Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Phục Sinh

LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN BÌNH AN CỦA ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH | Suy Niệm Mùa Phục Sinh 2024

TMĐP- Ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh được ban nhưng không, nhưng có ở lại trong tâm hồn, đời sống mỗi người hay không lại là vấn đề khác,và việc giải quyết vấn đề không thuộc phần Thiên Chúa, nhưng  thuộc về phần đóng góp của mỗi người. 

Khi còn trẻ, chúng ta ít nghĩ hạnh phúc là bình an trong cuộc sống, bình an của tâm hồn, mà chỉ nghĩ có tiền nhiều, có địa vị cao, có vợ đẹp con ngoan, có học hàm học vị đồ sộ, có danh tiếng lẫy lừng, có uy quyền chót vót là  tuyệt vời hạnh phúc. Lớn hơn , nhất là khi tuổi đời đã nghiêng về bên kia triền núi, chúng ta mới thấy hạnh phúc là được bình an, bình an mới là hạnh phúc  tuyệt vời phải đi tìm.

Chân lý trên có lẽ không cần chứng minh dài dòng, vì trong đời thường, ít nhiều chúng ta cũng thấy có những người giàu kếch xù nhưng bất hạnh, vì không bình an; có người nắm giữ quyền cao chức trọng nhưng bất hạnh, vì  bất an, bất ổn, có người ai cũng tưởng  hạnh phúc nhất đời, nhưng chỉ người ấy  mới biết mình là người bất hạnh hơn ai hết, vì thiếu bóng dáng bình an trong cuộc đời.

Đức Giêsu phục sinh khi trở lại gặp các môn đệ thân thương của Ngài từ cõi chết đã ban tặng các ông món quà lớn nhất là Bình An, khi  hiện ra và nói với các  ông nhiều lần: “Bình an cho anh em!”, vì Ngài biết bình an là hạnh phúc qúy giá, cao cả và tuyệt vời hơn  các hạnh phúc khác.

Như các môn đệ, tất cả chúng ta, những người Kitô hữu, cũng được Đức Giêsu ban bình an phục sinh của Ngài, nhưng bình an ấy không tự động ở lại với chúng ta, nếu trái tim chúng ta không sẵn sàng để đón nhận.

Để sẵn sàng đón nhận Bình An của Đức Giêsu phục sinh, trước hết, chúng ta phải  biết nhìn sự thật với trái tim đơn sơ, chân thành, bởi hậu qủa tệ hại của việc “không nhìn thẳng vào sự thật” là sợ hãi. Và  sợ làm mất bình an; sợ làm lòng dạ xốn xang, nghi nan, bàng hoang; sợ  đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt theo chiều hướng tiêu cực; sợ làm con người ăn không ngon, ngủ không yên, không  cho con người sống vui, sống  hạnh phúc.

Nhưng tại sao không nhìn vào sự thật lại đưa đến sợ hãi?

Tin Mừng Luca trả lời chúng ta qua trình thuật về Đức Giêsu phục sinh hiện ra với Nhóm Mười Một: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây..” (Lc 24,36-39).

Chúng ta thấy các môn đệ  sợ hãi vì tưởng Đức Giêsu phục sinh là ma. Tưởng Ngài là ma, vì các ông đã không biết nhìn vào sự thật trước mắt, đó là Thầy mình với thân xác phục sinh, Đức Giêsu vừa sống lại trên mình còn nguyên những dấu đinh sắt, lưỡi đòng của hình phạt thập giá. Vì không nhìn vào sự thật của Thầy mình, mà chỉ suy nghĩ viển vông,  vẽ vời, thêu dệt trong đầu hình ảnh ma quái, nên các ông mới không nhận ra Thầy mình là Đức Giêsu. Và vì không thấy sự thật, do không nhìn vào sự thật, các ông đã sợ hãi, và sợ hãi  đã lấy đi  bình an khỏi các ông.

Trước bất an và nghi ngờ của các môn đệ, Đức Giêsu đã trách các ông không những đã không  biết nhìn thẳng vào  “sự thật trước mắt” các ông: một thân xác còn hằn sâu những vết thương vừa sống lại,  mà còn trách các ông đã không tin Ngài là sự thật. Và đây chính là lý do các ông đã chỉ đón nhận được niềm vui của ơn  Bình An  Ngài  ban cho các ông, khi  “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40).

Bên cạnh đòi hỏi nhìn vào, và đón nhận sự thật của Thiên Chúa để có ơn Bình An phục sinh của Ngài, chúng ta còn phải nhìn vào sự thật của chính mình như đòi hỏi thứ hai cũng  cùng tầm quan trọng, vì không nhìn vào sự thật của chính mình, chúng ta sẽ rơi vào nhiều thứ ảo tưởng, mà ảo tưởng nào cũng có sức phá hoại bình an của tâm hồn, vì đòi ta phải giả hình, gian dối, đeo nhiều kiểu mặt nạ để bảo vệ sự tồn tại của  ảo tưởng. Nói cách khác, cái gì được đặt  vào đúng chỗ của nó thì nó sẽ yên, nhưng gượng gạo, gượng ép đặt sai chỗ, nó sẽ chênh vênh, chòng chành, xiêu vẹo và sẽ ngã đổ, vì không yên vị.

Thực vậy, không nhìn vào sự thật  con người tội lỗi của mình, ta sẽ  tự mãn rơi vào ảo tưởng  thánh thiện; không nhìn vào sự thật yếu kém của mình, ta sẽ tự phụ ảo tưởng mình biết mọi sự, thầy mọi người; không nhìn vào sự thật con người rất giới hạn của mình, ta sẽ tự nhiên đeo vào  mình ảo tưởng “toàn năng”, mà không chút e ngại, hổ thẹn; không nhìn vào sự thật thân phận “đổi thay bất chợt, phù du, mong manh” của mình, ta sẽ tự động mang vào mình ảo tưởng  muôn năm bất diệt, đời đời bền vững.

Nhưng nếu chỉ ảo tưởng thôi thì còn có thể  cho qua, đàng này phải bảo vệ ảo tưởng bằng mọi giá, đang khi  ảo tưởng luôn phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị thiên hạ lột trần, kéo xuống;  son môi phấn mặt của ảo tưởng cứ mở mắt ra là  bị nắng mặt trời đe doạ làm tan chảy, nên công việc hàng đầu phải làm của người sinh hoạt trong ảo tưởng,  nỗi ám ảnh nặng nề khôn nguôi của người sống với ảo tưởng sẽ là liên lỷ  ngụy tạo mọi  hoàn cảnh, dối trá đủ cách, đủ điều, che đậy, giấu diếm đủ chốn đủ nơi cốt để ảo tưởng không mất đi, không bị  thiên hạ phát hiện, đốn hạ.

Đây chính là bất hạnh của người không nhìn vào sự thật của chính  mình để phải triền miên sống trong giả hình, gian dối là nguyên nhân gây nên sợ hãi trước cái nhìn của người khác. Và cũng do sợ hãi, chúng ta đánh mất tâm hồn bình an, đời sống an bình.

Tóm lại, ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh được ban nhưng không, nhưng có ở lại trong tâm hồn, đời sống mỗi người hay không lại là vấn đề khác,và việc giải quyết vấn đề không thuộc phần Thiên Chúa, nhưng  thuộc về phần đóng góp của mỗi người. Vấn đề  là sự thật của Thiên Chúa, và  sự thật của mỗi người có  được nhìn nhận một cách chân thành trước mặt Chúa hay không?

Bởi khi sự thật của Thiên Chúa và của chính mình được chân nhận, thì sự thật của  anh em cũng được  nhìn nhận và tôn trọng với trái tim  tràn ngập  ơn Bình An của Lòng Thương Xót Chúa, bởi chỉ  sự thật mới làm chạnh lòng Chúa hay thương xót, và chỉ trong  trái tim  hay chạnh lòng xót  thương,  Đức Giêsu phục sinh với ơn Bình An  của Ngài mới đến và ở lại.

Jorathe Nắng Tím    

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...