Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

CÔNG BẰNG & LÒNG THƯƠNG XÓT  | Chuỗi Suy Niệm Tháng Thánh Tâm – Bài 05

TMĐP- Thiên Chúa là Tình Yêu, và Đức Giêsu đã chẳng làm gì khác ngoài yêu thương và dy chúng ta yêu thương.

Không cảnh tượng nào tang thương và bi hùng hơn giờ hấp hối của Đức Giêsu trên Thánh Giá, trước đôi mắt như suối lệ  và trái tim quặn thắt, muốn vỡ tan của Đức Maria, mẹ Ngài, bà Maria Mácđala, người đàn bà tội lỗi đã được Chúa tha nhiều vì yêu nhiều, Gioan, người môn đệ được Chúa thương mến, và mấy người phụ nữ khác (x. Ga 19,25). Cảnh tượng ấy còn  kinh hoàng hơn khi những trái tim như sắp vỡ tan này đang chứng kiến  cuộc giao tranh dữ dội, cuộc đối đầu khốc liệt giữa  công bằng của con người và  tình yêu thương xót của Thiên Chúa, ở đó con người nhân danh công lý để xét xử, lên án Thiên Chúa theo tiêu chuẩn và thước đo công bằng của con người, trong khi Thiên Chúa đáp lại  ” công bằng” ấy bằng tình yêu vô cùng và đến cùng.

Thực vậy, nhìn lên Thánh Giá có Đức Giêsu chịu đóng đinh vào buổi chiều thứ sáu trên đồi Canvê, chúng ta nhận ra cuộc chiến hết sức ác liệt giữa hai thế lực: thế lực của thế gian đang thi hành bản án nhân danh công bằng của xã hội con người, và sức mạnh của trái tim  Thiên Chúa đang thực hiện lòng thương xót  vô bờ bến để cứu độ con người.

Đại diện cho công lý của nhân loại, cho công bằng của xã hội, cho công chính của những con  người tự cho mình là thánh thiện đang  cuồng nhiệt  thi hành án tử hình Đức Giêsu hôm ấy có đám đông phẫn nộ, có các thượng tế,  kinh sư, kỳ mục đắc chí, hả hê, có quan chức trong bộ máy chính quyền đế quốc bảo hộ đang  thở phào nhẹ nhõm.

Đám đông phẫn nộ đòi công bằng  phải được đền trả, do họ đã đặt hết hy vọng vào Đức Giêsu, khi nghĩ Ngài sẽ dấy lên phong trào chống đế quốc Rôma,  đòi độc lập cho dân tộc. Nay  họ vỡ mộng, vì Đức Giêsu không làm theo ý họ, nên họ muốn Ngài phải đền cái tội tầy trời là  “lừa đảo nhân dân, phỉnh gạt quần chúng”, bằng chứng là Ngài đã không chịu để họ tôn làm vua (x. Ga 6,15), không  nhận làm lãnh tụ chính trị, như ý muốn của họ, mà công bố  đường lối trái ngược: “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28), điều mà họ không kỳ vọng ở Ngài; các thượng tế, kinh sư, kỳ mục, quan viên, chức sắc trong đạo thì hả hê, đắc chí, vì  họ đã thành công trong việc trả lại công bằng cho Thiên Chúa, và cho chính họ, khi áp lực Philatô, đại diện chính quyền đế quốc  Rôma, tuyên án tử hình Đức Giêsu, người bị  họ tố cáo là lộng ngôn, “nói phạm đến Thiên Chúa”(Mc 14,64), cũng là người đã thẳng thừng lên án  họ là những kẻ kiêu căng, ăn cướp những đồng tiền nhỏ bé của bà goá và ăn chơi vô độ, “quân dẫn đường mù quáng”, bề ngoài thì ra bộ công chính, thánh thiện, “nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác”, con cháu của những kẻ sát nhân đã giết các ngôn sứ, chính gốc “đồ mãng xà, nòi rắn độc”(x. Mt 23,1-36); cả các quan chức thuộc bộ máy chính quyền đô hộ cũng thở phào, nhẹ nhõm, vì nghĩ mình vừa trả lại công bằng cho dân thuộc địa, khi lấy quyền thống trị để tái lập trật tự xã hội, mà từ ba năm nay đã bị rối loạn bởi một con người tự xưng là Con Thiên Chúa với giáo lý mới không giống những điều Luật Môsê dạy.

Tóm lại, tất cả những tác nhân đã  đóng góp làm nên bản án và thi hành bản án đóng đinh Đức Giêsu đều có một điểm chung, đó là nhân danh công bằng, đòi hỏi công bằng, giải quyết theo lẽ công bằng, và họ đã đạt được ước mơ công bằng một cách mỹ mãn, khi xác Đức Giêsu  bị treo trên thập tự trước mặt mọi người.

Trong cơn say công bằng của con người, Thiên Chúa của Đức Giêsu đã làm gì?

Ngài vẫn mãi là Thiên Chúa từ bi, giàu lòng thương xót:

Cho dù con người nhân danh công bằng, đòi hỏi công bằng được trả lại, bằng đóng đinh Thiên Chúa, thì Thiên Chúa của Đức Giêsu vẫn mãi là “Thiên Chúa  từ bi: Người sẽ không bỏ mặc anh em, sẽ không tiêu diệt anh em, sẽ không quên giao ước Người đã thề với cha ông anh em”(Đnl 4,31); danh Ngài được chúc tụng đến muôn đời, vì Ngài là “Thiên Chúa từ nhân”(Tb 3,11); “là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an”(2 Cr 1,3).

Thiên Chúa ấy  không bao giờ thay đổi, biến tính vì bản tính của Ngài là Tình Yêu, nên trong  mọi hoàn cảnh, ở mọi tình huống, điều kiện, Ngài vẫn luôn mãi là Thiên Chúa Tình Yêu.

Đức công bằng của Ngài vẫn mãi là Lòng Thương Xót:

Vì là Tình Yêu, nên ở Ngài chỉ có tình yêu, tất cả là tình yêu, ngay cả đức công bằng của Ngài cũng là  tình yêu, mà không “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi”(Mt 5,38.44).

Trên Thánh Giá, Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót đã không hành xử đức công bằng như  con người hành xử, không nhân danh công bằng phải trả cho Thiên Chúa, như các chức sắc tôn giáo đã nhân danh để  thực hiện việc thảm sát Con Thiên Chúa, không nhân danh công bằng của nhân quyền như đám đông và quan quân đế quốc đã nhân danh để đóng đinh Thiên Chúa làm người, cũng không đáp trả lời  thách thức của dân chúng: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”(Lc 23,35) bằng  tự mình xuống khỏi Thánh Giá để trả lại công bằng cho bản thân mình. Trái lại, vì  đức công bằng của Thiên Chúa là  lòng thương xót, nên Đức Giêsu đã  một mực lấy lòng thương xót để thực hiện đức công bằng, khi xin ơn tha thứ cho tất cả mọi người, nhất là những người đã nhạo báng, làm khổ, hành hạ, đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34), cũng như hứa Nước Trời cho tên gian phi cùng chịu đóng đinh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Sở dĩ Đức Giêsu trên Thánh Giá đã không làm gì khác ngoài yêu thương đến mức hy sinh chính mạng sống, yêu thương đến độ chẳng chấp nhất lỗi lầm, sai phạm của người nào, yêu thương đến nỗi  thinh lặng chịu mọi sỉ nhục và vô ơn, vì lòng thương xót của Thiên Chúa  lớn lao vô cùng, “cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm”(Tv 56,11) ; vì “Tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt” và  “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”(Tv 116,2 ; 117,2); vì ngay cả lòng chúng ta có buộc tội, cáo tội chúng ta, thì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta”(1 Ga 3,20).

Tình yêu ấy không chỉ bao la vô cùng, cao với khôn ví,  vượt xa cõi lòng ta, mà còn bất biến, vĩnh cửu (x. Tv 99,5 ; 102,17 ; 135,1), như lời kinh Tán Tụng của Đức Mẹ: “Lòng thương xót của Chúa trải qua từ đời nọ tới đời kia”(Lc 1,50).

Tháng Thánh Tâm lại về, như cơ hội để chúng ta nhìn thật lâu Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá để thờ lạy tình yêu bất chấp tất cả, tình yêu bao phủ công bằng của Thiên Chúa dành cho con người, trong đó có mỗi người chúng ta.

Đây cũng là dịp để mỗi người nhìn lại cách hành xử công bằng của mình, bởi có thể ta đã nhân danh công bằng của con người mà chặn hết đường sống của con người, khi ta ở vào địa vị có quyền sinh sát trong đạo cũng như ngoài đời; bởi có thể ta đã chỉ sống để bảo vệ công bằng, mà không biết gì đến yêu thương, đang khi công bằng sẽ hoàn toàn vô nghiã và nguy hiểm nếu không phục vụ tình yêu khi ta hung hăng đấu tranh công bằng cho con người bằng ” truy cùng diệt tận “những con người làm phật ý ta, không thuộc về phe nhóm, đoàn thể, băng đảng của ta, không nằm trong”đường giây  quyền lực “của ta; bởi có thể ta đang say máu nhân danh công bằng của cơ chế, công bằng của lề luật và dùng công bằng như bình phong để  xây dựng ngai vàng, ngôi báu, pháo đài, đế chế, và như vũ khí lợi hại vì được ngụy trang, giấu kín để tiêu diệt những người không  cùng  quan điểm, đường lối, không đi theo ca tụng, cung phụng, cúi mặt tùng phục ta; bởi đời ta, kể cả  đó là đời “tận  hiến”có thể chỉ là đời của tên cai ngục lúc nào cũng “đằng đằng sát khí” bảo vệ cái vỏ công bằng rỗng tuyếch, như những ông Pharisêu đã bị Đức Giêsu nặng lời lên án “giả hình và gian ác”(Mt 23,29), bởi cái vỏ công bằng ấy chẳng khác gì “mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”(Mt 23,27), vì trái tim chúng ta hoàn toàn vô cảm với những lý lẽ sắt đá, lý sự lạnh lùng, lý do đanh thép, lý chứng cạn kiệt tình người, khi loại bỏ yếu tính của người môn đệ là Yêu Thương, căn tính của người Kitô hữu là Yêu Thương, lệnh truyền và dấu chỉ duy nhất của người thuộc về Đức Giêsu là “Yêu Thương nhau như Thầy đã yêu thương”(Ga 13,34) trong tư tưởng, lời nói, việc làm đối với người cùng sống, cùng cộng đoàn, cùng làm việc.

Thực vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu, và Đức Giêsu đã chẳng làm gì khác ngoài yêu thương và dạy chúng ta yêu thương. Nên bất cứ một nhân đức nào, một chọn lựa nào được đặt trên Tình Yêu, một hành vi nào nắm giữ vị thế ưu tiên hơn Tình Yêu đều sẽ trở thành những nhân đức không chỉ vô nghĩa, vô ích, mà còn nguy hiểm cho con người. Cũng như những chọn lựa không được Tình Yêu bao phủ, rợp bóng sẽ trở thành những chọn lựa làm hại con người. Như “công bằng mà không yêu thương” của những người đã đóng góp vào âm mưu và thi hành án  tử hình Đức Giêsu đã biến thành công bằng khát máu, công bằng tàn ác, công bằng phi nhân, công bằng bất chính, công bằng truy diệt, công bằng phủ nhận quyền sống, công bằng không chỉ  lên án, đóng đinh con người mà cả Thiên Chúa nữa, Đấng mà chính họ đang nhân danh  khi hô  hoán những mỹ từ, biểu ngữ với những lời “có cánh” nghe rất công chính, thánh thiện, bằng chứng là con người đã nhân danh công bằng  đóng đinh Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, đang khi Thiên Chúa chuộc lại sự công bằng  của con người đối với Thiên Chúa đã bị chính con người đánh mất vì bất tuân phục, bằng một tình yêu hiến dâng mạng sống  làm của của lễ chuộc tội.

Xin Thánh Tâm Chúa ban cho mỗi người chúng ta nhận ra “ưu tiên số một” của  Tình Yêu trong mọi lựa chọn, và đừng bao giờ nhân danh công bằng như bình phong, vỏ bọc che giấu  “lòng gian ác, giả hình, ảo tưởng thánh thiện” để cam tâm lột trần, ném đá, đóng đinh anh em mình ngay trước mặt Thiên Chúa, giữa thánh điện của Ngài.

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...