TMĐP- Lần loan báo cuối cùng cuộc Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giêsu mặc khải toàn phần công trình cứu chuộc cho chúng ta, một công trình được đặt trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Lần loan báo thứ ba này dài hơn hai lần trước: “Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem. Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại”(Mc 10, 32-34).
Quả thực, đây là chuyến đi định mệnh, đinh mệnh tang thương đã được báo trước, biết trước với đủ nhục hình và cái chết đáng kinh sợ để Lời Hứa phục sinh được thực hiện.
Tin Mừng cho chúng ta thấy: trên đường lên Giêrusalem hôm ấy có nhiều người cùng đi với Đức Giêsu, và tất cả đều là môn đệ Ngài.
Là môn đệ, họ yêu mến, cảm phục Đức Giêsu và Đức Giêsu ở với họ, đang đi với họ, dẫn đầu họ, nhưng xem ra họ không có thể đi theo Ngài đến cuối đường, đến hết đường, bằng chứng là họ đi theo Ngài mà người thì kinh hoàng, kẻ thì sợ hãi (x. Mc 10, 32), bởi tất cả đều đã được Ngài loan báo: con đường họ đang đi với Ngài là con đường định mệnh sẽ dẫn về Giêsrusalem, ở đó Ngài sẽ chịu khổ nạn và bị giết chết.
Trong số các môn đệ theo Đức Giêsu về Giêrusalem có Nhóm Mười Hai, tức mười hai tông đồ là những môn đệ thân tín luôn kề cận bên Ngài. Một lần nữa, các ông được Đức Giêsu kéo riêng ra và “nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình”(Mc 10,32). Làm điều này, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhóm Mười Hai khi kéo riêng các ông ra và nhắc lại lời loan báo về cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu, như hạt lúa phải chịu chôn vùi xuống đất và thối rữa đi thì mới sinh nhiều bông hạt; đồng thời đòi các ông tín thác hơn vào Ngài bằng đón nhận toàn thể, toàn phần thực tại tuy rất đau lòng, rất đáng sợ hãi nhưng không thể từ chối, không thể né tránh, không thể không vượt qua.
Đi với Nhóm Mười Hai và nhiều môn đệ khác trên đường về Giêrusalem lần cuối cùng này, Đức Giêsu không giấu diếm các ông: đường thánh giá là điều kiện không thể thiếu để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; nói cách khác, không ai có thể sống lại với Ngài, nếu đã không chết với Ngài; không ai có thể đi vào mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa, nếu đã không thông phần đau khổ với Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, như thánh Phaolô đã qủa quyết trong thư gửi môn đệ Timôthê (x. 2 Tm 2,9-13).
Đi với các môn đệ trên đường về Giêrusalem để chịu chết, Đức Giêsu chứng thực sự hiện diện chia sẻ, hiệp thông của Ngài với các môn đệ, và bảo đảm chìa khóa mở ra kho tàng mầu nhiệm Thiên Chúa chính là đón nhận mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Thiên Chúa làm người, cũng là mầu nhiệm ơn gọi làm người, làm con Chúa của mỗi người.
Thực vậy, ở lần loan báo cuối cùng cuộc Thương Khó và Phục Sinh của mình, Đức Giêsu đã mặc khải toàn phần công trình cứu chuộc cho các môn đệ của Ngài, trong đó có chúng ta, một công trình được đặt trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trí khôn loài người không thể hiểu thấu. Mặc dù không hiểu thấu, chúng ta vẫn được Ngài mời gọi đi với Ngài và cùng Ngài thực hiện công trình cứu chuộc rất cam go ấy.
Cũng ở lần sau cùng loan báo cuộc tử nạn đã đến gần, các môn đệ được kêu gọi chia sẻ cuộc Thương Khó và Tử Nạn với Đức Giêsu một cách quảng đại bằng ước muốn chết với Ngài, như Phêrô đã mạnh dạn qủa quyết: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”, và “tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy”(Mc 14, 31), dù không ai trong các ông đã nghĩ mình sẽ chối Thầy, bán Thầy, bỏ Thầy để bảo toàn sự sống riêng mình.
Vâng, Tuần Thánh mở ra cho chúng ta chân lý nền tảng của Tin Mừng, đó là “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại”(Mc 10, 33-34), nên bao lâu người Kitô hữu chúng ta còn sống chết với chân lý nền tảng này, còn hăng say “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”, còn gắn bó và dìm mình trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và “đã sống lại từ cõi chết”(2Tm 2,8), bấy lâu chúng ta còn được phúc “cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn”(2 Tm 2,1) còn được phúc thông phần đau khổ với Đức Giêsu “vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”(Cl 1, 24), còn được phúc “cùng chết với Đức Giêsu để được cùng sống với Người, cùng kiên tâm chịu đựng với Đức Giêsu để được cùng hiển trị với Người” trong Vương Quốc yêu thương, bình an của Người. (x. 2 Tm 2, 11-12)
Jorathe Nắng Tím