Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Vọng

MÙA VỌNG – MÙA CỦA DẤU CHỈ | Suy Niệm TM CN I Mùa Vọng Năm C

TMĐP- Mùa Vọng trở về giữa thời Covid như dấu chỉ chẳng mấy tốt lành. Nhưng với niềm xác tín: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, và ý muốn thánh thiện của Ngài là yêu thương, cứu độ hết mọi người.

Mùa Vọng nghĩa là mùa trông chờ, mong đợi Đấng sẽ đến, Đấng ấy là Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng Thiên Sai mà dòng dã lịch sử Israel là Lời Loan Báo, Thời Chuẩn Bị

Loan báo niềm hy vọng vào tương lai của ánh sáng, bình an, tình yêu và ơn tha thứ được Thiên Chúa thực hiện cho con người và qua con người; loan báo thời kỳ cứu độ với “trời mới, đất mới, nhân loại mới” nhờ cuộc tử nạn của Thiên Chúa làm người.

Mùa Vọng cũng là muà chuẩn bị: chuẩn bị con đường Chuá đến, bằng thay đổi đời sống; chuẩn bị mái nhà Chúa ngự bằng biến đổi con tim; chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ  bằng cởi mở tấm lòng.

Nhưng để Mùa Vọng trở thành lời Loan Báo và thời Chuẩn Bị, Thiên Chúa  ban những dấu chỉ, và chính những dấu chỉ đã làm cho  Mùa Vọng ngập tràn niềm hy vọng,  chất ngất niềm vui, bởi những dấu chỉ được ban ấy  đã hé lộ hạnh phúc được Thiên Chúa  yêu thương, cứu chữa  cho một nhân loại phải sống trong ghen ghét, hận thù, dưới ách thống trị của tội lỗi và thần dữ, và mặc khải mùa hồng ân “được  Thiên Chúa thương xót” cho hết thảy những người hèn mọn, nghèo khó,  yếu đuối, bệnh tật biết kính sợ và trông cậy  vào Thiên Chúa nhân hậu, Đấng “luôn nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,55).

Khởi đầu Muà Vọng, Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy  sẽ có những dấu chỉ, là “những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao”, và dưới đất là  “cảnh biển gào sóng thét” (x. Lc 21, 25).

Trước những dấu chỉ mang tính kỳ lạ, khác thường, người ta có nhiều chọn lựa và thái độ khác nhau: có người tỉnh bơ, coi thường, bất chấp và tiếp tục sống như không có gì xẩy ra; người  khác “lo lắng, hoang mang”, “sợ đến hồn siêu phách lạc” (Lc 21,26); cũng có người cho rằng các dấu lạ là điềm báo “quyền lực trên trời sắp giáng trên địa cầu”(Lc 21,26), và cuộc sống con người sắp bị rút ngắn, nên tự cho phép  thả cửa “ăn chơi”, hưởng thụ cuộc đời, “chè chén say sưa” (Lc 21,34).

Bên cạnh những tâm trạng và thái độ trên là tâm tình và thái độ Đức Giêsu muốn những ai đi theo Ngài phải chọn và sống:

1/ Tâm tình của người  được giải thoát, cứu độ:

Trong tất cả bài đọc phụng vụ của chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta không thấy màn đêm thất vọng, bi quan hay bóng tối sợ hãi, bỏ cuộc. Trái lại, chính lúc những  dấu chỉ xem ra không mấy thuận lợi ồ ạt xẩy ra, thì “Con Người đầy quyền năng và vinh quang  ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27); vào thời mà nhiều biến cố làm xáo trộn cuộc sống “bất thần chụp xuống” lại là lúc “anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Tin Mừng khẳng định: sở dĩ người ta hoang mang, sợ hãi, buông xuôi, tuyệt vọng trước những dấu chỉ không phù hợp với ý riêng, sở thích, đam mê, vì trái tim họ không được Thần Khí của Thiên Chúa cự ngụ để có thể cảm nhận  qua những dấu chỉ công trình tốt lành sắp được thực hiện của Thiên Chúa, như phần đông dân Do Thái đã không nhận ra qua  sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia lời hứa của Thiên Chúa: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít”, và  “Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp” (Gr 33,15.16); cũng như phần đông người đương thời với Đức Giêsu dù đã được nhìn thấy những “điềm thiêng dấu lạ”  như “Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau” (Mt 8,16), truyền cho sóng gió yên lặng (x; Mt 8,23-26), hoá bánh ra nhiều (x. Mt 15, 32-39), biến nước lã thành rượu ngon (x. Ga 2, 1-10), họ vẫn không nhận ra “ Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 21,31).

Thực vậy, Thiên Chúa ban những dấu chỉ để chúng ta tin Ngài là Đấng Cứu Độ trung tín và nhân hậu, Đấng luôn giữ Lời Hứa thương xót, cứu chuộc và sẵn sàng mở lượng khoan dung với những ai tin vào Ngài. Vấn đề là chúng ta phải khiêm tốn nài xin Thần Khí  Thiên Chúa mở lòng, mở trí để mắt được nhìn thấy, và trái tim được cảm nhận “Chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 24, 5).

2/ Thái độ của người tôi tớ trung tín:

Hai đức tính cần thiết của người tôi tớ đáng được chủ tin tưởng, tín nhiệm là yêu mến gắn bó với chủ và tỉnh thức để sẵn sàng thực thi ý muốn của chủ bất cứ lúc nào.

Quả thực, đầy tớ trung thành không thể lạnh lùng, hờ hững với chủ như người xa lạ; cũng không thể lơ là, dửng dưng như kẻ bànq quan  không quan tâm  chăm nom, coi sóc, gìn giữ, vun xới gia nghiệp của chủ. Trái lại người tôi tớ được gọi là trung tín ấy phải biết và yêu mến chủ, đồng thời  phải rất tỉnh táo, bén nhạy,  năng động, xốc vác để bất cứ lúc nào chủ về, bất ngờ chủ cần đến,  bất thình lình chủ kiểm tra, đầy tớ ấy vẫn luôn sẵn sàng, “vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40), như Đức Giêsu đã căn dặn những ai muốn thuộc về Ngài.

Tin Mừng khởi đầu Mùa Vọng hôm nay mặc khải cho người môn đệ  thái độ cụ thể phải có, đó là: “đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28).

“Đứng thẳng” vì không sợ hãi, nhưng tuyệt đối tin tưởng vào Đấng Cứu Độ toàn năng đang đến cứu giúp, giải thoát  và  “ngẩng đầu” để  “nâng tâm hồn lên cùng Chúa”, cầu xin Ngài “đoái nhìn và xót thương” (Tv 24,1.16) như tôi tớ trung thành tín thác,  trông cậy vào lòng tốt của chủ mình.

Như thế, “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” chính là “luôn tỉnh thức và cầu nguyện  hầu đủ sức thoát khỏi khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36), tức “được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3, 13), bằng “san phẳng con đường dẫn chúng ta đến với anh em” (1 Tx 3,11),  bằng chan hoà, cởi mở với mọi người, và san sẻ, chia sớt cơm bánh với người cơ cùng, thiếu thốn .

Mùa Vọng năm nay trở về giữa thời Covid như dấu chỉ chẳng mấy tốt lành, không mấy khác cảnh “biển gào sóng thét” đã làm muôn dân lo lắng, hoang mang như Tin Mừng Luca kể lại. Nhưng với niềm xác tín: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, và ý muốn thánh thiện của Ngài là yêu thương, cứu độ hết mọi người, nên trước bất cứ dấu chỉ xấu tốt, lành dữ nào, chúng ta vẫn “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” tìm Chúa; đều cố gắng tỉnh thức làm theo ý Chúa và cầu xin “cho tình thương đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết” ( Tx 3, 12), để được Chúa phù trợ và ban ơn “bền tâm vững chí”, xứng đáng là người môn đệ thân thương, tôi tớ trung thành của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ vô cùng nhân hậu đã đến trong thế gian.

Jorathe Nắng Tím       

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...