Connect with us

Hi, what are you looking for?

Suy niệm lời Chúa

SẮC XUÂN YÊU THƯƠNG  

TMĐP- Với lòng bác ái quả cảm, với trái tim bao dung, thương xót và tâm hồn quảng đại, hy sinh, chúng ta theo Chúa bước vào năm mới, đến với mọi người, đến với kẻ thù, cũng là bước vào tuổi xuân tươi trẻ, xinh đẹp, tràn đầy sức sống và bình an của Thiên Chúa, là Chúa của muà xuân thiên đàng.

Còn bé thì mong lớn, nhưng lớn rồi lại lo già, vì chỉ khi đã có “tí tuổi”, người ta mới nhận ra sức mạnh có thể xây dựng mà cũng có thể tàn phá của thời gian.

Không kể vô số những giới hạn trói buộc con người như sức khỏe, trí tuệ, gia cảnh, môi trường xã hội, ai nấy còn chịu chung sự khống chế của  sức mạnh thời gian, khi thời gian không cho con người bất tử; thời gian làm phôi pha, tàn tạ nhan sắc; thời gian khép lại những thao thức, ước mơ, kế hoach, công trình; thời gian bắt đôi chân phải dừng lại trên hành trình làm người còn dang dở. Nhưng ray rứt  hơn cả, chính là thời gian càng trôi qua, càng làm lòng người nặng hơn gánh sầu.

Trước gánh sầu mỗi ngày mỗi nặng hơn của đời người, nhà Phật khuyên buông bỏ, bởi buồn là do chấp nhất, khổ là do không đủ hỉ xả, từ bi để  quên đi nỗi đau bị tổn thương, nỗi nhục bị xúc phạm. Buông bỏ để tâm hồn thảnh thơi, thong dong, nhẹ nhõm. Nhờ thế mà lòng dạ không đau vì không giận dỗi, ruột gan không nhức nhối vì không màng đến chuyện báo óan, trả  thù.  Nhà Chùa còn dậy kinh  “Đại Phước Đức” với ba mươi tám chià khoá để có hạnh phúc, để  dòng đời không chao đảo, sóng gió, để kẻ xấu ác không thể làm hại, để tránh chuốc vào mình những bất trắc, tai ương.

Photo credit: Arist Nguyen- VietNam

Sở dĩ nhà Phật dậy buông bỏ, vì muốn giải thoát con người khỏi cảnh khổ của đời làm người, mà ngày qua ngày, những tham sân si của chính mình và của người khác  không ngừng làm nên một “dòng chảy thời gian” đầy những oan khiên, sầu khổ, muộn phiền, biến cuộc sống thành bể khổ trầm luân. Nói cách khác, con người càng sống, gánh khổ càng nặng; càng sống lâu, bất hạnh càng chất cao  ngất ngưởng, nên thêm một tuổi là già hơn vì khổ, đón một mùa xuân mới là đi thêm một bước vào mùa đông tàn tạ.

Thực vậy, ai cũng ý thức hạnh phúc bản thân đến từ niềm vui được trẻ đep, khỏe mạnh, được yêu thương và “hằng ngày dùng đủ” cơm ăn áo mặc. Vì thế mọi nguời hối hả tìm đạt niềm vui ấy. Nhưng kết qủa thường không như ý, và nhiều người đã thất vọng buông xuôi, để đời mình trôi giạt tự do trên dòng thời gian vô nghĩa.

Nếu Đức Phật đã thương con người đau khổ, thì Đức Giêsu không những thương, mà còn tự nguyện bỏ trời cao, bỏ ngai toà Thiên Chúa  xuống làm người để chia sẻ đời khổ ấy với con người, bằng sống như con người và chết như con người, nên Ngài hiểu con người phải làm gì, phải có thái độ và chọn lựa nào để thời gian làm người là chuỗi ngày hạnh phúc, cuộc đời là hành trình bình an như lời chúc phục sinh của Ngài (x.Ga 20,19).

Khi bàn về nguyên nhân của bất hạnh, các tôn giáo đều có  chung một kết luận: nguyên nhân chính gây ra bất hạnh cho con người  là lòng ganh ghét, hận thù. Các nhà nghiên cứu  cũng đồng ý với nhau: khi yêu thương, người ta trẻ, đẹp và khỏe mạnh. Trái lại, hận thù có sức tàn phá  với tốc độ khủng khiếp  nhan sắc, và sức khỏe, đồng thời  rút ngắn qũy  thời gian sống của con người đến mức khó lường. Nói nôm na, khi giữ trong lòng hình ảnh và việc làm của kẻ thù, chúng ta sẽ đã dại dột đem kẻ thù vào đời mình, vào trong nhà mình, để nó “tự tung tự tác” ngày đêm tàn sát, phá hoại những gì ta là, ta có, cho đến khi ta không còn là ta, và ta chẳng còn gì.

Tuy biết ganh ghét, hận thù không chỉ hủy hoại chính mình, mà còn tàn phá thời gian sống, khi biến đổi thân xác, tâm hồn  nên già nua, cằn cỗi, xấu xí,  yếu nhược, nhưng  rất ít người chịu đi tìm phương án giải quyết nguyên nhân, đào bới gốc rễ, truy tầm cội nguồn. Trái lại, hầu hết đều đổ lỗi cho thời gian, gán cho thời gian cái tội làm già đi, làm yếu đi, làm xấu đi đời mình. Tất nhiên, thân xác con người, theo luật tự nhiên, khi tuổi cao sẽ không tươi tắn, khỏe mạnh như khi còn trẻ, nhưng  thân xác ấy vẫn mang những nét tuơi thắm đặc biệt chỉ có ở những con người hạnh phúc với tâm hồn luôn trẻ đẹp, vì tràn đày yêu thương.

Quả thực, nếu Thiên Chúa là mùa xuân vĩnh cửu và là hạnh phúc viên mãn  như lời thánh vịnh: “Chúa ban cho đời ngươi  chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 102,5) ; và  là “Đấng đổi mới moị sự” , vì Ngài là Khởi Nguyên và Tận Cùng (x. Kh 21,5), thì chính Ngài sẽ ban cho  những ai tôn thờ Ngài tuổi xuân bất diệt. Và Ngôi Lời Thiên Chúa đã đích thân trao cho con người chìa khóa để đi vào mùa xuân thiên đàng ấy, khi ân cần căn dặn: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Khi căn dặn “bửu bối hạnh phúc” trên, Đức Giêsu biết rõ cái làm cho con người trở nên  cằn cỗi, khô héo, xấu xí chính là lòng hận thù, và kẻ làm cho người  ta ra già nua, điên rồ, chán nản, bất an chính là  kẻ thù hiện diện trong tim óc, bởi khi trái tim không còn là nơi cư ngụ của tình yêu, nhưng bị hận thù chiếm đóng; khi tâm hồn không còn là mái ấm bình an của tình thân, bạn hữu, nhưng trở thành sào huyệt, căn cứ địa  của đối phương, kẻ thù; khi trí khôn không còn tìm kiếm Chân Thiện Mỹ, nhưng đặc sệt mưu đồ, thủ đọan, thì đời người biến thành bãi chiến trường, sàn địa ngục, và cuộc sống chỉ  là  thời gian  bị giam cầm, hành hạ, xâu xé.

Khi dạy chúng ta yêu và cầu nguyện cho kẻ thù, Đức Giêsu không  muốn chúng ta hành động cách tiêu cực là chỉ buông bỏ, không bận tâm, không nặng lòng, nhưng một cách tích cực, Ngài muốn chúng ta đi xa với Ngài trên con đường đức ái với ước muốn biến hận thù thành yêu thương, biến  kẻ thù thành bạn hữu, và bằng hành động yêu thương của ý chí được nâng đỡ bởi Thánh Thần Tình Yêu.

Nhưng tại sao phải yêu và cầu nguyện? Thưa vì không ai có thể tự mình yêu được kẻ thù, bởi kẻ thù là kẻ đã làm tổn thương, xúc phạm và hãm hại ta; bởi kẻ thù là kẻ tàn phá những gì ta xây dựng; bởi kẻ thù là kẻ chỉ nuôi một ý đồ  là loại trừ, tiêu diệt ta, nên tự nhiên ta không thể yêu được kẻ thù; bình thường ta không thể đội chung trời với kẻ thù, mà chỉ với ơn sủng  siêu nhiên, với sức mạnh phi thường từ Thiên Chúa, ta mới có thể vượt qua “cái tôi tự nhiên” với những  lý luận  tự nhiên để quả cảm chọn điều Thiên Chúa muốn, mà không phải điều ta muốn. Nói cách khác, khi cầu nguyện cho đối phương, kẻ thù, ta đã đặt tất cả vấn đề  giữa ta và kẻ thù trước mặt Chúa và xin Ngài trực tiếp can thiệp; ta đã khiêm tốn biết mình bất lực trước đòi hỏi phải yêu kẻ thù, và ký thác tương quan căng thẳng, và đổ vỡ giữa ta với kẻ thù trong tay Chúa; ta đã nhẫn nhịn không tự mình xử lý kẻ thù, không tự ý “xuống tay” với kẻ thù, nhưng tôn trọng quyền quyết định của Chúa  trên các con cái  của Ngài, dù là con hư hay con ngoan, con hiền hay con dữ, con xấu hay con tốt, bằng “phó thác”  chính kẻ thù của ta, nhưng  là con Chúa, trong lòng thương xót của Cha trên trời, Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45), vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 102,8).

Như thế, cầu nguyện cho kẻ thù là cầu nguyện cho chính mình, để có ơn Chúa hầu  vượt qua những rào cản làm ý chí chùn chân, làm tinh thần chao đảo, làm trái tim  chuyếnh choáng, chênh vênh, làm  đức ái phân vân, do dự trước đòi hỏi yêu thương kẻ thù của Thiên Chúa, bởi không có bước chân nào dài hơn bước chân  “yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù” trên đường  “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) là đích tới của người môn đệ Đức Giêsu. Cầu nguyện và thương yêu kẻ thù còn là của lễ đẹp lòng Chúa hơn cả trong ngày đầu xuân, đồng thời là sắc xuân tươi trẻ, xinh đẹp Chúa muốn ban cho mỗi người.

Trong thánh lễ đầu năm mới, chúng ta cầu nguyện cho  thân nhân, ân nhân, bạn hữu còn sống hay đã qua đời, nhưng cũng không quên cầu nguyện cho tất cả những ai đã làm khổ chúng ta từ xưa đến nay, cả những kẻ thù lúc này còn đang rình rập giăng bẫy hãm hại. Và với lòng bác ái quả cảm, với trái tim bao dung, thương xót và tâm hồn quảng đại, hy sinh, chúng ta theo Chúa bước vào năm mới, đến với mọi người, đến với kẻ thù, cũng là bước vào tuổi xuân tươi trẻ, xinh đẹp, tràn đầy sức sống và bình an của Thiên Chúa, là Chúa của muà xuân thiên đàng.

Jorathe Nắng Tím 

 

 

 

Bài viết liên quan

Mùa Phục Sinh

TMĐP- Xin cho chúng con “biết đặt niềm tin và hy vọng vào Chúa” trên mọi nẻo đường, vì bất cứ ở đâu, và...

Cảm thức

TMĐP- Hình ảnh Mẹ Việt Nam, cũng là hình ảnh người phụ nữ một đời chỉ biết hết mình, hết tình Hy Sinh: hy...

Giáo hội

TMĐP- Bài viết sẽ giúp quý Bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa danh hiệu “Mẹ Đức Giêsu Thiên Chúa làm người” theo...

Giáo hội

TMĐP- Chiến thuật “Đánh lận con đen”. Vừa ở trong, vừa ở ngoài, nghĩa là tuyên bố ở trong Hội Thánh, nhưng không tuân...