Connect with us

Hi, what are you looking for?

Mùa Chay

SA MẠC  MÙA CHAY | Chuỗi Suy Niệm Mùa Chay 2022

TMĐP- Như dân Chúa xưa trên đường về Đất Hứa đã nhiều năm đi qua sa mạc, người Kitô hữu cũng phải đi qua những sa mạc do tội lỗi của chính mình.

Sa mạc là hình ảnh đậm nét trong Kinh Thánh không chỉ vì sa mạc là nơi Thiên Chúa kêu gọi con người, mà còn là hành trình Thiên Chúa đi với và biểu hiện  lòng thương xót đối với dân Ngài.

Trong Cựu Ước, chúng ta gặp được rất nhiều sự kiện xảy ra trong sa mạc, như   ông Giuse, con tổ phụ Giacóp  bị các anh, vì  ganh ghét đã  “ném xuống cái giếng kia trong sa mạc”  (St 37,22) trước khi bán em cho đám lái buôn người Ítmaen,  hay ông Môsê đang khi dẫn đàn chiên của bố vợ “qua bên kia sa mạc”, thì được “Thiên Sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây”, và “từ giữa bụi cây, Thiên Chúa gọi ông” (Xh 3,1-2.4), sai ông đến với Pharaô để đưa dân Ngài là con cái ítraen ra khỏi Ai Cập, và suốt hành trình dài bốn mươi năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã ở với, đồng hành, yêu thương, che chở, dẫn dắt, và giáo huấn dân Ngài.

Trong  Tân Ước, khởi đầu thời công bố Nước Trời là sự việc “Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong sa mạc miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1-2); tiếp theo là “Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào sa mạc, để chịu qủy cám dỗ” (Mt 4,1). Cả hai đều là những sự kiện quan trọng tô đậm hình ảnh sa mạc trong đời sống Kitô hữu của chúng ta hôm nay.

1/ Sa Mạc ngày xưa  là nơi Thiên Chúa đã tìm kiếm, xây dựng, đào tạo dân Ngài:

Tìm kiếm người lãnh đạo dân trong sa mạc và đưa dân từ đất nộ lệ vào sa mạc, Thiên Chúa Giavê đã cho sa mạc một tầm quan trọng trong chương trình cứu độ của Ngài, khi chọn sa mạc làm nơi tìm kiếm, xây dựng và đào tạo dân bằng sự hiện diện đồng hành của chính Ngài.

Thiên Chúa đồng hành với dân bằng ở giữa dân, đi trước dân như “ông Môsê đã gọi ông Giôsuê lại, và nói với ông trước mặt toàn thể Ítraen: “Mạnh bạo lên, can đảm lên!” Chính anh sẽ cùng dân  này vào đất Đức Chúa đã thề với cha ông họ rằng Người sẽ ban cho họ; chính anh sẽ cho họ hưởng đất ấy làm gia nghiệp. Chính Đức Chúa đi trước anh, chính Người sẽ ở với anh; Người sẽ không để mặc, không bỏ rơi anh. Đừng sợ, đừng hãi!” (Đnl 31,7-8).

Ngài không chỉ đồng hành bằng sức mạnh uy hùng khi “xô xuống lòng biển tướng dũng với binh hùng” của Ai Cập (x. Xh 15,1-21), mà còn đi với dân như người mẹ hiền chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của đàn con, khi phán với Môsê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn” (Xh 16,4), “Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thỏa thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 16,12).

Trong sa mạc, Thiên Chúa  còn đồng hành để giáo huấn, dạy dỗ dân Ngài như đã phán: “Ta đã nói với con cái chúng trong sa mạc: các ngươi đừng tuân theo quy tắc của cha ông các ngươi, cũng đừng tuân giữ những phán quyết của chúng và đừng để mình ra ô uế vì các ngẫu tượng của chúng. Chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các nguơi; các ngươi hãy tuân theo các quy tắc, hãy tuân giữ và  thi hành các phán quyết của Ta” (Ed 20,18-19).

Và mục đích của công trình tìm kiếm, xây dựng, giáo huấn ấy chính là  để dân biết thờ phượng Ngài như lời Đức Chúa nói với Môsê, khi sai ông đi gặp Pharaô: “Đức Chúa, Thiên Chúa của người Hýpri, đã sai tôi nói với bệ hạ: Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi thờ phượng Ta trong sa mạc” (Xh 7,16).

2/ Sa mạc ngày nay là nơi Thiên Chúa thanh luyện chúng ta:

Sa mạc ngày xưa là sa mạc “địa lý”:  ban ngày thì nắng cháy da, ban đêm thì tăm tối, lạnh lẽo, nhưng có “Đức Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng” và sưởi ấm, nên dân “có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm” (Xh 13,21);  sa mạc ngày nay là sa mạc tâm hồn, không định vị trên bản đồ địa lý, nhưng không hẳn bớt nóng, kém lạnh, ít tối tăm hơn sa mạc địa lý năm xưa, ở đó, dân Chúa đã nhiều phen kêu trách Môsê: “Chúng tôi sẽ lấy gì mà uống?”, “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó và vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 15,24 ; 16,3).

Sa mạc ngày xưa là chiến địa với những cuộc giao chiến giữa dân Chúa và các dân “thù nghịch” “bằng xương bằng thịt” (x. Xh 17,8-16), nay sa mạc là chiến địa  tâm hồn, ở đó diễn ra những cuộc giao chiến vô hình, không nắm bắt được quân số, lực lượng địch quân, không nhận diện được chính xác kẻ thù, nhưng không vì thế mà kém cam go, khốc liệt.

Sa mạc ngày xưa đã chứng kiến cảnh tượng làm đau lòng Đức Chúa, khi ông Aharon nói với dân: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi”. Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông Aharon. Ông lấy vàng từ tay họ trao cho , đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói: “Hỡi Ítraen, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập  …”. Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi” (Xh 32,2-5.6). Vì thế, Đức Chúa đã phán với Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi … Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ” (Xh 32,7.9); sa mạc hôm nay cũng không thiếu những cảnh tượng vô ơn, phản bội tương tự hằng ngày  xảy ra trong tâm hồn, khi tình yêu không còn đủ sức  chung thủy, niềm tin mất khả năng hy vọng vào Lời Hứa, và đường về Nước Trời ngày càng lắm chông gai lạc thú,  nhiều chướng ngại vật chất, danh vọng.

Thực vậy, đời người Kitô hữu khó có thể tách khỏi sa mạc, như đời ông Môsê đã  gắn bó, quấn quýt với sa mạc cho đến ngày ông chết  ở Môáp (x . Xh 34,1-8). Cũng thế, Giáo Hội là Dân Chúa lữ hành không thể rời bỏ sa mạc là nơi Thiên Chúa chọn để  đào tạo, “thanh tẩy, thánh hoá”” để có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 26.27).

Vì thế, ý thức sa mạc năm xưa của Môsê và dân Chúa tuy không định vị  trên bản đồ, nhưng  vẫn còn đó, vẫn đầy đủ những thách đố, thử thách như ông Gióp, người tôi trung của Thiên Chúa đã trải nghiệm qua lời kể của một người chạy đến báo  cho ông tin dữ: “Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ còn mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay” (G 1, 18-19), chúng ta sẽ  tìm được bình an  khi trong cuộc đời có những lúc “phải lang thang trong sa mạc không lối thoát” (G 12,4) và như ông Gióp, chúng ta sẽ khiêm tốn, tín thác “sấp mình xuống đất, sụp lậy và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1, 20 -21).

Ý thức Ítraen năm xưa lưu lạc trong sa mạc nhiều bão tố trong ngoài  cũng là nhận ra Giáo Hội hôm nay với nhiều khủng hoảng nội bộ và đối kháng từ tứ phía để tuyệt đối  tin vào ơn thanh luyện, đổi mới của Thiên Chúa, Đấng “biến sa mạc thành hồ ao, và hoang địa khô khan nên nguồn suối” (Tv 106,35), và  “bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng” (Is 32,15).

Ý thức sa mac năm xưa là nơi con chiên mang trên lưng mọi tội lỗi của con cái Ítraen bị xua đuổi vào, như sách Lêvi đã quy định: “Con chiên sẽ mang trên mình mọi lỗi lầm của chúng vào sa mạc”  (Lv 16,22), chúng ta mới  chân nhận giá trị của sa mạc tâm hồn, nơi Đức Giêsu đã đi vào với gánh nặng tội lỗi của toàn thể nhân loại, cũng là nơi mỗi người được mời gọi đi vào để có thể  “trở về” với Đức Giêsu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng  xóa tội trần gian”  (Ga 1,29).

3/ Đi với Đức Giêsu vào sa mạc tâm hồn:

Để đạt mục đích “trở về và  thờ phượng Thiên Chúa”, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta đi với Ngài vào sa mạc tâm hồn để tập từ bỏ những thói quen hằng ngày, mà đa phần đều nhắm thoả mãn nhu cầu sở hữu, hưởng thụ, thống trị để học với Ngài “đói khát Thiên Chúa”; đi với Ngài vào sa mạc tâm hồn để nhận ra căn bệnh hiểm nghèo Kiêu Căng đã đến thời di căn đang làm tổn thương nặng nề cả Thiên Chúa, tha nhân và  bản thân mình, mà chỉ “Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4) mới chữa trị được; đi với Ngàì vào sa mạc tâm hồn để nhận diện ma qủy không chỉ là tên nói dối, đứa  lừa phỉnh (x. St 3,1) , mà còn là kẻ tố cáo (x. Dcr 3,1) luôn tìm cách gieo nghi ngờ, chia rẽ; đi với Ngài vào sa mạc tâm hồn để tìm về ước vọng thâm sâu của con người là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối; đi với Ngài vào sa mạc tâm hồn để không còn hoang mang dù đường về xa tít tắp, và lữ khách có lúc dường như mất phương hướng, lạc đường, vì xác tín một điều: không ai vào sa mạc với Đức Giêsu mà không được Thần Khí dẫn lối, chỉ đường (x. Mt 4, 1).

Vâng, như dân Chúa xưa trên đường về Đất Hứa đã nhiều năm dài đi ngang qua sa mạc, người Kitô hữu hôm nay cũng đang đi giữa sa mạc trên đường về Nước Trời. Người Kitô hữu phải đi qua những sa mạc do tội lỗi của chính mình, do thiếu sót của nguời thân, do gương mù gương xấu của đấng bậc có trách nhiệm qủan trị giáo xứ, giáo phận, giáo hội hoàn vũ; bên cạnh là  những sa mạc do thế lực thần dữ tạo nên, và cả những sa mạc do Chúa chuẩn bị và dẫn vào, vì đó là nơi trú ẩn an toàn trước những nguy hiểm,  như khi bị vua Saun truy lùng tìm giết,  Đavít đã trốn vào sa mạc, “ở trong sa mạc, trên các đỉnh núi; ông ở trong núi, trong sa mạc Díp. Trong suốt thời gian ấy, vua Saun tìm ông, nhưng Thiên Chúa không trao ông vào tay vua” (1 Sm 23,14). Đó cũng là nơi Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta  trở vào như Chiên gánh tội mình và lầm lỗi của anh em suốt mùa chay cuộc đời Kitô hữu.

Jorathe Nắng Tím          

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...