Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

ĐƯỢC NÊN MỘT TRONG ĐỨC KITÔ | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Phục Sinh, Năm B

TMĐP- Niềm tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa cứu độ và tình yêu dành cho đồng loại chính là nhựa sống nuôi đời sống Kitô hữu. Ngoài niềm tin và tình yêu, chúng ta không thể hiệp nhất “nên một” với Đức Giêsu, mục đích của đời Kitô hữu.

Dung mạo Đức Giêsu được Tin Mừng Gioan trình bầy trong thánh lễ chúa nhật thứ 5 muà phục sinh là Cây Nho: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho” (Ga 15,1). Cây nho cũng như hầu hết các thứ cây khác đều có nhiều  cành, và cành phải gắn liền với thân cây mới sống và sinh hoa kết quả. Trái lại, cành nào bị gẫy hoăc bị chủ vườn cắt bỏ khỏi cây, lập tức sẽ khô héo, chết đi, và người ta sẽ gom lại đốt đi cho sạch vườn, hoặc lấy làm củi. Đó là điều hiển nhiên, không ai chối cãi.

Đức Giêsu tự ví mình như Cây Nho, và những ai muốn đi theo Ngài là những cành nho gắn liền với cây, một hình ảnh thật quen thuộc, quen thân đến không còn để ý, thân thuộc đến đôi khi mất cả ý niệm thân thương. Nhưng đó lại là hình ảnh quan trọng của đời Kitô hữu  trong tương quan với Đức Giêsu, Thiên Chúa.

Cây nho ấy muốn các cành ở lại với mình, vì từ cây mà có cành, và cành chỉ sống được và sinh hoa kết trái nếu sống bằng chính nhựa sống của  cây. Vì thế, lời kêu gọi tha thiết và liên lỷ của cây là: Cành ơi, hãy ở lại với cây, hãy gắn liền với cây!

 

Đức Giêsu là Cây Nho cũng không làm gì khác hơn là kêu gọi chúng ta: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể nào tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).

Điểm độc đáo và mầu nhiệm của Kitô giáo là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người muốn hiệp nhất nên một với những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài. Tương quan giữa Thiên Chúa và con người trong Kitô giáo không còn là tương quan xa lạ giữa Chủ Tạo và thụ tạo; không dừng lại ở liên đới giữa Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng và con người hèn  mọn, yếu đuối, mang thân mỏng dòn, nặng  kiếp tro bụi; không bị khoanh vùng, phong toả ở địa hạt nhân quả: làm sai thì  Trời đánh, ăn ở tốt xấu, thì Trời có mắt thưởng phạt, nhưng vượt lên tất cả những gì con người có thể phỏng đoán, mường tượng, khi tương quan được Thiên Chúa nâng lên cao vô cùng kỳ diệu là con người được mời gọi hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, môn đệ được kêu gọi ở lại trong Thầy, người Kitô hữu được thúc đẩy tháp nhập vào chính Thân Thể của Đức Kitô,  và chúng ta được sống sự sống của Đức Kitô như thánh Phaolô đã qủa quyết: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Để thực hiện sự hiệp nhất nên một với Đức Kitô, Thiên Chúa, như cành nho gắn liền với cây nho để sinh nhiều hoa trái, như Thiên Chúa mong ước, người Kitô hữu chỉ có một việc phải làm, một giới răn phải giữ, đó là  “tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải  yêu thương  nhau” (1 Ga 3,23) “một cách chân thật và  bằng việc làm” (1 Ga 3,18), vì “ai tuân giữ  điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 3,24).

Như thế, niềm tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa cứu độ và tình yêu dành cho đồng loại chính là nhựa sống nuôi đời sống Kitô hữu của chúng ta. Ngoài niềm tin và tình yêu, chúng ta không thể hiệp nhất “nên một” với Đức Giêsu, mục đích của đời Kitô hữu.

Trong lời nguyện giáo dân hôm nay, chúng ta không quên cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, sự hiệp nhất giữa những anh em cùng tin vào Đức Giêsu Kitô, sự hiệp nhất của tất cả những người thành tâm thiện chí trên đường đi tìm Thiên Chúa là “Chân Thiện Mỹ tuyệt đối, đích thực”, nhất là cầu xin cho chính chúng ta  luôn được ở lại trong Đức Kitô, ở lại trong tình thương của Đức Kitô bằng giữ giới răn yêu thương Ngài dậy, để  được hưởng niềm vui của Ngài, và để niềm vui đời Kitô hữu của chúng ta được nên trọn vẹn (x. Ga 15,11).

Jorathe Nắng Tím     

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...