Connect with us

Hi, what are you looking for?

Sự kiện - Thời sự

LINH MỤC, TU SĨ VIỆT NAM Ở TUYẾN ĐẦU CHỐNG COVID | Chuỗi Suy Tư Về Sài Gòn Mùa Covid Thứ 4

 

TMĐP- Như Đức Kitô “chạnh lòng thương” dân Ngài, các vị được tình yêu Đức Kitô thúc bách cũng không thể “cầm lòng” trước nỗi đau của đồng bào.

Mấy dòng tin nhắn ngắn ngủi nhận được sáng nay từ một linh mục tu sĩ , là người thân trong dòng tộc đang ở tuyến đầu phục vụ bệnh nhân Covid  đã không chỉ làm nức lòng, chạnh lòng, mà còn toả sáng trong lòng người viết hình ảnh một Giáo Hội có mặt giữa mọi người, đồng hành với mọi người, chia sẻ với mọi người và phục vụ mọi người trong mọi tình huống, hoàn cảnh, như giữa tâm bão kinh hoàng, dữ dội của đại dịch Covid những ngày này ở Việt Nam.

Các vị là những linh mục, tu sĩ nam nữ thuộc các Hội Dòng đã lên đường ngay từ  ngày đầu khi dịch bùng phát, để đến với những nạn nhân Covid. Đến với tấm lòng  “hiện diện”, đến với trái tim “cảm thông”, đến với  bàn tay “chia sẻ”, đến với đôi chân “đồng hành, nâng đỡ”. Tắt một lời, các vị đã đến không chỉ để xem, nhưng đến để sống với anh chị em nghèo; để chung thân phận  khốn khổ và điều kiện khó khăn của những cụ già  bán vé số, em bé lượm ve chai,  thiếu niên “bụi đường, bụi phố” những ngày phong toả nghiêm ngặt, ở đó, không còn bất cứ một khả thể nào để “sống còn”.

Các vị cũng đến không phải để quan sát, hỏi han, tham khảo, nghiên cứu, nhưng đến để “trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9,22), nghĩa là nghèo với người nghèo, khổ với người khổ, lo lắng với người hốt hoảng, bấn loạn, day dứt, bức xúc với người hoang mang, kinh hãi trước de dọa và tai hoa khôn lường của cơn đại dịch .

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa | Credit: Dòng Mân Côi Chí Hòa

Như Đức Kitô, các vị đã đến “nhân danh Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giầu lòng thương xót” để cùng các nạn nhân cầu xin ơn Bình An: bình an cho bệnh nhân F0 ở giờ hấp hối, vì thiếu máy thở; bình an cho người đang run rẩy, sợ hãi vì  lọt vào F1, F2; bình an cho người mẹ trẻ với hai con dại từ một tuần nay phải lê lết ăn ngủ ngoài đường, vì ông chủ  đã thay chìa khóa phòng trọ, bởi chị không còn khả năng thanh toán tiền nhà, khi không còn được bán hàng rong; bình an cho những người không còn gì ăn đang trông ngóng phần ăn gói sẵn từ những tấm lòng nhân ái.

Như Đức Kitô, các vị đã đến với tất cả những gì mình có, mình là, mặc dù  mình chỉ là con người mỏng dòn, yếu đuối, và những gì mình có cùng lắm cũng chỉ là “năm chiếc bánh và hai con cá” như các Tông Đồ ngày xưa đã tìm được (x. Mc 6,38), khi Chúa bảo các ông “Chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mc 6,37). Họ là đám đông đang đói vì đại dịch làm mất việc, không cho buôn bán,  họp chợ, không đuợc phép  đi lại thông thương, nhưng ngăn sông cấm chợ gây nên cảnh nơi thì dư thừa rau qủa phải đổ bỏ, chỗ thì khan hiếm, thiếu từng cọng cải bó rau.

Như Đức Kitô “chạnh lòng thương” dân Ngài, các vị được tình yêu Đức Kitô thúc bách cũng không thể “cầm lòng” trước nỗi đau của đồng bào đã hăng hái lên đường ra tuyến đầu, lao mình vào nguy hiểm, và hết mình phục vụ tất cả những ai đang cần được ủi an, giúp đỡ.

Hướng lòng về Giáo Hội Việt Nam, với đông đảo các linh mục trong các giáo xứ đang nỗ lực vận động và vận dụng mọi khả năng để có chút cơm cho người nghèo, nắm xôi cho người lang thang không nhà, miếng bánh cho người không công ăn việc làm, chén cháo cho người bệnh nặng, là nạn nhân đáng thương của đại dịch; với hàng hàng lớp lớp các tu sĩ nam nữ đáp lời kêu gọi của Chủ Chăn đang có mặt phục vu, có mặt hy sinh, có mặt đồng cảm với anh chị em nhiễm Covid ở tuyến đầu, người viết hết lòng ngưỡng mộ quý cha, quý thầy, quý sơ là những chứng nhân sống động của Tin Mừng, là ánh sáng trong đêm đen dân tộc, là muối, men trong đấu bột quê hương, là niềm Hy Vọng cho tất cả những ai đang nao núng, sợ hãi, ngao ngán, chán chường không chỉ vì đại địch, mà còn vì thái độ vô cảm và những hành vi vô lý, vô nhân đạo làm tổn thương nhân phẩm của nhiều nạn nhân có lòng tự trọng.

Cũng trong tâm tình của người con xa quê, người viết xin được đóng góp một suy nghĩ rất bé nhỏ, sau những kinh nghiệm phục vụ nạn nhân Covid  của các tu sĩ  ở các nước Âu Châu trong năm qua. Đó là bài học được rút ra sau những đợt lên đường ra tuyến đầu phục vụ bệnhh nhân Covid của các nhà dòng, và cũng là kinh nghiệm mục vụ mà  nhiều Đấng Bậc, Bề Trên đã phải trả với một giá qúa đắt, khi gửi các tu sĩ vào tâm bão của đại dịch, mà không quan tâm và chuẩn bị chu đáo cho ngày trở về với thân xác đầy thương tích trầm trọng của các vị, mà đáng lẽ  đã tránh được, nếu Bề Trên khôn ngoan và tinh tế tiên liệu.

Như mọi người biết, con số các linh mục, tu sĩ nam nữ tử vong vì lây nhiễm Covid, sau thời gian hoat động giữa các nạn nhân của đại dịch là con số làm chóng mặt: chóng mặt vì không ai ngờ sức lây nhiễm kinh khủng của Covid đã không chỉ giết chết các vị được sai đến vùng dịch, mà khai tử cả những người không ra khỏi cộng đoàn vì bị lây nhiễm từ những anh chị em từ vùng dịch trở về.

Vẫn biết với nhiệt huyết tông đồ và tinh thần quên mình, bỏ mình, sẵn sàng mất mạng sống vì người khác, các linh mục, tu sĩ nam nữ  phục vụ ở tuyến đầu Covid đã không ngại bị lây nhiễm, cũng không sợ phải chết vì phục vụ người bệnh, vì một khi đã ra đi là chấp nhận trở thành “hạt lúa mì bị chôn vùi và thối rữa để sinh  nhiều bông hạt” (Ga 12,24), và một khi đã lên đường, người môn đệ  dường như đã nắm chắc sẽ về đến Canvê để gặp Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhưng không vì thế mà nhiệt huyết bị dễ dàng biến thành liều lĩnh thiếu khôn ngoan; không vì vậy mà tinh thần quên mình, bỏ mình, mất mình của người môn đệ bị choáng ngợp một cách phi lý bởi khát vọng thành công; không vì háo thắng mà nông nổi, bồng bột phí phạm sức lực và qũy thời gian phục vụ, vì Giáo Hội cần các vị, xã hội cần các vị, mà công sức đào tạo các vị thì vô kể, và thời gian vun trồng Ơn Gọi giáo sĩ, tu sĩ thì thăm thẳm dài lâu.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa | Credit: Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp

Thực vậy, nếu có “sai đi” thì cũng có “gọi về”; có ngày “ra quân” thì cũng có ngày “rút quân”, vì “gọi về” hay “rút quân” cũng cần thiết và mang lại ích lợi, hiệu qủa cho  đương sự và mọi người như “sai đi, và ra quân”. Người môn đệ Đức Giêsu cũng không ở ngoài quy luật này, bởi sức người có hạn, bởi nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng cũng là  nhu cầu như các nhu cầu khác, bởi chính Đức Giêsu cũng đã quan tâm đến sức khỏe của các môn đệ, như Tin Mừng Máccô đã kể lại: “Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một chỗ thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới qúa đông, nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi  hoang vắng” (Mc 6,30-32).

Điều rất lạ ở đây là Đức Giêsu, dù thao thức, khắc khoải với việc truyền giáo, dù chính Ngài đã sai các môn đệ đến các thôn làng để loan báo Tin Mừng, nhưng không vì thế mà Ngài quên “giới hạn sức khỏe của các ông”, quên “chuyện ăn uống, nhu cầu nghỉ ngơi” của các ông, cũng như hôm nay, Ngài không  quên “các linh mục, tu sĩ nam nữ ở Việt Nam trước nguy cơ bị lây nhiễm Covid”, nhất là không quên thúc đẩy các Đấng Bậc có thẩm quyền tiên liêu và chuẩn bị  những phương tiện, điều kiện cần thiết như khu cách ly dành riêng cho linh mục, tu sĩ  từ các điểm của tuyến đầu mục vu Covid trở về, để vừa đáp ứng nhu cầu tĩnh dưỡng, chữa trị cho các vị, vừa tránh lây nhiễm cho anh chị em trong cộng đoàn.

Ước gì tu sĩ nam nữ của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, cũng như hàng ngàn các linh mục, tu sĩ khắp nơi trên đất nước, sau những ngày miệt mài, vất vả phục vụ đồng bào giữa tâm dịch, ở tuyến đầu Covid, sẽ có được chiếc thuyền, dù là thuyền nan bé bỏng chờ sẵn ngày trở về, trên đó có Đức Giêsu và anh em môn đệ để đến một nơi thanh vắng tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, và tẩy sạch vi khuẩn giết người có tên Covid.

Cám ơn vị linh mục tu sĩ đã gửi tin nhắn sáng nay từ “chiến địa Covid”. Nhờ thế, người viết có được những tâm tình chia sẻ này để kính gửi đến quý bạn đọc rất thân mến.

Xin Chúa gìn giữ những người Chúa đã chọn và sai đi loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân hậu, giàu thương xót và hay chạnh lòng bằng đời sống chứng tá “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, và “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10.11).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...