Connect with us

Hi, what are you looking for?

Giáo hội

NHẬN DIỆN “MỤC TỬ NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC” – PHẦN 03

4/ Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành:

Không ai là mục tử ngoài Đức Giêsu là Mục Tử duy nhất của một đoàn chiên duy nhất (x. Ga 10,16), vì tất cả chỉ là thừa tác sứ vụ mục tử của Ngài, nên rời xa Mục Tử duy nhất, các mục tử thừa tác sẽ như cành nho tách rời khỏi  cây nho và không sinh hoa trái như Đức Giêsu, Mục Tử duy nhất đã qủa quyết: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).

“Chẳng làm gì được”, vì không ở trong Ngài để được Ngài dậy trở nên “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” như Ngài khi chăn dắt đoàn chiên (Mt 11,29), vì Ngài là Mục Tử “đến không phải để được  người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” ( Mt 20,28); “chẳng làm  gì được”, vì không gắn bó thiết thân với Ngài là Mục Tử giầu lòng lòng thương xót để được lòng thương xót của Ngài chỉ cho biết mình mãi mãi là người có tội và bất xứng với sứ vụ chăn dắt đoàn chiên được trao phó, để tự thấy mình không chỉ cần lòng Chúa thương xót, mà cần cả lòng thương xót, cảm thông của từng con chiên mình phục vụ; “chẳng làm gì được”, vì không thao thức và nỗ lực trở nên giống Ngài là Mục Tử từ bi, nhân hậu, Đấng “cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3), nhưng tất tưởi “đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ” (Lc 15,4), nên chẳng ngại ngùng làm ngơ trước  bất hạnh của đoàn chiên, khốn quẫn của đám chiên nghèo, đau đớn của chiên bị hãm hại, tủi nhục của chiên bị lên án oan uổng, và  bế tắc, tuyệt vọng  của chiên bị trù dập bất công, bị tẩy chay, loại trừ cách phi nhân, bất chính; “chẳng làm gì được”, vì không học “chạnh lòng thương” như Ngài trước đoàn chiên không người chăn dắt, trước đám đông đi theo Ngài không có gì ăn (x. Mt 15,32), nên chẳng ngượng ngùng như thầy tư tế và thầy Lêvi được kể trong dụ ngôn “người Samari tốt lành” đã “tránh qua bên kia mà đi” (Lc 10,32.33), bỏ mặc người bị cướp trấn lột và đánh nhừ tử nằm thoi thóp nửa sống nửa chết bên đường (x. Lc 10,30); “chẳng làm gì được”, vì kiêu căng nghĩ mình đã đạt đích lý tưởng  và kiêu hãnh, kiêu kỳ vì vô số ảo tưởng, mà ảo tưởng nguy hiểm nhất chính là ảo tưởng thánh thiện, ảo tưởng toàn năng vì tự hào là người Chúa chọn. Chính ảo tưởng này biến mục tử thừa tác thành những kẻ giả hình, khi không còn lương thiện trong tư tưởng, lời nói, việc làm đối với đoàn chiên, vì lương tâm trong sáng của con người được chọn làm mục tử đã bị các thế lực trong ngoài, xa gần làm lu mờ, đui chột. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu đã nêu lên nguy cơ phá hoại, tiêu diệt  đoàn chiên do những mục tử giả hình này, mà mức độ tàn phá  có khi còn nhiều lần khủng khiếp hơn đám chăn thuê, và băng đảng trộm cướp (x. Mt 23, 1 – 36).

Không ai là mục tử ngoài Đức Giêsu, Mục Tử duy nhất,  nên cũng không ai có thể ngang ngược nhận mình là mục tử nhân lành, vì chỉ một mình Đức Giêsu mới đích thực là Muc Tử nhân lành như Ngài xác nhận: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15).

Đặc tính của Mục Tử nhân lành là biết rõ chiên. Biết đây không là biết qua loa, biết sơ sơ, biết chung chung, biết  đại loại, nhưng là biết từng con, “gọi tên từng con” (Ga 10,3). Gọi tên từng con chiên nói lên  tình yêu  thắm thiết, nồng nàn Mục Tử dành cho chiên. Bởi thế mấy ai dám nói mình biết chiên, yêu chiên như Mục Tử nhân lành này?

Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành đã so sánh tình yêu  Mục Tử của Ngài dành cho đoàn chiên như  chính tình yêu giữa Chúa Cha và Ngài. Đây là nền tảng của tình yêu ở Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu, khi yêu và biết rõ từng con  chiên mình chăn dắt như yêu và biết rõ  Thiên Chúa là Cha mình.

Vì thế, Mục Tử nhân lành không yêu chiên theo cảm tính, theo lý lịch nhân thân  của chiên nhưng yêu chiên vì yêu Thiên Chúa, yêu chiên như yêu Chúa Cha, để không như những người chăn chiên “không như lòng Chúa mong ước” chỉ tìm biết, tìm yêu những chiên béo tốt,  khỏe mạnh, chiên xinh xắn, dễ thương, chiên ngoan ngùy, dễ bảo, chiên có địa vị, thế lực, chiên năng nổ, được việc, chiên khéo nịnh, biết chiều, và chủ động làm thân, siêng năng qua lại, quan tâm chăm sóc, nhẹ nhàng trao đổi, sẵn sàng lắng nghe đám chiên được tuyển chọn kỹ lưỡng vì có lợi này.

Cũng vì yêu chiên theo cảm tính, những mục tử “không nhân lành” sẽ xa lánh đám chiên nghèo đói, ăn nói cục cằn, cộc lốc vì thiếu học, lại không “biết điều” cũng chẳng biết “phép tắc, lễ nghi  giao tiếp, cư xử”; thêm vào là  hoàn cảnh “mang nhiều tai tiếng và trái ngang” của chiên cũng là lý do không cho mục tử đến gần vì không có lợi, lại gây nhiều phiền phức, rủi ro cho bản thân và sự nghiệp, đường lên của mục tử.

Đặc tính sau cùng của Mục Tử nhân lành là “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15), và hy sinh này là hy sinh tự nguyện, bởi “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), vì “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), “để hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28), bởi ” đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18).

Như thế, những con người được Đức Giêsu tuyển chọn để thi hành tác vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài luôn được mời gọi nhớ mình cũng như đoàn chiên đều đã đi qua Cửa là Đức Giêsu giầu lòng thương xót để thi hành sứ vụ  mục tử thừa tác bằng liên lỷ học “thương xót” với vị Mục Tử duy nhất, bởi từ chối học Thương Xót  với Mục Tử giầu lòng thương xót  luôn chăn dắt đoàn chiên bằng tình yêu thương xót, và chỉ lấy lòng thương xót mà uốn nắn, đổi mới,  thánh hoá chiên, mà tuyệt nhiên không bao giờ xử dụng “mưu hèn kế bẩn” của ganh ghét, dối trá, bạo lực để thống trị, biến chiên thành nô lệ, tù nhân trong “ngục tù thần quyền” của mình.

Những con người được thánh hiến để trở thành cộng sự viên của Mục Tử nhân lành là Đức Giêsu này còn phải tâm niệm mình phải trở nên nhân lành hơn mỗi ngày: nhân lành trong tâm tư, lời ăn tiếng nói, trong  thái độ, hành xử. Tắt một lời, các vị không cố gắng trở nên “nhân lành” bằng trang bị cho mình tấm lòng biết xót thương, trái tim quảng đại quên mình, tinh thần bao dung, độ lượng đối với đoàn chiên của Chúa trao phó, thì đừng mong được gọi là mục tử như lòng Chúa mong ước, cũng khó có thể được “chiên nghe tiếng mình”, vì chiên không còn nhận ra tiếng các vị, bởi  các vị đã trở thành người xa lạ với đoàn chiên do cạn kiệt lòng thương xót là lương thực cho chiên được sống. “Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng của người lạ” (Ga 10, 5).

Vì thế, mục tử sẽ không nghe tiếng chiên, đoàn chiên không nghe tiếng mục tử khi lòng thương xót không còn, vì cửa vào ràn chiên đã đón nhận cả hai là “cửa lòng Thương Xót”, và nguyên lý hiệp nhất giữa mục tử và đoàn chiên cũng như giữa chiên với nhau là tình yêu thương xót  của trái tim Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, mà bất cứ thành viên nào thuộc Giáo Hội của Ngài đều phải cố gắng học với Ngài để trở nên thương xót như Ngài.

5/ Thái độ của chiên trước những mục tử không như lòng Chúa mong ước:

Chiên vốn nhút nhát, hay sợ sệt, nên không theo người lạ, nhưng chạy trốn (x. Ga 10,5). Gặp phải kẻ trộm cướp, chiên còn hốt hoảng  biết bao, như “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12).

Thế nên, đoàn chiên mà gặp phải chủ chăn hung hăng, dữ tợn, huyênh hoang, khoác lác, thủ đọan, mưu đồ, gian ngoa, ích kỷ thì coi như “tàn úa một đời chiên”, bởi chiên ngây ngô, khờ dại, lại đơn sơ, tuyệch toạc nên cần một chủ chăn đầy tình yêu thương, rộng lòng thông cảm mới có thể sống bình yên, vì biết mình được tình thương của chủ chăn bao bọc, được lòng thương xót của mục tử chăm sóc, chữa lành, được tâm hồn cởi mở, qủang đại, nhẫn nại của đấng Thiên Chúa sai đến giáo huấn, đổi mới, xây dựng.

Vấn đề ở đây là nếu  chẳng may rơi vào tình trạng chủ chăn không có lòng xót thương mà bỏ bê chiên, coi thường chiên, lừa dối, lợi dụng chiên, dùng chiêu làm hại chiên, lấy quyền đàn áp, khống chế chiên như tình trạng những kinh sư và người Pharisêu là những chức sắc nắm quyền qủan trị dân Chúa đã “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta” (Mt 23,4), thì chiên sẽ phải có thái độ nào?

Quan sát khắp đó đây, quanh những tương quan căng thẳng giữa chủ chăn và đoàn chiên, hay một số con chiên,  chúng ta thấy có rất nhiều phản ứng khác nhau: có những chiên quyết “ăn thua đủ” với chủ chăn bằng “làm cho ra chuyện”, dù có bị giáo quyền cấp cao can thiệp  làm khó dễ; có những chiên không dám ra mặt, nhưng kín đáo mượn tay người khác tung hê, khai quật, phát tán mọi bí mật có sức làm vỡ toang chủ chăn cho bõ ghét, hả giận; có những chiên vốn dĩ hiền lành đành câm nín chịu đựng mọi  thiêt thòi cho trăm bề được yên; có những chiên không chấp nhận cho “chìm xuồng” những bất công, bất chính gây ra bởi chủ chăn, nhưng khôn khéo tìm cách sửa chữa, hàn gắn đổ vỡ vì ý thức lợi ích của cộng đoàn; và rất nhiều những con chiên chọn thái độ bất hợp tác: “không thấy, không nghe, không biết, không làm”; bên cạnh là những con chiên mất hoàn toàn niềm tin vào chủ chăn, từ đó, tách rời Đức Giêsu khỏi  Giáo Hội, vì không thể chịụ đựng những lạm dụng qúa đáng của cơ cấu Giáo Hội.

Chẳng thế mà có cha đã can đảm nói với giáo dân: “Anh chị em  mất đức tin không hoàn toàn do lỗi của anh  chị em, nhưng trước hết do lỗi của chúng tôi, linh mục và tu sĩ đã không làm chứng như  Thiên Chúa đòi hỏi qua sứ vụ của mình, lại còn làm nhiều  gương mù gương xấu”.

Câu nói đầy khiêm tốn và chân thành của cha đã trả lại cho biết bao tâm hồn niềm tin vào Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài với những con người bất toàn, tội lụy được trao phó sứ vụ chăn dắt như kho tàng quý giá lại chứa đựng trong những bình sành “dễ vỡ” để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi như thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Côrinthô (2 Cr 4,7).

Thực vậy, nếu chúng ta tin Giáo Hội là mầu nhiệm Đức Kitô, thì chúng ta không có lý do nghi ngờ quyền năng phi thường của Thiên Chúa hằng hoạt động và can thiệp trong Giáo Hội của Đức Kitô. Bằng chứng là qua hơn hai ngàn năm, với bao phong ba bão táp, thử thách từ bên ngoài, và tiềm tàng sẵn bên trong, Giáo Hội Đức Kitô vẫn đứng vững và vẫn là Nhà của Thiên Chúa cho mọi người được nương náu, yêu thương, cứu độ.

Vì thế, chúng ta được mời gọi chọn thái độ của Tin Mừng trước những  nghịch cảnh rất đắng đót, đầy thách đố vừa được nêu trên. Đó là:

a. “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,8), mà Lề Luật chính là Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Rm 13,8.9).

Khi ý thức món nợ đức ái phải trả cho nhau, chúng ta loại trừ khả thể làm hại nhau, vì người thân cận “gần gũi chúng ta hơn cả” chính là những người đã cùng chúng ta đi qua Cửa Thương Xót  là Đức Giêsu để vào ràn chiên làm thành Giáo Hội. Vì cùng đi qua Cửa Thương Xót, mà không là cửa  nhân thân, gia thế, thành phần, địa vị, số má … nên tất cả đều chung một mẫu số yêu thương và chung một  Lời Hứa, đó là  “được  hạnh phúc trong Thiên Chúa là Tình Yêu” khi chu toàn giới luật Yêu Thương  của Ngài (x.Ga 13,34).

b. Sự Thật nào cũng phải gắn liền với Đức Mến:

Tự mình sự thật không thể giải phóng, vì một mình đơn độc, sự thật sẽ trở nên cay đắng, nhẫn tâm, tàn ác, trói  buộc, giam cầm; một mình trơ trọi, sự thật sẽ  trần trụi, trâng tráo, trơ trẽn; một mình xuất hiện, sự thật sẽ vô cảm, lạnh lùng, tàn phá; một mình lên tiếng, sự thật sẽ tàn bạo, hung dữ,làm tổn thương, nhưng khi song hành với tình yêu, sự thật sẽ giải thoát, tháo gỡ gông cùm; khi đi bên cạnh lòng thương xót, sự thật sẽ chữa lành, làm cho mạnh mẽ; khi kề vai sát cánh với tình thương, sự thật sẽ mang lại bình an, vì “Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7).

Chính nhờ Đức Mến mà chúng ta cùng cầu xin với “Cha chúng ta trên trời” (Mt 6,9); nhờ Đức Mến mà chúng ta “đồng tâm nhất trí với nhau” (Rm 12,16), dù ý kiến có khác nhau, nhận định có đối chọi, và sự thật con người của nhau có tồi tệ, bệ rạc; nhờ Đức Mến mà trong tương quan giữa các phẩm trật, giữa chủ chăn với đoàn chiên, chúng ta “không để cho sự ác thắng được mình, nhưng lấy thiện mà thắng ác”  (Rm 12,21).

c. Việc xét xử, thưởng phạt thuộc về Thiên Chúa:

Thánh Tông Đồ dân ngoại căn dặn: “Đừng lấy ác báo ác”, cũng “đừng tự mình báo óan”. “Trái lại kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống ..” (Rm 12 17.19. 20).

Như thế, với kẻ thù ta  còn phải thương xót, huống hồ với người trong nhà, với chủ chăn, đoàn chiên cùng một ràn, với các chi thể của cùng một thân thể.  Đàng khác, vì “tất cả chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,12), nên điều khôn ngoan cần phải làm ngay từ bây giờ, chính là “thương xót người, để được Thiên Chúa xót thương” (x. Mt 5,7), tha thứ cho  người để được Thiên Chúa rộng lượng thứ tha, như Đức Giêsu đã qủa quyết: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15), vì trước Tôn Nhan Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân và bất xứng.

d.Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người (Rm 8,28):

Nếu chúng ta tin Đức Giêsu là Mục Tử duy nhất, tối cao, và “ở lại” với chúng ta trong Giáo Hội của Ngài cho đến tận thế (x. Mt 28,20) thì cớ  gì chúng ta phải ngã lòng, thất vọng từ bỏ Giáo Hội, khi phải đối mặt với những mục tử thừa tác thoái hóa, không như lòng Chúa mong ước?

Bởi Giáo Hội là Giáo Hội của Đức Giêsu,  đoàn chiên là đoàn chiên của Ngài, nên chúng ta thuộc về  Ngài, có Ngài là Đấng thấu suốt mọi nỗi oan ức, thiệt thòi; có Ngài là Đấng bênh vực, chở che; có Ngài là Đấng chúng ta thở than, bày tỏ cõi lòng, kêu cầu ơn trợ giúp; có Ngài là Đấng sẽ cho chúng ta “Đất Hứa làm gia nghiệp”, cho chúng ta được ủi an, thỏa lòng, cho chúng ta được nhìn thấy và làm con Ngài, và phần thưởng Ngài dành cho chúng ta trên trời sẽ thật lớn lao (x. Mt 5,3-5.8-12).

Tắt một lời, Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự, mọi hoàn cảnh dù bên ngoài là ê chề thất bại, ô nhục đắng cay, tan tành sụp đổ nên lợi ích  cho hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của  chúng ta, cũng như nên ơn hoán cải, đổi mới “những người sỉ vả, bách hại, vu khống đủ điều xấu xa” cho chúng ta (Mt 5,11), vì chúng ta yêu mến Ngài và qủang đại “yêu thương, cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (Mt 5,44), vì đó là điều Thiên Chúa muốn.

e. “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm (Mt 23,3):

“Tất cả những gì họ nói” phải được hiểu là những gì là Lời Chúa, khi những mục tử dù không như lòng Chúa mong ước, nhưng nhân danh Đức Giêsu và Giáo Hội rao giảng, như “các kinh sư và các ngươi Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy” (Mt 23,2).

Đức Giêsu cho chúng ta một nguyên tắc: nghe lời Chân Lý họ dậy, nhưng không làm theo họ, vì họ nói mà không làm, dậy người khác nhưng không sống điều mình dạy.

Nguyên tắc này không cắt đứt tương quan, không đọan tuyệt quan hệ giữa chiên và chủ chăn không xứng đáng, nhưng giữ  liên đới để từ liên đới sứ vụ được duy trì ở mức cần thiết, ơn đổi mới  sẽ đến với người cần được đổi mới, cũng như ơn hiệp nhất sẽ được Thiên Chúa tuôn đổ tràn trề vào giờ khắc Thiên Chúa muốn, như  những chum nước lã nhạt nhẽo  khi giờ Ngài đến và qua lời cầu bầu của Đức Maria,  Ngài đã biến thành rượu ngon làm ấm áp tim người, và  tươi trẻ tuổi thanh xuân của đôi tân hôn ở tiệc cuới Cana (x.Ga 2,1-11) như sách Huấn Ca đã viết: “Rượu đã được tạo thành cho người ta phấn khởi. Tâm hồn sung sướng, lòng dạ hân hoan” (Hc 31,27.28).

[ Mời quý bạn hữu đón đọc tiếp phần 04 ]

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...