Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

LỄ CHÚA BA NGÔI | Suy Niệm Tin Mừng Mùa Thường Niên – Năm C

TMĐP- Xin Thiên Chúa Ba Ngôi mở lòng trí để chúng ta đón nhận Ngài là Thiên Chúa chí thánh vì Ngài là Thiên Chúa tình yêu; tin yêu Ngài là Thiên Chúa ở với con người, vì yêu thương con người, mà qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, chúng ta được biết Ngài là Cha của chúng ta, và chúng ta được diễm phúc “kêu lên: “Ápba! Cha ơi!”  (Rm 8,15).

Trong lời nguyện mở đầu thánh lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội tuyên xưng: Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã sai Ngôi Lời Sự Thật đến  trong thế gian và Chúa  Thánh Thần, là Đấng thánh hoá để mặc khải cho loài người mầu nhiệm kỳ diệu của Ngài.

Thực vậy, nếu thánh lễ là trung tâm của đời sống Kitô hữu, thì Chúa Ba Ngôi là trung tâm của thánh lễ, ở đó tất cả phụng vụ đều quy về việc tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, các lời nguyện của cộng đoàn đều nài xin Chúa Cha ban Thánh Thần để mọi người  được thánh hóa, được sinh lại, được đổi mới để nên giống Đức Giêsu Kitô, dung mạo đích thực của Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

Vì thế, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu là tâm điểm của thánh lễ, và là nguồn sống của đời người  Kitô hữu.

Là tâm điểm của thánh lễ, khi thánh lễ được  khởi đầu bằng  dấu Thánh Giá “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, tiếp theo là lời chào của chủ tế :  “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô,Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”, cho đến cao điểm của phụng vụ thánh lễ là kinh nguyện thánh thể, khi chủ tế nài xin Chúa Cha sai Thánh Thần Chúa đến thánh hoá bánh, rượu để biến thành Mình Máu Đức Giêsu Kitô và tiếp tục  đến phép lành cuối lễ khi chủ tế: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em”.

Là nguồn sống của  người  Kitô hữu trên hành trình về Vương Quốc Thiên Chúa , khi “chúng ta được bình an”, tức được giao hoà,  “với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô , Chúa chúng ta” (Rm 5, 1). Hơn thế nữa, trên đường đến với Thiên Chúa, chúng ta có quyền trông cậy giữa những gian truân, thử thách, bởi “trông cậy như thế, chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã tỏ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).

Như thế, hành trình về Nước Trời của chúng ta được bảo đảm vững chắc, vì được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi bao bọc: Chúa Cha yêu chúng ta, nên sai Đức Giêsu, Con Một của Ngài  xuống thế gian để chuộc tội và giao hoà chúng ta với Ngài; Chúa Cha yêu chúng ta, nên ban Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ để chúng ta không phải thất vọng, ngã lòng, nhưng trung kiên trong niềm hy vọng.

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm Đức Giêsu thường xuyên dậy bảo các môn đệ và công bố trước dân chúng. Cũng chính vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà các kinh sư, nhóm Pharisêu và phần đông người Do Thái tố cáo Đức Giêsu là lộng ngôn, phạm thượng, như trong dịp lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem,  họ đã lấy đá ném Ngài và nói với Ngài: “Chúng tôi ném đá ông , không phải vì một việc tốt đẹp, nhung vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10, 33), bởi trước đó, Đức Giêsu đã nói với họ: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).

Riêng với các môn đệ thân tín, trước giờ lên đường đi chịu chết, Đức Giêsu đã   cho các ông biết rõ hơn màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có  đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 12-15).

Qua những lời từ miệng của Đức Giêsu, chúng ta có đủ lý do để tin Ba Ngôi Thiên Chúa nhưng chỉ là một Thiên Chúa, Ba Ngôi biết hết mọi sự của nhau và mật thiết kết hợp nên một trong nhau. Thiên Chúa ấy “đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Cũng Thiên Chúa ấy đã ban Thánh Thần để “Đấng được Thiên Chúa sai đi”, tức Ngôi Lời Thiên Chúa “thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34).

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi mở lòng trí để chúng ta đón nhận Ngài là Thiên Chúa chí thánh vì Ngài là Thiên Chúa tình yêu; tin yêu Ngài là Thiên Chúa ở với con người, vì yêu thương con người, mà qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, chúng ta được biết Ngài là Cha của chúng ta, và chúng ta được diễm phúc “kêu lên: “Ápba! Cha ơi!”  (Rm 8,15).

Jorathe Nắng Tím

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...