Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

LOAN BÁO LẦN THỨ HAI: CUỘC THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH | Chuỗi Suy Niệm Tin Mừng Tuần Thánh Năm C 

TMĐP- Đức Giêsu vch rõ con đường Thương Khó là con đường duy nhất dẫn đến vinh quang Phục sinh, con đường cùng Ngài vác Thánh Giá là con đường người môn đệ phải đi qua để đạt Lời Hứa được sống lại khải hoàn với Ngài.

Khác với lần đầu loan báo cuộc tử nạn và phục sinh, ở đó Nhóm Mười Hai  bị sốc nặng và phản ứng tức thời của Phêrô, được coi như người đại diện Nhóm  đã làm Đức Giêsu phải lên tiếng khiển trách: “Xatan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33), lần loan báo thứ hai này rất ngắn và không gây nhiều bất ngờ, bàng hoàng như lần đầu.

Tin Mừng Máccô kể lại: “Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”…” (Mc 9, 30-31).

Lần loan báo thứ hai này có một số nét đặc biệt:

1/ Các môn đệ ở riêng với Đức Giêsu, xa khỏi mọi người:

Lần đầu loan báo cuộc thương khó và phục sinh, tính riêng tư, thân mật giữa Đức Giêsu và các môn đệ  không được nhấn mạnh như lần này. Đây là chi tiết quan trọng đã được thánh sử Máccô ghi lại: “Đức Giêsu không muốn cho ai biết” khi Ngài đi băng qua miền Galilê, vì muốn có không gian và thời gian hoàn toàn riêng tư với các môn đệ của Ngài.

Chính trong bầu khí riêng tư, thân mật  của Thầy Trò, Đức Giêsu một lần nữa loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh sắp tới của Ngài, không như một thông tin bình thường, nhưng như một bài học cốt yếu, một con đường  mà các ông phải nằm lòng và sống.

2/ Đức Giêsu dy các môn đệ chân lý nền tảng của Tin Mừng:

Nếu lần đầu tiên loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh đã làm các môn đệ mất tinh thần, thì lần thứ hai  này các ông chỉ tỏ ra “không hiểu lời đó, và sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9, 32).

Tỏ ra “không hiểu” lời loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh có thể vì các ông chỉ muốn hiểu  đó là chuyện xa vời, không “có thật”, không thể xảy ra với một Con Người có quyền trên thiên nhiên, bệnh tật, và ma quỷ; cũng có thể các ông cố tình tránh né điềm xấu, chuyện  buồn, tương lai xui xẻo, bất hạnh đang được Đức Giêsu nhắc đến để diễn tả một thực tại “thiêng liêng, vô hình” nào đó.

“Không hiểu lời loan báo” đã đành, các ông còn “sợ không dám hỏi lại” Đức Giêsu, vì không lâu trước đây, tất cả đã chứng kiến anh trưởng Phêrô vì dám ngăn cản  Thầy lên Giêrusalem, nghĩa là nài xin Thầy hủy bỏ chương trình “cứu chuộc bằng con đường Thương Khó” đã bị Thầy gọi là “Xatan”, bị đuổi ra đàng sau, và bị xếp vào hàng ngũ những người không thuộc về Thiên Chúa (x. Mc 8, 33).

Cả hai thái độ “không hiểu” và “sợ không dám hỏi lại” Đức Giêsu của các môn đệ đã nói lên tình trạng chưa sẵn sàng của tâm hồn để các ông có thể đón nhận lời loan báo cuộc tử nạn, mặc dù trong lời loan báo rất buồn ấy có Lời Hứa niềm vui Phục Sinh.

Thực vậy, dù biết các môn đệ thân tín của mình chưa sẵn sàng đủ, cũng chưa hy sinh, quả cảm đủ, Đức Giêsu vẫn dậy các ông con đường các ông phải đi, vẫn dậy các ông chân lý cốt lõi, nền tảng của Tin Mừng, đó là “chính Ngài, sự chết và phục sinh của Ngài”.

Dậy các ông bài học căn bản này, Đức Giêsu nhắc lại cho các ông đòi hỏi ban đầu khi các ông được Ngài kêu gọi: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24); dạy cho các ông con đường phải đi, “lẽ sống” phải sống, Đức Giêsu ôn lại cho các ông bài học các ông đã học với Ngài trước đây: “Thầy là đường, sự thật và sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6), “Chính Thầy là sự sống lại và sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ đuợc sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

Dạy cho các ông lần này con đường  phải đi, nếu còn  muốn tiếp tục đi theo làm môn đệ Ngài, Đức Giêsu đã đặt các môn đệ thân tín của Ngài trước một chọn lựa vô cùng khó khăn, và đòi các ông phải dứt khóat “thuộc hẳn về Ngài”, dù Ngài biết đề nghị đi với Ngài vào cuộc Thương Khó, Tử Nạn để rồi được sống lại với Ngài không giống bất cứ đề nghị nào của con người, vì là đề nghị của Thiên Chúa, đề nghị của Tin Mừng mà chỉ những con người dám bỏ mọi sự mà đi theo Ngài mới có thể tin và liều mạng thực hiện.

Tóm lại, loan báo cuộc tử nạn và phục sinh lần thứ hai này tuy ngắn, nhưng không kém quan trọng và nhiều tình tiết. Quan trọng khi Đức Giêsu vạch rõ con đường Thương Khó là con đường duy nhất dẫn đến vinh quang Phục sinh của Tin Mừng, con đường cùng Ngài vác Thánh Giá là con đường người môn đệ phải đi qua để đạt Lời Hứa được sống lại khải hoàn với Ngài; con đường đẫm mồ hôi và máu yêu thương, phục vụ là con đường Thiên Chúa chọn sẵn cho những ai yêu mến Ngài, và con đường được dọn sẵn cho người môn đệ đích thực của Đức Giêsu chính là con đường  cùng Thầy mình “lên Giêrusalem”, ở đó  sẽ bị người đời vu khống, truy lùng, bắt bớ, tra khảo, hành hạ, ném đá, đóng đinh, trước khi được cùng Thầy sống lại trong vinh quang của Thiên Chúa  là phần thưởng từ đời đời  đã được dành sẵn cho những ai dám “bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người” khi được gọi: “Hãy theo tôi!” (Lc 5,28).

Jorathe Nắng Tím

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...