Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

NGÔN SỨ CỦA THIÊN CHÚA  | Suy Niệm Tin Mừng CN 14 Mùa Thường Niên, Năm B

TMĐP- Người Kitô hữu cần ý thức sứ vụ ngôn sứ của mình, và sống theo ơn gọi và thực thi sứ vụ ngôn sứ ấy trong đời sống.

Khi giữa dân xuất hiện một ngôn sứ, thì dân ấy thường là dân ngỗ nghịch, ương ngạnh đang phỉ báng, chống lại Thiên Chúa, và hầu như không  ngôn sứ  nào thoát khỏi  số phận bi thảm, đáng thương: bị dân khinh mạn, chế diễu, bạc đãi, xua đuổi, tẩy chay, triệt hạ, như Đức Giêsu đã không được gia tộc, đồng hương ân cần, niềm nở đón tiếp, khi Ngài về thăm quê Nadarét, vì “họ không tin”; cũng như sẽ bị các Thượng Tế, Kinh Sư và đồng đạo, đồng bào Do Thái lên án đóng đinh vào thập giá, vì họ không tin Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến, là Ngôi Lời, là Ngôn Sứ của Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chọn ngôn sứ giữa dân, và sai họ nói với dân những điều Thiên Chúa muốn nói, như Thiên Chúa phán với Êdêkien khi chọn ông làm ngôn sứ: “Hỡi con người, tất cả những lời Ta phán với ngươi, hãy ghi lòng tạc dạ và nghe cho tỏ. Rồi ngươi hãy đi đến với những kẻ lưu đày, đến với con cái dân ngươi và nói với chúng: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này”, dù chúng nghe hay không” (Ed 3,10-11).

Như thế, điều cần ghi nhận trước hết, đó là ngôn sứ được chọn để nói Lời của Thiên Chúa, dù dân có nghe hay không nghe, dù những người Thiên Chúa muốn cảnh tỉnh, cảnh cáo, khuyên dậy có đón nhận huấn lệnh và thánh ý  của Ngài qua trung gian ngôn sứ hay không, nên ngôn sứ là người chỉ biết truyền đạt cho dân điều Thiên Chúa dậy phải nói, mà không cần quan tâm đến những chuyện gì xảy ra sau đó, cũng như không sợ phải chịu nhiều thiệt thòi, thử thách vì nói Lời của Thiên Chúa, công bố cho dân ý muốn của Thiên Chúa.

Điều ghi nhận thứ hai là ngôn sứ chỉ xuất hiện khi cần và do Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa muốn dân quay đầu trở lại với Ngài, khi dân rắp tâm phản nghịch Ngài, nên ngôn sứ thường chỉ được sai đến khi dân không muốn nghe lời ngôn sứ, vì không muốn nghe lời Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã phán cũng với Êdêkien: “Nhà Ítraen không muốn nghe lời ngươi, bởi vì chúng không muốn nghe lời Ta: quả thật cả nhà Ítraen đều mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá. Này Ta sẽ làm cho mặt ngươi chai cứng giống như mặt chúng, làm cho trán ngươi chai cứng như trán chúng. Ta sẽ làm cho trán ngươi cứng như kim cương, cứng hơn đá. Ngươi đừng sợ chúng, có phải giáp mặt chúng cũng đừng khiếp, bởi vì chúng là nòi phản loạn” (Ed 2, 7-9).

Thật căng thẳng tương quan ngôn sứ và dân, khi ngôn sứ được sai đến nói với họ Lời của Thiên Chúa nhắn bảo, dạy dỗ; thật rủi ro cho số phận của ngôn sứ khi được sai đến giữa dân đang điên cuồng nổi loạn chống lại Thiên Chúa của mình; thật  khủng khiếp tai ương có thể đổ ập lên đời ngôn sứ, khi ông không được nói lời “a dua, đồng loã, mị dân” của mình, mà phải nói những lời đe loi cứng rắn, đanh thép của Thiên Chúa, để kéo dân ra khỏi lầm lạc, bội ước; và thật rùng rợn, kinh hãi hình phạt nặng nề ngôn sứ phải gánh chịu, như Thiên Chúa phán: “nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác đó biết, không nói để cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, cho nó được sống, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 3,18).

Thực vậy, ngôn sứ là người phải chịu rất nhiều đau khổ, vì trung thành thi hành sứ vụ nói lời Thiên Chúa cho dân, những lời “chói tai, nhức óc” làm người nghe nổi nóng, tức giận, vì đi ngược với điều xấu xa họ đang tìm kiếm, và ngược dòng với lối sống sa đọa họ đang ngụp lặn, đắm chìm.

Chính vì nhiều đe dọa, và đầy thử thách, mà nhiều người được chọn làm ngôn sứ đã không dám nhận sứ vụ, như ngôn sứ Giôna, vì biết “đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (Gn 1,2), như lời Thiên Chúa phán với ông khi sai ông đi, nên đã  xuống tàu, “trốn đi Tắcsít, tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3).

Thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại cũng đã trải nghiệm tâm trạng lo lắng, nao núng, sợ hãi và ý thức sự yếu đuối của mình  trước sứ vụ ngôn sứ đươc trao, như tâm sự ngài chia sẻ: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người qủa quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được  biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,8-10).

Ở thời đại mới hôm nay, Thiên Chúa sai chúng ta đến giữa lòng thế giới như những ngôn sứ, khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội. Với ơn gọi làm ngôn sứ, người Kitô hữu chúng ta được Chúa Thánh Thần thúc đẩy rao giảng Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu, kêu gọi mọi người tôn trọng quyền của Thiên Chúa, quyền của con người, nhất là quyền của những người nghèo đói, yếu đau, thất học; quyền của thai nhi vô tội; quyền của những người “thấp cổ bé miệng” bị kẻ có thế lực áp chế, lợi dụng, bóc lột; quyền của nạn nhân những chế độ độc tài phi nhân, của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, cuồng tín.

Ước gì tất cả các Kitô hữu ý thức sứ vụ ngôn sứ của mình, và sống ơn gọi ngôn sứ ấy trong đời sống, bởi bao lâu chúng ta chưa thực thi sứ vụ ngôn sứ của mình, bấy lâu chúng ta chưa thực sự là người có Đức Kitô, Ngôn Sứ của Thiên Chúa.

Jorathe Nắng Tím

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...