Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

MÙA CHAY – MÙA “TRỞ VỀ – TRỞ XUỐNG” | Chuỗi Suy Niệm Mùa Chay 2022

TMĐP- Mùa Chay “Hiệp Hành” đợi chờ chúng ta “vừa trở về, vừa trở xuống với nhau”  để có thể hiệp thông, đồng hành cùng Giáo Hội .

Năm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào Mùa Chay đặc biệt, ở đó toàn thể Giáo Hội “đồng tâm nhất trí” lên đường “hiệp hành”, muà  mà mỗi người Kitô  hữu có cơ hội tìm hiểu kỹ lưỡng hơn ý nghiã của Trở Về.

Thực vậy, Mùa Chay là nhịp dừng để ngơi nghỉ, là trạm dừng để nhìn lại quãng đường đã đi qua, là dừng chân để rút kinh nghiệm cho hành trình còn dài thăm thẳm. Vì thế, ý nghiã “hiệp hành” của Mùa Chay năm nay cũng phải được đặt trong bối cảnh của thời thuận tiện để “dừng chân, trở về” hơn là sấn sổ lao mình xuống đường, vội vã đổ xô  lên đường, mà quên dừng chân, quên “trở về” như đòi hỏi nền tảng của hành trình đến với Thiên Chúa và tha nhân.

Trong tinh thần của Hiệp Hành ấy, chúng ta cùng  tìm hiểu ý nghĩa của dừng chân, trở về của Mùa Chay:

1/ Mùa chay là mùa “muốn trở về”:

Trước hết, Mùa Chay là mùa trở về mà việc làm đầu tiên chính là muốn trở về, bởi có muốn, người ta mới làm, bởi làm mà không muốn thì việc làm chẳng có giá trị và ý nghiã đạo đức, vì thiếu tự do. Hơn nữa, không muốn, người ta không thể đi đến cùng quyết định trở về, vì chọn lựa không xuất phát từ ý chí tự do, nhưng do một động cơ khách quan hay áp lực bên ngoài nào đó.

Vì thế, qua miệng ngôn sứ Giôen, Thiên Chúa kêu gọi dân Ngài: “Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2, 12).  “Hết lòng trở về” là trở về với tấm lòng, trở về với ý muốn mãnh liệt; là tự nguyện, tình nguyện trở về  như người con thứ hoang đàng trong Tin Mừng Luca đã tự ý đứng dậy, lên đường trở về nhà Cha sau tháng ngày ăn chơi, phung phá (x. Lc 15, 17-18).

Thực vậy, Thiên Chúa cần chúng ta trở về với tấm lòng, vì Ngài biết tự sức riêng,  chúng ta khó có thể trở về với Ngài, vì quanh ta luôn có nhiều thế lực ngăn cản đường về, nhất là thế lực của “cái tôi” kiêu căng, tự mãn,  nhưng một khi có tấm lòng, một khi hết lòng muốn trở về với Ngài, Thiên Chúa sẽ ban ơn phù trợ cần thiết, như kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Phaolô được chia sẻ với giáo đoàn Côrinthô: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người qủa quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Thế nên tôi rất vui mừng  và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi ” (2 Cr 12,7-9).

Cũng thế trên đường Mùa Chay “hiệp hành”, chúng ta cũng cần có tâm tình khiêm hạ tín thác vào sức mạnh của Thiên Chúa như thánh Phaolô, bằng hết lòng muốn trở về với Ngài, bằng một lòng muốn đứng dậy, lên đường trở về với Thiên Chúa là Cha nhân hậu, từ bi, bao dung đối với con cái mình.

2/ Mùa chay không chỉ là mùa trở về với Thiên Chúa, nhưng còn là mùa “trở về, trở xuống” với nhau:  

Các ngôn sứ đều loan báo chung một sứ điệp trở về với Thiên Chúa: “Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2,13).

Đến thời Tân Ước, tiếp nối các ngôn sứ của Cựu Ước, Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đức Giêsu đã đi xa hơn trên hành trình Trở Về khi trả lời câu hỏi của đám đông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3,10) sau khi nghe ông cảnh cáo: hình phạt sẽ đổ trên đầu, nếu họ không trở về với Thiên Chúa. Ông đã  khuyên răn họ phải trở về với Thiên Chúa bằng  trở về với tha nhân trên con đường bác ái: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy… Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta” (Lc 3,11.14).

Nếu Gioan đã hé mở đường trở về với Thiên Chúa chính là đường đến với anh em đồng loại, thì Đức Giêsu dứt khoát qủa quyết: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Ngài nhấn mạnh đến việc sám hối và tin vào Tin Mừng. Nhưng sám hối những lỗi lầm nào? Và đâu là nội dung của Tin Mừng phải tin?

Thưa lỗi lầm không chỉ là tội lỗi đối với Thiên Chúa, mà còn là lầm lỗi đối với người chung quanh khi làm tổn thương họ cách này cách khác, vì bất cứ  việc tốt xấu nào ta làm cho tha nhân, nhất là những người bé mọn là làm cho chính Chúa, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng Mátthêu khi mô tả ngày phán xét chung: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Thưa nội dung của Tin Mừng được gói trọn trong lời Đức Giêsu nói với các môn đệ thân tín của Ngài trước khi lên đường đi chịu chết “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy … Và đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,9-12).

“Ở lại trong tình thương của Thầy” là “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22,37) , và “yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” là trở về với nhau, như trở về với Chúa, vì  tội lỗi làm chúng ta xa Chúa và xa nhau, tội lỗi làm chúng ta xa nhau nên xa Chúa, bởi “ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).

Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu còn đi xa hơn khi công bố đòi hỏi phải trở về với anh em khi Ngài dạy: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23- 24).

Khi nói điều này, Đức Giêsu không chỉ bảo chúng ta phải trở về làm hoà với người anh em đang có vấn đề, dù chúng ta đã ở trong Đền Thờ, trên cung thánh, trước bàn thờ để dâng  của lễ lên Thiên Chúa. Ngài còn công khai  cho chúng ta thấy việc trở về  làm hoà với nhau là việc làm ưu tiên phải được thực hiện trước khi thi hành nghĩa vụ phụng thờ, tôn vinh Thiên Chúa. Nếu không, Ngài đã không bảo chúng ta “bỏ của lễ đó” dù chúng ta đã chỉnh tề, trang nghiêm chờ dâng lễ; nếu không, Ngài đã không truyền dậy chúng ta rời bàn thờ, ra khỏi nhà thờ, trở về khu xóm và tìm gặp cho kỳ được người anh em ta đang bận tâm hận thù, hiềm khích để làm hoà, dù giờ cử hành phụng vụ đã điểm, cộng đoàn phụng vụ đã an vị và nghi thức tôn vinh, chúc tụng Thiên Chúa đã sẵn sàng.

Dạy chúng ta phải trở về làm hoà với anh em trước, rồi trở lại dâng lễ , dù chúng ta đã đứng vào vị thế thánh thiện, uy nghiêm của mình “trên cung thánh, trước bàn thờ, bên của lễ”,  Đức Giêsu còn  dậy chúng ta phải “trở xuống” với anh em, nghiã là  phải rời bỏ chức vị cao sang, ngai toà uy nghi, hoành tráng; phải từ bỏ thái độ kẻ cả, người cầm quyền; phải trút bỏ phẩm phục lộng lẫy, chói sáng hào quang để xuống làm hoà với người anh em thuộc quyền, dưới trướng, thấp cổ bé họng, vô danh tiểu tốt, tầm thường, ngu dốt, lại đáng ghét hơn đáng thương, đáng khinh hơn đáng trọng duới mắt chúng ta, vì  họ đang ở trong tương quan “bất ổn, bất hoà , bất mãn” với chúng ta.

Thực vậy, Mùa Chay  “Hiệp Hành” đợi chờ chúng ta “vừa trở về, vừa trở xuống với nhau”  để trên dưới, ngang dọc, lớn bé, to nhỏ có thể hiệp thông, đồng hành, vì trong Giáo Hội còn tồn đọng không ít những lấn cấn, khúc mắc, những bất đồng quan điểm, những trái ý nghịch lòng, những bất mãn âm ỉ nhưng không ngừng lớn lên, lan rộng từng ngày, bởi  nếu chỉ coi Hiệp Hành  như cuộc tuần hành tự phát của đám đông ô hợp, hỗn độn, xô bồ kéo nhau xuống đường hô hóan om xòm, la ó inh ỏi, biểu dương lực lượng ảo, ở đó, Bề Trên không mặc lấy tinh thần khiêm tốn trở về của muà chay để  xuống với bề dưới, Mục Tử không mang lấy tinh thần trở về của muà xám hối để trở xuống với đám chiên dơ dáy, bẩn thỉu, lại ngang bướng, ương ngạnh, đấng Bản Quyền không muốn trang bị cho mình  tinh thần trở về gặp gỡ, giao hoà của Mùa Chay với  những thuộc cấp, thuộc quyền, thì con đường “Hiệp Hành” coi như đã bị cấm giao lưu, qua lại ngay từ  điểm khởi hành.

Tóm lại, sở dĩ Mùa Chay “Hiệp Hành” cần những bước chân “trở xuống” hơn những bước chân “trở về” ở giờ khởi hành, vì “trên cao” có trở xuống với “dưới thấp”, thì “dưới thấp” mới có cơ may trở về với “trên cao”, như Thiên Chúa đã từ trời cao xuống đất thấp làm người, con người mới được  phúc “trở về” với Thiên Chúa, cũng như người cha  có quả tim và trái gan lớn trong Tin Mừng Luca (x. 15 11-32) không sợ “mất mặt, mất thế” khi rời bỏ địa vị của  người cha uy quyền,  quên đi vinh quang của một ông chủ được mọi người trọng vọng đã khiêm tốn và qủa cảm “trở xuống” làm người cha ngày ngày ra đầu ngõ đứng đợi, ông mới thấy được bóng con “trở về” từ đàng xa trong niềm vui lớn của người cha  nhân hậu vừa ôm hôn con, vừa chia sẻ hạnh phúc khôn tả với mọi người: “vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).

Jorathe Nắng Tím

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...