Connect with us

Hi, what are you looking for?

Suy Tư Thần Học

CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT CON ĐƯỜNG ĐỂ BƯỚC TỚI VÀ MỘT ĐẠI DƯƠNG ĐỂ RA KHƠI | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 -Bài 13

TMĐP- Bài viết chia sẻ về Nhà Chúa Cha, hướng đến mục đích duy nhất, là Hiệp Nhất giữa mọi thành phần trong Giáo Hội.

Vì thế, khi nêu lên những  khúc mắc, lấn cấn giữa Nhà Chúa Cha và Giáo Quyền, người viết từ chối  đổ  dầu vào lửa, hay chạy theo kẻ mạnh mà vùi giập người yếu, hoặc a dua, “theo đóm ăn tàn”, kiểu “giậu đổ bìm leo”. Trái lại, những phân tích, nhận định của người viết luôn cố mở ra những lối nhỏ dẫn ra con đường lớn, cố tìm những khe suối,  nhánh sông đưa nhau về chung trong biển cả mênh mông. Con đường lớn, và biển cả mênh mông ấy, chính là Lòng Thương Xót, ở đó, mỗi người đều yêu thương và biết mình được yêu thương.

Thực vậy, người viết tin rằng: không ai vui trong hoàn cảnh  phân hóa này, cũng không ai tìm  khống chế, hay chiến thắng đồng đạo trong đời sống đức tin, nhưng thật sự tất cả mọi người trong cuộc đều  giầu thiện chí, và đầy nhiệt tình.

Tuy nhiên, khi nhìn vào vấn đề, chúng ta không thể chối cãi  đã có những lầm lẫn, sai lạc hoặc do không biết, hoặc do “thái qúa bất cập”; đã xảy ra những hiều lầm, không vâng phục hoặc do thiếu  gặp gỡ cởi mở, chân thành chia sẻ, hoặc do thành kiến, bảo thủ, hẹp hòi; đã tồn tại những rạn nứt, hoăc do thiếu bác ái huynh đệ, hoặc do bất mãn trước những bất công; đã có những châm biếm, khích bác gây nhiều tổn thương hoặc do áp lực của đám đông, hoặc để bảo vệ thân thế, địa vị; đã để lại nhiều tổn thất tinh thần, thiêng liêng hoặc do ganh ghét, hoặc  tham vọng, kiêu căng; đã có những lên án vội vàng, những quyết đoán đầy xúc phạm nhân phẩm do  cực đoan, qúa khích; và đã có rất nhiều vết thương còn rướm máu, những dấu đinh còn sâu hoắm, những lằn roi còn bầm tím loang lổ khắp Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô, mà tất cả chúng ta đều là chi thể.

Khi viết những dòng chia sẻ này, câu chuyện người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca gợi lên trong tâm tưởng người viết hình ảnh về một con đường  Thương Xót, một đại dương “Được Xót Thương” là nguyện ước của Đức Giêsu: “Xin cho chúng nên một”, và là mơ ước của hết mọi người Kitô hữu, môn đệ của Ngài.

1. Người con thứ đã bỏ nhà đi vì nhiều lý do:

Tin Mừng Luca không nói đích xác lý do nào đã thúc đẩy người con thứ đùng đùng “nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng’.

Nhiều người nghĩ: vì anh muốn đi hoang, ăn chơi, hưởng thụ khi dựa vào câu kế tiếp: “Ở đó, anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,13), trong khi câu này chỉ là kết luận về một câu chuyện đã được kết thúc.

Do đó, chúng ta có thể mường tượng có nhiều vấn đề đã xảy ra, trở thành lý do, động cơ thúc đẩy người con thứ xin cha chia tài sản, và người cha đã chia cho cả hai con.

Có thể vì thấy các con lớn rồi, và mình thì đã già, nên chia  gia tài  cho các con là điều hợp lý, vì thế, người cha đã đồng ý ngay; có thể vì thấy con thứ không cố gắng làm ăn, mà chỉ dựa dẫm vào cha để sống qua ngày, nên khi con thứ đề nghị chia của để đi xa làm ăn, người cha đã không ngần ngại chia ngay, vì  thấy hợp tình và là cơ hội tốt cho các con sống tự lập; có thể giữa hai anh em thường xuyên “lời qua tiếng lại”, ganh tỵ, tranh chấp, tính toán hơn  thiệt, và bầu khí gia đình ngày càng u ám, nặng nề, nên giải pháp  để một người  đi xa làm ăn được mọi người ủng hộ tuy không ai nói ra; có thể đã đến lúc không còn có thể  ở cùng, vì  cuộc sống chung ngột ngạt do những khác biệt giữa hai con. Những khác biệt không chỉ trong lối sống, mà còn khác biệt cả  tư duy, quan niệm  về đời sống, lý tưởng sống, lẽ sống, nên để tránh tình trạng “huynh đệ tương tàn”, không gì tốt hơn là ở xa nhau, để còn giữ được  tình nghĩa, kiểu “thoang thoảng hoa nhài”.

Nhưng dù là lý do nào đi nữa, chúng ta vẫn chắc một điều, đó là người cha đã tuyệt đối tôn trọng chọn lựa và quyết định của hai con, khi chia tài sản cho cả hai, và cũng tôn trọng chọn lựa đi xa làm ăn, hay tiếp tục ở lại nhà với cha của hai con. Bằng chứng là sau khi chia của đồng đều cho cả hai, thì người con thứ lên đường “trảy đi phương xa”, người con lớn vẫn tiếp tục ở nhà, và tuyệt đối, người cha đã không can thiệp vào tự do của hai con.

Sở dĩ tình trạng “bất hoà giữa hai anh em” được coi là lý do mạnh đưa đến quyết định bỏ nhà đi xa ở người  em, vì cứ như thái độ  bực  bội, “nổi giận, và không chịu vào nhà” (Lc 15,28), để cha già phải  đích thân ra năn nỉ của người anh  lớn, khi em “thân tàn ma dại” trở về, sau nhiều năm tha phương thất bại, cho phép chúng ta khẳng định: anh lớn đã từng muốn em anh đi khỏi nhà cho khuất mắt, không phải vì mong em trưởng thành, tự lập, nhưng chỉ vì ganh ghét, tham lam, muốn ôm hết gia sản của cha, qua lời nói chẳng còn chút tình và nghiã khí của bậc làm anh, khi nặng lời trách móc cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con bê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15,29-30).

Nhìn lại những gì đã và đang xẩy ra chung quanh hiện tượng Nhà Chúa Cha, chúng ta cũng có thể lợi dụng cơ hội để nhìn lại chính mình, để biết rõ hơn mình giống ai: giống người con thứ bỏ nhà đi vì nhiều lấn cấn, bực bội với anh lớn; giống  người con thứ không còn muốn ở nhà, vì bầu khí khí tẻ nhạt, thiếu lửa yêu thương của gia đình, hay giống như người con lớn trước sau chỉ muốn một mình “thống lãnh giang sơn”, độc quyền qủan lý gia sản, và mãi mãi không chấp nhận sự có mặt của em mình, dù em đã “thân bại danh liệt” đang cần đến lòng thương xót của anh.

Thực vậy, con lớn, con thứ đều là con, như tất cả chúng ta  là con trong Giáo Hội, là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm  Đức Kitô, nhưng mỗi người con đã có  những chọn lựa rất khác nhau, những  suy nghĩ rất khác nhau, những tính toán rất khác nhau, những hành động rất khác nhau… và rất tiếc, những “khác nhau” ở cả hai người con cùng cha ấy lại chẳng giống chút nào với người cha nhân hậu của cả hai người.

Người cha ấy rất khác hai người con của ông, vì ông nhân hậu: nhân hậu nên đã công bằng với cả hai con, vì thế,  khi con thứ xin chia của,  ông đã chia đều cho cả hai; nhân hậu nên tôn trọng tự do đi xa làm ăn, hay ở nhà với cha của cả hai con; nhân hậu nên trung tín trong tình cha ở mọi hoàn cảnh và cho đến cùng, khi vẫn một lòng thương con khi con ở nhà hay xa nhà; vẫn yêu con tha thiết lúc con thành đạt hay thất bại; vẫn một dạ nhớ con và lo cho con khi con còn nhỏ hay đã lớn khôn, trưởng thành; nhất là vẫn là cha nhân hậu của con cả khi con phung phá  hết uy tín, công danh, sự nghiệp và  chỉ còn  trơ trụi tấm thân tàn, đói rách, lê  bước  trở về nương bóng cha.

Người cha ấy khác xa hai người con của ông, vì ông giầu lòng thương xót, bởi trái  tim ông có sôi sục lòng thương xót, ông mới “trông thấy con ông còn ở đằng xa”, mới “chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”, mới chẳng quan tâm gì đến lời xin lỗi vì “con đắc tội với Trời và với cha” của đứa con hoang đàng (x. Lc 15,20-21), nhất là mới quên mình là kẻ có quyền, mới không chấp nhất thái độ  hằn học, xấc xược, nhỏ mọn của người con lớn, khi coi thường tình yêu và niềm vui của ông,  ngày con út của ông “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”, khi  hạ mình ra ngoài năn nỉ người con lớn và nhẹ nhàng nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31).

Người cha ấy không như hai người con, vì ông qủang đại: qủang đại khi trả lại tất cả những gì người con thứ đã đánh mất, và  phá nát tan tành. Thấy con chẳng còn gì, ông đã “bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu’ ..” (Lc 15,22). Với người con lớn, ông cũng chẳng ngần ngại tuyên bố: “Tất cả những gì của cha là của con” (Lc 15,31).

Người cha ấy không ích kỷ như hai con, chỉ nghĩ đến mình, hưởng một mình, thu gom, chắt chiu, vơ vét, kiếm chác cho riêng mình, mà không nghĩ đến anh em, như người con thứ đã bỏ cha, bỏ anh, đi ăn chơi, hưởng thụ một mình, và như người con lớn đã chỉ muốn một mình ôm gọn cơ ngơi, mà chẳng biết vui  với niềm vui của cha già, vui với hạnh phúc của họ hàng, làng xóm, gia nhân khi cha anh đãi tiệc ăn mừng em anh trở về.

Tóm lại, cả hai người con đều không giống cha ở lòng nhân hậu, thương xót,  qủang đại. Chính vì thiếu nhân hậu, anh em đã  tị nạnh, tranh giành, đấu đá nhau; không có lòng thương xót, nên đã không chạnh lòng thương  khi anh em mình lạc bước, vong thân; không  đủ qủang đại, nên anh em mới  hở ra là giập vùi, chèn ép, đầy đọa, lên án, trừng phạt nhau, và hoạt cảnh gia đình của người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca đã thực sự là  hoàn cảnh của một gia đình nhiều sóng gió, bất hạnh, chỉ vì  anh em đã không học với cha lòng nhân hậu, thương xót và qủang đại.

Giáo Hội là Gia Đình, nên cảnh đáng buồn của gia đình người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca trên cũng có thể  là hiện tình của Giáo Hội hôm nay.

2. Người con thứ đã không tiên liệu  những tình huống bất trắc:

Khi nắm trong tay số tiền lớn, người con thứ  chắc hẳn đã vẽ ra trong đầu một tương lai toàn mầu hồng: một phần tiền, anh sẽ gửi ngân hàng để sinh lời,  một phần sẽ góp vốn làm ăn với bạn bè. Như thế chẳng bao lâu, anh sẽ giầu kếch sù, sẽ có tiền dư bạc thừa, bao la bầy tôi lính lác… và đời anh sẽ  là một cuộc  đời tuyệt đẹp, khó có ai sánh bằng. Và trong giấc mơ phú qúy ấy, thế nào chẳng  tơ vương ý nghĩ một ngày về vinh quang, để gặp lại người anh lớn “hay kiếm chuyện” với vài lời khích bác đắng cay cho hả giận, do ân oán từ những ngày còn sống chung bên cha, duới một mái nhà.

Nhưng ở đời, có mấy ai học được chữ “ngờ”, khi “xảy ra trong vùng  ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,14-16).

Bởi liều lĩnh bỏ nhà đi phiêu bạt, mà chưa đủ kinh nghiệm qủan lý tiền bạc, chưa đủ khôn ngoan để không bị thiên hạ ngon ngọt lừa đảo, hốt sạch của cải; chưa đủ nghị lực để vượt qua nhiều trở ngại, mà “cái tôi” là trở ngại lớn nhất; chưa đủ đạo đức để sống tốt, sống đẹp, sống hài hoà với mọi người, nên thất thế, thất bại, thất thu là chuyện khó tránh, bình thường, dễ hiểu.

Cũng như chúng ta, khi ở trong gia đình Giáo Hội, chúng ta thấy rất nhiều chuyện “không ra làm sao”, thấy rất rõ  nhiều “gương xấu gương mù”, thấy tường tận nhiều thiếu sót, lỗi lầm ở  anh em, nhưng lại không thấy rõ mình.

Vì chỉ thấy rõ người, mà không rõ mình, nên chúng ta dễ sinh lòng kiêu căng, bất bình, bất hoà, bất mãn. Từ đó, ý nghĩ ra đi làm cách mạng, ra đi xây cơ đồ, ra đi để  canh tân,  đổi mới thúc đẩy chúng ta đến những chọn lựa và hành động mà hậu quả thường không tiên liệu được, như người con thứ trong câu chuyện “người cha nhân hậu” của Tin Mừng đã không nghĩ có ngày mình đói rã họng, chỉ mong được ăn cám heo mà cũng không ai cho.

3. Người anh lớn đã không muốn nghĩ đến ngày trở về của em mình:

Có một điều rất đáng buồn, nhưng không thể chối cãi, đó là người anh lớn đã không quan tâm đến em, và không muốn em mình trở về sau khi đã ôm phần tài sản được chia và bỏ nhà đi.

Dường như cuộc sống từ ngày vắng em đã làm anh  hạnh phúc hơn những ngày  em còn ở nhà. Vì thế, biến cố trở về bất ngờ của người em đã làm người anh lớn không chỉ ngỡ ngàng, thất vọng, mà còn bực tức, giận dỗi.

Anh ngỡ ngàng, vì nghĩ em anh sẽ không bao giờ dám vác mặt về nhà, vì theo anh, luật chơi của giang hồ là “bước chân đi, cấm kỳ trở lại”; anh thất vọng, vì tưởng  cơ ngơi kếch xù, và  tài sản khổng lồ của cha  tưởng đã hoàn toàn thuộc về anh, khi em anh ra đi, không bao giờ trở lại; anh bực tức, vì cuộc trở về của đứa em “trời đánh”, mà anh không hề  mong ước, cũng chẳng  bao giờ nghĩ tới đã  đảo lộn, và làm đổ vỡ tất cả  tính toán của anh; anh giận dỗi cha anh, bởi cha đã không chửi rủa, trừng phạt, cấm cửa không cho vào nhà đứa con ngỗ nghịch, hoang đàng, phung phá, nhưng lại hớn hở chạy ra đón, chạnh lòng thương, hôn lấy hôn để, rồi sai gia nhân lấy áo đẹp, nhẫn quý, giầy mới  mang cho cậu, và mở tiệc lớn ăn mừng ngày trở về của đứa con bất hiếu, vô tích sự.

Thái độ “giận dỗi và không chịu vào nhà”, khi nghe gia nhân bảo: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe” (Lc 15,27) của người con lớn đã cho chúng ta thấy hình ảnh của những người không muốn người khác tìm về “đường ngay nẻo chính”, không mong bước chân thống hối, ăn năn của tội nhân trên đường về nhà Thiên Chúa, không vui mừng vì Thiên Chúa là mục tử nhân lành đã đi tìm cho kỳ được con chiên  lạc , và “mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,5), nhưng đanh thép trưng dẫn từng điều khỏan của Lề Luật;  nghiêm khắc đến tàn ác bới móc, mổ xẻ  từng ngõ ngách, khe rãnh của sai phạm,  và  đề nghị những biện pháp cấm chế, sửa chữa, ngăn ngừa sặc mùi  truy quét, tiêu diệt.

Quả thực, chúng ta đừng tưởng mình không rơi vào trường hợp của người anh lớn, vì nghĩ mình đạo đức, hoàn hảo, bởi không thiếu những con người có dáng dấp thánh nhân, có ngôn ngữ thánh thiện, có  trên mình thánh chức đã hành xử như những con người cạn kiệt lòng nhân, không chút thương cảm, và tận cùng vô cảm trước tình trạng đáng thương và cần được thương xót của những  người  chỉ còn biết chạy đến với mình. Chúng ta đừng quên khi mang vào mình ảo tưởng thánh thiện do đang  ở vào những vị thế được mọi người nhận là  dư đầy thánh đức, chúng ta rất dễ bị cám dỗ  trở nên độc tài, độc đoán,  độc ác,  gấp nhiều lần  người khác không ở vào vị thế “thần thánh” như chúng ta, bởi quyền bính từ trên cao làm chúng ta ảo tưởng mình  có toàn quyền xét xử, định đoạt số phận người khác, khi cho sự thật là chính ta, sự thật do ta sở hữu, nắm trọn.

Người con lớn trong Tin Mừng đã lầm tưởng mình là người hoàn thiện, toàn vẹn, vì luôn ở bên cha, ở với cha. Chính vì luôn ở với cha, không bao giờ  xa cha, mà anh nghĩ mình biết cha, hiểu cha, thương cha, giống cha, làm vui lòng cha mọi đàng. Nào ngờ, chính anh là người đi ngược đường lối nhân hậu của cha anh là người cha nhân hậu; chính anh là người làm trái ý muốn thương xót của cha anh  là người cha giầu lòng thương xót; chính anh là người  phá hoại niềm vui đoàn tụ của cha anh khi con ông “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”; chính anh là người ích kỷ và vô cảm, khi “không biết vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” chỉ vì ghen ăn tức ở, không muốn ai hơn mình, không bình an trước hạnh phúc của người khác, kể cả người khác ấy là cha và em mình.

Chẳng thế mà có rất nhiều bước chân trở về đã không bước được vào nhà; có nhiều bàn chân đã tìm về tận cửa, nhưng anh em trong nhà đã nhẫn tâm “cửa đóng then cài”, và nếu có may mắn  lọt  được vào trong nhà, thì cũng chỉ được coi như “đứa con hạng hai”, đứa con tội lỗi, đứa con không còn đáng tin cây, bị xếp xuống hàng tôi tớ, tội đồ.

4. Thiên Chúa chỉ đợi chúng ta trên con đường và trong biển cả Thương Xót của Ngài:

Cả hai người con trong Tin Mừng đều không đi trên con đường Thương Xót của  cha: người con thứ  đòi chia của và ra đi vì không thương xót cha già, cũng chẳng thương xót anh lớn, nhưng chỉ nghĩ đến mình, nghĩ cho mình. Người con thứ cũng không nghĩ có ngày mình phải cần đến lòng  xót thương của cha, của anh và mọi người, cho đến khi anh  lâm vào cảnh túng bấn, đói khổ, phải đi ở đợ, chăn heo, và không còn có thể tự xoay sở để sống còn.

Người con lớn cũng không khá hơn, khi ích kỷ, và ghen tị với em út đến lố bịch, bệ rạc. Không giống cha là người nhân hậu, cậu chẳng quan tâm gì đến em mình, cũng chẳng hỏi han em sống thế nào những ngày lưu lạc nơi xa, nhất là không chút vui mừng ngày em bình an trở về.

Tâm hồn băng giá, vô cảm của cậu  phát sinh thái độ bực bội, giận dữ khi em cậu  về lại nhà; cõi lòng cằn cỗi, khô héo của cậu làm tắt hết lửa nhân ái và  huynh đệ, đến nỗi cậu không mở được  một nửa nụ cười, hay một lời chung vui; trái tim chai đá khiến cậu không chỉ trở thành người xa lạ, mà thành  địch thủ của chính em mình. Cuộc đời cậu, tuy đêm ngày có mặt sát bên cha, nhưng  hoàn toàn trống vắng lòng thương xót, hoàn toàn không nhận ra mình đang được lòng thương xót của cha bao bọc. Trái lại, cậu đã cư xử như một con người không có lòng thương xót, và như một người con không hề biết mình được cha xót thương.

Trước hai đứa con không thương xót và không biết mình đang được xót thương, người cha giầu lòng thương xót ấy trước hết đã thẳng thắn dậy cho người con lớn bài học: chúng ta phải ăn mừng và phải vui vẻ, vì “em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Con đã vì tham lam của cải, so bì hơn thua, mà không vui với cha và với em, ngày em con trở về, thì đây: “Tất cả những gì của cha là của con”, điều mà con không biết, dù bao nhiêu năm con đã ở với cha, bởi  trong con không có lòng thương xót, nên con  không thể nhìn ra phần thưởng lớn lao dành cho những ai có lòng thương xót. Bài học cha dậy con hôm nay, đó là không có lòng thương xót, và không biết mình luôn cần được xót thương, con sẽ mãi nghèo nàn, vì con không xứng đáng nhận phần thưởng cha hứa ban là “Tất cả những gì của cha là của con”.

Với người con thứ, anh cũng được cha  chỉ dạy: “Vì con chẳng thương xót ai khi con có tiền, có quyền, có danh, có chức, nên con không thể nhận ra trong cuộc đời, mình cũng cần được  Trời và mọi người  xót thương. Và để con thấy lòng thương xót  là tình yêu cao cả và  vô điều kiện, cha đã không khiển trách, trừng phạt, chối bỏ con khi con trở về, nhưng đã xóa hết lầm lỗi và phục hồi tất cả những gì con đã tự đánh mất vì thiếu lòng xót thương.

Trở lại câu chuyện Nhà Chúa Cha đang gây xôn xao, sôi nổi trong Giáo Hội, người viết mạn phép đặt vấn đề: Liệu chúng ta có đủ can đảm tự hỏi mình đang đóng vai người con lớn hay người con thứ trong câu chuyện người cha nhân hậu? Liệu chúng có đủ khiêm tốn đặt mình vào vị thế của người con lớn, nếu nhận mình là con thứ, và ngược lại? Liệu chúng ta có đủ đơn sơ, chân thành của con cái trước người Cha Thiên Chúa, để  xin ơn trở về mà không mặc cảm tội lỗi, thất vọng; xin ơn qủang đại, bao dung, mà  không ảo tưởng thánh thiện để  thương xót anh em đang cần ở  chúng ta một bàn tay dìu dắt, một bờ vai nương tựa, một ánh mắt thông cảm, chia sẻ, động viên; đồng thời biết mình mỏng dòn, yếu đuối, có thể ngã qụy bất cứ lúc nào, sụp đổ mà không thể lường trước để ngày đêm tha thiết khẩn cầu  xin được Thiên Chúa và anh em xót thương tha tội, thứ lỗi.

Bởi chỉ thương xót và biết mình được thương xót, chúng ta mới không nặng lời kết tội, và nhẫn tâm tẩy chay, triệt hạ những người anh em thiếu sót, lạc đường; chỉ trên con đường Thương Xót, Thiên Chúa mới cùng chúng ta Bước Tới, và chỉ trong đại dương “được thương xót”, chúng ta mới nghe được tiếng  Thiên Chúa  của Lòng Thương Xót kêu gọi  cùng Ngài Ra Khơi.

Jorathe Nắng Tím    

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...