Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

ĐẤNG THIÊN SAI | SUY NIỆM TIN MỪNG CN 4 TN, NĂM B

TMĐP- Đừng đóng chặt cửa lòng nữa, nhưng biết mở lòng ra để đón nhận tiếng Thiên Chúa nói với lòng mình, qua Giáo Hội.

Suốt thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã nói với dân Ngài qua các ngôn sứ là những người được chính Ngài chọn giữa dân. Sách Đệ Nhị Luật đã ghi lại lời ông Môsê nói với dân: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy”, và Lời của  Thiên Chúa nói với Môsê về sứ vụ của ngôn sứ: “Ta sẽ đặt những Lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.”(Đnl 18,15.18).

Như thế, ngôn sứ là người thuộc về Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa chọn, đồng thời thuộc về dân, vì được chọn từ dân để phục vụ dân, khi chuyển đến dân Lời Thiên Chúa muốn nói với họ. Vì thế, ngôn sứ là người đáng được yêu mến, kính trọng và lắng nghe, vì là phát ngôn viên của Thiên Chúa, trung gian giữa Thiên Chúa và con người, gần gũi con người, và được Thiên Chúa bảo đảm, phù giúp, với điều kiện ngôn sứ ấy phải trung tín và trung thực với Lời Ngài, không làm sai lệch Lời Ngài, như chính Ngài đã căn dặn: “Kẻ nào không nghe những Lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết”(Đnl 1819-20).

Lịch sử Cứu Độ đã minh chứng sự trung thành, và dũng cảm của các ngôn sứ, khi các vị sẵn sàng chịu chết, chiu mọi nhục hình vì nói Lời Thiên Chúa, như Gioan Tiền Hô, vị “ngôn sứ gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước ”đã bị vua Hêrôđê chém đầu, vì nói sự thật khi ngăn cản vua cưới bà Hêrôđia, vợ ông Philipphê, anh trai mình (x. Mt 14, 3-12).

Tin Mừng chúa nhật hôm nay đưa chúng ta đi vào  Tân Ước, thời đại của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, thời đại mà chính Thiên Chúa xuống thế gian, ở giữa con người để nói với con người. Trong thời Tân Ước, chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người nói với con người bằng ngôn ngữ của loài người, qua tiếng nói của con người, như vào những ngày đầu của sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã vào hội đường ở Caphácnaum và giảng dậy.  Ở đây Ngài đã làm “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”(Mc 1,22).

Ngài đã làm mọi người sửng sốt về nội dung giáo lý, vì Ngài đề nghị một giáo lý mới, một con đường mới, một giới luật mới là chính Ngài, chứ không như các kinh sư chỉ nhai đi nhai lại luật Môsê một cách giáo điều, khô khan, hay cứng cỏi quy chiếu vào những  “bổn cũ” của người đi trước.

Ngài làm toàn thể cử tọa hôm ấy ngạc nhiên, ngưỡng mộ, vì phong cách, thái độ, và lối nói  rất đáng kính và thuyết phục của Ngài như Tin Mừng Gioan đã viết: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!”(Ga 7,45). Điều này chứng tỏ Đức Giêsu không giảng như các kinh sư, cũng không như ngôn sứ của Cựu Ước, nhưng trong cương vị Ngôi Hai Thiên Chúa, trong tư thế Thiên Chúa làm người, với sứ vụ của  Ngôi Lời nhập thể nói với  và cứu chuộc loài người.

Sự thật Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa đang trực tiếp nói với mọi người trong hội đường còn được xác nhận, minh chứng qua sự kiện một người bị quỷ ô uế ám có mặt trong hội đường đã thình lình la lớn: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1, 24), và Đức Giêsu đã ra lệnh cho thần ô uế ra khỏi người này trước sự kinh ngạc của mọi người.

Thực vậy, bài học mà chúng ta là những người đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần có thể  tìm thấy trong Tin Mừng Máccô hôm nay, đó là đừng đóng chặt cửa lòng nữa, nhưng  biết mở lòng ra để đón nhận tiếng Thiên Chúa nói với lòng mình, qua Giáo Hội, vì Giáo Hội là “công trình hoạt động” của Chúa Thánh Thần. Ngài ở với Giáo Hội, hướng dẫn Giáo Hội như Đức Giêsu đã căn dặn các Tông Đồ trước khi lên đường chịu chết : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.”(Ga 14,26). Với trách nhiệm gìn giữ, bảo toàn kho tàng chân lý đức tin, và sứ vụ loan báo Tin Mừng là “kho báu Nước Trời ” ấy, Giáo Hội  tiếp nối sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu, dưới sự trợ giúp của Chúa thánh Thần,  và là ngọn hải đăng cho chúng ta không mất hướng, lạc đường.

Sở dĩ chúng ta cần học bài học tin tưởng và lắng nghe Giáo Hội, vì ở thời đại chúng ta hôm nay, người ta đang dồn hết lực lượng để tách Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội, cắt Giáo Hội lìa khỏi Đức Giêsu, vì ma qủy, thế gian biết: bao lâu chúng ta gắn bó với Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm, Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, bấy lâu kho tàng đức  tin, “chân lý  Đức Giêsu”,  và công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa  sẽ không bị suy giảm, rạn nứt.

Mời quý bạn hữu lắng nghe Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 TN, Năm B, tại Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=-cXprdq7mV0&feature=youtu.be

Jorathe Nắng Tím  

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...