Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

“HÃY RA KHỎI MỒ!” | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm A

TMĐP- Xin Chúa ban cho chúng con niềm hy vọng không đổi dời vào tình thương bao la của Chúa.

Ai cũng biết mình sẽ phải chết, nhưng không ai muốn chấp nhận sự thật này, vì chết là thực tại kinh hoàng, đáng sợ nhất, bởi con người chỉ được biết mình sẽ phải chết, nhưng  không được biết chết là hết hay chết rồi vẫn còn; chết là tiêu tan thành tro bụi hay sẽ đến một nơi nào khác; chết rồi khổ hơn vì hình phạt nặng nề, hay chết sẽ sướng hơn vì được thưởng công bội hậu?

Chính vì không hay biết gì về thế giới phiá sau sự chết của mình và của người thân, mà sự chết mãi là một vấn nạn không đáp số làm băn khoăn, lo lắng mọi người.

May mắn cho chúng ta, những người đi theo Đức Giêsu. Chúng ta không như nhiều người khác thường rất hoang mang, hoảng sợ trước sự chết, vì Thiên Chúa, Cha chúng ta đã mặc khải cho chúng ta sự chết trong niềm hy vọng được Ngài cho sống lại.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã nói với dân Ngài qua miệng ngôn sứ Êdêkien, khi từ mồ sâu vọng lên lời thở than ai oán: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời!”, và  Ngài an ủi chúng rằng: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt, và đem các ngươi về đất Ítraen… Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Ed 37,12.14).

Sấm ngôn của Êdekien không chỉ nói đến niềm hy vọng được cứu thoát của Ítraen, mà còn hé lộ việc Thiên Chúa cho những ai tin vào Ngài được chính Ngài gọi ra khỏi huyệt sau khi chết, như Đức Giêsu đã gọi ông Ladarô ra khỏi mồ.

Tin Mừng Gioan tường thuật rất chi tiết biến cố Ladarô được Đức Giêsu gọi ra khỏi cõi chết, khi người chết đã nặng mùi, như lời của cô Mácta, chị ruột người quá cố: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” (Ga 11,39).

Qua sấm ngôn của ngôn sứ Êdêkien trong Cựu Ước, và qua biến cố Ladarô được  Đức Giêsu gọi ra khỏi mồ, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta nhiều điều:

  1. Sự chết là thực tại không thể tránh khỏi của thân phận làm người.

Sở dĩ con người phải chết, vì tội lỗi đã gieo mầm chết vào sự sống của người, như sách Sáng Thế đã khẳng định: “Vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19), nên đã làm người, thì ai cũng phải chết, vì chết thuộc số phận của con người.

Khi hay tin người bạn Ladarô đau nặng sắp chết, Đức Giêsu đã không tức tốc về Bêtania ngay. Điều này đã làm các môn đệ Ngài phải ngạc nhiên. Thấy các ông tỏ vẻ ngỡ ngàng, Ngài liền cho các ông biết một điều quan trọng, đó là sự chết, tuy là một  thực tại được coi như một kết cục thất bại gây mất mát, thương đau, nhưng không vì thế mà cái chết của người tin vào Thiên Chúa  mất  cơ hội làm vinh danh Thiên Chúa, như Ngài qủa quyết: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dip để bày tỏ vinh quang  của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,5, bởi “dù sống, dù chết”, theo thánh Phaolô “chúng ta vẫn thuộc về Thiên Chúa” : “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa” (Rm 14,7-8).

  1. Cái chết của người thân yêu làm chúng ta đau buồn, thương nhớ:

Một trong những điểm đặc biệt ở Đức Giêsu khi Ngài về Bêtania thăm mộ phần Ladarô là Ngài bùi ngùi, xúc động và khóc. Tin Mừng Gioan kể lại: “Khi đến gần Đức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Thấy cô khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng  và xao xuyến. Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?” Ho trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11, 32-36), và Ngài còn khóc nữa trên đường đi tới mộ (x. Ga 11,38).

Như thế, khóc thương người quá cố biểu hiện tình yêu và lòng thương nhớ chúng ta dành cho họ. Đó là một nghiã cử thánh thiện vì chan chứa lòng thương xót và đem lại niềm ủi an, nâng đỡ cho nhau, như những người Do Thái thân quen với tang gia có mặt hôm đó đã phần nào được an ủi và nguôi ngoai nỗi buồn, khi họ thấy Đức Giêsu cũng khóc thương Ladarô như họ đang khóc, và  to nhỏ nói với nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” (Ga 11,36).

  1. Đức Giêsu chính là sư sống lại và sự sống:

Nếu Cựu Ước chỉ loan báo:  Thiên Chúa sẽ mở huyệt cho người đã chết, thì trong Tân Ước, Đức Giêsu đi xa hơn và quả quyết: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26).

Thực không lời nào quả quyết, mạnh mẽ, và bảo đảm hơn lời của Đức Giêsu  vừa nói với cô Mácta. Chính lời này làm chúng ta, những người tin vào Đức Giêsu và sống cho Ngài được vững tâm và tràn trề niềm hy vọng được Ngài cho sống lại và sống đời đời trong Vương Quốc tình yêu của Ngài, như lời Ngài hứa.

Xin Chúa ban cho chúng con niềm hy vọng không đổi dời vào tình thương bao la của Chúa, Đấng không đành lòng chấp tội ai, vì Chúa biết “nếu Chúa chấp tội, nào có ai có thể đứng vững?” (Tv 129,3), nhưng luôn “rộng lòng thứ tha”, “từ ái một niềm và ơn cứu chuộc nơi Người hằng chan chứa” (Tv 129,4.7) để chúng con luôn vui sống yêu thương, phục vụ như Chúa dạy, và bình an trông đợi ngày Chúa cho chúng con được sống lại từ cõi chết với Chúa, Đấng “là sự sống lại và sự sống”  của chúng con.

Jorathe Nắng Tím        

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...