Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA DÂN CHÚA | THÁNH LỄ VỌNG PHỤC SINH, Năm B

 TMĐP- Thiên Chúa đã dẫn dắt dân Ngài đi trên hành trình dài và từng chặng đường, từng khúc quanh, từng cây số, Ngài đã ân cần dạy dỗ, giáo dục, uốn nắn, thanh luyện họ, để họ biết Ngài là Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, giàu lòng thương xót, và trung tín luôn nhớ lời đã hứa, giao ước đã lập.

Tin Mừng đêm vọng phục sinh được công bố:  xác Đức Giêsu đã không còn trong mộ, và tảng đá lớn đóng kín cửa mộ đã lăn ra một bên (x. Mc 16,4). Tin Mừng phục sinh được đặt vào miệng một “thanh niên mặc áo trắng, ngồi bên phải trong mộ: “Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh đã sống lại, không còn ở đây nữa” (Mc 16,6).

Và lập tức “Tin Mừng Chúa đã sống lại thật như lời Người đã phán hứa” được tuyên xưng và loan truyền từ miệng các bà Maria Máđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê là những người đã đến mộ từ “sáng sớm tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời vừa hé mọc” với “dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu” (Mc 16, 1-2), và Tin Mừng ấy đã trở thành “niềm tin” của những người đi theo Đức Giêsu, như thánh Phaolô khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6,8-10). Thánh tông đồ dân ngoại còn mạnh mẽ qủa quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền và anh em vẫn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta  đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,14.17-19).

Như thế, đích tới của hành trình đức tin của người môn đệ Đức Giêsu là sự phục sinh từ cõi chết của Ngài, để tất cả những ai cùng chết với Ngài cho tội lỗi sẽ được  cùng Ngài sống lại. Và để đến được điểm gặp gỡ Đức Giêsu trong sự chết và sống lại với Ngài qua bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa đã dẫn đưa nhân loại từng bước trên hành trình cứu độ, khởi đi từ buổi đầu Tạo Dựng, chọn một dân riêng, rồi giải phóng dân riêng ấy khỏi ách lưu đầy, làm nô lệ đến những bước chân trở về  đoàn tụ sau những lần phản bội được lòng thương xót tha thứ, dìu dắt. Và hành trình đức tin của dân Chúa đã được hình thành qua nhiều giai đọan:

“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, khi đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2).Từ hư không, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi loài, mọi sự, và  Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài đã dựng nên đều tốt đẹp. Công trình tạo dựng chính là công trình của tình yêu Thiên Chúa, và toàn thể tạo vật do tay Ngài dựng nên đều mang hình ảnh, và dấu ấn yêu thương của Ngài.

Bài đọc hai kể lại Giao Ước Thiên Chúa thiết lập với Ápraham, người mà Thiên Chúa chọn làm tổ phụ dân riêng của Ngài, để qua dân riêng được tuyển chọn, Thiên Chúa mạc khải cho nhân loại Ngài là ai, đồng thời đi vào hành trình cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và sự chết, do sự bất tuân của ông bà nguyên tổ  (x. St 3). Vì nguyên tổ Ađam, Evà đã không vâng lời, nên Thiên Chúa đã thử thách tổ phụ của dân Ngài chọn khi nói với Apraham: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,2). Ápraham đã tuyệt đối vâng phục và đem con trai, người con mà Thiên Chúa đã ban cho ông khi ông bà đã vào tuổi không còn có thể có con, để thực hiện lời hứa cho ông trở thành tổ phụ một dân đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển. Kinh thánh nhấn mạnh ở đây thái độ sẵn sàng và mau mắn lên đường  của Ápraham đã cùng con đến nơi Thiên Chúa chỉ để sát tế đứa con nối dòng duy nhất. Nhưng Thiên Chúa đã chứng nhận lòng yêu mến và vâng phục của ông. Bởi thế ông được gọi là “Cha của những kẻ tin”.

Bài đọc ba cho thấy hành trình đức tin của dân Chúa không là dòng suối  êm đềm, xuôi chảy, nhưng nhiều chông gai, thử thách, để đức tin của dân Ngài được tôi luyện. Lịch sử của hành trình ấy đậm nét với biến cố Thiên Chúa kêu gọi Môsê và sai ông đi giải phóng dân Ngài bấy lâu bị ngược đãi, áp bức, phải làm nô lệ bên đất Ai Cập và cuộc Vượt Qua biển đỏ của dân Ítraen, khi Thiên Chúa truyển cho Môsê “Hãy giơ tay trên mặt biển”, và “nước đã ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharaô” khi chúng đuổi theo Ítraen. Còn con cái Ítraen, đã được Thiên Chúa dắt “đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu” (Xh 14,26. 28.29). “Ítraen thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai Cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môsê, tôi trung của Người” (Xh 14,31).

Bài đọc bốn kể lại hành trình đức tin của dân Chúa khi trải qua những giai đọan lịch sử “ba chìm bẩy nổi” : Đền Thờ bị tàn phá, đồ  đạc qúy giá  bị lấy đi, “những ai còn sống sót không bị gươm đâm, thì bị bắt đi lưu đầy ở Babylon; và “trở thành nô lệ …” (2 Sb 36,20). Đây là những ngày đen tối, ở đó Ítraen đã không sống theo thánh chỉ và huấn lệnh của Thiên Chúa Giavê, nên tai hoạ đã đổ trên đầu họ, nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa tín trung luôn giữ lời đã thề hứa, và không quên Giao Ước Ngài đã ký kết với tổ tiên, cha ông họ, nên đã xót thương cứu thoát dân Ngài, như lời Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Isaia: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghiã ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót…. Núi có dời đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghiã của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54, 7-8.10).  Và niềm tin của dân Chúa đã lớn lên khi nhận ra lòng thương xót, bao dung  của Thiên Chúa và tin tưởng vào lời Ngài giáo huấn: “Nền tảng vững bền của ngươi sẽ là đức công chính; ngươi sẽ thoát khỏi áp bức, không cnò phải sợ chi, sẽ thoát khỏi kinh hoàng, vì kinh hoàng sẽ không đến gần ngươi nữa” (Is 54,14).

Bài đọc năm là lời mời gọi trở về với Thiên Chúa, vì Ngài không để ai phải đói khát, nhưng  cho mọi người được chắc dạ no lòng. Là Đấng “trọn bề nhân nghiã”, Thiên Chúa sẽ lập với dân Ngài một giao ước vĩnh cửu, và làm cho dân Ngài được vinh hiển. Lời mời gọi ấy thật tha thiết và cấp bách đánh thức con tim chai đá của những ai cứng lòng không muốn lắng nghe lời Ngài: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta, Người sẽ rộng lòng tha thứ” (Is 55, 6 -7).

Trên hành trình đức tin, Thiên Chúa sẽ dắt dân Ngài bước đi dưới ánh sáng của đức khôn ngoan, mà ít người nắm bắt được, nếu không tìm về nương bóng Ngài, vì chỉ mình Ngài, là “Đấng Toàn Tri mới biết đức khôn ngoan, chỉ có trí tuệ Người mới thông suốt được” (Br3,32). Và với đức khôn ngoan, Ítraen nhận ra mình thật có phúc, “vì được biết những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (Br 4,4). Quả thực, mục đích của đức khôn ngoan, cũng là điều người khôn ngoan thao thức tìm kiếm, chính là làm đẹp lòng Thiên Chúa khi tuân giữ huấn giới của Ngài, bởi  ai gắn bó với thánh chỉ của Thiên Chúa thì sẽ được sống, còn ai lìa bỏ ắt sẽ phải chết (x. Br 4,1). Đó là nội dung bài đọc sáu trích từ ngôn sứ Barúc.

Sau cùng, trong bài đọc bảy, ngôn sứ Êdêkien đã cho nhà  Ítraen biết: Thiên Chúa cứu họ không phải vì họ, bởi chính họ đã làm  danh Chúa ra ô uế. (x. Ed 36,20), nhưng vì chính danh thánh Ngài khi phán với họ: “Hỡi nhà Ítraen, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta… Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” (Ed 36, 22-23). Từ đây, Thiên Chúa sẽ tỏ danh Ngài cho muôn dân, và muôn dân sẽ phụng thờ Ngài và chính Ngài sẽ tha thứ và thanh tẩy dân Ngài, như lời Ngài phán: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch  trên các ngươi, và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một qủa tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi qủa tim bằng đá khỏi thân mnìh các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36,25-28). Đây đích thực là triều đại của Thiên Chúa, ở đó Thiên Chúa bao phủ dân Ngài bằng lòng thương xót, để dân Ngài được thanh tẩy và sống theo đường lối của Ngài.

Quả thực, Thiên Chúa đã dẫn dắt dân Ngài đi trên hành trình dài và từng chặng đường, từng khúc quanh, từng cây số, Ngài đã ân cần dạy dỗ, giáo dục, uốn nắn, thanh luyện họ, để họ biết Ngài là Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, giàu lòng thương xót, và trung tín luôn nhớ lời đã hứa, giao ước đã lập.

Hành trình đó là con đường đức tin khởi đầu với Ápraham của Cựu Ước đã dẫn đến  nguồn mạch  cứu độ là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng đã chết và sống lại như thánh ý đời đời của Chúa Cha trong Tân Ước. Với Đức Giêsu phục sinh, công trình cứu chuộc được hoàn thành viên mãn, khi những môn đệ Ngài đứng trước cửa mồ mở toang, bên trong mồ trống không, và tảng đá lớn đã lăn ra một bên đã không ở lì mãi bên mồ để truy tìm tại sao tảng đá lớn đã bị lăn ra một bên; không đứng đó gãi đầu bóp trán để  lý giải cho bằng được tảng đá lớn đã lăn ra một bên bằng cách nào, nhưng đức tin của họ được nuôi dưỡng theo dòng lịch sử của dân Chúa đã thúc bách họ chạy đi báo tin cho anh em, đã cho họ nghị lực để  mạnh dạn tuyên xưng “Đức Kitô đã sống lại thật”, và quả cảm làm chứng trước mặt mọi người: chúng tôi là “những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41), và xác tín Tin Mừng Phục Sinh khi “nhớ lại điều Người đã nói với họ hồi còn Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24,6-7).

Jorathe Nắng Tím        

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...