Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

 ĐÀO TẠO NGƯỜI MÔN ĐỆ | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VIII Thường Niên, Năm C

TMĐP- Xin Chúa ban cho chúng ta trái tim “hiền lành, khiêm nhường, nhân từ, quảng đại” của người môn đệ, để suốt  đời, dù ở đâu và hoàn cảnh nào cũng luôn là học trò bé nhỏ, ngoan ngoãn, và chăm chỉ của Chúa Thánh Thần là Thầy Dạy và Thần Khí sự thật đến từ Chúa Cha để làm chứng Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa (x. Ga 15,26).

Bí tích rửa tội cho chúng ta trở nên môn đệ Đức Giêsu, nhưng cũng là khởi điểm của hành trình được đào tạo để trở nên người môn đệ như lòng Chúa mong ước, không khác các tông đồ đã được Đức Giêsu kêu gọi, và các ông đã lên đường đi theo, ở với Ngài để  được Ngài đích thân đào tạo.

Tin Mừng chúa nhật hôm nay đặt ra vấn đề đào tạo môn đệ, khi Đức Giêsu nói đến tương quan giữa thầy và trò. Theo Ngài:

1/ Thầy đui mà dắt trò mù, thì chắc chắn cả hai sẽ  cùng rơi xuống hố:

Tình trạng tuy ít xảy ra, nhưng không phải không có, và nếu có thì nguy cơ thực vô cùng kinh khủng, vì cả thầy và trò đều chết, mà không chỉ chết hai thầy trò, nhưng  còn làm chết oan nhiều thế hệ, bởi ảnh hưởng của thầy dạy không bao giờ nhỏ bé cho một nhóm ít người, nhưng rộng lớn, bao trùm quần chúng, đám đông, và trải xa đến nhiều đời. Chẳng thế mà lịch sử đã chứng minh: một lý thuyết sai lạc, một thầy dậy đui mù đã lôi kéo hàng triệu triệu người đương thời, lại ảnh hưởng xấu trên nhiều thế hệ con cháu ới cơ man ngàn trùng bất hạnh cho nhân loại.

2/ Bao giờ thầy cũng hơn trò:

Đức Giêsu khẳng định: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6, 40), sau khi đã để ra ngoài trường hợp cả hai thầy trò đều mù và cùng đưa nhau xuống hố.

Khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn nhắc nhở:  nếu muốn được đào tạo  nên người môn đệ tốt lành, có khả năng, chúng ta phải có tinh thần khiêm tốn, vì  với con tim kiêu căng cho rằng  mình đã giỏi sẵn, với khối óc ngạo mạn  tự thấy mình đã qúa đủ, người môn đệ sẽ như người học trò kia tưởng mình biết hơn thầy, nghĩ mình giỏi hơn thầy, nên lúc nào cũng thấy cái rác trong mắt thầy và muốn lấy cái rác đó đi, mà quên nhìn vào cái xà “ngu muội, dốt nát” trong con mắt của chính mình (x. Lc 6, 41-42).

Nhắc nhở “hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc 6,42), Đức Giêsu còn dạy người môn đệ sống tinh thần hiền lành, cởi mở, cầu tiến để học với mọi người, vì ai cũng có thể là thầy mình, ai cũng có thể chỉ cho mình điều hay lẽ phải, và góp phần xây dựng, phát huy kho tàng kiến thức cũng như đạo đức của mình.

3/ Đào tạo con người toàn diện:

Khi dùng hình ảnh “cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu”, “xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả; trong bụi rậm, làm gì hái được nho!” (Lc 6,44), Đức Giêsu quả quyết: việc đào tạo rất cần thiết, nhưng không chỉ đào tạo một phần, một góc nhỏ con người, như chỉ nhồi nhét, làm đầy  kiến thức, nhưng  phải đào tạo toàn diện, toàn phần mới mong đem lai kết qủa, như cây kia phải phát triển toàn diện, toàn phần mới cho nhiều hoa  thơm trái ngọt.

Ở đây, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta phương cách đào đạo toàn diện con người, đó là đào tạo trái tim, đào tạo tấm lòng, vì tất cả tập trung ở trái tim, tất cả đến từ tấm lòng, khi ân cần căn dặn: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu” (Lc 6,45).

Đào tạo tâm hồn, theo Đức Giêsu là “có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45); đào tạo con tim như Đức Giêsu muốn chính là “đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng lên án để khỏi bị lên án, nhưng tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37); đào tạo tấm lòng như Đức Giêsu dạy là quảng đại chia sẻ, thi ân, “vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Xin Chúa ban cho chúng ta trái tim “hiền lành, khiêm nhường, nhân từ, quảng đại” của người môn đệ, để suốt  đời, dù ở đâu và hoàn cảnh nào cũng luôn là học trò bé nhỏ, ngoan ngoãn, và chăm chỉ của Chúa Thánh Thần là Thầy Dạy và Thần Khí sự thật đến từ Chúa Cha để làm chứng Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa (x. Ga 15,26). Có như thế, chúng ta mới mong trở nên những chứng nhân, thầy dạy, người dẫn đường “đáng tin cậy” của Tin Mừng Nước Trời.

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...