Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

LÀM GIÀU | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên, Năm C

TMĐP- Vấn đề Đức Giêsu đặt ra cho những người làm giàu, chính là phải biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa, chứ không chỉ làm giàu trước mặt thế gian.

Người ta thường nói: Nghèo là một cái tội. Quả thực nghèo mà không khéo sẽ sinh ra muôn ngàn giống tội. Có người vì nghèo đã  trấn lột, cướp bóc để rồi rơi vào vòng lao lý; có người vì nghèo đã phải bán thân, tự hạ thấp danh dự; và không ít người vì nghèo đã quyên sinh, tự tử… Nghèo cũng làm con người dễ  bỏ Chúa, đánh mất đức tin, và nhiều giá trị khác …

Nhưng giàu chưa chắc đã có phúc, nếu không khéo làm giàu và khôn ngoan biết sống giàu.

Các bài đọc phụng vụ  hôm nay chứng minh cho chúng ta điều này:

Trước hết, Cựu Ước nhắc nhở: “Phù vân, qủa là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời?” (Gv 1,2-3). “Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại họa” (Gv 2,21).

Phù vân, vì có người làm giàu mà chẳng được hưởng hoa trái của mồ hôi nước mắt mình đổ ra; đại họa vì có khi chính sự nghiệp mình đã vất vả  tạo nên lại trở thành mồ chôn chính mình. Đó là chưa nói tới phận người chỉ là cát bụi và phải trở về cát bụi; kiếp người chóng vánh mong manh “như hoa sớm nở tối tàn, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích”( x. Tv 89,4-5).

Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu từ chối can thiệp vào việc chia gia tài của anh em nhà kia, và dứt khoát khẳng định: con người phải tự giải quyết với nhau những lấn cấn về của cải, mà không nên chờ Thiên Chúa giải quyết thay họ, bởi đó là trách nhiệm của con người phải tìm ra đâu là công lý, thế nào là công bằng, và cùng nhau thực hiện trong tinh thần bác ái, huynh đệ (x. Lc 12, 13-14).

Để giải thích lời cảnh báo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư dả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15), Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về người giàu có kia suốt đời mải mê thu gom, tích trữ của cải và say sưa hưởng thụ mọi thú vui do của cải mang lại. Nhưng rất tiếc, ông quên bẵng một điều là nội trong đêm nay, mạng sống của ông sẽ bị lấy đi, và của cải ông có sẽ về tay ai? (x. Lc 12, 16-20). Chắc chắn sẽ về tay người khác, còn ông sẽ trở nên người nghèo khó, đã ngu ngốc “không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,21).

Như thế, làm giàu không phải là tội, vì Thiên Chúa không cấm chúng ta làm giàu, bởi có tiền mới đem lại cho chính bản thân và thân nhân cuộc sống đầy đủ và xứng đáng; có của cải mới bảo đảm đời sống hằng ngày, và có phương tiện giải quyết những khó khăn, bất trắc trong đời sống; vật chất có dư dả, trái tim mới có thể hào sảng và bàn tay mới có thể rộng rãi chia sẻ, giúp đỡ người chung quanh, và người giàu không có gì đáng trách khi họ làm giàu, và họ luôn được Thiên Chúa yêu thương, trân trọng như bao người khác, điều mà Tin Mừng đã minh chứng qua những lần Đức Giêsu đến  gặp và dùng bữa ở nhà những người giàu.

Vấn đề Đức Giêsu đặt ra cho những người làm giàu, chính là phải biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa, chứ không chỉ làm giàu trước mặt thế gian, làm giàu để thoả mãn lòng tham vô đáy, vì nếu chỉ làm giàu trước mặt thế gian, mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa, người giàu sẽ cậy vào khối của cải kếch xù, và tài sản khổng lồ, vĩ đại của mình mà lầm tưởng mình toàn năng, bất tử, và quên bẵng số phận của mình luôn nằm trong tay Thiên Chúa. Cũng thế, làm giàu để thoả mãn lòng tham vô đáy sẽ làm người giàu  trở nên kiêu căng, ích kỷ, dễ rơi vào bất chính, bất công, bất nhân bất nghiã khi làm giàu, vì không nhận ra tất cả những gì mình có đều là “món qùa Thiên Chúa ban tặng” (Gv 3,13), và có bổn phận chia sẻ với những người thiếu thốn quanh mình.

Người làm giàu trước mặt Thiên Chúa là “người khôn ngoan biết mở mắt nhìn”, không như “kẻ dại bước đi trong đêm tối” (Gv 2,14). Và người khôn ngoan  thì nhận ra những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra chính là do Thiên Chúa mà đến (x. Gv 2,24), đồng thời biết rõ: “người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Vì mọi sự, mọi việc, đều có thời, có lúc” (Gv 3, 17).

Và điều Thiên Chúa sẽ xét xử người công chính cũng như kẻ gian ác, người nghèo cũng như người giàu, người làm giàu cũng như kẻ lười biếng, chính là lòng quảng đại, trái tim nhân hậu, tâm hồn vị tha và bàn tay biết chia sẻ với những người thiếu thốn, nghèo khó, cơ cùng, như hình phạt ông phú hộ kia  phải chịu trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó” (x. Lc 16,19-31), vì khi còn sống, ông đã không “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, khi không thương cảm, cho ăn cho mặc “người nghèo khó tên Ladarô, mụn nhọn đầy mình, nằm trước cổng nhà ông” (Lc 16, 20).

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...