các môn đệ và đám đông lớn tiếng hô vang chúc tụng Chúa là “Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!”  (Lc 19,38- 40), cũng như đã có lần Gioan Tẩy Giả, Tiền Hô của Chúa đã  nói với nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc: “Các anh hãy sinh hoa qủa để tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham”. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham” (Mt 3,8-9).

Bài học 2: Chúa dy con: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Bởi có những lúc con tưởng đời con nhạt nhẽo, vô vị; tưởng những thua thiệt, mất mát con phải chịu đều vô ích, nhưng không phải vậy, vì Chúa nhắc bảo con: không cây số nào của hành trình con bôn ba là vô vị, không giây phút  nào con sống là phù vân, hư vô, không việc làm hay hy sinh vì tình yêu nào của dòng đời con trôi nổi bị coi là  vô dụng, bởi tất cả đều sinh lợi ích cho con và cho người khác, như nhờ cuộc Thương Khó của Chúa mà vua Hêrôđê và quan tổng trấn Philatô đã không còn hiềm khích, hận thù theo lời kể của Tin Mừng Luca: “Vua Hêrôđê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khóac cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Philatô. Ngày hôm ấy, vua Hêrôđê và quan tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù” (Lc 23,11-12). Và Chúa đã trở thành nhịp cầu nối kết, giao hoà mọi người với nhau bằng chính niềm đau, nỗi nhục của thân can phạm, phận tội nhân của mình.

Bài học 3 : Chúa dy con không xét đoán và lên án ai:

Không xét đoán, vì con không thấy được trên dưới, trong ngoài, gần xa, tối sáng, toàn diện, toàn phần, toàn cảnh, nên sẽ phán đoán sai, vì những bất ngờ: bất ngờ trong Nhóm Mười Hai toàn những môn đệ thân tín đã nhiều lần thề thốt sống chết với Thầy lại có một người bán Thầy, một người chối Thầy, chín người bỏ Thầy chạy trốn, may mắn còn sót lại một người đã theo Thầy đến giờ tử nạn; bất ngờ trên đường đến nơi hành hình, lính canh đã “bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê” chẳng hề quen biết, phải ghé vai vác đỡ thập giá cho Chúa (x. Lc 23, 26), gánh nặng đáng lẽ ra được dành cho những người đi theo làm môn đệ Chúa, và được Chúa thi ân, cứu sống, chữa lành; bất ngờ hai người đàn ông tự nguyện đi gặp quan Philatô xin nhận thi hài và chu đáo lo liệu hậu sự cho Chúa không phải là người thuộc Nhóm Mười Hai, hay thân quyến, trái lại là hai người bề ngoài tưởng thuộc “phe địch” vì là thành viên của Thượng Hội Đồng, lãnh tụ có máu mặt của người Do Thái, nhưng kỳ thực lại là hai môn đệ ẩn danh, bí mật, chẳng ai hay biết của ức Giêsu (x.Ga 19,38-40; Lc 23,50-36; Mc 15,42-46).

Không lên án, vì cả những người đã vu khống, quy chụp, buộc tội, kết án tử hình và toán lính thi hành bản án đóng đinh vào thập tự cũng được Chúa trắng án, khoan hồng khi cầu xin ơn tha thứ cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34). Chúa đã xin tha họ với một lý do thật “gượng ép, bao che” của lòng thương xót, bao dung, để con hiểu rằng con không được quyền lên án ai, vì con cũng là tội nhân đáng thương và cần được  thương xót như mọi người.

Không cho con quyền phán đoán, lên án người khác, vì Chúa biết phán đoán của con sẽ sai lệch, và án lệnh của con sẽ tàn nhẫn, bất công, bởi ngoài Chúa ra, ai có thể biết rõ tấm lòng khiêm tốn tin yêu của người gian phi bị đóng đinh bên phải Chúa, và ai có thể tưởng tượng tên gian phi ác ôn, đầy nợ máu ấy lại có thể là vị thánh đầu tiên của  Hội Thánh được Chúa đích thân tuyên phong vào  những giây phút sau cùng cuộc đời của cả Chúa và anh ta?

Bài học 4: Chúa dy con: trong đau khổ, đừng căm phẫn, thách thức, nguyền rủa, nhưng khiêm tốn chịu đựng và kiên trì hy vọng vào Chúa:

Như hai người gian phi cùng chịu chung bản án đóng đinh vào thập tự, cùng gồng mình, quằn quại đau đớn, cùng  đối mặt  tử thần đang đến gần, nhưng hai người  không cùng chung thái độ: người bên trái  thì phẫn uất nhục mạ, thách thức Chúa: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu chúng tôi với!” (Lc 23,39); khác với anh này, anh gian phi bên phải đã khiêm tốn biết mình có tội, cắn răng chịu hình phạt và đặt tất cả hy vọng vào Chúa, khi thay Chúa trả lời anh bạn bất mãn, tuyệt vọng: “Mày đang chiu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,40-42).

Vì thế, Chúa căn dặn con trong mọi hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, bị hàm oan, xử ép, hãy bắt chước người gian phi bên phải “khiêm tốn, chịu đựng và đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa”, bởi chính Chúa là “Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu, hay chạnh lòng xót thương xót” không bỏ ai trông cậy, tín thác ở Ngài.

Bài học 5: Chúa dy con kính trọng, vâng phục người thay mặt Chúa, cho dù họ  yếu kém về nhiều mặt:

Kính trọng người đáng kính, ngưỡng mộ người tài giỏi, vâng phục người công chính, công bình thì chẳng có gì đáng nói, vì dễ dàng và không đòi nhiều cố gắng, nhưng trọng người nhiều sai phạm, lầm lỗi, phục tùng người kém khả năng, thiếu tài đức thì quả là chuyện vô cùng khó, vì đòi bản thân phải vượt qua rất nhiều.

Phêrô là trường hợp cụ thể: tuy kiến thức không nhiều, địa vị xã hội không cao, lại liên tục bị Chúa khiển trách vì nông nổi, bốc đồng, chưa kể  ba lần công khai  chối Chúa, nhưng tất cả anh em tông đồ đều tôn trọng, nghe lời, và dành cho Phêrô quyền quyết định cũng như vinh dự “người anh trưởng” vì Phêrô được Chúa đặt  làm người đứng đầu, đại diện Chúa ở trần gian khi Chúa long trọng tuyên bố: “Anh là Phêrô,  nghiã là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Vì thế, Chúa muốn con kính trọng những người Chúa chọn, dù các vị có yếu đuối,  tài đức giới hạn, và lắm lúc con phải ép mình, gồng mình trước những trái tai gai mắt, gương mù gương xấu nơi những người có trách nhiệm trong Giáo Hội để giữ vững một niềm xác tín: Chúa luôn  gìn giữ người Chúa chọn và ban ơn phù trợ cho người Chúa đặt lên coi sóc gia sản Chúa.

Bài học 6: Chúa dy con Bình An là q tặng q giá nhất của Tình Yêu hy sinh:

Khi yêu nhau, người ta có thể cho nhau nhiều thứ, nhưng quà tặng quý giá nhất trong tình yêu vẫn là Bình An, bởi Bình An có giá trị tuyệt vời vì Bình An là hoa trái của tình yêu cao cả là sẵn sàng “chết cho người mình yêu” (Ga 15,13), như Chúa đã ban Bình An cho các môn đệ và những nguời đã được gặp Chúa trong thân xác phục sinh, sau khi đã hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người trên Thánh Giá (x. Mt 20,28).

Dạy con Bình An là quà tặng vô giá của tình yêu, Chúa muốn con phải hy sinh cho hạnh phúc của người khác, vì con không thể có Bình An để trao ban cho bất cứ ai, cũng không thể tìm kiếm Bình An đích thực ở bất cứ nơi nào, ngoài Chúa là Tình Yêu tuyệt đối đã chết cho hạnh phúc  đời đời của mọi người, tình yêu cao cả hiến mạng sống  vì người mình yêu.

Vì thế, quà tặng Bình An con trao ban càng quý giá, con càng phải hy sinh nhiều; và để hy sinh không trở nên hy sinh thừa, tình yêu của con phải được nuôi dưỡng và lớn lên trong Chúa là nguồn mạch không bao giờ vơi cạn của mọi tình yêu.

Như thế, Bình An sẽ có giá trị khi con trao ban, sẽ tràn đầy ý nghĩa khi con cầu chúc cho người khác, vì Bình An được gieo vãi, nảy mầm, lớn lên và xum xuê hoa trái trên thửa đất của trái tim biết tận tụy hy sinh, nỗ lực hy sinh, quả cảm hy sinh vì yêu thương người khác.

Quả thực, Chúa đã không vô ý, vô tình chỉ cho các môn đệ tay chân và cạnh sườn còn rướm máu của Thánh Giá hy sinh trên thân xác phục sinh của mình, khi hiện ra, đứng giữa và nói với các ông: “Bình An cho anh em!”, vì điều Chúa muốn nói với các ông, cũng là bài học Chúa dạy con trên đường Tuần Thánh và buổi sáng Phục Sinh hôm nay, đó là hạnh phúc của người Kitô hữu, niềm vui của  con cái Thiên Chúa, sứ vụ của người môn đệ “Đức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại” chính là trở nên ơn Bình An cho tất cả mọi người khi “mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi – Lời ca của cha nhạc sư Kim Long).

Cùng Giáo Hội, con vui sướng hân hoan cất cao lời Tạ Ơn Chúa Alléluia và xin  Chúa giúp con thực hành những điều Chúa dạy trên đường Tuần Thánh.

Jorathe Nắng Tím 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...