Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

ĐỨC KITÔ PHỤC SINH: ĐỀN THỜ MỚI CỦA THIÊN CHÚA | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B

TMĐP- Qua biến cố xua đuổi đám người buôn bán làm ô uế Đền Thờ, Đức Giêsu đã mặc khải cho mọi người một thay đổi mới và lớn

Người Do Thái ở đâu cũng hướng về Đền Thờ Giêrusalem, vì Đền Thờ là nơi Thiên Chúa Giavê ngự, là Nhà của Đức Chúa, là trung tâm của sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Vì thế, ngay khi Kyrus, vua Ba Tư cho phép người Do Thái bị lưu đày bên Babylon trở về Giêrusalem vào năm 538 trước Công Nguyên, họ đã dồn hết tâm lực xây lại Đền Thờ do vua Salômôn xây khoảng năm 1000 trước Công Nguyên và  đã  bị  tướng Nabucôđônôxo của Babylon  tàn phá  năm 587 trước Công Nguyên và sau đó họ bị lưu đầy biệt xứ.

Ấy thế mà hôm ấy, Đức Giêsu lại bạo gan bạo phổi cứng rắn tuyên bố trước  đám đông Do Thái đang bực bội với Ngài, sau khi Ngài “lấy dây làm roi mà xua đuổi bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ”: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2, 15.16). Nhưng nặng nề hơn là Ngài thách thức họ: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ  này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” khi có người chất vấn Ngài : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (Ga 2, 18.19).

Khi nói với đám đông Do Thái có mặt hôm ấy những lời cực sốc này, Đức Giêsu đã không  sợ nguy hiểm rình rập Ngài, nhưng can đảm cho họ biết: từ nay Đền Thờ Thiên Chúa là chính Ngài, vì chính Ngài là Giao Ước Mới nối kết,  giao hoà con người với Thiên Chúa; từ nay Đền Thờ  của Thiên Chúa là Thân Thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh, là nhà của Thiên Chúa ở giữa toàn thể nhân loại, cho toàn thể nhân loại, mà không còn dành riêng cho một dân tộc, một nòi giống nào.

Không như giao ước cũ đã được ký kết với Thiên Chúa trong sa mạc trên đường về đất hứa bằng máu chiên bò, nhưng Giao Ước Mới được ký bằng máu của Đức Giêsu, máu của Con Thiên Chúa làm người, điều mà những người Do Thái đang chất vấn Ngài sẽ được thấy khi Ngài bị treo lên để kéo mọi người lên với Ngài.

Họ cũng sẽ sửng sốt, ngạc nhiên khi Ngài sống lại từ cõi chết, sau ba ngày chôn trong mồ, và họ sẽ nhớ lại lời Ngài nói hôm nay: “Các ông cứ phá huỷ  Đền Thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”, cũng như các môn đệ Ngài nhớ lại lời Ngài căn dặn trước khi đi chịu chết: “Ngày thứ ba, Thầy sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Ngài xây dựng lại Đền Thờ là Thân Thể phục sinh của Ngài, vì từ nay Ngài là lẽ sống, là hy vọng, là lý do của niềm tin ở người tín hữu, như thánh Phaolô khẳng định: ” Nếu Đức Kitô đã  không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15, 14). Vì thế, chúng ta không  tìm ở bất cứ nơi nào, hay con người nào sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa, ngoài Đức Giêsu Kitô, và rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh , điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 23).

Tóm lại, qua biến cố xua đuổi đám người buôn bán làm ô uế Đền Thờ, Đức Giêsu đã mặc khải cho mọi người một thay đổi mới và lớn, đó là Đền Thờ Giêrusalem vốn là nơi chỉ quy tụ dân Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa từ nay sẽ được biến thành Thân Thể Đức Kitô phục sinh là Giáo Hội, và chính Ngài sẽ quy tụ mọi dân nước khắp  trên địa cầu để  làm thành một đoàn chiên dưới quyền một chủ chăn là Ngài.

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...