Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

MẸ CHÚA CHA LÀ AI (Nhà Chúa Cha Bảo Lộc) | Chuỗi Suy Tư Thần Học 02 (Hiện tượng “NCC”) -Bài 03

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo giáo lý của Hội Thánh công giáo, và “Mẹ Chúa Cha” vừa được công bố như một mặc khải mới cho thời đại mới từ Chúa Cha.

Thực sự, tận thâm tâm, người viết chưa muốn đặt vấn đề mặc khải mới của Chúa Cha với “Nhà Chúa Cha Bảo Lộc”, nhưng sau khi xem  youtube “Tiếng Nói Sự Thật” (TNST) phần 186, mà ngay phần đầu với công bố của chị Thiên Thương về măc khải mới từ Chúa Cha đã làm  người viết, lại một lần nữa thấy mình có bổn phận phải chia sẻ thêm với quý Bạn, trong tinh thần cùng đi tìm chân lý đức tin, và  thánh ý Thiên Chúa trên tất cả chúng ta. Ngoài tinh thần này, người viết không có bất cứ một dụng ý nào khác, nhất là ý đồ đưa anh em mình vào đường cùng, phong toả đường sống, hoặc cắt đứt đường về của anh em.

Nghe chị Thiên Thương công bố mặc khải mới cho thời đại mới, người viết được phép  hiểu rằng: Chúa Cha muốn dùng ai, chọn ai làm việc cho Ngài, và dùng con người làm việc như thế nào thì hoàn toàn thuộc quyền của Ngài, và Ngài đã chọn nhà  anh chị  Quảng- Thiên Thương ở Bảo Lộc làm Nhà của Ngài, chọn chị Thiên Thương, một số linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân làm việc cho Ngài, dưới  sự chỉ đạo trực tiếp của Ngài, và ý Ngài  được truyền đạt trực tiếp qua thư ký của Ngài là chị Thiên Thương.

Ngoài những mặc khải mới mà người viết ít nhiều đã đề cập trong những bài viết trước đây, có một mặc khải rất mới vừa được chị Thiên Thương công bố trong youtube mới nhất (TNST phần 186), đó là dưới sự chỉ đạo của Chúa Cha, và sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria, mà mặc khải mới của Chúa Cha từ chị Thiên Thương  gọi là “Mẹ Chúa Cha” đã xuống trong thân xác của chị Toàn, một giáo dân được Chúa Cha chọn làm việc tại Nhà Chúa Cha để truyền đạt cho nhân loại thánh ý của Ngài.

Trong bài chia sẻ này, người viết không trở lại việc Đức Maria  nhập vào chị Toàn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần như “giáo lý mới” cho thời đại mới của “Nhà Chúa Cha”, vì người viết đã dành riêng một bài với tựa đề “Đức Mẹ nhập hồn” để chia sẻ với qúy bạn rồi, nên hôm nay sẽ tập trung vào danh hiệu “Mẹ Chúa Cha” là danh hiệu mới được gán cho Đức Mẹ  từ mặc khải mới của Chúa Cha tại “Nhà Chúa Cha Bảo Lộc”. Danh hiệu này toàn toàn xa lạ với người công giáo, và không tìm thấy bất cứ ở đâu trong  giáo lý đức tin của Hội Thánh công giáo Rôma.

1. Đức Tin công giáo dạy gì về Thiên Chúa Cha?

Khởi  đầu Kinh Tin Kính của Dân Chúa, các tín hữu  tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình” .

Đức tin dậy chúng ta: Chúa Cha là Đấng Tự Hữu, nghiã là tự mình mà có, và Hằng Hữu, vì hằng có đời đời , như Ngài đã phán với Môsê khi ông xin được biết tên Ngài để nói với con cái Ítraen, nếu họ hỏi ông: ai sai ông đến với họ (x. Xh 3,13-14); Ngài là “Đấng sáng tạo trời đất” (St 1,1); là Đấng “tạo dựng con người theo hình ảnh mình” (St 1,27): “Ngày Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là “người”, ngày họ được sáng tạo” (St 5,1-2).

Đức tin cho chúng ta biết: không có ai tạo nên Thiên Chúa, vì  như Ngài phán qua ngôn sứ Isaia:  “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành” (Is 43,10), “Ta là Thiên Chúa, và chẳng có thần nào như Ta” (Is 46,9), bởi “Ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công” (Kn 12,13).

Đức tin soi sáng chúng ta: Thiên Chúa “không phải phàm nhân mà gian ngoa được, cũng chẳng phải là con người mà phải hối hận” (Ds 23,19), nhưng Ngài là Thiên Chúa, “Đấng Toàn Năng… và danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49), như lời kinh Tán Tụng của Đức Maria trong cuộc thăm viếng chị họ Êlisabét, sau khi chịu thai Ngôi Hai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần.

Như thế, Thiên Chúa Cha không có ai trước mình, trên mình, quyền năng hơn mình, sinh ra mình, nên không có mẹ cũng chẳng có cha, vì Ngài là Đấng Tự Hữu và Chủ Tạo:  tự mình mà có, và từ mình mọi sự trên trời dưới đất, hữu hình và vô hình được tạo thành, trong đó có  các thiên thần và loài người.

Khi cố tình gán cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ Chúa Cha”, những người tự cho mình là người nhận trực tiếp măc khải mới từ Chúa Cha đã làm một việc rất đáng trách, không chỉ đáng trách vì đi ngược giáo lý của  Hội Thánh, mà còn đáng trách vì xúc phạm nặng nề đến Đức Mẹ, khi cưỡng ép Mẹ phải nhận một danh hiệu hoàn toàn trái nghịch với con người, với ơn gọi, và với sứ vụ của Mẹ trong nhiệm cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, Con Mẹ.

Cố tình gán cho Đức Mẹ danh hiệu “Mẹ Chúa Cha” là không biết gì về ơn gọi  làm thụ tạo  được Thiên Chúa  toàn năng bao phủ, cứu độ của Đức Mẹ; là không hiểu gì về hạnh phúc của phận nữ tỳ được Chúa Cha đoái thương nhìn tới của Đức Mẹ; là phủ nhận một cách trắng trợn biết bao điều cao cả mà Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Mẹ.

Ép Đức Mẹ vào cái danh “Mẹ Chúa Cha” mới được sáng chế cho thời đại mới, “Nhà Chúa Cha” đã  nhận một mặc khải hoàn toàn chống lại con người luôn kính sợ Thiên Chúa, và cần lòng thương xót của Thiên Chúa là Đức Mẹ, khi đẩy ngài ra khỏi hàng ngũ của những phận mọn hèn tôi tớ Chúa, để đứng vào thế lực thù nghịch chống lại Thiên Chúa của “phường lòng trí kiêu căng”.

Cưỡng chế Đức Mẹ phải mang trên mình cái danh “Mẹ Chúa Cha” là tước đọat  niềm vui của người khiêm nhường, và cưỡng bức Mẹ đứng về phía Xatan say mê quyền lực, tham lam của cải để bị Chúa Cha hạ bệ và đuổi về tay trắng.

Áp đặt cho Đức Mẹ cái danh “Mẹ Chúa Cha” hão huyền, không nền tảng đức tin, không luận lý chặt chẽ, nhưng hoàn toàn vu vơ, bay bổng, lạc lõng, lại không đứng được vào đâu, không dính đến tín điều nào, không bám được vào bất cứ trụ cột chân lý  đức tin nào là xóa hết trong trái tim Đức Mẹ ký ức của lòng thương xót Thiên Chúa đã dành cho dân tộc thánh của Mẹ, bởi từ dòng dõi của tổ phụ Ápraham, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trong thế gian qua cung lòng của Mẹ (x. Kinh Tán Tụng của Đức Me, Lc 1, 46-55).

Tóm lại, tương quan  của Đức Mẹ và Chúa Cha mãi là  tương quan  của thụ tạo trước Đấng Chủ Tạo; tương quan  của Chúa Cha  Toàn Năng với  người nữ tỳ hèn mọn  một lòng kính sợ, vâng phục Thiên Chúa; tương quan của thụ tạo bất xứng với một Thiên Chúa thương xót ban đầy ơn phúc, nên danh xưng “Mẹ Chúa Cha” làm tổn thương con người khiêm nhường, kín đáo, ẩn dật và luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha của Đức Mẹ; là đưa Đức Mẹ từ phận nữ tỳ hèn mọn được Chúa Cha sủng ái, được Chúa Cha làm cho bao điều cao cả và mọi đời khen là người diễm phúc “vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (Lc 1,45) lên đỉnh cao của kiêu hãnh, tự mãn như Xatan đã đem Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lậy tôi” (Mt 4,8-9).

2. Đức Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người:

Có thể “Nhà Chúa Cha” nghĩ rằng: Ba ngôi Thiên Chúa chỉ là một Thiên Chúa, nên nếu Đức Maria đã  là Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, thì cũng là mẹ của Ngôi Cha và trong tương lai không xa, có thể sẽ có mặc khải mới gán thêm cho Đức Mẹ  danh hiệu “Mẹ của Ngôi Ba Thánh Thần”.

Như thế, một thụ tạo bỗng trở nên mẹ của Đấng Chủ Tạo, nữ tỳ của Thiên Chúa đột nhiên biến thành Mẹ Thiên Chúa Cha, con người với bản tính loài người tự nhiên được tôn lên làm mẹ của Thiên Chúa Toàn Năng. Thật là một điều không thể quan niệm được.

Cũng có thể do sự lầm lẫn về vai trò làm mẹ Đức Giêsu, Con Một Chúa Cha để thực hiện  nhiệm cuộc cứu chuộc loài người của Chúa Cha, khi vâng lời Chúa Cha xuống thế gian làm người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi.

Như đức tin dậy, vì nguyên tổ loài người đã bất tuân phục Thiên Chúa, nên tội lỗi đã vào thế gian, và con người phải chết, vì không còn được ở trong ân nghiã với Thiên Chúa, “nhưng Thiên Chúa”, tức Chúa  Cha, “đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3, 16-18).

Thánh Phaolô qủang diễn chân lý trên trong thư gửi giáo đoàn Rôma như sau: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3, 23-25).

Như thế, công cuộc cứu chuộc loài người là kế hoạch của Chúa Cha, được thực hiện bởi Chúa Con, với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, bằng mầu nhiệm Nhập Thể và  con đường Nhập Thể làm người  của Ngôi Hai Thiên Chúa đã đòi phải có một người mẹ, để Ngài có thể “làm người và ở giữa chúng ta”, khi hoàn tòan trút bỏ vinh quang Thiên Chúa của Ngài, để “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7-8).

Ở đây, chúng ta cần lưu ý một điều rất quan trọng, đó là Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế  để làm người thật, làm con người trăm phần trăm  chỉ trừ tội lỗi, với tất cả những gì là con người, thuộc về con người. Ngài được cưu mang trong lòng một người mẹ như tất cả các người con, được sinh ra, được nuôi dưỡng, yêu thương, giáo dục như bất cứ con người nào. Ngài cũng làm việc, và biết thế nào là cực nhọc, vất vả; biết vị mặn của mồ hôi, biết nước mắt của đau buồn, biết  cay đắng của tình yêu bị phản bội, biết xót xa, quặn thắt của thất vọng, cô đơn. Ngài cũng biết đau đớn trên thân xác khi bị roi vọt, đóng đinh; biết nhục nhã khi bị chế diễu, nhạo cười; biết thẹn thùng, mắc cở khi bị lột trần truồng và treo trên thánh giá trước mắt mọi người. Ngài biết  thương nhớ, trăn trở và trối trăn Mẹ  mình cho  môn đệ Ngài thương mến trước khi chết; biết chạnh lòng thương cảm và bao dung tha cho mọi người, và đã chết như mọi người phải chết…

Tóm lại, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người thật, chứ không mượn xác người nào đó để “làm người”; không nhập hồn vào một thân xác của ai đó như kiểu lên đồng, nhập cốt. Chính vì thế, ở Ngôi Hai Thiên Chúa  cùng lúc có hai bản tính: một bản tính Thiên Chúa, một bản tính loài người. Cả hai bản tính hiện diện trong cùng một con người Thiên Chúa là Đức Giêsu.

Vì thế, khi được chọn làm mẹ của Đức Giêsu, Đức Maria trở thành mẹ của “một  Đức Giêsu duy nhất” không chỉ với bản tính loài người, mà còn với  bản tính Thiên Chúa. Điều đó có nghiã: không thể cắt Đức Giêsu làm đôi, hay xẻ Đức Giêsu thành hai phần đặt cạnh nhau: một nửa là con người, một nửa là Thiên Chúa; một phần là nhân tính, phần kia thuộc thiên tính. Trái lại, Đức Giêsu là một và duy nhất với cả thiên tính và nhân tính không thể tách biệt, chia lìa. Và đó là lý do Đức Mẹ là Mẹ Đức Giêsu làm người,  thì cũng là mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa.

Do đó, danh hiệu Mẹ Thiên Chúa được dành cho Đức Mẹ, và điều này hợp lý. Tuy nhiên, danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” của Đức Maria phải được hiểu trong ý nghiã của mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, nghiã là Đức Mẹ chỉ là  Mẹ của Đức Giêsu, chứ không thể “đổ đồng” là mẹ của cả  Chúa Cha, và có thể sau này là mẹ luôn cả Chúa Thánh Thần, bởi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không xuống thế làm người, nên không mang bản tính loài người, đang khi Chúa Con làm người, và làm người như mọi người, nên phải có mẹ để cưu mang Con Người của Thiên Chúa, phải có mẹ để Thiên Chúa không làm người một cách  chắp nối, vá víu, nửa vời, vài chục phần trăm, hay hữu danh vô thực, nghiã là mượn danh làm người, nhưng không làm người thực, không thực sự là người.

Tưởng cũng cần nhắc lại Kinh Tin Kính, trong đó, người công giáo tuyên tín Đức Giêsu là Thiên Chúa với bản tính Thiên Chúa: “Tôi tin Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”.

Tiếp theo là phần tuyên tín Đức Giêsu là con người với bản tính loài người: “Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Và phần sau cùng là ngày về trời và trở lại trong vinh quang Thiên Chúa của Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa: “Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.

Đọc đến đây, chắc quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo giáo lý của Hội Thánh công giáo, và “Mẹ Chúa Cha” mà chị Thiên Thương vừa công bố như một mặc khải mới cho thời đại mới từ Chúa Cha.

Với suy nghĩ hạn hẹp của mình, người viết chỉ dám chia sẻ những điều căn bản để quý Bạn đừng rơi vào cạm bẫy của Xatan khi “đánh lận con đen” để gán cho Đức Mẹ danh hiệu “Mẹ Chúa Cha”, bởi với danh hiệu này, nền tảng tín lý của Hội Thánh sẽ lung lay, toàn bộ giáo lý phải thay đổi, và tất nhiên, những ai chấp nhận mặc khải mới “Mẹ Chúa Cha” này sẽ không còn đủ điều kiện để tự nhận mình “không làm gì trái với giáo lý đức tin, vẫn ở trong Giáo Hội, vẫn thuộc về Giáo Hội, đang thực hiện chương trình của Chúa Cha”, bởi phủ nhận tín điều căn bản về Chúa Cha, không sớm thì muộn, người ta sẽ phủ nhận tất cả mọi tín điều của kho tàng đức tin được Đức Giêsu ký thác cho Giáo Hội của Ngài gìn giữ, loan truyền.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho con, cũng như anh chị em của con đang làm việc ở  “Nhà Chúa Cha”  bên Việt Nam cũng như bên Mỹ được cùng nhận ra ánh sáng  của Sự Thật và Tình Yêu, để trong mọi hoàn cảnh, mọi thử thách, kể cả giữa yếu đuối, lầm lạc, con tin rằng anh em ở nhà Chúa Cha cũng như con đây vẫn không quên ngước nhìn lên Chúa là Nguồn Hy Vọng Cứu Rỗi cho mỗi người chúng con và toàn thể nhân loại.

Jorathe Nắng Tím  

Thông báo chung từ Tin Mừng Đường Phố: Với mục đích Loan Báo Tin Mừng, tác giả Jorathe Nắng Tím và Tin Mừng Đường Phố chân thành cám ơn sự chia sẻ rộng rãi của Quý bạn, nhưng không đồng ý và không chịu trách nhiệm về những việc “làm lại” hoặc “thay đổi” nội dung cũng như hình ảnh của những clip gốc lấy từ nguồn Tin Mừng Đường Phố. Trân trọng!

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Sách Hay

TMĐP- Tuyển tập “Trái Tim Người Công Chính” đã ra đời trong tâm tình hướng về “Năm Đặc Biệt Kính Thánh Giuse”. “Thánh Giuse,...