Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

HIỆN TÌNH CỦA GIÁO HỘI DƯỚI ÁNH SÁNG TIN MỪNG

TMĐP- Trước hiện tình của Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam, thiết tưởng không ánh sáng nào sáng hơn Ánh Sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Có thể nói: hiện tình của Giáo Hội thì lúc nào cũng “rất tình hình”, kiểu nói thời thượng khi muốn ghi nhận một tình trạng không bình thường, một hoàn cảnh không hạnh thông, một thực trạng nhiêu khê, phức tạp, rối rắm.

Nhưng có thực hiện tình của Giáo Hội Việt Nam, cũng như Giáo Hội toàn cầu lúc nào cũng rất tình hình với những “không bình thường, không hạnh thông, nhưng nhiêu khê, phức tạp, rối rắm”?

Thật khó để có câu trả lời hoàn toàn đúng, vì mỗi người đứng ở một vị trí và quan sát Giáo Hội từ những góc cạnh, dưới những lăng kính khác nhau. Đấy là chưa kể thành kiến, não trạng, quan điểm và tâm địa thường cứng nhắc, nhỏ nhen, cực đoan, quá khích, nên rất khó thoát ra khỏi những suy diễn, quy chụp, phê phán, kết luận đặc sệt tính chủ quan hẹp hòi.

Ở đây, người viết chỉ trình bày hiện tình được coi là đang rất tình hình của Giáo Hội dưới ánh sáng của Tin Mừng.

1. Hiện tình rất “tình hìnhcủa Giáo Hội đã được Đức Giêsu ghi sẵn trên giấy khai sinh, thẻ căn cước của Giáo Hội:

Vẫn biết ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mới chính thức là sinh nhật của Giáo Hội, nhưng đừng quên trước đó, Đức Giêsu khi còn ở với  các thánh Tông Đồ đã khai sinh Giáo Hội khi long trọng nói với Phêrô trước toàn thể Nhóm Mười Hai: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”(Mt 16, 18).

Như thế, ngay từ giây phút đầu khi lập Giáo Hội, Đức Giêsu đã ghi rõ trong giấy khai sinh của Giáo Hội: chính Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đấng sinh ra Giáo Hội trên con nguời của vị Tông Đồ trưởng có tên Phêrô, đồng thời trên thẻ căn cước của Giáo Hội  cũng ghi rõ hiện tình luôn rất “tình hình” do một thế lực cực kỳ hung hãn, khủng khiếp, kinh dị kuôn rình rập chống phá. Thế lực này vượt xa tất cả mọi thế lực và ngày đêm quậy phá, khuynh đảo, tìm mọi cách tiêu diệt Giáo Hội. Đó là thế lực của tử thần, thế lực của thần dữ Xatan, thế lực của tội ác và hoả ngục.

Đức Giêsu đã không giấu diếm các Tông Đồ quyền lực của Xatan khi căn dặn các vị: “Kìa Xatan  đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”(Lc 22,31), nghĩa là Giáo Hội phải chịu thử thách tứ phương, trăm bề, vì Xatan đã được phép làm cho hiện tình của Giáo Hội luôn “rất tình hình”, tức rơi vào tình trạng   bất an, bất ổn, khủng hoảng,  rối rắm, xáo trộn với hy vọng làm mất lòng tin của người tín hữu vào Đức Giêsu. Đây là sự thật đã được minh chứng qua dòng lịch sử  hơn hai ngàn năm của Giáo Hội, một lịch sử không mấy khi được yên ổn, không mấy lúc được bình an, nhưng luôn bị tấn công bởi thế lực của sự dữ và tử thần.

Quả thực, không đạo nào bị  nghi ngờ, hiềm khích, tẩy chay, cấm cách, truy diệt bằng Kitô giáo; không đoàn thể tín hữu của tôn giáo nào bị xâm xoi, chụp mũ, bách hại nhiều bằng người Kitô hữu; không máu của cộng đoàn tín ngưỡng nào đã đổ ra nhiều cho bằng máu của cộng đoàn “người có đạo Thiên Chúa”, bởi thế lực tử thần không biết mỏi mệt khi phát động hết chiến dịch tấn công  từ ngoài vào đến chiến dịch cài người đánh từ trong ra, và trăm ngàn mưu thâm kế độc đạt đỉnh gian ác, tàn bạo, với đủ phương tiện, hình thức, bộ dạng.

Vì bị theo dõi, rình rập đêm ngày bởi thế lực của Thần Dữ, nên nhất cử nhất động của các   thành viên thuộc Giáo Hội đều bị triệt để khai thác, thổi phồng, tạo thành xì căng đan với mục đích bôi nhọ, hạ uy tín người của Giáo Hội và làm mất niềm tin  của  người tín hữu. Do đó, có rất nhiều chuyện bé đã bị xé ra to, những tiểu tiết không quan trọng đã bị thêu dệt, thổi phồng đến độ kinh tởm, đáng bị nguyền rủa, trù giập, và bất cứ sai sót, khuyết điểm dù có thể bỏ qua, khoan hồng cũng trở nên nghiêm trọng, trầm trọng gây hoang mang, chia rẽ, đối kháng  cả bên trong lẫn  bên ngoài Dân Chúa.

Nói như thế, không có nghĩa chính sách của Giáo Hội là  bao che  người hư,  ém nhẹm chuyện xấu. Trái lại, đường lối của Giáo Hội là tôn trọng sự thật và xác tín: chỉ sự thật trong đức ái mới  thực sự giải phóng chúng ta, vì Đức Giêsu, Đấng sáng lập và Đầu của  Hội Thánh là Tình Yêu, Sự Thật và Sự Sống (x. 1 Ga 4, 8; 14,6).

Tóm lại, người Kitô hữu cần ý thức Giáo Hội của Đức Kitô luôn là con thuyền  chòng chành trên sóng, con thuyền bị sóng dữ dội  xô đẩy và lúc nào cũng phải nỗ lực vượt sóng, lướt sóng như  “hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Chúng ta sang bờ bên kia đi!”. Bỏ đám đông ở lại, cácông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền … Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối và ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”. Gió liền tắt và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”(Mc 4,35-40), lòng tin mà chính Ngài đã hứa với Simôn Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin”, sau khi căn dặn ông và các anh em môn đệ: “Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”(Lc 22,31-32). Hơn thế  nữa, Ngài còn  bảo đảm bằng lời hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).

2. Người Kitô hữu phải làm gì trước hiện tình sôi sục và nóng bỏng đáng lo ngại của Giáo Hội?

a. Cộng tác với Đức Giêsu bằng củng cố đức tin của anh em:

Khi cảnh báo “Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo », Đức Giêsu đã không chỉ trấn an Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin”, mà còn bảo ông: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”(Lc 22, 31-32).

Nói lời này, Ngài muốn các Tông Đồ hiểu rõ  bổn phận đóng góp của  mỗi người  trong các ông vào việc củng cố niềm tin của anh em trước hiện tình sóng gió của Giáo Hội, mà không ỷ lại, khoán trắng cho Thiên Chúa; nghĩa vụ gìn giữ đức tin của cộng đoàn tín hữu  trước những tấn công, đe dọa của thế lực hoả ngục, mà không lười biếng phó mặc tất cả cho Thiên Chúa.

Bên cạnh những nhắc nhở về nghiã vụ cộng tác với Ngài trong việc gìn giữ, củng cố đức tin của anh em, Đức Giêsu còn tỏ cho  Phêrô và các tông đồ biết: tất cả các ông đều là những con người mỏng dòn, yếu đuối,  bồng bột, ngây thơ và bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào cạm bẫy của Xatan, khi Ngài nói với Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại …”(Lc 22, 32).

Chắc chắn khi nghe Đức Giêsu nói lời này, Phêrô đã không hiểu Chúa  muốn nói gì về mình, vì lúc này chính là lúc Phêrô đang hăng say  và cao trào cực độ  khi ngẩng cao đầu qủa cảm tuyên bố: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng”(Lc 22,33), nên  dù sau đó  Đức Giêsu đã nhỏ nhẹ nói với ông: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy”(Lc 22,34), Phêrô vẫn không  hiểu gì. Chỉ đến khi bắt gặp cái nhìn của Đức Giêsu trong dinh vị thượng tế, sau khi Phêrô  đã ba lần chối không  biết Đức Giêsu  là ai  (x. Lc 22, 57.58.60), “ông mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông … Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết”(Lc 22,61).

Ở đây, chúng ta nhận ra một điều rất quan trọng trong mầu nhiệm Giáo Hội, đó là Giáo Hội, tuy thánh thiện nhưng lại là tập thể gồm những con người  yếu đuối có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Bằng chứng là ngay cả Tông Đồ trưởng Phêrô, người mà trên đó Đức Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài cũng không ngọai lệ, khị ba lần ông công khai chối bỏ Thầy mình, thế mà Đức Giêsu vẫn trao đoàn chiên của Ngài cho ông chăn dắt (x. Ga 21,15-17), và giao cho ông sứ vụ củng cố đức tin của các anh em, khi báo trước và ân cần dặn dò: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”.

Thực vậy, sứ vụ củng cố đức tin của anh em không chỉ là sứ vụ dành riêng cho   các chủ chăn, mà còn là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu. Sứ vụ ấy cũng không chỉ dành cho những tín hữu thánh thiện, đạo đức, vẹn toàn, không tỳ ố, mà còn là bổn phận của tất cả những người con thứ  một thời hoang đàng nay đã trở về được kể trong Tin Mừng Luca (x. Lc 15, 11-32); là nghĩa vụ cao đẹp của những mảnh đời bất xứng  tưởng đã bị loại bỏ như tông đồ Mátthêu, như Mácđala, người đầu tiên đã báo Tin Vui Phục Sinh cho các Tông Đồ, hay như Saolê ngã ngựa  hôm nào trên đường Đamát nay được biến đổi thành Phaolô tông đồ dân ngoại.

b. Cộng tác với Đức Giêsu bằng gỡ bỏ phiến đá để mở cửa mồ cho anh em:

Có một điều rất đặc biệt ở Đức Giêsu khi Ngài đi tới mộ của người bạn Ladarô, đó là Ngài đã không làm phép lạ một mình khi gọi người chết ra khỏi mồ, nhưng cần đến sự cộng tác của đám đông cùng có mặt, khi nói với họ: “Đem phiến đá này đi!”, mặc dù có lời can ngăn của cô Mácta là chị người chết: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày rồi” (Ga 11, 39).

Như Mácta, tuy thương nhớ người em quá cố, nhưng lại không muốn lấy đi phiến đá đóng kín mộ phần của em, vì sợ mùi hôi thối từ xác người chết, chúng ta  cũng nhiều lần  đã không muốn gỡ bỏ  phiến đá nặng nề đóng kín cuộc đời người anh em  đã trót sai phạm, hay khóa chặt đường ra, lối thoát của những người  đồng đạo,  cùng cộng đoàn bị chúng ta  khai tử vì  những thiếu sót, lỗi lầm. Họ như những người đã chết trong lòng chúng ta, vì họ có tội ; họ như những xác chết dưới mắt chúng ta, vì lỡ làm ố danh cộng đoàn thánh thiện của chúng ta.

Khi nhờ chúng ta gỡ bỏ phiến đá đóng kín mộ phần của người anh em yếu đuối trong đức tin, sa đọa trong tội lỗi, Đức Giêsu muốn chúng ta đừng cô lập, tẩy chay, cầm tù, giam hãm  ai trong mộ phần yếu đuối, tội lỗi của họ ; cũng đừng cấm vận,  bịt kín đường sống của tội nhân nào,  vì tội  thì  đáng ghét, nhưng người có tội  luôn đáng thương. Trái lại, hãy cùng Ngài giải thoát họ bằng lấy đi phiến đá nặng nề của kiêu căng, ác tâm, thành kiến được đục đẽo từ trái tim chúng ta, để lời Ngài vang vọng đánh thức họ,  và  Thần Khí của Ngài uà vào  cứu sống, hồi sinh cả  họ và chúng ta.

c. Cộng tác với Đức Giêsu bằng cởi trói cho anh em:

Khi Ladarô ra khỏi mồ, “chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy … !” (Ga 11,44).

Lại một lần nữa, Đức Giêsu cần sự cộng tác của thân quyến, đồng đạo, đồng hương của người chết để cởi bỏ những giây vải buộc chặt  tay chân người ấy. Qua lời kêu gọi “Cởi khăn và vải cho anh ấy!”, Đức Giêsu muốn  nói với chúng ta  đừng  còng tay còng chân người anh em thất thế vì trót dại làm điều không phải, đừng  khóa cổ khóa miệng người  anh em mà  tội lỗi đã làm họ trở nên thối tha, kinh tởm như “thây ma”, nhưng hãy cộng tác với Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ rất nhân hậu  để  trả lại ơn tự do của con Thiên Chúa  cho người anh em đã lỡ để mất, bằng giải thoát họ khỏi xiềng xích của  tội lỗi, trong đó có cả xiềng xích ganh ghét, kỳ thị, ích kỷ của lòng dạ chúng ta.

d. Cộng tác với Đức Giêsu bằng để mọi người được hiệp hành:

Có nhiều người được chúng ta cứu sống, nhưng không được chúng ta cho đi chung, đi cùng, không được đồng hành trên một tuyến đường với chúng ta, vì chúng ta phân biệt giai cấp, thành phần, nhất là phân biệt mức độ thánh thiện, đạo đức, như những người Pharisêu đã  tự cho mình ở trên mọi người, tách biệt khỏi mọi người vì ảo tưởng thánh thiện.

Đức Giêsu đã không chỉ muốn chúng ta giúp Ngài lấy đi phiến đá đóng kín cửa mồ, tháo bỏ giây rợ buộc chặt tay chân  người anh em bị coi là đã  chết phần linh hồn, mà còn  bảo chúng ta “Hãy để anh ấy đi!”(Ga 11, 44), nghĩa là hãy cho anh ấy hiệp hành với cộng đoàn, đồng  hành với mọi người, mà không  liệt kê họ vào hạng hết xài, không đóng khung, khoanh vùng  họ để theo dõi sát sao, canh giữ cẩn mật. Trái lại, hãy để người anh em vừa được hồi sinh từ cõi chết đi với cộng đoàn, vì đức tin của họ, cũng như của chúng ta sẽ chỉ có thể lớn lên và được củng cố vững chắc trên đôi chân  bước đi với người khác, trên bàn chân  đồng hành với nhau, trên tuyến đường  hiệp hành với Giáo Hội.

Tóm lại, trước hiện tình của Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam, thiết tưởng không ánh sáng nào sáng hơn Ánh Sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa, bởi “Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.  Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng”(Ga 1,3-5), nên chỉ với ánh sáng của Ngôi Lời, ánh sáng của Tin Mừng Cứu Độ, chúng ta mới nhận ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa, cách thế nào phù hợp với  khôn ngoan của Thánh Giá, mức độ nào  không biến sự thật thành gươm đao, thái độ nào giữ chúng ta luôn ở lại trong yêu thương, và  chọn lựa nào  không biến chúng ta  thành những nô  lệ mù quáng nhưng hung bạo của cơ chế, lề luật, mà không là những đứa con tự do của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Jorathe Nắng Tím        

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...