Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

ĐÓN NHẬN ƠN GỌI LÀM NGƯỜI VÀ VÁC THÁNH GIÁ VỚI ĐỨC KITÔ | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIV, Thường Niên, Năm B

TMĐP- Ngài muốn những ai đi theo làm môn đệ Ngài cùng đi trên con đường Thánh Giá: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi”

Tin Mừng Máccô của chúa nhật này đã làm nổi bật con người của tông đồ trưởng  Phêrô với hai khuôn mặt hoàn toàn tương phản: khuôn mặt thứ nhất của một Phêrô đã đại diện anh em Nhóm Mười Hai long trọng xác tín: “Thầy là Đấng Kitô” khi Đức Giêsu hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mc 8,29) đang khi có người bảo Ngài “là Gioan Tẩy Giả, có kẻ bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,28); và liền ngay sau đó, cùng một  con người Phêrô đã xuất hiện một khuôn mặt khác, đó là khuôn mặt Xatan, như Đức Giêsu trách mắng ông: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33), chỉ vì ông đã lên tiếng can ngăn Ngài đừng lên Giêrusalem để  phải chịu  đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, và  giết chết (x. Mc 8,31), như Ngài  vừa báo cho các ông.

Phêrô rơi vào tình trang này, vì Phêrô, tuy  biết  Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, biết chính Ngài sẽ đem lại ơn cứu độ, nhưng ông chưa sẵn sàng đi vào chương trình cứu độ  của Đức Giêsu, nghiã là ông vẫn như bao người Do Thái khác còn nặng một khát vọng về viễn tượng một vương quốc Ítraen hùng mạnh, dưới sự lãnh đạo quyền năng, bách chiến bách thắng  của Đấng Thiên Sai  để vực dậy dân Ngài, nên không thể chấp nhận thân phận con người, điều kiện làm người, tính mong manh, yếu đuối  của kiếp người ở Đức Giêsu, cụ thể là “phải chịu đau khổ, bị loại bỏ và bị giết chết”.

Vì thế, Phêrô đã phản đối, khi Đức Giêsu cho các ông biết con đuờng Thánh Giá Ngài sắp đi, đau khổ Ngài sắp gánh chịu, cái chết Ngài sắp phải trải qua trước khi  bước vào vinh quang phục sinh.  Hình ảnh “người tôi tớ đau khổ của Giavê” mà ngôn sứ  Isaia đã tuyên sấm là hình ảnh mà Phêrô cũng như người Do Thái không bao giờ muốn chấp nhận khi nói về Đấng Cứu Thế oai hùng, dũng mạnh mà họ trông đợi.

Quả thực, khi đón nhận thân phận con người, mang lấy yếu đuối của loài người, Đức Giêsu đã trở nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, và Ngài đã đi đến tận cùng của phận người là đau khổ và chết.

Sở dĩ Đức Giêsu đã chấp nhận trở nên người tôi tớ đau khổ, khi “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ” (Is 50, 6), vì Ngài hoàn toàn dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, Cha Ngài (Is 50,7), tuyệt đối tín thác vào đường lối cứu chuộc bằng  Thánh Giá  đã được Chúa Cha định liệu, quan phòng.

Gọi Phêrô , người môn đệ thân thương, nhiệt thành của mình là Xatan, Đức Giêsu đã làm sốc các môn đệ có mặt, và sốc cả chúng ta hôm nay, nhưng Ngài đã không thể làm khác hơn, vì không thể không cho Nhóm Mười Hai và chúng ta biết: cám dỗ lớn nhất và cạm bẫy nguy hiểm nhất  ma quỷ ngày đêm vất vả giăng kín đường đời, chính là thúc đẩy con người từ chối ơn gọi làm người, dụ dỗ con người  khước từ  sứ mệnh và vinh dự làm người, cùng lúc làm cho con người không còn muốn chiến đấu chống lại sự dữ, và nếu thực hiện được âm mưu này, ma quỷ sẽ không còn phải lồng lộn, rảo quanh khắp thiên hạ lôi kéo con người theo chúng, nhưng con người sẽ tự động, tự nguyện chạy theo chúng.

Tóm lại, dù là Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc muôn dân, Đức Giêsu vẫn mang lấy thân phận con người đau khổ và phải chết, khi chọn Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài cũng muốn những ai đi theo làm môn đệ Ngài cùng Ngài đi trên con đường Thánh Giá, khi đưa ra điều kiện: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Tôi”, vì ngoài con đường Thánh Giá, không có con đường cứu độ nào khác, ngoài tư tưởng của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, không tư tưởng phàm nhân nào đem lại ơn thứ tha cho con người, ngoài chương trình yêu thương của Thiên Chúa, không chương trình cứu thế nào hữu hiệu hơn cho hạnh phúc đời đời của con người.

Và vũ khí để chiến đấu chống lại sự dữ, chống lại “mưu thâm kế độc ” của ma quỷ,  cũng như con đường dẫn đến ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã sử dụng, đã đi, và muốn chúng ta cùng đi, cùng sử dụng với Ngài, chính là Đức Ái, tình yêu, lòng thương xót anh em đồng loại, điều mà thánh Giacôbê tông đồ đã tha thiết khuyên dạy chúng ta trong thư của Ngài: “Đức Tin không hành động là đức tin chết ” (Gc 2,26), và  Đức Ái chính là hành động làm cho Đức Tin nên sống động  và hoàn hảo (x. Gc 2,17-22).

Jorathe Nắng Tím   

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...