Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

HẠNH PHÚC BẤT NGỜ Ở CUỐI ĐƯỜNG VỀ | Suy Niệm Mùa Phục Sinh

TMĐP- Như người con thứ ở cuối đường về khi hạnh phúc bất ngờ ập về đan kín  tâm can, chúng ta cũng chung niềm hạnh phúc ấy khi được chính Chúa xoá hết lỗi lầm, tội luỵ, và được ở trong niềm vui vô cùng của Ngài.

Nếu con đường bỏ cha, bỏ anh, bỏ nhà ra đi của người con thứ trong Tin Mừng Luca (Lc 15, 11-13) đã quá dễ dàng và chóng vánh, thì con đường trở về của anh thật vô cùng nhiêu khê, khó khăn, đòi nhiều thời gian trăn trở, lo lắng, suy tính, lên kế hoạch.

Sở dĩ rất khác với đường về, vì đường bỏ cha, bỏ nhà ra đi hôm ấy được bảo đảm bởi tiền bạc đầy túi, được bảo kê bằng tài sản kếch xù vừa được chia, và được lập trình một cách hào phóng, mặc sức phung phí chi tiêu (x. Lc 15, 12-13).

Hôm bỏ nhà ra đi, anh không cần ai giám hộ, vì anh độc lập, tự do tuyệt đối; không cần ai đồng hành, vì anh muốn  làm chủ đời mình; không cần ai che chở, nâng đỡ, vì anh có tất cả những gì anh ước mơ; anh cũng chẳng cần ai yêu thương, nhung nhớ, vì trước mặt là thế giới thuộc về anh. Chỉ thương cho cha anh, vì mất cậu con trai thứ, trái tim ông sẽ quặn thắt, héo hon;  thiếu vắng bóng con trai út, mái ấm sẽ trở nên lạnh lẽo, cô quạnh, bởi không ai có thể thay thế, không gì có thể bù đắp, cũng chẳng cách nào có thể lấp đầy sự vắng mặt của con ông.

Thế là đường ra đi của anh hôm ấy có tất cả những gì anh muốn, và đạt tất cả những gì anh hy vọng, tìm kiếm từ rất lâu, trừ một cái mất do chính anh tự do chọn, đó là mất cha.

Mất mát này anh ý thức rất rõ, suy nghĩ rất kỹ càng, và quyết định rất dứt khoát khi chính anh yêu cầu cha chia gia tài, và “thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa” (Lc 15,13), nghĩa là anh đã chán tháng ngày sống với cha, và ngao ngán phải tiếp tục ở dưới mái nhà tổ.

Tóm lại trên đường đi hoang hôm ấy, anh có tất cả, từ các quyền tự do của người ở tuổi trưởng thành cho đến của cải, sức vóc, khả năng, sau khi đã bỏ lại phía sau mái ấm gia đình, ở đó có cha già và người anh lớn.

Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy hết con đường anh đi. Đó là con đường dẫn đến bế tắc, dù anh có  mọi quyền  tự do định đọat khi anh không còn đường xoay sở để có thể sống còn giữa nạn đói khủng khiếp trong vùng; đó là con đường cùng, dù một thời  ném tiền qua cửa số, và được thiên hạ tung hô là tay chơi có số má, khi đói lả vật vã, đến cám heo cũng chẳng ai cho để nhét cho đầy bụng; đó là con đường nguy hiểm, dù anh rất tự tin và có bản lãnh, bằng chứng là anh đã không ngại xin cha chia gia tài khi cha còn khỏe và anh đang sống cùng cha, khi chỉ còn một khả thể cuối cùng là phải trở về để khỏi chết bờ chết bụi vì đói (x. Lc 15, 14-19) .

Như thế con đường ra đi của anh tưởng sẽ dẫn đến hạnh phúc như anh lập trình, kỳ vọng, không ngờ lại dẫn đến một kết cục bi đát, thê lương, bất hạnh, mặc dù trước khi bỏ nhà, bỏ cha đi, anh đã có trong tay tất cả.

Nhưng chính ở tận cùng của ê chề, tang thương, của nát tan, bẽ bàng, anh mới nhận ra tình cha sâu thẳm khôn lường, lòng cha cao vời khôn ví, ơn cha vĩ đại không gì sánh bằng, và đây chính là hạnh phúc bất ngờ  ở cuối đường về của anh.

Anh nhận được hạnh phúc bất ngờ, khi “anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh  và hôn lấy hôn để”(Lc 15, 20). Hạnh phúc thật bất ngờ, vì anh vẫn không dám tin, nhưng nghi ngại lòng thương xót của cha, nên chỉ dám “xin được coi như người làm công cho cha”(Lc 15,19).

Hạnh phúc thật bất ngờ, vì anh chưa thấy cha, thì cha đã thấy anh ; anh chưa  kịp quỳ xuống tạ tội với cha, thì cha đã ôm chầm lấy mà  tha thiết hôn ; anh chưa kịp xúc động rướm nước mắt ăn năn, thì cha đã chạnh lòng rơi lệ,  bùi ngùi thương xót khi thấy con đói rách, tiều tuỵ; anh chưa nói hết lời thú tội, thì cha đã cắt ngang, và cuống quýt bảo gia nhân “đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”(Lc 15,22-23); anh chưa kịp vấn an, thì cha đã quên hết tội của anh, và phục hồi trọn vẹn quyền làm con cho anh; anh chưa kịp nhìn rõ mặt cha, thì cha đã mặc cho anh tất cả  tình yêu, và sự sống trong niềm vui khôn tả, vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”(Lc 15, 24).

Như người con thứ hoang đàng, nhiều người trong chúng ta đã có những lần bỏ Thiên Chúa, bỏ  nhà Thiên Chúa là Giáo Hội để  đi hoang với ảo tưởng tự do, ảo tưởng quyền lưc, ảo tưởng khôn ngoan, ảo tưởng tài trí, kể cả ảo tưởng thánh thiện, và như người con thứ ấy, đường  bỏ cha, bỏ nhà đi hoang đã không đưa đến hạnh phúc, nhưng dẫn chúng ta vào ngõ bí, đường cùng thương đau, thất vọng.

Như người con thứ, đường về của chúng ta không thiếu trở ngại, mà  trở ngại lớn nhất chính là không tin Thiên Chúa lớn hơn trái tim của chúng ta, không tin  lòng thương xót của Cha trên trời lớn hơn  con tim bé nhỏ của chúng ta, và vì không tin, trái tim chúng ta không đủ can đảm  thoát ra khỏi những ray rứt, ân hận, lo lắng, sợ hãi, nghi nan, mặc dù chúng ta đã chạy đến với Chúa để xin ơn tha thứ qua Bí Tích Hoà Giải; vì không tin, con tim chúng ta không đủ tín thác để được bình an trong trái tim hay chạnh lòng và dạt dào ơn thương xót của  người cha Thiên Chúa.

Cũng như người con thứ ở cuối đường về khi hạnh phúc bất ngờ ập về đan kín  tâm can, chúng ta cũng chung niềm hạnh phúc ấy khi được chính Chúa xoá hết lỗi lầm, tội luỵ, và được ở trong niềm vui vô cùng của Ngài, vì chúng ta là tội nhân thống hối trở về như lời Ngài đã khẳng định với những người Pharisêu và các kinh sư trong Tin Mừng: “Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng  vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín  người công chính không cần phải sám hối ăn năn”(Lc 15, 7).

Jorathe Nắng Tím     

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...