Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

CHÚA THÁNH THẦN, ĐẤNG BẢO TRỢ | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI, Mùa Phục Sinh, Năm A

TMĐP- Xin Chúa cho chúng con được biết Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trở chúng con, và luôn tìm đến với Ngài, vì Ngài là Thần Khí sự thật, Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con.

Sau khi được gặp Đức Giêsu phục sinh và nhận ơn Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-4), các môn đệ không còn sợ hãi, nhát đảm, nhưng đi đến khắp các miền để rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh đã sống lại từ cõi chết, và  nhiều người đã tin vào lời các ông loan báo về Nước Thiên Chúa, về danh Đức Giêsu Kitô và  xin chịu phép rửa.

Sách Công Vụ Tông Đồ kể về việc ông Philípphê đến rao giảng trong miền Samari và nhiều người Samari đã chứng kiến những dấu lạ ông làm và tin vào Đức Giêsu (x. Cv 8,5-8).

Như chúng ta biết, Samari là vùng đất mà con cái Ítraen không được bước vào, vì đối với người Do Thái truyền thống, người Samari bị coi là phường lạc giáo, quân ngoại đạo. Nhưng hôm nay, chính những người Samari “lạc giáo, ngoại đạo” lại vui vẻ đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu.

Nghe tin vui dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, hai ông Phêrô và Gioan đã đến với họ để họ nhận được Thánh Thần, khi đặt tay trên họ (x. Cv 8, 14-17).

Như thế, công cuộc loan báo Tin Mừng đã bước thêm một bước dài quan trọng, đó là đến với các dân tộc ở vùng ngoại biên, và dân ngoại từ đây không còn ở ngoài tầm ngắm của Tin Mừng, nhưng là đối tượng của công cuộc loan báo Tin Mừng.

Thực ra, các môn đệ đã được Đức Giêsu nói cho biết trước  bước tiến của công cuộc loan báo Tin Mừng này, mà ở đó, Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần sẽ đến với các ông: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16,13-15).

Qua những lời này, Đức Giêsu khẳng định và giải thích nhiều điều mà có thể chúng ta chưa rõ, đó là:

  1. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một trong công cuộc tạo dựng và cứu độ nhân loại:

Có nhiều người nghĩ Ba Ngôi Thiên Chúa làm việc theo ca, nghĩa là mỗi Ngôi có giờ làm việc, có thời khắc hoạt động riêng và nhất đinnh, nên khi xong việc, hết giờ thì rời bỏ nhiệm sở, nhường lại chỗ làm việc cho Ngôi khác, như Đức Giêsu sau khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc đã về trời, và để lại Giáo Hội, nhân loại cho Chúa Thánh Thần xử lý.

Nghĩ như thế là sai lầm nghiêm trọng, bởi Ba Ngôi là một, Ba Ngôi mật thiết kết hợp với nhau trong tất cả. Vì thế, Chúa Thánh Thần không tự mình đến, như Đức Giêsu đã quả quyết: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26), và Ngài cũng không đến để  thế vào sự vắng mặt của Đức Giêsu. Trái lại, Chúa Thánh Thần đến để làm hoàn hảo sự có mặt của Đức Giêsu, để  kiện toàn công trình của Đức Giêsu, để dẫn  tới  sự thật toàn vẹn của Đức Giêsu như chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi bào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).

Quả thực, nghe những lời này từ miệng Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa,  chúng ta không  thể nghi ngờ chân lý Ba Ngôi là một Thiên Chúa, và mọi hoạt động đều có mặt của cả Ba Ngôi.

  1. Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ:

Sở dĩ Đức Giêsu nhấn mạnh với các môn đệ Ngài: “Thần Khí sự thật sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn … và  loan báo cho anh em biết những gì sẽ xảy đến” (Ga 16,13), vì con đường sống đức tin của người Kitô hữu là con đường loan báo Tin Mừng. Nhưng để Tin Mừng được loan báo, người tín hữu, tức những người đã chịu phép rửa  nhân danh Đức Giêsu Kitô, sẽ được mời gọi dấn thân vào việc  bảo vệ kho tàng đức tin, là giáo huấn của Đức Giêsu.

Nói cách khác, sứ vụ loan báo Tin Mừng bao gồm công tác hộ giáo, nghĩa là trình bày giáo lý đức tin một cách chính xác và thuyết phục, điều mà tông đồ trưởng Phêrô viết trong thư gửi các tín hữu: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 P 3,15-16).

Đi xa hơn, thánh Tông Đồ  còn căn dặn người Kitô hữu trên đường truyền giáo phải biết cách đối phó với những kẻ ác tâm luôn tìm dịp để nguyền rủa, lăng nhục, và cách tốt nhất theo ngài, chính là “Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1P 3,16-17).

Căn dặn các tín hữu như vậy, thánh tông đồ Phêrô đã chỉ nhắc lại lời Đức Giêsu đã cảnh báo  về số phận “những bước chân  gieo mầm Cứu Rỗi” của các môn đệ Ngài: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ… Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,17.19-20).

Xin Chúa cho chúng con được biết Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trở chúng con, và luôn tìm đến với Ngài, vì Ngài là Thần Khí sự thật, Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài luôn có mặt để yêu thương, gìn giữ, bảo trợ như lời Chúa hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha  và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. “Người luôn ở giữa anh em và trong anh em” (Ga 14,16.17).

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...