Connect with us

Hi, what are you looking for?

Cảm thức

LÀM TỪ THIỆN NHƯ ĐỨC GIÊSU DẠY | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 4

TMĐP- Đức Giêsu kiện toàn Đức Ái trong việc từ thiện và dạy chúng ta: Từ thiện để nên hoàn thiện, từ thiện với cả tấm lòng, từ thiện cách kín đáo và biết kính trọng người nhận sự giúp đỡ.

Hơn bao giờ hết thế giới rơi vào tình cảnh khó khăn, có nơi hoàn toàn bế tắc, tê liệt vì đại dich Covid 19, và cơn khủng hoảng toàn cầu ngày càng xô đẩy người nghèo vào đường cùng đến độ không còn có thể ngoi ngóp tồn tại. Chính trong cơn khốn cùng khó có thể tưởng tượng này, người Kitô hữu chúng ta được mời gọi tích cực chia sẻ với mọi người tình yêu và những gì mình có, như Đức Giêsu dậy.

Thực ra không thiếu những tấm lòng đã và đang hy sinh và hết mình cống hiến trong công cuộc cứu giúp đồng bào, đồng loại trong cơn khốn khó. Có những em bé tự nguyện không ăn quà sáng, những thiếu niên chắt chiu từng đồng tiền tiết kiệm, những cụ già nhặt nhụm bất cứ những gì có thể bán được để đóng góp cứu trợ người nghèo hơn mình, khổ hơn mình. Đó là chưa kể những doanh nhân, đại gia, người nổi tiếng đã quảng đại rộng tay giúp đỡ.

Những con người tử tế bất luận già trẻ, giàu nghèo này là những tấm gương của tình liên đới nhân loại, là nét đẹp không bao giờ phôi phai của tình người bất diệt. Cùng với những con người tử tế với tấm lòng nhân ái, người Kitô hữu chúng ta hân hoan lên đường và đồng hành với tất cả mọi người thiện chí thực hiện lý tưởng yêu thương phục vụ như lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, và trở nên dấu chỉ duy nhất của người môn đệ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Và một cách cụ thể, lòng yêu thương ấy được biểu hiện bằng những việc từ thiện, chia sẻ cơm bánh với anh em mình.

Cựu Ước đặt việc làm từ thiện là một trong ba cột trụ của đời sống đạo, đó là cầu nguyện, ăn chay và làm việc từ thiện.

CREDIT: GIÁO LÝ SKETCHING

Sách Đệ Nhị Luật ghi rõ: “Năm thứ ba, tức là năm nộp thuế thập phân, sau khi anh em đã trích ra một phần mười hoa lợi mà đem cho thầy Lêvi, người ngoại kiều và cô nhi quả phụ, và họ được ăn uống no nê trong các thành của anh em, thì anh em hãy đến thưa trước tôn nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em: “Con đã lấy của thánh hiến đem ra khỏi nhà và thật sự con đã cho thầy Lêvi, cho người ngoại kiều và cô nhi quả phụ, theo như tất cả mệnh lệnh Đức Chúa đã truyền cho con, mà không vi phạm, không quên mệnh lệnh nào của Đức Chúa” (Đnl 26,12-13).  Cho thầy Lêvi để thầy sống và phục vụ bàn thờ của Đức Chúa, vì thầy không có lương bổng hay của cải gì. Như ngày nay chúng ta giúp đỡ các linh mục, tu sĩ; cho người ngoại quốc, và cô nhi quả phụ, vì họ là những người thiếu thốn vật chất, không thể tự mình lo liệu cho cuộc sống của mình.

Việc từ thiện còn được cụ thể bằng quy định về mùa màng: “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, các ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, các ngươi không được mót. Vườn nho các ngươi, các ngươi không được hái lại, những trái rớt, các ngươi không được nhặt: các ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều” (Lv 19,9-10). Và mọi người thuộc Dân Chúa đều hiểu rằng: “Thiên Chúa sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ” với những ai không ngoảnh mặt làm ngơ đối với người nghèo khổ (x. Tb 4,7), mà còn “cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi” (Tb 12,9).

Đến thời Tân Ước, khi xuống thế gian, Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa đã kiện toàn Đức Ái của Cựu Ước, đặc biệt trong việc từ thiện, bố thí và dạy chúng ta :

1/ Việc từ thiện là điều kiện để nên hoàn thiện:

Khi người thanh niên giầu có nói với Đức Giêsu: Mọi lề luật Môsê anh đã chu toàn, vậy anh còn thiếu gì để trở nên hoàn thiện? Đức Giêsu đã đã trả lời anh: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mt 19,21).

Câu trả lời dứt khoát của Đức Giêsu đã khẳng định việc từ thiện như điều kiện không thể thiếu để trở nên hoàn thiện.

Thánh Phaolô đã quảng diễn điều này trong thư gửi môn đệ Timôthê: “Những người giầu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giầu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật” (1 Tm 6,17-19), bởi Thiên Chúa nhớ đến việc thiện nguyện ta làm (x. Cv 10,31), và lời cầu nguyện cũng như việc cứu trợ luôn thấu đến toà Thiên Chúa, và Ngài không bao giờ quên (x. Cv 10,4).

CREDIT: GIÁO LÝ SKETCHING

2/ Trao ban với tấm lòng:

Người trao ban, làm từ thiện quảng đại mà Đức Giêsu  đã công khai ca ngợi chính là người đàn bà goá nghèo khó đã bỏ vào thùng tiền của Đền Thờ hai đồng tiền kẽm mà giá trị chẳng là bao nhiêu, nhưng Đức Giêsu đã trân trọng tuyên dương lòng qủang đại của bà: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 21,3-4).

Người cho đi với tấm lòng là người biết mình đã nhận từ Thiên Chúa và người khác một cách nhưng không, nên cũng sẵn sàng cho đi cách nhưng không, mà không so đo tính toán. Và Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can mỗi người, chính Ngài sẽ ban phần thưởng cho mỗi người theo như mức độ qủang đại của tấm lòng, vì điều Thiên Chúa chờ đợi ở mỗi người, chính là tình yêu từ trái tim.

3/ Làm từ thiện cách kín đáo:

Đức Giêsu đã không chỉ căn dặn môn đệ Ngài phải cầu nguyện cách kín đáo (x. Mt 6,5-6), ăn chay cách kín đáo (x. Mt 6, 16-18), mà còn hết lời mời gọi: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí đuợc kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,1-4).

Quả thực, Đức Giêsu đã đặt ra quy luật làm từ thiện quá khó: quá khó vì phần đông chúng ta làm từ thiện để tỏ ra mình thánh thiện, đạo đức, hầu được bề trên, bề ngang, bề dưới thán phục, nể vì, cung nghinh, trọng vọng; quá khó, vì làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo hay dâng cúng tiền bạc cho giáo xứ, giáo hội mà ẩn danh, không cho ai biết, không được đăng báo, lên mạng, không nhận được bằng khen, không được tuyên dương trong nhà thờ, không được khắc tên vào bia đá, không được lưu danh muôn thuở thì qủa thực không mấy người muốn làm, hay muốn cho, bởi ai cũng thích được khen, cũng mong được mọi người công nhận mình  là người “hảo tâm, ân nhân của nhân loại”; quá khó, vì ai cũng muốn qua việc từ thiện sẽ trở thành người có quyền trên người mình giúp, có thế lực để chỉ trỏ, phê bình, ra lệnh, kiểm tra, hạch sách người này người nọ, việc này việc kia; quá khó, vì người bỏ tiền ra  thường bị cám dỗ trở thành người thống trị, bởi đồng tiền tự nó đã  mang sẵn mãnh lực thống trị.

Vì biết rõ con người háo danh, háo thắng, háo quyền lực, mà Đức Giêsu đã cảnh báo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng”. Coi chừng từ thiện sẽ chỉ là cách phô trương, đánh bóng “cái tôi” kiêu căng, hợm hĩnh; coi chừng từ thiện sẽ chỉ là phương tiện thực hiện mục đích lăng xê, làm nổi mình; coi chừng từ thiện sẽ chỉ là cách thế thoả mãn khuynh hướng thống trị, thoả mãn nhu cầu  độc quyền sở hữu. Cũng vì biết rõ từ thiện sẽ dễ biến người làm từ thiện đánh mất chính mình dưới ánh hào quang chói chan của tự mãn, tự phụ;  từ thiên dễ làm người làm từ thiện vong thân giữa một rừng những lời chúc tụng, tri ân, cảm tạ có cánh, mà Đức Giêsu đã khuyên các môn đệ của Ngài phải kín đáo khi làm từ thiện, kín đáo đến độ  cùng một thân thể, mà tay trái không biết việc từ thiện tay phải làm.

Khi dùng hình ảnh này, Đức Giêsu đã cho thấy cám dỗ phô trương, trình diễn, tìm kiếm mình khi làm việc từ thiện là  cạm bẫy  rất thường gặp, nhưng rất nguy hiểm và có xác xuất làm chúng ta sập bẫy rất cao. Để củng cố lời căn dặn phải kín đáo khi làm từ thiện, Đức Giêsu còn nhắc nhở các môn đệ của Ngài: “Anh em đã được cho nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không như vậy” (Mt 10,8), khi sai các ông lên đường truyền giáo. Đây cũng là lời Đức Giêsu căn dặn mỗi người chúng ta trên đường đi theo Ngài để  “yêu thương phục vụ” mọi người.

CREDIT: GIÁO LÝ SKETCHING

 

4/ Kính trọng người nhận sự chia sẻ, giúp đỡ:

Không thiếu những lần người làm từ thiện đắn đo, do dự, rồi tiếc nuối vì đã mua những tặng phẩm được coi là có “tầm cao hơn người được nhận”, nôm na là đã hùi hụi “tiếc đứt ruột” vì đã mua đồ cao cấp để cho những người nghèo “hết cấp” hưởng,  như có lần một vị  đứng đầu của đoàn từ thiện kia đã khó chịu với những người trong đoàn khi họ để thêm vào phần quà một chút cá thịt, trái cây, khi  đoàn đi làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa.

Người viết hôm ấy đã  một phen “tá hoả tam tinh”, khi nghe vị trưởng đoàn  phán với mọi người một câu xanh rờn đến rợn người: “Những người nghèo này thì cần gì phải cho thịt cá, trái cây, cho mì gói là quá lắm rồi!”

Sự kiện trên nói lên một sự thật, đó là không phải tất cả những người làm từ thiện đều  gạt bỏ được não trạng của “kẻ cả  bố thí  từ  trên cao”, khi nhìn những người nghèo đến nhận sự giúp đỡ như những con người không đồng loại, không đồng đẳng, không đồng phẩm chất. Từ đó phát sinh cái nhìn phân biệt, kỳ thị, và lời nói, thái độ, việc làm thiếu tôn trọng nhân phẩm người được cho.

Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu đã tỏ ra cứng rắn đối với những người có não trạng này, khi đồng hoá chính mình với những người nghèo đói, rách rưới, tù đầy, đau yếu, vô gia cư, bị khinh bỉ, coi thường, bạc đãi: “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). “Làm như thế” là “làm từ thiện” khi cho  ăn cho mặc, giúp đỡ, chữa trị,  thăm viếng, ủi an … những người khốn quẫn, khốn cùng.

Qủa thực, không có Thiên Chúa nào đã yêu thuơng, bênh vực người nghèo khổ, đau yếu, cùng đường bằng Thiên Chúa của Đức Giêsu, Đấng đã làm cả người lành, và  kẻ dữ đều phải ngỡ ngàng thốt lên: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” (Mt 25,37-38), và tất cả đã ngỡ ngàng, vì đã không ngờ: bà cụ già lưng còng ngày ngày lê bước ăn xin trong xóm, em bé mồ côi lem luốc, gầy tong teo làm việc không lương từ sáng đến tối trong quán ăn, đã chỉ dám mơ ước được ăn no và tối đến được mang chút  cơm thừa canh cặn  về cho người mẹ cô quả, đau ốm ở nhà lại là chính Chúa, Đấng đang ngự toà để phán xét từng người về lòng nhân ái, việc từ thiện.

Về vấn đề  này, Thánh Giacôbê đã không ngại vạch trần thái độ “trọng phú khinh bần”, phân biệt đối xử của phần đông chúng ta khi ngài viết: “Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, và giả như mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó!” hoặc “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2,1-4).

Để kết thúc, chúng ta cùng nhắc lại lời khuyên của sách Huấn Ca: “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí… Hãy tiếp đón kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp đỡ anh em bạn hữu, đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi… Rộng tay bố thí là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của bố thí sẽ nên vũ khí giúp con  chống địch thù lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn.” (Hc 29,8-13).

Nhưng quan trọng hơn cả là đến ngày chung thẩm “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót, thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2,13), và hạnh phúc đời đời sẽ dành cho “những ai có lòng xót thương  người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...