Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

ĐỨC MARIA, NGƯỜI NỮ ĐẦY ƠN PHÚC | Chuỗi “Chân Dung Người Phụ Nữ trong Tin Mừng” – Bài 1

TMĐP- Nhiều người phụ nữ khác trong Tin Mừng đã biểu lộ niềm tin và tình yêu dành cho Đức Giêsu bằng tâm sự hằng giờ, và lớn tiếng kêu xin, năn nỉ, thì Đức Maria lại ẩn dật, âm thầm, kín đáo khi sống đức tin.

Chương trình Cứu Thế của Ngôi Lời đã khởi đầu bằng biến cố sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến gặp trinh nữ Maria  ở Nadarét, miền Galilê: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28), và kể từ buổi sáng Truyền Tin đó, Đức Maria trở thành người nữ  “đầy ơn phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện  những gì Người đã nói” (Lc 1,45).

Người đã nói qua sứ thần: “Bà đẹp lòng Thiên Chúa, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (x. Lc 1,30-32), và Trinh Nữ đã khiêm tốn trả lời: “Việc ấy xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34).

Người đã nói qua sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 36), và Trinh Nữ đã khiêm hạ thân thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền.” (Lc 1, 38).

Biến cố Truyền Tin hôm ấy vô cùng quan trọng vì là biến cố thay đổi toàn diện cuộc đời Đức Maria; biến cố“Thiên Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người”  (Lc 1,68); biến cố  Thiên Chúa cho “Vầng Đông từ chốn cao vời … soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối trong bóng tử thần, và dẫn bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79).

Như thế, lời “Xin Vâng” của buổi sáng Truyền Tin   đã không chỉ cất bổng Trinh Nữ Maria lên địa vị cao cả “Đấng đầy ơn phúc, Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa, và  Evà mới”, mà còn mở ra cho Dân Chúa một kỷ nguyên cứu chuộc, đồng thời tương lai được giải thoát khỏi tử thần và con đường hạnh phúc được mở toang cho toàn thể nhân loại.

Sở dĩ lời Xin Vâng của buổi sáng Truyền Tin đã thay đổi toàn thể cục diện nhân loại, vì đó là lời Xin Vâng tuyệt hảo đã góp phần quan trọng vào việc  thực hiện ý muốn cứu chuộc con người của Thiên Chúa; là lời Xin Vâng tự nguyện của “Evà mới”  bày tỏ khao khát được Thiên Chúa cứu độ; và là lời Xin Vâng của trái tim tuyệt đối tín thác vào Lời Hứa: “Thiên Chúa  thương xót Dân Ngài” . Tắt một lời, đây là lời Xin Vâng của người tín hữu đầu tiên và gương mẫu, Đức Maria, người nữ “đầy ân sủng và đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1, 28.30) không phải vì bất cứ lý do hay công trạng nào, nhưng vì tuyệt đối tin vào Lời Thiên Chúa hứa, và tuyệt đối phó thác  đời mình ở Đấng “không có gì là không thể làm được ” (Lc 1,37).

1/ Đức Maria, người nữ đầy ơn phúc, vì đã tin với trái tim hiền lành, khiêm nhường:     

Trước vị thế quan trọng, và viễn cảnh huy hoàng được bảo đảm bởi Lời Hứa : “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37), Đức Maria đáng lẽ đã có một thái độ khác thái độ khiêm cung, ngôn từ khác ngôn từ phó thác, tâm tình khác tâm tình cảm mến, tri ân mà Mẹ đã bầy tỏ trước mặt sứ thần; chính ra Mẹ phải tỏ ra là một người phụ nữ “có giá, cao giá” vì “đựợc Thiên Chúa cần đến”, một người đàn bà “trổi vượt ” hơn các đàn bà khác, vì  “đẹp lòng Thiên Chúa”, người phụ nữ “có quyền ăn nói”, có quyền được mọi người biết đến, thần phục, tung hô, vì “ngai vàng vua Đavít” được ban cho con Mẹ để “trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).

Nhưng hoàn toàn trái ngược những “đáng lẽ, chính ra” theo thói thường của  con người, Đức Maria đã khiêm tốn trình bầy tình trạng trinh nữ, không  phù hợp với  thiên chức làm mẹ; đã khiêm nhu lắng nghe sứ thần giải thích, và  khiêm hạ đón nhận sứ vụ, mà không kênh kiệu đòi hỏi điều kiện này, yêu sách nọ, cũng không  nóng nẩy tranh luận, bàn cãi, hay sôi sục mặc cả, trả gía với sứ thần, nhưng hiền lành, đằm thắm và  khiêm cung thưa: “Xin Vâng”, với niềm xác tín mình chỉ là nữ tỳ bé nhỏ, hèn mọn của Chúa, và  “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

2/ Đức Maria, người nữ đầy ơn phúc, vì đã tin với  tình yêu sâu lắng, kín đáo:

Bằng chứng hùng hồn và thuyết phục cho thấy  tâm hồn sâu lắng và kín đáo của Đức Maria trong đức tin  là ngay cả với  thánh Giuse, người bạn đời của mình, Đức Maria cũng không kiêu hãnh khoe khoang biến cố Truyền Tin, ở đó Mẹ được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa Thánh Thần.

Cũng vì Mẹ “giữ kín tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51), mà thánh Giuse đã rơi vào tình trạng hoang mang, không biết xử trí thế nào khi thấy vợ mình đã có thai “trước khi hai ông bà về chung sống” (Mt 1,18), phải chờ cho đến phút chót, sau khi đã “định tâm bỏ đi cách kín đáo” để giữ thanh danh cho vợ mình, thánh Giuse mới hết nghi nan, lo lắng khi được “sứ thần Chúa hiện đến báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 20).

Thực vậy, Tin Mừng Luca  đã cho chúng ta biết nhiều thông tin về người thiếu nữ  miền Galilê tên Maria so với hai Tin Mừng Matthêu và Máccô qua các trình thuật Truyền Tin, Thăm Viếng, Giáng Sinh, Tiến Dâng Con cho Thiên Chúa, Trẩy Hội lễ Vượt Qua ở Giêrusalem được kể lại  trong hai chương đầu.

Tuy thế, cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều đã không dành cho Đức Maria một chỗ đứng, cũng  như một vai trò nào trong nhóm môn đệ gồm những người đàn ông, và đàn bà đi theo Đức Giêsu từ Galilê, và đặc biệt cả ba cùng để Đức Maria hoàn toàn vắng mặt  trong tất cả các biến cố  ở Giêrusalem chung quanh cuộc tử nạn của Đức Giêsu từ  khi Ngài bị bắt, bị kết án tử hình,  chịu đóng đinh, chôn trong mồ cho  đến buổi sáng phục sinh.

Sự vắng mặt này cho chúng ta cảm tưởng: Đức Maria không ra khỏi nhà mình ở Nadarét những ngày con chịu khổ hình cho đến khi Đức Giêsu về trời trong khung cảnh  tụ họp của Nhóm các Tông Đồ  khi họ từ núi Ôliu trở về nhà tụ họp “cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14) được thánh sử Luca kể lại trong  sách Công Vụ Tông Đồ.

Riêng Tin Mừng Gioan thì “Maria”, tên  gọi của thân mẫu Đức Giêsu không bao giờ được nhắc tới, nhưng thay bằng cụm từ “Mẹ Đức Giêsu”, như ở Cana, “ trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu” (Ga 2,1), và sau tiệc cưới với phép lạ đầu tiên cho nước hoá thành rượu ngon” Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày” (Ga 2, 12). Ngay cả  trong  tình huống bi thương dưới chân Thánh Giá,  thánh sử Gioan cũng chỉ ghi lại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19,26).

Đức tin âm thầm, kín đáo ấy còn nổi bật qua sự vắng mặt của Đức Maria trong các trình thuật “Đức Giêsu phục sinh gặp gỡ các môn đệ Ngài, sau khi sống lại”, sự vắng mặt mà cả bốn Tin Mừng xem ra đều nhất trí thực hiện để lại trong chúng ta ấn tượng về người nữ đầy ơn phúc, và hạnh phúc  được chiêm ngưỡng đức tin sâu lắng, âm thầm, kín đáo của Mẹ Đức Giêsu, người tín hữu đầu tiên, tuyệt vời, và  gương mẫu.

3/ Đức Maria, người nữ đầy ơn phúc, vì đã tin với tinh thần xóa mình:

Đức tin của Đức Maria không chỉ là đức tin khiêm hạ, kín đáo, mà còn là đức tin xóa mình, xóa mình trong mọi chọn lựa, xóa mình ở mọi tình huống để thánh ý Chúa được hoàn thành mỹ mãn.

Nếu Tin Mừng Mátthêu dọc suốt những biến cố đầu đời của Đức Giêsu từ trước Giáng Sinh đến khi  vua Hêrôđê băng hà và Thánh Gia trở về từ Ai Cập, ở đó thánh Giuse được biết đến  như một “anh hùng”, được mô tả như một Đấng che chở, thì Đức Maria lại lặng lẽ nép mình, ẩn mình như “mình phải được xóa đi”.

Cũng Tin Mừng Mátthêu đã kể lại: Một ngày kia, Đức Giêsu “còn đang nói với đám đông thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (Mt 12, 46-47).

Cứ sự thường, khi nghe có mẹ đến gặp, chúng ta sẽ cố gắng thu xếp để gặp mẹ, nhưng để chứng tỏ đức tin của thân mẫu là đức tin xóa mình như chính mình hằng tự xóa để trở thành Của Lễ xóa tội trần gian, Đức Giêsu đã  trả lời trước đám đông: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Rồi người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em, là mẹ tôi” (Mt 12, 48-50). Nói như vậy, Đức Giêsu hoàn toàn không hạ thấp giá trị, trái lại, đã tỏ lòng trân trọng, ngưỡng mộ mẹ, khi gián tiếp cho mọi người biết thân mẫu của mình là người tín hữu có tinh thần xóa mình khi thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Tóm lại, nếu nhiều người phụ nữ khác trong Tin Mừng đã biểu lộ niềm tin và tình yêu dành cho Đức Giêsu bằng tâm sự hằng giờ, và lớn tiếng kêu xin, năn nỉ, thì Đức Maria lại ẩn dật, âm thầm, kín đáo khi sống đức tin; nếu những phụ nữ khác trong Tin Mừng đã “nổi danh”  qua các biến cố liên quan đến Đức Giêsu, thì Đức Maria xem như bị quên lãng, và tên tuổi, hình ảnh bị xóa nhoà. Điều này làm chứng đức tin phải được lớn lên và trưởng thành với trái tim kín đáo và xóa  mình như con đường Từ Bỏ Đức Giêsu đã vạch ra  (x. Lc 14,26), như cách bố thí, cầu nguyện, ăn chay  kín đáo, không “khua chiêng đánh trống” Đức Giêsu đã căn dặn (x. Mt 6,1-18), như tinh thần khiêm tốn tự hạ của người đầy tớ  vô dụng chỉ biết chu toàn bổn phận chủ trao mà Đức Giêsu đã nêu gương (x. Lc 17,7-10).

Thực vậy, chỉ với đức tin khiêm hạ như hạt cải, mà không kiêu căng, tự đắc; đức tin  kín đáo như “nắm muối, nhúm men” mà không huyênh hoang, tự cao tự đại; đức tin xóa mình như “ngọn đèn dầu” hiền lành  không làm  mù loà, chói mắt ai, nhưng soi đường cho mọi người; chỉ với đức tin không tìm mình nhưng tìm thực hiện Thánh Ý Chúa, không quy chiếu về mình, nhưng hướng tất cả về một mình  Chúa, không thu gom, vun xới, xây dựng bất cứ sự gì cho mình, nhưng chỉ duy nhất một ước mơ và nỗ lực “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” như Đức Maria, chúng ta  mới  mong xứng đáng là con của Đức Mẹ, “Đấng đầy ơn phúc vì đã tin những gì Thiên Chúa đã nói ” (x. Lc 1,45), và anh em của Đức Giêsu, Đấng đã ký thác chúng ta cho Đức Mẹ khi ân cần trăn trối từ trên Thánh Giá: “Đây là Mẹ con!” (Ga 19,27).

Jorathe Nắng Tím    

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...