Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

NGÀY TẬN THẾ | Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII Thường Niên, Năm B

TMĐP- Xin Chúa thương ban cho chúng con niềm hy vọng vào Lời Hứa và Lời Chúa căn dặn, để chúng con biết sống từng giây phút hiện tại với lòng trông cậy, phó thác tuyệt đối vào Chúa và luôn tỉnh thức.

Không biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe “tận thế sắp đến”, lại có những lần chúng ta được người này người nọ báo chính xác như “đinh đóng cột” ngày giờ tận thế, nhưng rồi vẫn chưa thấy ngày tận thế đâu, và chúng ta lại tiếp tục hồi hộp đợi chờ ngày kinh khủng ấy, ngày mà ngôn sứ Đanien gọi là “thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ” (Đn 12,1), và Tin Mừng Máccô  mô tả “ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa” (Mc 13,19). “Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” (Mc 13, 24-25).

Thực ra, không chỉ có chúng ta lo lắng, thắc mắc hỏi Chúa: “Khi nào thì ngày tận thế xảy đến?”, các Tông Đồ cũng đã nêu lên câu hỏi định mệnh này, như “lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ôliu, đối diện với Đền Thờ, các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê hỏi riêng Người: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13,3-4).

Sau hàng loạt những cảnh báo nào là  “Hãy coi chừng kẻo bị người ta lường gạt”, “sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy”, nào là  sẽ có giặc giã, chiến tranh, động đất, đói kém ở nhiều nơi, kể cả những truy lùng, bắt bớ, khổ hình sẽ đổ trên anh em và cảnh “cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (x. Mc 13,5-12), Đức Giêsu căn dặn các môn đệ của Ngài một số  điều quan trọng:

1. Đừng khiếp sợ

Ngài dặn các môn đệ: “Đừng khiếp sợ. Những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là chung cục” (Mc 13,7), và Đức Giêsu đã cho các môn đệ hiểu tại sao “đừng khiếp sợ”.

Đừng khiếp sợ, vì điều Chúa muốn các môn đệ Ngài phải làm ngay lúc này, và ở đây là Loan Báo Tin Mừng, chứ không  phải việc  lo lắng về ngày tận thế, như Đức Giêsu đã  khẳng định sau những  cảnh báo về  ngày gian nan: “Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được loan báo cho mọi dân tộc” (Mc 13,10), còn “về ngày hay  giờ ấy thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13, 32).

Vì loan báo Tin Mừng, nên Tin Mừng sẽ bảo đảm chắc chắn:  người loan báo Tin Mừng sẽ được vui mừng đứng trong hàng ngũ những người được Thiên Chúa “tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13,27) khi “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mac 13,26).

Đừng khiếp sợ vì “những kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mc 13,13). Bền chí nhờ tin vào Lời Hứa, tin vào ơn Thánh Thần, tin Thiên Chúa “là Đấng con tôn thờ, và bên Ngài con ẩn náu”, vì ngoài Chúa ra, không đâu là hạnh phúc” (Tv 15,1- 2). Đó là sự bền chí của những kẻ đặt hết niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót được Chúa Cha sai đến thế gian để xóa tội và cứu sống muôn người.

2.“Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi ” (Mc 13,29)

“Con Người” là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng ở giữa con người, và đang đứng ngay ngoài cửa nhà mỗi người, khi mùa xuân Cứu Rỗi trở về với cây lá “xanh tươi và đâm chồi nảy lộc” (Mc 13,28).

Như thế, Đức Giêsu không “đến gần, ở ngay ngoài cửa” để  truy lùng, bắt bớ, trừng phạt chúng ta, nhưng Ngài đến giữa mùa xuân rực rỡ Hồng Ân Cứu Độ ngay cửa nhà để gặp chúng ta, như lời Kinh Thánh: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3, 20).

Được Chúa đến nhà dùng bữa, và được  cùng  bàn với  Chúa, hỏi còn hạnh phúc nào lớn hơn?

Tất nhiên, chúng ta không tránh khỏi nỗi lo phải sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời, sống mỗi ngày như tận thế có thể xảy đến.

Vì biết chúng ta lo, Đức Giêsu đã trấn an chúng ta khi hứa: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); vì biết chúng ta sợ, Ngài bảo đảm: ở gần, ngay trước cửa nhà, để yêu thương, gìn giữ, cứu chữa chúng ta, dù mỗi ngày chúng ta sống là thời gian phải chiến đấu, mỗi bước mới trên hành trình cuộc đời chúng ta đi là mạo hiểm giữa bao thách đố, rủi ro, và mỗi khoảnh khắc sinh hoạt là dấn thân vượt qua rất nhiều nguy hiểm, trái ý nghịch lòng.

Xin Chúa thương ban cho chúng con niềm hy vọng vào Lời Hứa và Lời Chúa căn dặn, để chúng con biết sống từng giây phút hiện tại với lòng trông cậy, phó thác tuyệt đối vào Chúa và luôn tỉnh thức.

Sống trông cậy bằng bình an thi hành sứ vụ Loan Báo Tin Mừng; sống phó thác bằng luôn khao khát Chúa đến và ở lại trong tâm hồn; sống tỉnh thức bằng liên lỷ cầu nguyện như các thánh Tông Đồ “tề tựu ở một nơi” (Cv 2,1) và cùng nhau cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa “đậu xuống  từng người một” (x. Cv 2,2-3), để khi Đức Giêsu trở lại, chúng con được diễm phúc nghênh đón Ngài như người tình hạnh phúc trong Diễm Ca: “Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức; có tiếng người yêu tôi gõ cửa: “Mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, người bạn tình của anh, hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười.” (Dc 6,2).

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...