Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Thường Niên

NHẬN RA ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Thường Niên, Năm A

TMĐP- Khởi đầu mùa thường niên, phụng vụ Lời Chúa mở cho chúng ta con đường trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu bằng chiêm ngưỡng Ngài để biết Ngài.

Như Gioan Tẩy Giả đã thấy Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”; đã thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người ”, và như Gioan, người môn đệ của Đức Giêsu sẽ lên tiếng trước muôn dân: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng  Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 29.32.34).

Trước hết, ngôn sứ Isaia từ thời Cựu Ước đã loan báo Đức Giêsu là người tôi trung của Thiên Chúa, Đấng sẽ biểu lộ vinh quang của  Chúa Cha, khi quy tụ dân Ítraen bị lưu đầy từ khắp nơi  chung quanh Ngài (x. Is 49,3.5).

Không chỉ là người tôi tớ trung tín của Giavê Thiên Chúa, Đức Giêsu còn là Ánh Sáng cho dân ngoại như sấm ngôn của Isaia: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6).

Thực vậy, Đức Giêsu đã thực hiện sứ vụ quy tụ nhà Ítraen và  là ánh sáng  cứu độ  muôn dân, bằng trở nên Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, nghĩa là trở nên Của Lễ đền tội cho toàn thể nhân loại.

Sở dĩ Đức Giêsu đã tự nguyện trở nên Chiên gánh tội thiên hạ, Chiên xóa tội trần gian, vì đây là chương trình của Thiên Chúa, Cha Ngài, Đấng đã “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), và để con người được sống, thì chính Con Thiên Chúa phải chết để chuộc lại sự sống đã mất vì tội lỗi ở loài người.

Thánh vịnh 39 đã lột tả tâm tình của người con một lòng  yêu mến  và tuyêt đối vâng phục Cha mình là Thiên Chúa: “Lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến!” vì “trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lậy Thiên Chúa của con” (Tv 39, 7-8).

Tuy cùng được nghe các ngôn sứ loan báo về  Đức Giêsu, và được tận mắt  thấy Ngài yêu thương, chữa lành, cứu sống; được nghe Ngài giảng dậy; được ở gần và  chạm vào Ngài, nhưng không phải ai cũng thấy và nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; không phải người nào cũng chân thành đón nhận lời Ngài dạy và quảng đại đi theo làm môn đệ Ngài.

Rất nhiều người đồng thời với Đức Giêsu đã không thấy Đức Giêsu ở giữa họ và tiến về phía mình, như Gioan Tẩy Giả đã thấy; và nhiều hơn nữa những người tuy thấy những phép la Ngài làm, và nhận được lòng thương xót  của Ngài, nhưng lại không đủ khiêm tốn nhận mình là kẻ chịu ơn, khác với Gioan ngay cao điểm của thời “hoàng kim” được mọi người suy tôn, thần tượng  cũng vẫn một mực  công khai nhận mình “chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23), và khiêm hạ qủa quyết: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27), vì “Người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30), và “chính Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34).

Vâng, là môn đệ của Đức Giêsu, người Kitô hữu phải liên lỷ chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong đời sống để nhận ra Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, hầu có thể sống ơn gọi làm chứng nhân của mình.

Ơn gọi chứng nhân là ơn gọi nên thánh, và là ơn gọi phổ quát cho hết mọi người, không phân biệt màu da, tiếng nói, trình độ, hoàn cảnh… như thánh Phaolô khẳng định:  Đó là “những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô,  là Chúa của họ và của chúng ta” (1 Cr 1,2).

Jorathe Nắng Tím

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...