Connect with us

Hi, what are you looking for?

Sự kiện - Thời sự

ĐẾN VỚI TRÁI TIM CỦA ĐỨC GIÊSU

TMĐP- Cảm nghĩ về chuyến thăm mục vụ tại Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô từ 31.8 đến 4.9.2023. Chưa có cuộc thăm viếng mục vụ của Giáo Hoàng nào đã gây cảm xúc dạt dào trong lòng nhiều người bằng lần thăm viếng Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô những ngày này.

Quả thật, đây là cuộc thăm viếng lịch sử đang làm bỡ ngỡ thế giới, và làm nức lòng mọi tín hữu Công Giáo, vì chưa bao giờ một Giáo Hội non trẻ  mới chỉ được khai sinh từ ba mươi năm nay, với số giáo dân, linh mục, tu sĩ rất ít ỏi đã được chọn làm nơi  đón tiếp Đức Thánh Cha.

Nếu với nhiều người, tính cách lịch sử của cuộc thăm viếng nằm ở điểm đặc biệt chưa hề xảy ra vừa kể, thì với phần đông người công giáo, tính lịch sử nằm ở chỗ của người cha, và người anh em mà Giáo Hội hoàn vũ dành cho Giáo Hội rất trẻ trung Mông Cổ, khi Đức Thánh Cha đến như một người cha, và các Giáo Hội  địa phương từ khắp nơi đến như anh chị em  với trái tim của Đức Giêsu.

Với trái tim của Đức Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đến với con cái Mông cổ trong  tâm tình và cung cách của người cha: không lễ nghi  rườm rà, nhưng đơn sơ, cởi mở  như Đức Giêsu đến với đám đông, “Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên”, và Người mở miệng dạy họ Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5, 1-12); không hình thức phô trương, hoành tráng, nhưng  giản dị, thân tình như Ngài đến nhà ông Phêrô, gặp gỡ viên đại đội trưởng có người đầy tớ nằm liệt ở nhà, hay chuyện trò lâu giờ  với người đàn bà xứ Samari bên giếng Giacóp(x. Mt 8,5-6.14-15; Ga 4, 7); cũng  không kèn trống inh ỏi, phung phí, xa hoa, nhưng nhẹ nhàng, ấm áp như  Ngài đã cùng ăn bữa tối thanh đạm với hai môn đệ khi họ  vừa  về đến làng  Emmau, khi ngày sắp tàn và trời đã tối (x. Lc 24,28-31).

Với trái tim của Đức Giêsu, các Giáo Hội gần xa trên thế giới, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam đã đến với Giáo Hội Mông Cổ trong tâm tình và thái độ của người anh em, và tâm tình “yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em” ấy đang được biểu hiện rõ nét qua những chia sẻ  cụ thể và thực tế, mà ai nhìn vào cũng cảm động vì tình huynh đệ trong Đức Kitô, như dấu chỉ sáng ngời, đầy thuyết phục  của những người cùng là môn đệ Đức Giêsu (x.Ga 13,34-35).

Thực vậy, đây là biến cố lớn trong Giáo Hội, ở đó người tín hữu  khắp nơi nhìn thấy rõ hơn yếu  tính Hiệp Thông của Giáo Hội. Yếu tính Hiệp Thông ấy cho phép tất cả mọi tín hữu của các giáo hội địa phương  hiệp hành được với nhau, đúng hơn là được hiệp hành với nhau trong cùng một tình yêu, một Thánh Thần, vì Giáo Hội là Thân Thể duy nhất có Đức Giêsu là Đầu. Biến cố này còn làm chứng trong Giáo Hội không có phân biệt mạnh yếu, ít nhiều;  càng không chấp nhận chủ trương kỳ thị mầu da, chủng tộc, văn hoá, vùng miền giữa các giáo hội địa phương,  nhưng tất cả thuộc về một Giáo Hội của Đức Kitô, và cùng được kêu gọi lớn lên trong đức tin nhờ sống đức ái, trong niềm hy vọng “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” qua việc thưc thi lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”  với sự bảo đảm tuyệt đối của chính Đức Giêsu: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Nhưng có lẽ điều làm cho chúng ta suy nghĩ hơn cả khi   chiêm ngắm giáo hội  Mông Cổ những ngày này, chính là sức sống  của hạt giống Tin Mừng, hạt giống mà ít người  đã để ý đến sức mạnh tuy  âm thầm, nhưng mãnh liệt và độ bền bỉ của nó, bởi hạt giống ấy một khi đã được gieo xuống đất, nó chấp nhận được thối rữa trong  mồ hôi, nước mắt, trong  nhục nhằn, gian khổ,  trong  thử thách có lúc tưởng vượt sức người có hạn của  những đêm không ngủ  vì lo sợ bị lùng bắt,  và những ngày khốn quẫn, thiếu thốn trăm bề  của người gieo hạt.

Hướng về giáo hội Mông Cổ cũng là nhìn lên Thánh Giá Đức Kitô để một lần nữa thâm tín rằng chỉ với và trong  trái tim của Đức Giêsu, Giáo Hôi mới có thể sống  mầu nhiệm Hiệp Thông, và các  tín hữu mới  có thể cùng đi  trên  đường Hiệp Hành, bởi không mang trái tim của Đức Giêsu là  trái tim người Cha và  anh em của mọi người,  hạt giống  Tin Mừng  là  đời mỗi người  Kitô hữu  sẽ không chịu  chôn vùi và thối đi cho  niềm hy vọng ngày về trong hoan ca, tay ôm bó lúa ngào ngạt hương của  người  gieo  hạt  đã  được sai đi và ra đi trong nước mắt hôm nào.

Jorathe Nắng Tím  

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...