Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

ĐỘC CHIÊU  “ĐÁNH LẬN CON ĐEN” CỦA MA QUỶ | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 (Hiện tượng “NCC”) -Bài 04

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân phục Đấng Bản Quyền; vừa nhận mình trung thành với Giáo Hội công giáo, vừa loan truyền “những mặc khải mới” trái nghịch với giáo lý công giáo… Những người này làm người chung quanh mất phương hướng, mất lập trường, rồi mất đức tin. Đây chính là kế độc  “đánh lận con đen” của ma quỷ, Xatan.

“Đánh lận con đen” là chiến thuật lừa đảo, phỉnh gạt bằng lập lờ để gây hiểu lầm; bằng lơ lửng, mơ hồ để ai hiểu sao cũng được; bằng lẫn lộn, chằng chéo để người ta khó nhận xét, phân định.

“Đánh lận con đen” còn là “giương đông kích tây”, gây sôi nổi, ồn ào bên này, nhưng đánh phá, tấn công bên kia; “đánh lận con đen” cũng là chiêu trò đánh lạc hướng, và dụ dỗ đối tượng lọt vào mê cung qua những mỹ từ, những “lời hay ý đẹp” nhưng vu vơ, không thực;  những tư tưởng cao siêu, thần  thánh, nhưng tổng qúat, xáo rỗng; những từ ngữ có cánh, rất bốc, rất nổ, rất “hot”, rất lôi cuốn, nhưng không mang một nội dung có giá trị nào.

Nhờ sức bật và nổ tung đáng kể của độc chiêu “đánh lận con đen”,  Xatan đã đêm ngày triệt để tận dụng để gieo rắc giáo thuyết sai lạc ngược với giáo lý đức tin không chỉ nơi những người chưa tin, mà ngay trong lòng Hội Thánh, giữa hàng ngũ những  môn đệ của Đức Giêsu.

Chia sẻ với qúy Bạn về đề tài nhạy cảm này, người viết không chủ trương khích bác, loại trừ, tẩy chay, hay lên án ai, vì chính người viết là người yếu đuối và đầy thiếu sót cần phải trở về và canh tân mỗi ngày, nhưng chỉ muốn lật tẩy những chiêu trò nguy hiểm và lợi hại của Hỏa Ngục luôn được ma qủy giấu diếm, che đậy, để chúng ta rơi vào cạm bẫy của Xatan mà không biết, lạc vào bóng tối của Thần Dữ mà không hay.

Vì thế, những chia sẻ của người viết xin được gửi đến mọi người như tâm tình của người con, người anh, người em trong đại gia đình Giáo Hội, vì chính  “Chúng Ta là Giáo Hội”, “Mỗi người” chúng ta là chi thể của Thân Thể Đức Kitô, nên cho dù quý độc giả là người anh em đang say sưa làm công việc trừ qủy, hoặc những tín hữu đang hoang mang, phân vân, do dự trước những phong trào có đường lối ngày càng khác đường lối của Giáo Hội; hay những Kitô hữu đầy thiện chí và nhiệt huyết, nhưng vì bất mãn trước cảnh giáo sĩ trị, trước lối sống thực dụng, hưởng thụ, buông thả, bất xứng với sứ vụ của một số đấng bậc trong Giáo Hội đang tìm đường xa “người của Giáo Hội”, nhưng quyết tâm không bỏ, và xa Chúa; ngược lại, cũng có thể là những  anh em đang mạnh miệng chỉ trích, khích bác, lên án, hô hào cô lập, tẩy chay, làm hàng rào ngăn chặn, cấm vận những đồng đạo đang trượt dốc chống đối Đấng Bản Quyền, bất tuân phục Huấn Quyền, tự biên tự diễn một kiểu sống đức tin mới lạ, có tính “bức phá, và thời đại”, hoặc những anh em có tinh thần canh tân, muốn đổi mới Giáo Hội, nhưng không ở trong lòng Giáo Hội, nhưng tiên quyết muốn đứng ngoài Giáo Hội để canh tân Giáo Hội, dẫn đến ly giáo, bỏ đạo.

Trong mọi trường hợp, và với tất cả mọi người, người viết vẫn một lòng yêu mến, và tôn trọng quyền chọn lựa của mỗi người, mà không đặt bất cứ ai làm điểm ngắm, hay mục tiêu, đối tượng của phán xét, kết tội, vì tất cả chúng ta chỉ là một Thân Thể,  nên “không có chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cũng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui cùng” (1 Cr 12, 25-26), như thánh Phaolô đã dạy.

1. Ma quỷ “đánh lận con đen” giữa việc đạo đức và tín điều phải tin:

Chúng ta cần phân biệt tín điều, là những điều phải tin, những chân lý chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính của Dân Chúa như “tin Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình; tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Con người, Đấng vì  loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Ngài đã sống, chịu khổ hình, chết và sống lại như lời Thánh Kinh, Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết; tin Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống; tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; tin phép tha tội;  tin xác loài người sống lại; tin một cuộc sống đời đời”.

Những điều phải tin, mà danh từ thần học là Tín Lý khác với những việc đạo đức như cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, đọc kinh Mân Côi, lần chuỗi lòng thương xót, đi đàng Thánh Giá, mà danh từ thần học là Tu Đức.

Hai phần Tín Lý và Tu Đức tuy cùng thuộc Thần Học, tức “môn học” về Thiên Chúa, liên quan đến Thiên Chúa, nhưng mức độ giá trị không như nhau.

a. Tín điều là điều kiện để được cứu độ, trở nên người công chính:

Khuôn mặt lớn của Cựu Ước đã tin vào Thiên Chúa Giavê là Ápraham. Vì tin lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban cho ông một dòng dõi “đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển”, dù ông và vợ ông đã già cả mà không có mụn con nào, nhưng” ông tin Đức Chúa, vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính. ” (St 15,6).

Thánh Phaolô cắt nghiã đức tin của Ápraham, và làm nổi bật giá trị của đức tin mà không việc làm đạo đức nào có thể thay thế “Giả như ông Ápraham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện; nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. Trái lại, người nào không dựa vào việc làm, nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính. Đó là điều vua Đavít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người mà Chúa không kể là có tội!” (Rm 4,2-8).

Khi viết cho giáo đoàn Rôma những dòng trên, thánh Phaolô nhấn mạnh đến ơn “nhưng không” của đức tin, và việc chúng ta được nên công chính không hệ tại ở việc chúng ta làm, như những việc đạo đức, mà hệ tại ở đức tin Thiên Chúa ban nhưng không. Do đó, nếu những việc đạo đức đòi thay thế đức tin, phần tu đức đòi chiếm chỗ của phần tín lý, chúng ta sẽ đánh mất điều kiện nền tảng, thiết yếu để được nên công chính.

Sách Xuất Hành cũng khẳng định Ítraen là dân tộc tin vào Thiên Chúa Giavê, và vì tin, “họ đã hiểu là Đức Chúa đến viếng thăm con dân Ítraen và nhìn thấy cảnh khổ cực của họ. Và họ đã phủ phục mà thờ lạy” (Xh 4,31). Ngôn sứ Isaia thì qủa quyết  với dân: “Nếu các ngươi không tin, thì các ngươi không thể đứng vững ” (Is 7,9), và cũng không thể sống, vì “không phải hoa trái nuôi dưỡng người ta, nhưng lời Thiên Chúa mới giữ gìn chăm sóc những ai hằng tin tưởng vào Ngài” (Kn 16,26 ).

Chính Đức Giêsu, trong Tân Ước đã công bố: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), vì “ những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12), và “được sống muôn đời” (Ga 3,15). Đó là đức tin mà cô Mácta đã tuyên xưng: “Thưa Thầy, con tin. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”, sau khi nghe Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26-27), cũng là đức tin của tông đồ trưởng Phêrô đã tuyên xưng và là đức tin tông truyền của chúng ta hằng tuyên xưng và làm chứng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Chính trong đức tin này, và giữa những người tin là chúng ta mà Đức Giêsu được tôn vinh, ca tụng, ngưỡng mộ, yêu mến (x. 2 Tx  1,10).

b. Những việc đạo đức không bao giờ thay thế đức tin:

Chúng ta cần xác tín: chỗ đứng của đức tin, vai trò của đức tin không thể bị thay thế, giảm thiểu, cắt xén vì bất cứ lý do nào. Vì thế, đừng bao giờ lẫn lộn tín điều phải tin được Hội Thánh dậy bảo và những thực hành đạo đức như những biểu hiện đức tin, phương thế để củng cố, nuôi dưỡng đức tin, vì bản chất của những việc đạo đức như ăn chay, hãm mình, đánh tội, thức khuya lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, làm bác ái, từ thiện, kể cả những  cố gắng tập tành các nhân đức như khiêm nhuờng, chịu đựng…  Tất cả đều quy hướng về đức tin với mục đích làm cho đức tin thêm vững mạnh, mà không thay thế đức tin, không xóa bỏ đức tin, không thay đổi đức tin, không hạ thấp chỗ đứng của đức tin, không giảm bớt giá trị của đức tin.

Vì thế, khi nghe những lời như: “Thử hỏi các giám mục, linh mục, tu sĩ có qùy  giang tay  được  hằng giờ giữa đêm khuya để lần chuỗi Mân Khôi, đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót; có thức khuya dậy sớm cầu nguyện; có trường kỳ ăn chay, kiêng thịt như nhóm đạo đức này, phong trào  giáo dân kia không?”, và  đơn sơ kết luận: “Nếu các đấng bậc trong Hội Thánh không làm được những  việc đạo đức như  những nhóm giáo dân này, thì đừng nói các vị ấy thánh thiện, đẹp lòng Chúa hơn giáo dân”. Và hệ luận được rút ra, chính là: lời giảng dậy của các đấng bậc không khả tín, huấn quyền không  có giá trị, nên không cần phải vâng phục, vì những con người nắm giữ quyền giáo huấn không đủ đạo đức.

Ở đây, chúng ta không phủ nhận sự cần thiết và  ích lợi thiêng liêng của các việc đạo đức, vì chính Đức Giêsu đã căn dặn chúng ta phải cầu nguyện, bố thí, ăn chay. Ngài còn dạy chúng ta phải “bố thí cách kín đáo, cầu nguyện nơi kín đáo, ăn chay cách kín đáo (x. Mt 6,1-6.16-18), nhưng đều cần lưu ý ở đây, chính là chúng ta dễ rơi vào chiêu trò “đánh lận con đen” giữa đức tin và việc đạo đức của ma qủy.

Với độc chiêu này, ma quỷ cường điệu tầm quan trọng của những việc đạo đức bên ngoài, và dùng như thước đo để đánh giá sự thánh thiện của người này người nọ, nhằm làm chúng ta quên đi việc quan trọng trên hết và trước hết là Tin vào Thiên Chúa. Một khi kéo được toàn bộ chú ý của chúng ta vào việc đạo đức, chúng tha hồ lũng đọan, đánh phá đức tin của chúng ta, và khi đức tin bị chao đảo, chúng mau chóng thay thế đức tin vào Đức Giêsu được xây  trên nền  móng các  tông đồ bằng những măc khải mới không thuộc về Đức Giêsu.

Để khép lại phần này, chúng ta cùng nhìn lên Đức Mẹ, người nữ đầy ơn phúc, như lời của bà chị họ Êlisaét đã thốt lên khi Đức Mẹ đến thăm và ở lại ba tháng để giúp bà lúc sinh đẻ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ… Em thật có phúc, vì em đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,42.45). Chính vì tin, Đức Maria đã không hãnh diện về mình, không tự hào về những việc đạo đức mình làm, không nhìn ngang ngó dọc rồi thị phi, chê người này không thánh thiện bằng mình, người kia khô khan, nguội lạnh hơn mình, vì không cầu nguyện nhiều lần, nhiều giờ như mình, không ăn chay trường, không  hãm mình đánh tội như mình, nhưng Đức Mẹ luôn khiêm nhường và tin vào Lời Hứa  thương xót của Thiên Chúa với tổ tiên, cha ông của Mẹ, và tin vào Danh Chúa chí thánh chí tôn, Đấng đã  làm  biết bao điều cao cả, kỳ diệu trên những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,49-50.55).

Như Đức Maria,  gương mẫu  cho mọi người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi tin vào Thiên Chúa, tin vào Lời Ngài, và cụ thể là tin vào sứ vụ gìn giữ kho tàng chân lý đức tin, tức mặc khải từ Thiên Chúa của Giáo Hội. Đây là thách đố lớn của người Kitô hữu chúng ta ở thời đại mới, thời đại mà người ta không còn muốn sự có mặt của Giáo Hội, nhưng chỉ muốn Giáo Hội biến đi để ai nấy được tự do công bố  những chân lý mới về Thiên Chúa được Chúa Cha trực tiếp mặc khải qua nhóm này, người nọ, mà không qua trung gian Hội Thánh của Đức Giêsu. Và đây chính là mục tiêu cuối cùng của Xatan khi tung ra chiêu trò “đánh lận con đen” giữa tín điều phải tin thuộc tín lý, và những việc đạo đức thuộc tu đức.

2. “Đánh lận con đen” giữa quyền năng của Chúa Cha và yếu đuối, giới hạn của Giáo Hội:

Để thực hiện mục tiêu vùi dập Giáo Hội, và làm cho Giáo Hội không còn đáng tin dưới mắt nhiều người, ma quỷ luôn dùng những kiểu nói so sánh, bằng xử dụng những cụm từ như “quyền năng của Thiên Chúa, vinh quang của Thiên Chúa, chương trình của Thiên Chúa, ý muốn của Chúa Cha, tự do của  Chúa Cha” bên cạnh những kiểu nói như  “yếu đuối của Giáo Hội, bất trung của người nắm quyền cai quản Giáo Hội, bất xứng của  Đấng Bản Quyền, không tâm cũng không tầm của Linh Mục, Tu Sĩ”, với ý đồ tạo trong tâm trí người nghe một hố sâu cách biệt vời vợi, một khoảng xa thăm thẳm giữa Thiên Chúa thánh thiện và Giáo Hội hoen ố; giữa Chúa Cha toàn quyền làm điều Ngài muốn, và Giáo Hội bất lực, bất toàn chẳng làm được gì nên chuyện; giữa chương trình kỳ diệu của Chúa Cha và những sai trái, lầm lạc ngay trong việc chu toàn giới răn yêu thương của Chúa nơi Giáo Hội”, và hệ qủa là  người nghe dần dà bị nhồi sọ, rửa óc, ám ảnh đến độ khi nghe đến Giáo Hội là nhờm tởm, chán ngán; nhắc đến Giám Mục là rùng mình, nổi da gà, muốn tránh; kể đến linh mục, tu sĩ là nguầy nguậy lắc đầu khinh bỉ, buông lời chỉ trích, phê bình tận mạng.

Nếu chú ý, chúng ta thấy ma quỷ rất thường dùng miệng của những người bị chúnbg ám nhập để tung hoả mù nhằm bôi nhọ hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ, làm cho mọi người không còn nhận ra Giáo Hội thuộc về Thiên Chúa, là tôi trung của Thiên Chúa, là Thân Thể của Đức Kitô, và sứ vụ gìn giữ, cũng như làm chứng, và loan truyền chân lý đức tin của Giáo Hội không còn được Giáo Hội chu toàn.

Và một khi đạt đến độ tách rời bằng khai thác “ý niệm thánh thiện, đáng tin” giữa Thiên Chúa và Giáo Hội của Đức Giêsu, ma qủy dồn mọi nỗ lực thúc đẩy người ta làm việc trực tiếp với Chúa Cha, vì Chúa Cha có tự do và toàn quyền làm điều Ngài muốn, chọn người Ngài muốn chọn, đồng thời từ chối làm việc với Giáo Hội, chỉ vì bên cạnh Chúa Cha giầu lòng thương xót, Chúa Cha yêu thương loài người là một Giáo Hội “cửa quyền, độc tài, độc đóan, độc quyền, lạm quyền, thiếu từ tâm, không thương xót”, một Giáo Hội kín đáo ủng hộ và củng cố chế độ  “giáo sĩ trị”,  một Giáo Hội chủ trương bưng bít tội lỗi  của những người nắm giữ thần quyền, một Giáo Hội không khai phóng, cũng không nâng tầm hiểu biết và mở rộng khả năng cộng tác của giáo dân vào công việc của Giáo Hội.

Hậu quả của việc tách Giáo Hội ra khỏi Thiên Chúa, và làm cho Giáo Hội không còn đáng tin bên cạnh Chúa Cha toàn năng là việc hình thành một “Chúa Cha” được bàn tay con người tạo nên,  một Chúa Cha  “lành”  đến độ trở nên bất nhất, khờ khạo và tự mâu thuẫn với chính mình, khi  loại bỏ Giáo Hội mà Con Một của mình, là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã thành lập để gìn giữ kho tàng chân lý đức tin, và tiếp tục sứ mạng cứu chuộc nhân loại của chính mình, lại còn chấp thuận để  Con Một ở lại với Giáo Hội này cho đến tận thế (x. Mt 28,20), để thay thế bằng “một người nào đó được đặc biệt yêu thương và tuyển chọn” để nhận và loan báo những mặc khải mới trái ngược với mặc khải mà mình đã chỉ thị cho Con Một của mình truyền đạt và thực hiện khi xuống thế gian.

3. “Đánh lận con đen ” giữa thế đứng chân trong chân ngoài, giữa tình trạng “không ở trong cũng không ở ngoài”:

Như quý Bạn biết: mục tiêu cuối cùng của ma qủy là đánh sập ngôi nhà Thiên Chúa giữa con người là Hội Thánh có Đức Giêsu hiện diện với kho tàng chân lý đức tin. Vì thế, làm sai lạc các chân lý đức tin, bóp méo các sự thật của Thiên Chúa là đối tượng của các chiến dịch ma qủy đang thực hiện. Nhưng bao lâu Giáo Hội còn, thì đối tượng đó khó thành, mục tiêu đó khó đạt.

Tuy vậy, chúng có thể làm hoang mang con cái của Giáo Hội, khi luôn qủa quyết: “vẫn trung thành với giáo lý đức tin của Hội Thánh công giáo, vẫn là con cái trong Giáo Hội, vẫn đang thực hiện chương trình của Chúa, Cha vẫn hiệp thông với  mọi người trong Giáo Hội”, nhưng cùng lúc lại chủ trương những điều hoàn toàn ngược với đức tin của Giáo Hội, trái với giáo huấn trong phạm vi đức tin và luân lý của Hội Thánh, và thực hành những việc không phù hợp với tinh thần của người Kitô hữu, mà vâng phục là điều quan trọng làm chứng tinh thần này.

Thực vậy, với chiêu trò “không ra hẳn bên ngoài, không vào hẳn bên trong”, ma qủy cố ý “đánh lận con đen” chuyện trong – ngoài để nhiều người không phân định được đâu là  hư thực, chỗ nào là  đúng sai, ai phải ai trái, ai đáng tin ai nên ngờ vực, khi  thấy có cả những linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân tích cực tham gia,  và dấn thân làm chứng cho  những mặc khải mới, không những không “ăn khớp”  với đức tin công giáo, mà còn chống lại giáo lý đức tin ấy một cách gay gắt, quyết liệt.

Người viết xin nêu ra một vài mặc khải thuộc loại này, như Chúa Cha ban cho những phụ nữ hoàn toàn không ăn ở với chồng, hay một nam nhân được có thai, và gọi là “thai thánh”  qua việc đặt tay của người Chúa Cha chọn; như việc chọn cho Chúa Cha một người mẹ là Đức Maria, và gán cho Mẹ danh hiệu “Mẹ Chúa Cha”, một danh hiệu trăm phần trăm trái với tín lý công giáo, và mâu thuẫn nội tại khi mẹ và con không cùng một bản tính: mẹ là người, con là Thiên Chúa; như việc qủa quyết Chúa Cha cho phép không phải nghe lời Đức Giám Mục địa phận là Đấng Bản Quyền, vì phải nghe lời Thiên Chúa hơn nghe lời người thế gian, nhất là người thế gian  có quyền giáo huấn  ấy không thánh thiện như các thánh tông đồ; như việc tự công chính hoá mình qua các việc “đạo đức tư” như ăn chay, hãm mình, lần mười hai chuỗi Mân Côi và nhiều chuỗi Lòng Thương Xót lúc nửa đêm, để rồi tự cho phép mình không cần đến quyền cai quản Hội Thánh của Phêrô mà chính Đức Giêsu đã công khai và chính thức trao phó, nhưng tự mình nhận trực tiếp thánh ý Chúa Cha cho từng vấn đề, dù rất nhỏ qua thư ký của Ngài; như tự hào khẳng định Chúa Cha đã chọn nhà này,  chọn những con người này để thực hiện chương trình cứu thế ở thời đại mới, cho con người thời đại mới.

Quả thật không dễ cho nhiều người, vì những anh em “nửa trong nửa ngoài” vẫn  đọc những kinh được Giáo Hội dạy, vẫn hát những bài thánh ca được Giáo Hội phê chuẩn, vẫn trang trí nơi thờ phượng như Giáo Hội xưa nay vẫn trang trí, vẫn thực hiện những việc đạo đức như Giáo Hội hằng khuyến khích, cổ võ, nhưng chỉ có một điều “không giống, không như, không theo” Giáo Hội là tín điều phải tin, giáo lý đức tin phải sống, đòi hỏi đức tin phải thực hành.

Tóm lại, khi vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân phục Đấng Bản Quyền được đặt lên như người kế vị các tông đồ; vừa nhận mình trung thành với Giáo Hội công giáo, vừa loan truyền “những mặc khải mới” trái nghịch với giáo lý công giáo, những người anh em này làm người chung quanh mất phương hướng, mất lập trường, rồi mất đức tin. Đây chính là kế độc  “đánh lận con đen” của ma quỷ cốt làm cho chúng ta “không biết đâu mà lần”, không biết đường nào mà ra, không biết ai là người cùng chiến tuyến với mình trong cuộc chiến chống lại Xatan và bè lũ.

Bài đã quá dài, người viết xin dừng ở đây với những ước mơ mong được chia sẻ: ước mơ được luôn biết mình và anh em mình đều là tội nhân, và tội lỗi đã làm cho chúng ta  yếu đuối, nên mới có tình trạng “điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tội lại làm … Cũng vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,15.18-19) để cảm thông với cuộc chiến nội tâm gay go trong lòng mỗi người; ước mơ học với Đức Giêsu “hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29), để không nguyền rủa, xua đuổi, tẩy chay, truy sát nhưng yêu thương và “đón nhận người  anh em yếu đức tin”, “vì bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh” (Rm 14.1 ; 15,1); sau cùng là ước mơ được Chúa ban cho  trái tim đơn sơ, dịu dàng, hay chạnh lòng thương xót để không làm tổn thương bất cứ ai, dù phải can đảm, và cương quyết làm chứng cho sự thật, nhưng  luôn biết đặt mình dưới ơn phù trợ của Thánh Thần Tình Yêu, “để lấy tinh thần hiền hoà” mà chia sẻ, và sẵn sàng mang trên vai gánh nặng của anh em mình (x. Gl 6,1-2).

Những kinh Mân Côi cuối ngày xin được hiệp thông cùng Giáo Hội cầu xin cho sự hiệp nhất giữa hết mọi người, không trừ ai trong Giáo Hội.

Jorathe Nắng Tím    

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

 

Bài viết liên quan

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Mùa lễ tình nhân, chắc chắn những ai yêu nhau sẽ có quà cho nhau. Nhưng món quà quý giá nhất đó là...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...