Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Giáng Sinh

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU GIÁNG SINH

TMĐP- Giáng Sinh là mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa có mặt sống động với chúng ta “ở đây và lúc này” giữa một xã hội đầy xáo trộn, đe dọa, một thế giới ngập tràn thử thách …

Nếu chỉ  mừng lễ Giáng Sinh như “lễ hội”, e rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh, và yếu tính của người Kitô hữu, dù năm nào chúng ta cũng mừng, năm nào giáo xứ cũng rộn ràng làm Hang Đá, năm nào đường phố cũng giăng sao, treo đèn mừng Thiên Chúa làm người.

Để thực hiện mục tiêu trên, không gì tốt hơn là đi vào Mầu Nhiệm Giáng Sinh qua các bài đọc được Giáo Hội chọn trong các thánh lễ của ngày lễ Giáng Sinh trọng đại.

1. Nội dung các bài đọc phụng vụ của ngày lễ Giáng Sinh:

Trong cả bốn thánh lễ mừng Giáng Sinh gồm lễ Vọng Giáng Sinh, thánh lễ đêm Giáng Sinh, thánh lễ rạng đông và lễ ban ngày, các bài đọc và Tin Mừng đều xoay quanh:

a. Thiên Chúa yêu thương loài người:

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8) và Ngài yêu thương loài người như tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14), và “tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu” (Tv 88, 3), bởi Thiên Chúa là Đấng thành tín, luôn giữ Lời Ngài đã hứa (x. Tv 88,4-6. 29-30).

Tình yêu ấy hoàn toàn “nhưng không”, không do công trạng, hay “tự sức chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5), hầu “được quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12) và “được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,7)

b. Ngôi Lời Nhập Thể là Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót của toàn thể nhân loại:

Giáng Sinh là Mầu Nhiệm Cứu Độ do lòng thương xót của Thiên Chúa, và Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến trong thế gian để thực hiện nhiệm cuộc này.

Ngài là “Emmanuen, nghiã là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23); là “Ánh Sáng thật, Ánh Sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), Ánh Sáng Muôn Dân để  “dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bùng lên chiếu rọi” (Lc 8, 1); Ngài là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36), Đấng “đem ơn cứu độ đến cho mọi người” bằng “tự hiến mình để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm điều thiện” (Tt2,11.14).

c. “Thiên Chúa làm người” đem niềm vui ơn cứu độ cho tất cả mọi người:

Giáng Sinh mang Tin Vui “Thiên Chúa yêu chúng ta, yêu hết mọi người”, như sứ thần đã nói với những người chăn chiên: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: “Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11), mà sứ mạng của Ngài là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Giáng Sinh tràn đầy niềm vui, vì nhân loại được Thiên Chúa ban Con Một của Ngài làm Đấng Cứu Độ để mọi người “thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét” và “chẳng còn sợ hãi”, nhưng được sống thánh thiện, công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả cuộc đời” (Lc 1,71.74-75).

Niềm vui Giáng Sinh ấy được diễn tả qua lời thánh vịnh của Dân Ngài: “Hát lên mừng Chúa … Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người”(Tv 95,2-3).

“Hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào ngàn muôn hải đảo. Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ” (Tv 96,1.11-12).

2. Sứ điệp Giáng Sinh là sứ điệp Tình Yêu:

Các bài đọc phụng vụ trong lễ Giáng Sinh cho chúng ta thấy: sứ điệp Giáng Sinh chính là Tình Yêu: Thiên Chúa là  Thiên Chúa Tình Yêu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Đấng Cứu Độ yêu thương, và tất cả chúng ta nhận được ơn Bình An của Thiên Chúa, vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

Như thế, hạnh phúc mà con người hằng mong ước, niềm vui mà chúng ta luôn trông đợi không là gì khác hơn Bình An đích thực đến từ Thiên Chúa tình yêu. Bởi nếu Bình An không phải là hạnh phúc, Bình An không mang lại niềm vui, thì các thiên thần trong đêm Giáng Sinh đã không hợp xướng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình An dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Do đó, ơn Bình An là ơn Thiên Chúa ban cho những người được Chúa thương, nghiã là chỉ những ai ở trong Thiên Chúa, tức ở trong tình yêu mới nhận được ơn Bình An của Thiên Chúa Tình Yêu.

Điều này đặt chúng ta trước điều kiện và đòi hỏi  căn bản phải được đáp ứng, mà thánh Gioan Tông Đồ đã qủa quyết trong thư của ngài: “Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).

Như thế, không chỉ Bình An đòi yêu thương, mà chính yếu tính của người Kitô hữu cũng  đòi chúng ta trước hết và trên hết phải yêu thương, vì chúng ta mang trong cuộc đời Đức Kitô, Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng Cứu Độ nhân hậu, giàu lòng thương xót.

3. Giáng Sinh “khai sinh” Giáo Hội là bí tích Đức Giêsu, Thiên Chúa tình yêu:

Nếu hiểu Giáo Hội là Nhà của Thiên Chúa cho con người, và ở giữa con người, thì hang đá Bêlêm chính là Giáo Hội, vì ở đó có Thiên Chúa quy tụ con người và “ở với, ở giữa” con người.

Trong hang đá đêm ấy có Ngôi Lời Thiên Chúa, có Đức Maria, thánh Giuse, có các người canh giữ chiên ban đêm, sau này có ba đạo sĩ từ phương xa đến bái lạy.  Và nếu phải kể hết, hang đá còn có chiên lừa nặng mùi hôi tanh, và các thiên thần thơm tho, rực rỡ xinh đẹp.

Như thế, Giáng Sinh ở một góc độ nào đó cũng là sinh nhật của Giáo Hội,  bí tích Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người vì yêu thương, nên những người được Đức Giêsu kêu gọi , quy tụ thành đoàn thể môn đệ và  ban cho danh hiêu “Kitô hữu – người có Đức Giêsu, người mang Đức Kitô trong cuộc đời” cũng không thể ở ngoài Bí Tích Đức Giêsu, sống ngoài Thân Thể Đức Giêsu, Thiên Chúa  làm người vì yêu thương; không thể phủ nhận ơn gọi làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu cứu độ; không thể che giấu huy hiệu người môn đệ ĐứcGiêsu giàu lòng thương xót, hay thay thế dấu chỉ của người thuộc về Đức Giêsu, Mục Tử  nhân lành, người cha nhân hậu là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Vì thế, lời cầu xin cho “tất cả hiệp nhất nên một” (Ga7,21) của Đức Giêsu sẽ chỉ hiện thực, nếu các chi thể của Thân Thể Ngài là các thành viên của Giáo Hội không  ganh ghét, đấu đá như mắt sừng cồ bảo tay: “Tao không cần đến mày.”, cũng như đầu giận dữ qúat tháo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (x. 1 Cr 12,21), nhưng đoàn kết, tôn trọng và quan tâm lo lắng cho nhau, để “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12,26).

Đàng khác, Lời Hứa “trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18) sẽ chỉ có hiệu lực, nếu tảng đá ấy ở trong tình yêu của Đức Giêsu như Đức Giêsu đã khẳng định: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 16,4) để không phải vỡ nát, sụp đổ, tàn rụi như cành nho không chịu gắn bó, kết hợp với cây nho đã khô héo đi và “người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6); và Lời Hứa “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” cũng sẽ chỉ có giá trị, nếu tảng đá ấy trung thành với lời tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và niềm xác tín: Đấng Kitô  là dung mạo đích thực của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng đến trong thế gian để xót thương, cứu chuộc mọi người.

4. Giáng Sinh là khởi điểm của hành trình yêu thương:

Nếu mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc loài người, thì Giáng Sinh chính là khởi điểm của hành trình loan báo và làm chứng Thiên Chúa yêu thương của người Kitô hữu, bởi Giáng Sinh không là một lễ kỷ niệm, một lễ nhớ, nhưng là lần gặp gỡ thiết thực và sống động Hài Nhi Giêsu “bọc tã, nằm trong máng cỏ”, như các mục đồng đã gặp ở Bêlem năm xưa.

Như các mục đồng sau khi gặp được Hài Nhi Giêsu “bọc tã, nằm trong máng cỏ” đã bảo nhau lên đường, và thanh thản bỏ lại sau lưng những năm tháng nặng nề vì mặc cảm bị xã hội cấm vận, khoanh vùng,  khinh miệt, tẩy chay, cô lập, bỏ rơi, bạc đãi, để tín thác, vui vẻ ra khỏi vỏ ốc  bất mãn và  dấn thân nhập cuộc, người Kitô hữu  sau khi gặp Đức Giêsu trong đêm Giáng Sinh cũng mạnh dạn tiến bước, dù trước mặt là tình trạng bê bết, bệ rạc của một thế giới băng hoại, thối rữa  bởi các tệ nạn, bởi vắng bóng lương tâm và lòng nhân ái.

Như các mục đồng sau khi găp  được Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót “bọc tã, nằm trong máng cỏ” đã không còn sợ sệt, nhút nhát, nhưng kể lại những điều thiên thần đã nói với họ về Hài Nhi, người Kitô hữu sau lần găp gỡ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người trong đêm Giáng Sinh cũng hăng say lên đường loan báo Đức Giêsu, “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” và “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10. 11), dù trước mặt là đám đông đang điên cuồng hò hét inh ỏi, chửi bới thô tục, nguyền rủa  thậm tệ  với rừng biểu ngữ giăng kín đòi truất phế, đóng đinh, khai tử Thiên Chúa khỏi lòng thế giới loài người.

Như các mục đồng, sau khi gặp được Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Độ rất nhân hậu “bọc tã, nằm trong máng cỏ” đã không còn bi quan, tiêu cực, thụ động, và ngại ngùng, lười biếng lên đường, nhưng “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe” (Lc 2, 20), người Kitô hữu cũng hân hoan, phấn khởi đến với mọi người của mọi màu da, ngôn ngữ, văn hoá, trình độ, trạng thái, hoàn cảnh để làm chứng Đức Giêsu chịu đóng đinh vì  yêu thương  người tội lỗi vô cùng và đến cùng (x. Ga 13,1).

Quả thực, mừng lễ Giáng Sinh chính là tìm gặp Hài Nhi Giêsu “bọc tã , nằm trong máng cỏ”, để được Ngài mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa là Tình Yêu, sứ điệp “Thiên Chúa yêu thương và cứu độ loài người”, yếu tính “Bí Tích Tình Yêu” của người Kitô hữu, và sứ mạng loan báo, làm chứng Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót của mọi chi thể của Thân Thể Giáo Hội  bằng sống yêu thương như Chúa đã yêu thương, bằng xót thương anh em để được Chúa thương xót, bằng tha thứ và cầu nguyện cho hết mọi người, kể cả kẻ thù và những kẻ ngược đãi, bách hại mình (x. Mt 5,44).

Chỉ như thế, và chỉ với tâm tình cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã “yêu thương chúng ta trước và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10), chúng ta mới được Chúa cho cảm nhận Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu đến cư ngụ trong tâm hồn và trong nhà mỗi người chúng ta, dù nhiều  lần chúng ta đã chẳng chịu mở cửa cho Ngài; Giáng Sinh là mầu nhiệm “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa loài người chúng ta” (Ga 1, 14) dù không mấy người đã chịu đón nhận Ngài (x. Ga 1,11); Giáng Sinh là mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa có mặt sống động với chúng ta “ở đây và lúc này” giữa một xã hội đầy xáo trộn, đe dọa, một thế giới ngập tràn thử thách, tai ương, một thời đại dầy đặc bóng tối bạo lực, nhưng dù có tồi tệ đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn vững một niềm tin yêu, tín thác ở Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người, vì “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5), bởi “điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3).

Jorathe Nắng Tím   

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...