Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

ĐƯỜNG VỀ EMMAU, HÌNH ẢNH CỦA GIÁO HỘI LỮ HÀNH | Suy Niệm Mùa Phục Sinh

TMĐP- Hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau là hình ảnh của đoàn thể những người thuộc Giáo Hội lữ hành nối bước nhau qua bao thời đại, giữa bao gian nan, thử thách trên đường đi theo Đức Giêsu và làm chứng Ngài đã sống lại thật từ cõi chết.

1/ Đoàn thể ấy như hai môn đệ trên đường Emmau có lúc đã thấm thía nỗi đau khi hy vọng cá nhân bị tan vỡ:

Vì bám víu vào niềm hy vọng một Ítraen sẽ được Đức Giêsu, Thầy mình giải phóng khỏi ách thống trị của người Rôma, và đặt hết niềm tin vào Thầy là nhà giải phóng dân tộc, mà hầu hết các môn đệ của Đức Giêsu đã  ấp ủ giấc mộng làm quan, đeo đuổi viễn ảnh một vương quốc hùng mạnh, chẳng thế mà các ông đã không ít lần tranh cãi nhau trước mặt Đức Giêsu về ngôi thứ, chức tước, danh phận (x. Mt 20,20-24), đến nỗi Ngài phải gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm ngtười phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28).

Chính vì tiếc nuối niềm hy vọng vừa mới tan thành mây khói, các ông đã  xót xa than thở và kể cho người khách lạ là Đức Giêsu “chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen”(Lc 24,19-21). Cũng vì xót xa tiếc nuối và ê chề thất vọng trước tan vỡ của giấc mơ chính trị, mà các ông không nhận ra Đức Giêsu, người khách lạ đã  tiến đến gần và cùng đi với các ông, lại đang lắng nghe các ông than van, kể lể chuyện của Ngài chịu đóng đinh ở Giêrusalem cách đây ba ngày .

Không khác hai môn đệ trên đường Emmau tuy biết Đức Giêsu, nhưng các ông  không nhận ra Ngài, vì mải mê tìm kiếm những mục tiêu cá nhân khác, đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu là chúng ta cũng không nhận ra Ngài, mặc dù nói rất nhiều về Ngài và kiến thức về Ngài thì phong phú, rộng lớn, bởi con mắt chúng ta “bị ngăn cản không nhận ra Ngài” (Lc 24,16), khi hy vọng của chúng ta không là chính Ngài, không đặt vào một mình Ngài.

Quả thực, có khi đi gần hết hành trình theo Chúa, chúng ta vẫn chưa nhận ra Chúa đang đồng hành với mình, vì chúng ta chỉ tập trung mọi nỗ lực để  tìm mình, mà không tìm Chúa; xây dựng vinh quang cái tôi, mà bỏ quên vinh danh Chúa.

2/ Đoàn thể ấy như hai môn đệ đã chẳng hiểu gì khi Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh, vì không muốn từ bỏ đường lối, kế hoạch của riêng mình:

Người khách lạ là Đức Giêsu phục sinh hôm ấy trên đường Emmau với hai môn đệ đã  tỏ ra rất kiên nhẫn khi lắng nghe hai ông kể lể, nhưng xem ra hai ông không muốn thay đổi quan điểm  của mình, dù Ngài đã nhắc: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24, 26), và “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24,26-27) đến nỗi Ngài phải miễn cưỡng trách các ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật chậm tin vào lời các Ngôn Sứ” (Lc 24, 25).

Như hai môn đệ, đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu là chúng ta cũng  chẳng hiểu gì đường lối, kế hoạch của Thiên Chúa đã được chính Đức Giêsu mặc khải, nên mới ra nhiều nông nỗi như đấu đá, tranh giành, tố cáo, mạ lỵ, lên án, triệt hạ, tẩy chay, loại trừ nhau cách này cách khác, bởi  đường của Thiên Chúa chỉ có một, đó là đường “từ bỏ mình và vác Thánh Giá” (x. Mc 8,34);  lối đi duy nhất của Thiên Chúa là Tình  Yêu (x. Ga 13,34); và kế hoạch thương xót  cứu độ  vô bờ bến, không giới hạn của Ngài  thì đời đời không thay đổi (x. Lc 15 ), nên khi khôn ngoan của thế gian chiếm chỗ khôn ngoan của “Đức Kitô chịu đóng đinh” (x. 1 Cr 1,21-25) trong sinh hoạt của đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu, khi lòng ganh ghét, ích kỷ, gian dối, và bạo lực len lỏi vào tâm hồn người tín hữu thì trái tim họ  sẽ đóng chặt cửa, không để ánh sáng và sự sống của Thần Khí đi vào và  đổi mới, không cho mắt họ mở ra để nhận biết người khách lạ là Đức Giêsu phục sinh  đang cùng họ đồng hành. Và như thế, họ mãi ảo tưởng đường lối, kế hoạch, khôn ngoan của riêng họ là đường lối, kế hoạch, khôn ngoan của Thiên Chúa. Chính những ảo tưởng này là nguyên nhân làm chết niềm hy vọng vào Đức Giêsu phục sinh, và làm phát sinh vô số bất an, bất ổn giữa lòng Dân Chúa, khi xô đẩy những người con cùng một cha xuống hố sâu tư lợi, bất chính, gian ác, hận thù, bạo lực, trái ngược với đòi hỏi của Tin Mừng.

3/ Đoàn thể ấy như hai môn đệ sẽ chỉ nhận ra người khách lạ là Đức Giêsu phục sinh khi cùng nhau quây quần bên Ngài trong tiệc Thánh Thể:   

Quả thực, mắt của hai môn đệ đã hoàn toàn mù loà, và chỉ mở ra nhận biết người khách lạ là Đức Giêsu khi người khách lạ “đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24, 30); bởi chỉ quây quần bên Đức Giêsu Thánh Thể, là Tấm Bánh được bẻ ra cho muôn người được sống, là Chén  Máu được đổ ra cho mọi người được tha tội, đoàn thể những người môn đệ, tức Giáo Hội mới thực sự trở nên thân thể của Đức Giêsu, Đấng  chịu đóng đinh đã  chết và sống lại; mới cùng nhau tháp nhập vào chính sự sống của Con Người Thiên Chúa, Đấng đến vì yêu thương và để yêu thương vô cùng và đến cùng con người yếu đuối, tội lỗi…

Chính trong Thánh Thể, đoàn thể những người tin vào Đức Giêsu, như hai môn đệ trên đường Emmau, mới có thể nhận ra tình yêu xoá mình, hiến mình của Thiên Chúa làm người vì hạnh phúc của loài người, để “nhờ Người, với Người và trong Người”, đoàn thể ấy được trở thành dân được chúc phúc khi quy hướng tất cả đời mình, tất cả sinh hoạt của đoàn thể những người được gọi  đi theo Đức Giêsu vào một việc duy nhất là “ca tụng, tôn vinh  danh Chúa và mưu ích cho toàn thể Hội Thánh Người”.

Vì thế, khi không còn hiệp thông với nhau, không còn siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, không còn liên lỷ cầu nguyên như cộng đoàn tín hữu đầu tiên ( x. Cv 2, 42), đoàn thể tín hữu sẽ không nhận ra Đức Giêsu phục sinh là Cứu Chúa duy nhất của họ, và vì thế họ cũng không nhận ra nhau là môn đệ của Ngài, vì không có Chúa là Tình Yêu liên kết, hiệp nhất họ nên một “thân thể  Đức Kitô”  (x. 1 Cr 12,12-13.27).

4/ Đoàn thể ấy như hai môn đệ sẽ chỉ lớn lên trong đức tin khi cùng nhau loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người:

Việc làm sau cùng của hai môn đệ là “đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi và đã hiện ra với ông Simôn”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 33-35).

Đây là sứ vụ của đoàn thể những người tin vào Đức Giêsu và nhận ra Ngài đã sống lại từ cõi chết. Kể lại những gì đã thấy, đã nghe từ Đức Giêsu, cũng như việc mình đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Phục Sinh, chính là lời chứng của Tin Mừng.

Lời chứng ấy phải được loan báo trên mái nhà, rao truyền trên đường phố, công bố giữa chợ đời, vì đoàn thể tín hữu là đoàn thể những người được sai đến với muôn dân để làm cho muôn dân trở thành môn đệ Đức Giêsu (x. Mt 28, 18-20). Vì thế, Tin Mừng Phục Sinh không là tin vui cho riêng một cá nhân, một nhóm người, nhưng cho tất cả mọi người, cho toàn thể nhân loại ở mọi nơi, mọi thời, nên độc quyền Tin Mừng, sở hữu Tin Mừng, ém nhẹm Tin Mừng, cấm vận Tin Mừng,  giam giữ Tin Mừng, ngăn sống cấm chợ Tin Mừng là xúc phạm  chính Đức Giêsu và huỷ hoại đời sống Kitô hữu với ơn gọi loan báo Tin Vui Phục Sinh của chính mình.

Tóm lại, Thánh Thể và Loan Báo Tin Mừng Phục Sinh là hai cột trụ của đời sống thánh thiện nơi đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu, vì ở Thánh Thể, họ nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa của lòng thương xót đã xoá mình, “hiến mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28), và khi cùng nhau thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng  và làm chứng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại thật như lời Ngài phán hứa cho muôn dân, đoàn thể Dân Chúa sống lòng thương xót đối với mọi người, như Đức Giêsu căn dặn những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, và “mọi người sẽ nhận biết  anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13,34-35), như anh em đã nhận biết Thầy là Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa của anh em.

Jorathe Nắng Tím      

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...